Những ký ức kinh hoàng qua lời kể "người mẹ" nhặt hơn 40.000 thai nhi ngoài bãi rác về chôn cất (Bài 1)

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 19/09/2022 09:30 AM (GMT+7)
Suốt 13 năm qua, bà Đỗ Thị Cúc (ở huyện Lý Nhân, Hà Nam) đã nhặt hơn 40.000 thai nhi về chôn cất. Bà xúc động kể "Có con không còn nguyên vẹn nhưng bàn tay nhỏ nhắn vẫn níu tay tôi. Hôm đó, tôi đưa con về nhà vừa đi vừa khóc không ngừng..."
Bình luận 0

LTS: Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 – 19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%. Trong khi đó, 20-30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60-70% là sinh viên, học sinh. Những cô gái tuổi 20 tự vứt bỏ thiên chức làm mẹ, có người đã vĩnh viễn không thể có con được nữa…

Loạt bài "Người mẹ của hơn 40.000 thai nhi và những đứa trẻ hồi sinh từ cõi chết" được đăng tải trên Báo Dân Việt phần nào nói lên thực trạng đáng buồn về nạo phá thai. Vậy đâu là giải pháp để tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên không còn những việc đau lòng tương tự xảy ra?

"Người mẹ" của hơn 40.000 xác thai nhi

Gần trưa một ngày giữa tháng 9, bà Đỗ Thị Cúc (52 tuổi, ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) trở về nhà sau khi rong ruổi trên chiếc xe máy cũ đi khắp các khu vực lân cận như phòng khám, bãi rác ở Hà Nam hay Hưng Yên để thu nhặt xác thai nhi về chôn cất. Ít ai biết rằng, công việc ấy bà đã âm thầm làm suốt 13 năm qua.

Những ký ức kinh hoàng qua lời kể "người mẹ" nhặt hơn 40.000 thai nhi bị tước sự sống về chôn cất. Clip: Gia Khiêm

Trong ngôi nhà nằm nép mình ở góc làng Phú Đa, bà Cúc dành một gian nhỏ để chứa các vật dụng từ quần áo, tất tay, tất chân cùng những chiếc tiểu chất ngoài sân để lo hậu sự cho những đứa trẻ đáng thương, trong đó nhiều đứa trẻ bị tước đoạt sự sống, vĩnh viễn không nhìn thấy cuộc đời này.

Những ký ức kinh hoàng qua lời kể "người mẹ" nhặt hơn 40.000 thai nhi ngoài bãi rác về chôn cất (Bài 1) - Ảnh 3.

Suốt 13 năm qua, bà Đỗ Thị Cúc (ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) vẫn luôn thầm lặng thu nhặt xác thai nhi về chôn cất. Ảnh: Gia Khiêm

Nước da ngăm đen dạn dày gió sương, bà Cúc bắt đầu kể cho chúng tôi những ký ức kinh hoàng về hành trình nhặt xác thai nhi của mình. Vào một buổi chiều hè 2009, trong lúc đang nhặt phế liệu tại bãi rác, bà Cúc tình cờ phát hiện một bọc nilon màu đen. Khi mở túi ra thì bất ngờ phát hiện 7 thai nhi nhỏ xíu nằm giữa bãi phế liệu. Trong đó có những em bé đã hình thành đủ mặt mũi, bàn tay nhỏ xíu. 

Những ký ức kinh hoàng qua lời kể "người mẹ" nhặt hơn 40.000 thai nhi ngoài bãi rác về chôn cất (Bài 1) - Ảnh 4.

Những thai nhi được bà Cúc đưa về tắm rửa, khâm liệm sạch sẽ trước khi chôn cất. Ảnh: Gia Khiêm

"Lúc đấy cả người tôi run bần bật. Nếu hỏi sợ không, đau xót không, bàng hoàng không,… tôi xin trả lời là có. Hình ảnh ấy đã ám ảnh, thôi thúc tôi phải làm gì đó cho các con. Tôi vẫn nhớ trong túi chỉ còn 38 nghìn phòng thân nhỡ xe thủng xăm. Thế nhưng thấy các cháu đỏ hỏn bị vứt bỏ, tôi liền lấy toàn bộ số tiền đó mua khăn trắng về nhà khâm liệm rồi chôn cất cẩn thận", bà Cúc chia sẻ.

Ngay ngày hôm sau khi biết tin bà Cúc phát hiện nhiều xác thai nhi, lực lượng công an đã tới nhà ngỏ ý hỏi địa điểm. Bà cùng mọi người ra khu vực trước đó kiểm tra thì lúc này toàn bộ bãi rác đã bị đốt cháy. 

Những ký ức kinh hoàng qua lời kể "người mẹ" nhặt hơn 40.000 thai nhi ngoài bãi rác về chôn cất (Bài 1) - Ảnh 5.

Những bộ quần áo, tất chân, tất tay cho trẻ xấu số được bà Cúc chuẩn bị cẩn thận. Ảnh: Gia Khiêm

"Mặc dù bãi rác khi ấy đã cháy nham nhở nhưng trong lòng tôi nghĩ chắc chắn các em vẫn còn. Trong khi mọi người loay hoay tìm kiếm tôi như có linh tính rồi đi thẳng tới cái bọc đen nằm ngay sát bờ sông. Tôi lôi lên thì thấy toàn bao tay, ốm tiêm, băng gạc dính máu. 

Lúc đó tôi hô tô: Các em đây rồi các bác ơi! Lúc này anh công an đáp lại: Đúng không cô ơi? Đúng rồi, đây rồi… Dở ra tôi phát hiện thêm 8 bé. Có những thai nhi còn lành lặn, cũng có những thai nhi bị thú hoang ăn mất nhiều phần cơ thể. Tôi kinh hãi và đau lòng khi thấy các con nằm tại nơi xú uế như vậy. Lúc đó tôi không kìm được lòng mình", bà Cúc xót xa nhớ lại.

Những ký ức kinh hoàng qua lời kể "người mẹ" nhặt hơn 40.000 thai nhi ngoài bãi rác về chôn cất (Bài 1) - Ảnh 6.

Những thai nhi được bà Cúc đánh dấu ngày tháng năm đưa về nhà. Ảnh: Gia Khiêm

Kể từ hôm đó, cái duyên công việc "bất đắc dĩ" thu nhận những sinh linh bé nhỏ bị nạo bỏ đến với bà Cúc như một định mệnh. Thấy những thai nhi bị bỏ rơi vô tội, người phụ nữ này mang nhiều đắn đo suy nghĩ. Bà quyết định chia sẻ với chồng và mẹ già về việc mình sẽ làm. Nghe vợ nói, ông Trần Thuyến không ngăn cản mà khuyên "hãy cứ làm vì cái tâm của mình".

"Tôi tìm đến các phòng khám, bãi rác trước tiên tìm kiếm xem có thai nhi nào không sau mới nhặt phế liệu. Tôi nhớ có lần xuống bệnh viện huyện ra nhà thiêu rác thải lượm, bới. Lúc đầu tôi thấy rau thai sau lượm được mấy bé. Sau trận đó tôi mò mẫm đi từ 4 giờ sáng đến các điểm người ta vứt lượm về. Nếu không số thai nhi ấy lại lẫn vào rác thải tội cho các con", bà Cúc nhớ lại.

Những ký ức kinh hoàng qua lời kể "người mẹ" nhặt hơn 40.000 thai nhi ngoài bãi rác về chôn cất (Bài 1) - Ảnh 7.

Bao năm qua bà Cúc đã không ít lần xúc động, rơi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh những thai nhi tội nghiệp. Ảnh: Gia Khiêm

Nghĩ những sinh linh tội nghiệp bị vứt bỏ, ngay đến một chốn yên nghỉ cũng không có. Từ đó, bà Cúc đã đạp xe đi từng bãi rác, bệnh viện để mang về chôn cất. Hôm ít thì bà nhặt vài bé, lần nhiều lên đến gần 60 bé trong một ngày, nhất là ở các bệnh viện, phòng khám, cả trong và ngoài tỉnh. Bà cho số điện thoại để ai có nhu cầu bỏ thai thì gọi đến.

"Ban đầu nhiều người dân trong vùng biết tin còn nói tôi gàn giở, trần gian có một. Tôi cứ thầm lặng đưa thi hài các con về chôn cất không nói với ai. Có người còn nghĩ tôi làm việc xấu. Đến các bệnh viện chờ đợi mãi họ mới cho đưa thai nhi về chôn cất. Sau đó các bệnh viện hiểu được công việc tôi làm, đã chủ động gọi điện đến đưa các con về chôn cất. Tôi luôn mong những chuyến đi của mình về tay trắng hoặc càng ít càng tốt", bà Cúc chia sẻ.

"Người mẹ" nhặt xác thai nhi và những nỗi đau ám ảnh

Những cuộc gọi nhặt xác thai nhi bất kể giờ giấc, có lúc nửa đêm, có ngày mưa phùn gió bấc hay nắng cháy da thịt bà Cúc không quản ngại. Bà bảo đến như thế còn hơn để các con bị vứt bỏ ngoài bãi rác tội nghiệp.

Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, bà Cúc đặt các em trong những chiếc hộp nhựa, sau đó một năm thì bắt đầu mua tiểu chôn cất. Nhiều khi bí tiền, bà mua những miếng khuôn xi măng rồi ghép lại thành tiểu, đỡ đồng nào hay đồng đó.

Những ký ức kinh hoàng qua lời kể "người mẹ" nhặt hơn 40.000 thai nhi ngoài bãi rác về chôn cất (Bài 1) - Ảnh 8.

"Có con không còn nguyên vẹn nhưng bàn tay nhỏ nhắn vẫn níu tay tôi. Hôm đó, tôi đưa con về nhà vừa đi vừa khóc không ngừng...", bà Cúc xót xa nhớ lại.

Đến nay đã 13 năm trời trôi qua, bà Cúc nhặt được hơn 40.000 xác thai nhi đưa về nhà chôn cất. Từng nấy năm bà cũng trải qua vô vàn những ký ức mà có làm công việc này bà mới cảm nhận được phía sau phòng nạo phá thai là những sinh linh tội nghiệp.

"Tôi nhớ một lần, một cháu bé đã 7,8 tháng tuổi nhưng bị phá bỏ. Thi thể con không còn nguyên vẹn nhưng bàn tay nhỏ nhắn của con nắm lấy ngón tay tôi. Hôm đó, tôi đưa con về nhà vừa đi vừa khóc không ngừng. Ông trời cho con được hình thành nhưng không cho con được làm người, được nhìn thấy ánh mặt trời, được sống… Những trường hợp thai nhi đã lớn nhìn rất thương tâm", bà Cúc xúc động kể lại.

Những ký ức kinh hoàng qua lời kể "người mẹ" nhặt hơn 40.000 thai nhi ngoài bãi rác về chôn cất (Bài 1) - Ảnh 9.

Dây sữa, gói bánh ai đó để lại trên những phần mộ. Ảnh: Gia Khiêm

Thậm chí có lần bà Cúc chứng kiến thấy cảnh một đôi nam nữ vô cảm cầm bịch nilon chứa thai nhi vứt thẳng vào bãi rác. Khi bà chạy tới kiểm tra thì đôi nam nữ này đã vội vàng rời đi…

"Tháng trước tôi lên tận bãi rác ở thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên tìm kiếm phát hiện em bé nặng 2,7kg bị vứt bỏ ở đây rất tội nghiệp. Hôm đó tôi đưa về tắm rửa, mặc quần áo cho các con. Như đây là cặp bé trai sinh đôi được 16 tuần tuổi tôi đưa từ Hưng Yên về. Nhìn hình ảnh con bị can thiệp bị cắt rời các bộ phận đau thương lắm. Tôi về tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo, đeo tất tay, tất chân cho các con. Bé nào không lành lặn thì tôi xếp đủ đồ gói ghém cùng", bà Cúc nói.

Những ký ức kinh hoàng qua lời kể "người mẹ" nhặt hơn 40.000 thai nhi ngoài bãi rác về chôn cất (Bài 1) - Ảnh 10.

Những bông hoa được đặt lên phần mộ thai nhi. Ảnh: Gia Khiêm

Nói rồi bà dẫn chúng tôi ra nghĩa trang nơi chôn cất những sinh linh tội nghiệp. Trong thâm tâm bà Cúc bao năm qua vẫn luôn thầm lặng làm công việc mà mỗi khi nhắc đến ai cũng sợ và xót xa này. 

"Ngoài công việc nhặt phế liệu tôi còn tự tay làm 2 mẫu ruộng. Được cái ông trời cho sức khoẻ nên bao năm qua tôi cũng không đau ốm gì. Cách đây mấy ngày tôi phải đi viện nằm điều trị xong giờ thì sức khoẻ tốt đi nhiều. Tôi lại tiếp tục hành trình đi nhặt xác thai nhi về chôn cất. 

Có lúc, một nghìn tiền xăng không có đủ tôi đi nhặt ve chai bán kiếm vài chục đổ xăng rồi đi tiếp, có lần phải dắt bộ 5-6km… nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc. Tôi mong ôm được các bé về với gia đình chôn cất cẩn thận. Mong sao những bà mẹ biết con mình, về thắp cho các con nén hương", bà Cúc chia sẻ thêm.

Còn nữa!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem