Nam sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử: Ước mơ về giảng đường Đại học quá xa vời với em

Mùa Xuân Thứ hai, ngày 01/08/2022 06:21 AM (GMT+7)
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, em Vừ A Phía (lớp 12A) Trường PTDT nội trú THCS & THPT Mai Sơn (Sơn La) đạt số điểm tuyệt đối môn Lịch sử. Nguyện vọng của em là được học chuyên ngành Giáo dục Tiểu học tại Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, thế nhưng ước mơ đó quá xa vời vì gia đình em rất nghèo.
Bình luận 0

Con đường đến gia đình em Vừ A Phía rất gian nan. Clip: Bốn Mùa

Đi bộ 20Km để tới lớp

Sơn La: Tiếng gọi từ nơi núi thẳm Huổi Lặp? - Ảnh 2.

Em Vừ A Phía (áo đen giữa) dân tộc Mông, học sinh lớp 12A, Trường PTDT nội trú THCS & THPT Mai Sơn, tỉnh Sơn La là một trong số 39 thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử tuyệt đối trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Mùa Xuân.

Ngày biết kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, với số điểm khá cao, em Vừ A Phía thấy buồn hơn là niềm vui. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không đủ tiền trang trải cho em nên cánh cửa học lên Đại học đang hẹp dần.

Thầy Phạm Văn Hảo - giáo viên Trường PTDT nội trú THCS & THPT Mai Sơn, chủ nhiệm lớp của em Vừ A Phía cho biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thành tích học tập, kết quả thi của em Phía đã đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử. 

Thầy Hảo nghẹn ngào gia cảnh của học trò: "Hoàn cảnh gia đình em Vừ A Phía rất khó khăn nên không biết gia đình Phía có cho Phía đi học tiếp nữa không?"

Sơn La: Tiếng gọi từ nơi núi thẳm Huổi Lặp? - Ảnh 3.

Con đường mòn về nhà em Phía cũng là con đường ngắn nhất trước đây Phía đã từng đi bộ hàng chục cây số để xuống trung tâm xã Chiềng Nơi học tập. Ảnh: Mùa Xuân.

Để gặp được cậu bé Vừ A Phía, chúng tôi đã nhờ thầy giáo chủ nhiệm Phạm Văn Hảo kết nối với gia đình em Phía, ở bản Huổi Lặp, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn.

Biết chặng đường xa, khó đi nên phóng viên Báo NTNN/điện tử Dân Việt phải xuất phát từ thành phố Sơn La lúc 5 giờ 30 phút sáng, chúng tôi vừa đi vừa hỏi đường người dân.

Sơn La: Tiếng gọi từ nơi núi thẳm Huổi Lặp? - Ảnh 4.

Bản vùng cao Huổi Lặp cách trung tâm xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn (Sơn La) hơn 20 km đường đất, mùa mưa lầy lội không thể di chuyển bằng xe. Đây chính là nơi cậu học trò dân tộc Mông Vừ A Phía sinh ra và lớn lên. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo người dân thạo đường, để về nhà em Phía có 2 cách. Một là đi theo quốc lộ 4G từ TP Sơn La đến trung tâm xã Nà Ớt rẽ bên phải, đi qua xã Phiêng Cằm rồi đến xã Chiềng Nơi. Đây là con đường thuận tiện nhất vì đường đã được rải nhựa nhưng cũng xa nhất, với hơn 100 km. 

Hai là đi xe máy theo hướng rẽ vào xã Mường Chanh rồi đến trung tâm xã Chiềng Nơi. Đây là con đường ngắn nhất, nhưng từ trung tâm xã Mường Chanh về xã Chiềng Nơi chỉ là đường đất, nếu gặp trời mưa, xe máy không thể di chuyển được.

Chúng tôi lựa chọn con đường ngắn nhất để vào xã Chiềng Nơi, nhưng tuyến đường dài hơn 20 km từ Mường Chanh vào trung tâm xã Chiềng Nơi mùa này đang được nâng cấp, mở rộng nên đi lại vô cùng khó khăn. Sau gần 4 tiếng đồng hồ rú ga trên chiếc xe gắn máy chúng tôi mới đặt chân đến bản Huổi Lặp, xã Chiềng Nơi.

Với Phía để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, em phải chọn con đường đi bộ hơn 20 km đường đất từ bản Huổi Lặp ra trung tâm xã Bản Lầm (huyện Thuận Châu) hoặc đi bộ xuống trung tâm xã Chiềng Nơi rồi bắt xe khách xuống trường học con chữ. Những lúc trời mưa, đường đất lầy lội sự vất vả lại tăng lên gấp bội lần.

Dang dở giấc mơ giảng đường đại học

"Trăm nghe không bằng một thấy", có đi đến tận nơi mới biết hành trình đi tìm con chữ của em Phía thật gian nan. Đến với gia đình em Vừ A Phía, ở bản Huổi Lặp, xã Chiềng Nơi chúng tôi thấy căn nhà gỗ nhỏ 3 gian chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe gắn máy và tivi cũ, nhưng rất ấn tượng nhất là những giấy khen thành tích học tập của em Phía được treo trang trọng trên tường.

Sơn La: Tiếng gọi từ nơi núi thẳm Huổi Lặp? - Ảnh 5.

Cần trên tay những giấy khen về thành tích học tập của con, ông Vừ Sống Dia (bố Phía) nghẹn ngào không nói nên lời. Ảnh: Mùa Xuân.

Em Vừ A Phía, dân tộc Mông, (sinh năm 2004) học sinh lớp 12A, Trường PTDT nội trú THCS & THPT Mai Sơn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, vừa qua em đạt điểm 10 môn Lịch sử tuyệt đối. Em Phía đã đăng ký thi khối C, với tổng số điểm thi đạt 24,5 điểm (Văn 6,75, Lịch sử 10, Địa lý 7,75), chưa tính điểm ưu tiên. Hiện, em Phía đang có nguyện vọng vào Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, với chuyên ngành Giáo dục Tiểu học.

Ông Vừ Sống Dia (bố em Vừ A Phía), bước ra cửa đón chúng tôi với lòng mến khách, ông Dia năm nay mới 45 tuổi nhưng nhìn đôi bàn tay thô rát, nét mặt già hơn tuổi, chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn, vất vả của gia đình ông cũng như bà con vùng cao nơi đây.

Ông Dia lấy những giấy khen của Phía trên tay cho chúng tôi xem với niềm tự hào, hạnh phúc nhưng chỉ biết thở dài: "Phía là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em, dù cuộc sống vất vả nhưng Phía chưa bao giờ khiến những cha mẹ phải thất vọng. 

Biết con vừa thi tốt nghiệp đạt điểm cao, gia đình rất mừng, nhưng lo nhiều hơn. Bởi vì hoàn cảnh gia đình bây giờ vô cùng khó khăn, thiếu thốn trăm bề nên không biết sẽ vay mượn ai để giúp cháu tiếp tục đi học tiếp lên Đại học".

Theo ông Dia, trước đây cũng vì hoàn cảnh nghèo, đói, đường xa nên ông Dia cũng chỉ học hết lớp 2 rồi nghỉ học. Khi lập gia đình, sinh con đẻ cái cứ nghĩ cuộc sống sẽ bước sang trang mới có thêm điều kiện để giúp các con học hành tốt hơn. Vậy mà, cái nghèo ở vùng đất khô cằn, xa xôi cách trở này vẫn mãi đeo bám. 

Những người anh của Phía vì gia đình hoàn cảnh khó khăn quá nên anh trai cả và con thứ hai học hết lớp 7 và 11 rồi cũng bỏ học giữa chừng. Con trai thứ ba năm trước học xong 12 cũng nghỉ ở nhà rồi đi làm thuê, làm mướn khắp nơi.

Sơn La: Tiếng gọi từ nơi núi thẳm Huổi Lặp? - Ảnh 7.

Giấy khen của em Phía năm lớp 9. Ảnh: BM

Sơn La: Tiếng gọi từ nơi núi thẳm Huổi Lặp? - Ảnh 8.

Từ bậc THCS đến THPT, em Vừ A Phía đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi toàn diện. Ảnh: Mùa Xuân.

"Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, đất nông nghiệp ít, có năm mất mùa bữa đói, bữa no. Cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy mảnh nương trồng sắn và vài trăm mét ruộng nhưng số tiền bán từ sắn chỉ đủ mua mắm, muối phục vụ sinh hoạt gia đình qua ngày. Trước đây, Phía học cấp 2, cấp 3 được Nhà nước hỗ trợ chỗ ăn, ở, ngủ, nghỉ, gia đình cũng bớt phần nào khó khăn" - Ông Dia buồn cho hay.

Anh Giàng A Tú, Trưởng bản Huổi Lặp, cho biết: "Bản Huổi Lặp cách trung tâm xã Chiềng Nơi hơn 20 km, 100% là đường đất, mưa thì đường trơn trượt, nắng bụi bẩn nên đi lại rất khó khăn. Còn hoàn cảnh gia đình cháu Phía hiện tại rất khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo của bản".

Sơn La: Tiếng gọi từ nơi núi thẳm Huổi Lặp? - Ảnh 9.

Trường PTDT nội trú THCS & THPT Mai Sơn nơi đã nuôi dạy em Vừ A Phía gặt hái được nhiều kết quả cao trong học tập. Ảnh: V.H.

Ông Cầm Văn Trực, Chủ tịch UBND Chiềng Nơi, thông tin: "Cháu Phía đạt điểm cao trong kỳ thi THPT năm 2022, đặc biệt, cháu đạt điểm 10 môn Lịch sử, chúng tôi tự hào lắm. Nhưng do gia đình cháu Phía thuộc diện hộ nghèo nên việc để em đi học tiếp lên Đại học là điều rất khó khăn".

Khi chúng tôi hỏi em Vừ A Phía về giấc mơ đi học Đại học, em Phía chỉ biết dùng bàn tay cầm bút của 12 năm học lên lau những giọt nước mắt lăn dài trên gò má. 

Em Phía tâm sự: "Em ước mơ trở thành một thầy giáo trong tương lai để mang con chữ về bản dạy cho các em học sinh nghèo ở vùng cao nơi đây. Nhưng mà gia đình em hoàn cảnh nghèo, nên chặng đường phía trước của em gặp muôn vàn khó khăn, trắc trở, nó giống như con đường từ trường về nhà em vậy".

Sơn La: Tiếng gọi từ nơi núi thẳm Huổi Lặp? - Ảnh 10.

Ước mơ trở thành một người thầy giáo trong tương lai mang con chữ về dạy các em học sinh vùng cao nơi của Phía giờ đây đang gặp muôn vàn khó khăn. Ảnh: Mùa Xuân.

Thầy giáo Phạm Văn Hảo nói: "Em Phía tâm sự với tôi, em muốn đi học tiếp nhưng vì gia đình em Phía còn em gái nhỏ mới 2 tuổi; bố, mẹ làm nông không đủ kinh phí chi trả ăn, ở, học tập nên giấc mơ đó sẽ phải dang dở. Tôi cũng như Ban giám hiệu nhà trường cũng đã động viên em Phía cố gắng đi học tiếp trường sư phạm".

Sơn La: Tiếng gọi từ nơi núi thẳm Huổi Lặp - Ảnh 11.

Em Vừ A Phía chia sẻ với phóng viên Báo NTNN/điện tử Dân Việt rồi đưa mắt nhìn xa xăm vì hành trình sắp tới đối với bản thân em Phía còn nhiều gian nan hơn. Ảnh: Mùa Xuân.

Nghị lực và những kết quả mà em Phía đã đạt được là niềm tự hào của nhà trường, thầy cô và cả bạn bè, gia đình em Phía, bởi để có được thành tích vượt bậc như ngày hôm nay không hề dễ. Thế nhưng, con đường đến với ước mơ đại học của em Phía đang gặp muôn vàn khó khăn và cả nỗi âu lo, cần lắm những sự sẻ chia, những tấm lòng hảo tâm để giúp em viết tiếp ước mơ đang còn dang dở.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Em Vừ A Phía – bản Huổi Lặp, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Số điện thoại: 0395036435

Số tài khoản: 0395036435 - Ngân hàng Quân Đội - Chi nhánh ngân hàng MBBank tại Sơn La.

Chủ tài khoản: Vừ A Pha

Hoặc: Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Số tài khoản: 21210000524887 - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ gia đình em Phía – Sơn La


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem