"Chỉ cần một bữa ăn sáng thật no"

Nhớ lại những tháng ngày thăng trầm giữa đỉnh dịch Covid-19 tại TP.HCM, ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy kể lại, từ đầu tháng 7/2021, khi tháp tùng ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đến các bệnh viện điều trị Covid-19 tại Củ Chi, Cần Giờ, nhận thấy đội ngũ y bác sĩ ở đây thiếu thốn nhiều vật dụng sinh hoạt, phòng công tác xã hội được giao nhiệm vụ "bếp núc" để tiếp sức anh em.

Đến giữa tháng 7, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 1.000 giường được thiết lập. "Tôi nhớ như in chuyến xe đầu tiên xuống Bệnh viện Hồi sức Covid-19 vào chiều 15/7. Trời mưa tầm tã, chúng tôi mang những cái bánh, ly cà phê, chai nước đầu tiên xuống cho anh em. Thời điểm đó bắt đầu "hội quân" các miền Bắc, Trung, Nam về Bệnh viện Hồi sức", anh Hiển chia sẻ.

Lan toả những yêu thương - Ảnh 1.

Những bữa ăn đủ chất, đủ lượng được cung cấp hàng ngày cho đội ngũ tuyến đầu. Ảnh: B.V

Từ ngày đó, phòng Công tác xã hội liên tục nhận được những tin nhắn yêu cầu tiếp sức, cần trợ giúp, cần hỗ trợ của anh em bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 và khoa Bệnh nhiệt đới tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. "Có những tin nhắn rớt nước mắt, như khi anh Trần Thanh Linh (giám đốc chuyên môn Bệnh viện Hồi sức Covid-19) nói với tôi: "Anh chỉ thèm ổ bánh mỳ bệnh viện", hay điều dưỡng Lê Cung Khanh nhắn thiết tha: "Anh Hiển ơi, em hết sữa rồi", anh Hiển kể.

Điều mà các anh chị em phòng Công tác xã hội vui nhất là đến ngày 26/7, anh em đã lo được 250 bữa ăn sáng đầy đặn, đủ chất, đủ no mỗi ngày cho lực lượng tuyến đầu tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. "Chế độ ăn sáng lúc đó cho anh em chỉ là cái bánh bao, gói xôi kèm hộp sữa, trong khi anh em nói với tôi: Chỉ cần một bữa ăn sáng thật no, vì họ cần đủ năng lượng, đủ sức sau khi lồng vào người bộ đồ bảo hộ cấp 3, cấp 4 cho ca trực 8 tiếng không nghỉ".

Thời điểm đó, mọi thứ đều rất khó khăn, thiếu thốn, các bệnh viện phải tiết kiệm từng bộ đồ bảo hộ, từng chiếc khẩu trang N95. Nếu nghỉ giải lao để ra ngoài ăn miếng cơm, uống miếng nước là coi như bỏ đi 1 bộ đồ, 1 khẩu trang. Vì thế, mỗi y bác sĩ khi vào ca trực đều cố gắng làm hết 8 tiếng rồi mới nghỉ. Thấu hiểu nỗi lòng đồng nghiệp, anh Hiển và các nhân viên công tác xã hội đã dốc sức để mỗi buổi sáng, các y bác sĩ, điều dưỡng có suất ăn nóng sốt lúc 6h trước khi vào ca trực chiến.

Không chỉ có vậy, các "bàn tiếp thực" được liên tiếp triển khai tại hai khu vực phòng đệm nghỉ giải lao của bệnh viện và khu nhà nghỉ, lưu trú cho nhân viên y tế. Tại các bàn tiếp thực luôn có trứng tươi, trứng luộc, trái cây, bánh, nước, sữa… để bác sĩ, điều dưỡng khi hết ca có ngay đồ ăn để nạp năng lượng.

img
img
img
img
img

"Bàn tiếp thực" không chỉ cung cấp bánh, sữa, trái cây mà còn là nơi chia sẻ yêu thương. Ảnh: B.V

"Lần đầu tiên chúng tôi chuyển trà sữa xuống Bệnh viện Hồi sức Covid-19, nhìn niềm vui lấp lánh rực rỡ sau khẩu trang của anh em, chúng tôi hết cả mệt mỏi. Trong những ngày đó, anh em nói với chúng tôi: Trà sữa còn hơn cả doping", anh Hiển vui vẻ kể.

Nhịp cầu lặng lẽ trong cơn bão dữ

Ngày 27/7/2021, Đoàn Đỗ Hạ Huyên, nhân viên Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin về bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho người nhà đang ngóng tin ở ngoài.

Khi số điện thoại "Tìm người bệnh Covid của Bệnh viện Chợ Rẫy, Hồi sức" được công bố qua số 0888561080 cùng fanpage Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Huyên liên tục nhận được các tin nhắn. Người nhà cung cấp họ tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại đăng ký nhận tin người bệnh, thời gian nhập viện của bệnh nhân. Từ đây, chị tra cứu thông tin, xác minh và báo lại cho họ.

Là người đã có gia đình và có con nên chị Huyên rất đồng cảm với những thân nhân người bệnh. Có trường hợp chị Huyên chỉ nắm được tên tuổi, địa chỉ kèm thông tin mơ hồ rằng "người nhà bị Covid-19 được đưa vào viện, nhưng không rõ viện nào, xin nhờ tìm giúp". Chị Huyên kể, mỗi dòng tin nhắn gửi đến chị đọc đều toát lên niềm mong mỏi, sự tha thiết, khắc khoải.

img
img
img
img
img

Hạ Huyên cùng các nhân viên Công tác xã hội đảm nhiệm "nhịp cầu" giữa "bão dữ". Ảnh: B.V

"Ngày đầu tiên tôi nhận nhiệm vụ, cuộc điện thoại đầu tiên tôi tiếp nhận là của một cô gái trẻ đi tìm cha mình. Ông mắc Covid-19, bị chuyển qua nhiều bệnh viện nên không biết ở đâu. Khi tôi tìm được thông tin thì bệnh nhân này đã tử vong. Ngày tôi báo tin tìm được người thân cho cô gái đó cũng chính là lúc báo tử. Tiếng khóc oà của cô gái đó đến giờ vẫn ám ảnh tôi", chị Huyên tâm sự.

Cứ như vậy, chị Huyên cùng các đồng nghiệp đã trở thành nhịp cầu nối tới người thân bên ngoài "chiến tuyến". Mỗi ngày chị trả lời hàng trăm tin nhắn của người nhà các bệnh nhân. Có những lúc chị không thể tránh được stress khi phải báo đến 4-5 tin báo tử cho một gia đình. Đã có lúc quá căng thẳng, chị muốn nghỉ việc, nhưng nghĩ đến những gia đình ngoài kia đang từng giờ từng phút ngóng tin người thân, chị lại cố gắng.

Ngoài những kỷ niệm buồn, chị cũng có niềm vui với công việc và nó là động lực để chị lấy lại tinh thần và cố gắng. Huyên kể lại câu chuyện trong hơn 1 tháng, chị liên tục trao đổi thông tin với một bạn đang có mẹ điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Khi Huyên tìm được thông tin bệnh nhân, người mẹ đang trong tình trạng nguy kịch, nằm ở khoa hồi sức tích cực. 

Lan toả những yêu thương - Ảnh 4.

ThS Lê Minh Hiển (phải) trao đổi thông tin cùng đồng nghiệp. Ảnh: B.V

"Ngày nào bạn đó cũng nhắn tin hỏi thăm tình hình của mẹ mình, biết tôi rất bận nên bạn rất có ý, thường nhắn khoảng 10h tối, khi tôi đã khá rảnh. Và ngày nào cũng có một lời chúc ngủ ngon cho tôi. Suốt 1 tháng trời ngày nào cũng nhắn tin, tôi quen đến mức chỉ cần có thông tin về bệnh nhân đó là tự động gửi cho bạn, chưa cần bạn phải hỏi. Điều kỳ diệu là sức khoẻ của mẹ bạn chuyển biến tốt dần, 1 tháng sau, bác được xuất viện. Bạn nhắn tin: Em muốn nhắn gửi lòng biết ơn đến ad đã giúp em giữ liên lạc với mẹ em suốt thời gian qua ở Chợ Rẫy… Mong mọi điều tốt lành luôn đến với mọi người. Cám ơn vì tất cả", Huyên chia sẻ.

Bên cạnh Huyên, Phòng Công tác Xã hội của Bệnh viện Chợ Rẫy còn có những nhân viên khác đã túc trực từ đầu mùa dịch đến nay để làm cầu nối thân nhân, gia đình và bệnh nhân. Chính sự chia sẻ, lắng nghe, tận tâm của họ đã giúp người nhà bệnh nhân giảm bớt nỗi đau, ổn định tâm lý và nhen lên những hy vọng để vượt qua những thời khắc khó khăn.

Những chuyến xe 0 đồng và bộ quần áo, đôi dép nghĩa tình

Suốt những ngày cuối tháng 7 đến hết tháng 9/2021, trước khu vực cổng Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP.Thủ Đức) luôn có những chiếc xe chờ sẵn chở các bệnh nhân Covid-19 từng "thập tử nhất sinh" trở về gia đình.

Lan toả những yêu thương - Ảnh 5.

Chuyến xe 0 đồng chở bệnh nhân Covid-19 xuất viện. Ảnh: B.V

Bước ra khỏi cửa bệnh viện, khuôn mặt các bệnh nhân ai nấy đều rạng rỡ, mắt lấp lánh niềm vui vì đã chiến thắng bạo bệnh. Không những vậy, họ còn cảm thấy hạnh phúc bởi được trở về nhà trên những chuyến xe 0 đồng, cùng những bộ quần áo thơm tho, sạch sẽ được thêu dòng chữ "Bệnh viện Hồi sức Covid-19" với sự phục vụ tận tình, chu đáo.

Ít ai biết được rằng, đó là sáng kiến độc đáo của phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy. ThS Lê Minh Hiển cho biết, theo quy trình của bệnh viện, sau khi bệnh nhân test RT-PCR ổn thì bệnh viện sẽ cho bệnh nhân xuất viện. Phòng Công tác xã hội được biết lịch xuất viện của bệnh nhân trước một ngày và sẽ liên hệ với gia đình để thông báo lịch xuất viện để người thân đến đón bệnh nhân về.

"Tuy nhiên, vào thời điểm cuối tháng 7 đó, khi chúng tôi liên lạc với người nhà bệnh nhân thì hầu hết các gia đình bệnh nhân đều không thể đến đón bệnh nhân xuất viện. Người thì đang ở trong khu cách ly, có gia đình cả nhà đang điều trị mắc Covid-19. Thời điểm đó, toàn TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, người nhà các bệnh nhân dù có phương tiện cũng không thể đến được Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đón người thân của mình về đoàn tụ.

img
img
img
img
img

Bệnh nhân Covid-19 ra viện với những bộ quần áo mới, lặng lẽ lan toả những thương yêu. Ảnh: B.V

Xuất phát từ thực tế đó, tôi đã kiến nghị và đề xuất thực hiện những chuyến xe 0 đồng đưa bệnh nhân về nhà. Từ ngày 30/7/2021, phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM do luật sư Trần Thị Ngọc Nữ kết nối để thực hiện những chuyến xe yêu thương chở bệnh nhân về nhà. Có ngày kỷ lục lên tới 35 bệnh nhân được xuất viện", anh Hiển cho biết.

Theo thống kê, trong suốt khoảng thời gian từ 31/7 đến 31/10/2021, Phòng Công tác Xã hội đã thực hiện được hơn 300 chuyến xe 0 đồng với hơn 1.000 bệnh nhân được xuất viện.

"Việc đưa đón những người được xuất viện như vậy tạo cho người bệnh một niềm tin, sự chia sẻ không chỉ đến từ y bác sĩ, các tình nguyện viên mà còn là của cả cộng đồng dành cho họ. Nó thể hiện nghĩa tình của người dân TP.HCM nói chung và Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng. Với chúng tôi, những người làm trong bệnh viện, cố gắng làm những việc có tên hay không tên, thầm lặng hay không thầm lặng, miễn làm sao người bệnh được xuất viện trong niềm vui của họ. Những nụ cười cùng lời cảm ơn của bệnh nhân chính là những món quà ý nghĩa đối với chúng tôi, khiến chúng tôi thật sự xúc động. Đó là nguồn năng lượng, tiếp sức cho chúng tôi cho đến nay", anh Hiển chia sẻ.

Ngoài những chuyến xe 0 đồng, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cung cấp những bộ quần áo, giày dép cho các bệnh nhân khi xuất viện. Theo quy định, khi bệnh nhân ra viện sẽ có người nhà mang quần áo sạch đến để thay và đón ra viện. Nhưng giữa đỉnh dịch căng thẳng, hàng trăm bệnh nhân không có người đón, không có quần áo để thay, các anh chị phòng Công tác xã hội lại âm thầm kết nối để có những bộ đồ tươm tất, đôi dép sạch cho mỗi bệnh nhân khi ra viện.

Lan toả những yêu thương - Ảnh 7.

Niềm vui của y bác sĩ tuyến đầu khi được chăm lo chu đáo. Ảnh: B.V

"Giai đoạn thành phố giãn cách nghiêm ngặt, có những đêm chỉ có mình tôi chạy xe chở đằng sau những bọc quần áo, dép cho bệnh nhân. Trời lạnh mà lòng mình thật ấm", anh Hiển tâm sự.

Làn sóng dịch thứ 4 đã qua đi. Các bệnh viện dã chiến, hồi sức Covid-19 đã hoàn thành sứ mạng lịch sử với những gian khó, mất mát, hy sinh không thể đong đếm. Bằng những việc làm nhân văn thầm lặng, không ồn ào, phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy đã cùng các y bác sĩ, tình nguyện viên viết nên nên câu chuyện đẹp đi qua mùa "bão dữ". Và cứ như vậy, những câu chuyện đầy tình thương yêu, đầy nhân văn đã lặng lẽ lan toả, nhân rộng trong những ngày lịch sử của đại dịch.

Bạch Dương thực hiện

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem