Một CLB do sinh viên lập ra, 14 năm bán bánh tráng, bán trái cây, bán quần áo cũ, góp nhặt tiền làm tình nguyện
CLB Tình nguyện Đom Đóm Đêm thành lập ngày 19/4/2009, là CLB chuyên trách mảng tình nguyện, trực thuộc khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-TP.HCM.
14 năm tự gây quỹ làm tình nguyện
Với sứ mệnh “Tắt đèn - Bật yêu thương”, CLB Đom Đóm Đêm là nơi kết nối những bạn sinh viên có chung chí hướng thiện nguyện. Trong suốt 14 năm hoạt động, CLB đã tạo dấu ấn bằng các hoạt động có ý nghĩa thiết thực, đóng góp về cả vật chất lẫn tinh thần cho những trẻ em và người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Bùi Thị Trang Thư (23 tuổi), Phó Chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ 2020-2021, nói về hành trình 14 năm phát triển của CLB: “Những gì mà CLB đạt được trong thời gian qua, thật sự rất ấn tượng. Từ một CLB chỉ có sức ảnh hưởng trong khoa, đã dần lan rộng đến các khoa khác, đến cấp trường và nhất là đến những miền đất xa xôi”.
CLB Tình nguyện Đom Đóm Đêm có hai chiến dịch thường niên nổi bật là “Tháng Tư Tình Nguyện” và “Trung Thu Yêu Thương”. CLB đã tổ chức 12 chiến dịch lớn nhỏ đến các địa phương khó khăn ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Tây Nam bộ, với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng.
Ngô Đặng Thúy Hằng (21 tuổi) - Chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ 2022-2023, chia sẻ: “Những gì Đom Đóm Đêm đã làm được, đạt được trong 14 năm qua, mình nghĩ không thể đo lường chính xác. Bởi lẽ, ngoài giá trị vật chất, CLB luôn chú trọng đến các giá trị tinh thần sẽ trao đến người dân và lan tỏa đến cộng đồng. Chúng mình luôn tìm cách tạo ra những giá trị thiết thực mà mới mẻ đến với người dân vùng sâu vùng xa”.
Anh Đồng Chí Nhân - Bí thư Đoàn xã Lê Trì, Tri Tôn, An Giang, chia sẻ về chiến dịch “Tháng Tư Tình Nguyện 2023” vừa diễn ra tại đây vài ngày trước. "CLB Tình nguyện Đom Đóm Đêm có hình thức tổ chức rất khác biệt và mới lạ, là tạo cho các em nhỏ sân chơi để học về tái chế rác thải, chơi các trò chơi dân gian và chụp hình kỷ yếu, để các em lưu lại kỷ niệm thời học sinh. CLB đã huy động được người dân quyên góp, xử lý số lượng lớn chai nhựa, rác thải nhựa, ngoài ra còn góp phần hoàn thiện hệ thống đèn đường”.
Bán bánh tráng, cơm cháy… lấy tiền đi làm tình nguyện
Được biết, để có kinh phí để đi làm tình nguyện, các thành viên CLB phải tự gây quỹ bằng nhiều hình thức. Trong đó điển hình là nhập và bán những mặt hàng như bánh tráng, cơm cháy, trái cây, quần áo cũ… Mặc dù không đem lại số tiền lớn, nhưng các thành viên CLB vẫn miệt mài, góp nhặt từng món tiền nhỏ.
Bên cạnh bán hàng, CLB cũng thực hiện kêu gọi tài trợ. Tuy nhiên, do là một CLB do sinh viên lập ra nên việc kêu gọi tài trợ còn gặp nhiều khó khăn.
Ngô Đặng Thúy Hằng (21 tuổi) - Chủ nhiệm CLB hiện tại, cho biết khó khăn lớn nhất trong mỗi lần làm chiến dịch là câu chuyện chi phí.
“Năm nay việc kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp khó khăn hơn rất nhiều. Nếu như các chương trình trước chúng mình có từ 5-8 nhà tài trợ đồng hành hoặc cao hơn, thì năm nay chúng mình chỉ kêu gọi được 4 nhà tài trợ.
Tình hình đó buộc chúng mình phải tự gây quỹ theo rất nhiều hình thức khác nhau: bán đồ ăn vặt, nước uống, sách giáo trình, gấu bông… cho đến livestream bán quần áo cũ, bán bộ tài liệu ôn thi”, Thúy Hằng cho biết.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tinh thần các bạn trong CLB Đom Đóm Đêm lúc nào cũng hừng hực khí thế khi nhắc đến hai chữ “tình nguyện”.
“Tất cả chúng mình đều là sinh viên, không giàu có, cũng không danh tiếng, nên thứ mà chúng mình có thể trao đi nhiều nhất chỉ là trái tim đầy ắp yêu thương và nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Khoảng thời gian mình thích nhất là lúc hoạt động tại địa phương. Chúng mình cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt chung với nhau, và cùng nhau tổ chức chương trình. Đó là lúc mình cảm nhận rõ nhất sợi dây gắn kết chúng mình lại với nhau, cảm nhận được tinh thần đoàn kết, tinh thần thiện nguyện từ tất cả mọi thành viên", Thúy Hằng tâm sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.