Mối quan hệ "tay ba" giữa Bầu Thuỵ, Him Lam của gia đình ông Dương Công Minh và LienVietPostBank

Thanh Giang Thứ ba, ngày 20/04/2021 14:00 PM (GMT+7)
Khi thông tin Bầu Thuỵ sẽ được bầu bổ sung vào thành viên HĐQT của LienVietPostBank, dữ liệu của Dân Việt cho thấy mối quan hệ giữa Thaiholdings, Him Lam của gia đình ông Dương Công Minh và LienVietPostBank đã xuất hiện từ nhiều năm trước.
Bình luận 0

 Mối quan hệ giữa bầu Thuỵ và HimLam của gia đình ông Dương Công Minh

Tháng 11/2020, Nguyễn Đức Thuỵ (Bầu Thuỵ) xuất hiện trong nghi thức đánh cồng mừng phiên giao dịch đầu tiên cổ phiếu LBP của LienVietPostBank. Tháng 2/2021, Bầu Thuỵ được biết đến là cổ đông có ảnh hưởng lớn đến LienVietPostBank.

Trong bài "Vai trò của Bầu Thuỵ ở LienVietPostBank" cho thấy, ông Nguyễn Đức Thuỵ (bầu Thụy) đã có những "sắp xếp" liên tục từ năm 2019 đến năm 2020 để sẵn sàng cho vai trò và vị trí mới của mình tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Hồ sơ về nhân sự chủ chốt bổ sung của LienVietPostBank đến nay có thể nói đã hoàn tất các quy trình cần thiết theo yêu cầu của các cơ quan chức năng trước khi trình lấy biểu quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Lịch sử cho thấy, đại gia đình Bầu Thuỵ đã có mối quan hệ mật thiết với LienVietPostBank từ nhiều năm trước khi cha của Bầu Thuỵ, ông Nguyễn Xuân Thành là khách hàng lớn có nhiều sổ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng tại LienVietPostBank trong nhiều năm liền.

Bên cạnh đó, Tôn Đản Hà Nội, đơn vị mà Thaiholdings (sau khi đã sáp nhập Thaigroup) đang nắm giữ hơn 80% cổ phần vốn có mối quan hệ chặt với CTCP Him Lam, tổ chức từng được biết đến là cổ đông lớn nhất của LienVietPostBank (Báo cáo thường niên LienVietPostBank 2015) và ông Dương Công Minh từng là Chủ tịch HĐQT đầu tiên.

Mối quan hệ giữa "tay ba" Bầu Thuỵ, Him Lam của gia đình ông Dương Công Minh và LienVietPostBank - Ảnh 1.

Quan hệ của Bầu Thuỵ và Tập đoàn Him Lam của gia đình ông Dương Công Minh đã có từ nhiều năm trước

Tuy nhiên, tương lai nào cho LienVietPostBank khi dấu ấn sâu sắc nhất của ông Nguyễn Đức Thuỵ để lại trên thương trường chính là "ông bầu" bóng đá và thương vụ tương tự "niêm yết cửa sau" cho ThaiGroup tại Thaiholdings vừa diễn ra cách đây không lâu? 

Từ thâu tóm đất vàng đến "game" niêm yết của bầu Thuỵ

CTCP Thaiholdings (Thaiholdings, HNX: THD) được thành lập vào tháng 3/2011 dưới tên gọi CTCP Đầu tư và Phát triển Kinh Thành, có ngành nghề chính vận tải hàng hoá bằng ô tô chuyên dụng, với vốn điều lệ 389 tỷ đồng.

Theo Thaiholdings, ở thời điểm ban đầu, việc thu xếp vốn của các cổ đông còn gặp nhiều khó khăn nên vốn thực góp tại thời điểm đăng ký kinh doanh hơn 136,9 tỷ đồng. Vào tháng 9/2016, Công ty Kim Thành đổi tên sang Thaiholdings và thay đổi mô hình hoạt động từ thương mại sang đầu tư tài chính và hợp tác kinh doanh.

Tháng 4/2019, Thaiholdings tăng vốn mạnh lên 539 tỷ đồng và ông Nguyễn Đức Thuỵ (bầu Thuỵ) được bầu làm chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Dưới sự lèo lái của Bầu Thuỵ, vốn tăng thêm được Thaiholdings đầu tư nắm giữ 19,52% vốn CTCP Tôn Đản Hà Nội và 17,2% vốn CTCP Du lịch Kim Liên. Trong đó, Tôn Đản Hà Nội là đơn vị đang sở hữu tòa nhà tại số 210 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội; và Du lịch Kim Liên sở hữu tổ hợp khách sạn tại khu đất vàng số 5-7 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.

Tháng 6/2020, Thaiholdings chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Tháng 8/2020, Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2/2020 của Thaiholdings thông qua việc mua lại 204 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn Thaigroup (Thaigroup), tương ứng 81,6% vốn điều lệ của Thaigroup. Và thương vụ mua 81,6% vốn của Thaigroup kỳ lạ ở chỗ hầu hết các cổ đông chuyển nhượng cổ phần Thaigroup cho Thaiholdings chấp nhận cho Thaiholdings "nợ".

Ngày 15/12/2020, Thaigroup đã là công ty con của Thaiholdings. Thuyết minh báo cáo tài chính của Thaiholdings cho biết, Thaiholdings đầu tư 3.060 tỷ đồng để mua 204 triệu cổ phiếu Thaigroup, giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Tại ngày 31/12/2020, Thaiholdings phải trả ngắn hạn các cá nhân tiền nhận chuyển nhượng cổ phần 2.954 tỷ đồng là của các ông bà: Nguyễn Đức Thuỵ 1.220 tỷ đồng; Trịnh Văn Thiệm 280 tỷ đồng; Nguyễn Văn Tân 280 tỷ đồng; Trịnh Văn Quynh 240 tỷ đồng; Nguyễn Văn Hà 210 tỷ đồng; Trịnh Thị Hoài Phương 196 tỷ đồng; Trịnh Văn Hải 180 tỷ đồng; Nguyễn Cao Cường 180 tỷ đồng; Đinh Duy Quỳnh 168 tỷ đồng.

Dấu ấn của bầu Thuỵ trên thương trường nhìn từ “game” niêm yết Thaigroup - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp Bản cáo bạch, Báo cáo tài chính kiểm toán 2020

Ngày 20/01/2021, Thaiholdings hoàn thành việc phát hành và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Theo đó, số lượng cổ phiếu đã bán thành công cho cổ đông hiện hữu là 296.100.000 cổ phiếu, tương ứng với mệnh giá 2.961 tỷ đồng, giá chào bán bằng mệnh giá. Tổng số tiền thu ròng về đợt phát hành cổ phiếu là gần 2.961 tỷ đồng. Ở thời điểm phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, Thaiholdings đã thanh toán tiền mua cổ phần Thaigroup cho các cá nhân 2.954 tỷ đồng nói trên.

Mặc dù tháng 2/2020, Bầu Thuỵ rời ghế chủ tịch Thaiholding. Việc từ nhiệm chủ tịch HĐQT tại Thaiholdings được cho là chuẩn bị cho vị trí mới của Bầu Thuỵ ở tổ chức khác, mà cụ thể là ở LienVietPostBank. Bầu Thuỵ vẫn là cổ đông lớn nhất tại Thaiholdings ngay cả khi Thaiholdings mua lại 81,6% vốn Thaigroup. 

Việc Thaiholdings ra quyết định mua lại 204 triệu cổ phiếu Thaigroup ngay sau khi niêm yết cổ phiếu THD trên sàn HNX không lâu bằng việc phát hành thêm hơn 296 triệu cổ phiếu THD khiến các nhà phân tích tài chính quan ngại về khả năng Bầu Thuỵ lách các quy định để niêm yết 204 triệu cổ phiếu Thaigroup trên HNX thông qua THD. Qua đó, tính minh bạch của Thaigroup đã bị làm mờ.

Lưu ý rằng, ở thời điểm năm 2016 Thaiholdings đầu tư Tôn Đản Hà Nội và Du lịch Kim Liên, Thaigroup cũng đã đầu tư chi phối Du lịch Kim Liên và Tôn Đản Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem