Trồng xoài trong chậu như trồng cây cảnh, ai ngờ một ông nông dân Đồng Tháp có tiền như trúng số
Lạ mà hay: Trồng xoài trong chậu như trồng cây cảnh, một ông nông dân ở Đồng Tháp "hốt bạc"
Thứ năm, ngày 03/03/2022 14:11 PM (GMT+7)
Đam mê với cây kiểng bonsai và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm nên anh Lê Văn Lẹ ở xã Tân Dương (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) mạnh dạn đưa cây xoài lên chậu để làm kiểng bonsai.
Anh Lẹ (xã Tân Dương (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)) được xem là người đầu tiên ở xã Tân Dương thực hiện mô hình trồng xoài kiểng trong chậu này.
Năm 2018, anh chọn giống xoài cát Hòa lộc để thực hiện mô hình trồng xoài trong chậu với 800 cây, vì theo anh, giống xoài này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương lại vừa có giá trị kinh tế cao.
Trồng xoài trong chậu khó là ở khâu chăm sóc. Cách tạo dáng thế cũng như các loại cây kiểng khác, phải kiên trì, mạnh dạn ép, sửa cành tạo tán cho cây đẹp.
Trồng xoài trong chậu nên diện tích nhỏ, đất ít, vì thế việc đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây xoài sinh trưởng và phát triển tốt là vấn đề quan trọng nhất.
Anh Lẹ cho biết: Trồng xoài trong chậu lúc nào cũng có cảm giác thiếu dinh dưỡng cho cây phát triển, nên mình mạnh dạn thay đổi chất trồng thay thế cho đất, vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa tạo môi trường cho cây phát triển thuận lợi.
Đất trồng xoài trong chậu được phối hợp giữa phân rơm, tro trấu, xơ dừa... với tỷ lệ thích hợp, đồng thời kết hợp thêm phân chuồng.
1 cây xoài trồng 2 năm là có thể xuất bán, tính đến nay, anh Lẹ đã bán được 2 lô xoài trồng trong chậu với 600 cây cho thương lái, giá bán từ 400.000 - 500.000 đồng/chậu.
Do chi phí đầu tư thấp nên thu nhập mang về từ mô hình trồng xoài trong chậu này tương đối cao.
Anh Lẹ cho biết thêm, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng xoài bonsai trong chậu này, do lợi nhuận cao và bền, ít rủi ro hơn các cây khác, trừ chi phí lợi nhuận từ mô hình đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Tham quan mô hình trồng xoài trong chậu của anh Lẹ, ông Nguyễn Tấn Tài - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Dương (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Đây là mô hình mới cho hiệu quả kinh tế cao và có thể sẽ nhân rộng trong hội viên. Anh Lẹ sẽ giúp đỡ cho Hội Nông dân hướng dẫn kỹ thuật để nhân rộng mô hình”.
Với lòng đam mê, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của mình, anh Lê Văn Lẹ đã giúp nâng cao giá trị kinh tế của cây xoài quê nhà, góp phần đa dạng các mặt hàng hoa kiểng ở địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.