Cùng với Quang Tèo, Giang Còi đã làm nên một cặp đôi nghệ sĩ hài được khán giả cực kỳ yêu thích với những tiểu phẩm hài về nông thôn, đồng ruộng. Cứ nhìn thấy Giang Còi đội cái mũ kè, quần xắn ống cao ống thấp chạy trên bờ ruộng mấp mô là khán giả đã cười ngả nghiêng. Nhưng ít ai biết, ngoài khả năng diễn hài, anh còn có rất nhiều vai bi với nội tâm sâu sắc, như vai Toán trong phim “Người chiếu bóng”, Hậu trong phim “Cựu chiến binh”, Hạ trong phim “Khi đàn chim trở về”, Minh trong phim “Chuyện vặt gia đình”, Người buôn ma túy trong seri phim “Cảnh sát hình sự”…
Chán cuộc sống chật hẹp nơi đô thành, Giang Còi bỏ phố về vùng Mê Linh để ở nhà vườn rộng tới 10.000m2. Thú vui điền viên khiến anh bỏ không biết bao nhiêu tiền của để gây dựng cơ ngơi miệt vườn rộng rãi này nhưng nhiều lúc, anh lại nhận thấy mình “còn khổ hơn cả nông dân”.
- Trong những ngày cuối năm, lịch làm việc của anh bận rộn ra sao? Anh có thường xuyên phải vắng nhà để đi diễn xa?
Thực sự tôi rất bận trong những ngày cuối năm, bận tới mức không thở được. Có những hôm tôi đi từ 6h sáng hôm trước đến 10h trưa hôm sau mới về. Hầu như tất cả các đài đang lên nhiều chương trình khác nhau và mời nghệ sĩ hài về diễn cho khán giả dễ xem. Vậy nên tôi cứ đi suốt. Có những chương trình họ đưa lời mời khá cận với thời điểm quay, chỉ cách 3 hoặc 4 ngày. Nhưng có hội chợ thương mại hoặc sự kiện lớn của công ty đã ký hợp đồng với mình hàng tháng trước.
Vì đã gật đầu với người ta rồi, họ lấy hình ảnh của mình để in băng rôn quảng cáo nên cũng không thể bỏ họ để quay ra ghi hình truyền hình. Vậy nên nhiều khi phải chạy show là vì thế. Diễn về đêm mà diễn xa, tới lúc về nhà không thở nổi. Sáng hôm sau tôi vẫn phải đi làm bình thường.
Giờ tôi không còn sung sức như ngày trẻ nữa. Có một thực tế tôi chỉ sợ khi mình sa vào guồng quay bận quá khiến chất lượng sản phẩm cẩu thả. Họ mời làm phim Tết nhiều nhưng tôi không dám nhận hết.
Khi chúng tôi làm Gặp nhau cuối tuần cách đây 20 năm, mọi thứ rất chỉn chu. Giờ thì cứ có chương trình giải trí nào ra là chỉ cố gắng chọc cười, làm đủ trò miễn sao người xem cười bằng mọi cách. Tôi thấy nó sa vào hài nhảm nhiều quá, từ cách dàn dựng đến diễn viên kỳ cựu cũng thế. Vì áp lực làm việc lớn quá, không còn cái gì sáng tạo được nữa nên có lẽ họ cứ mang bản thân mình ra thôi. Vài cái nháy mắt, trợn mắt, méo mồm để khán giả cười, bên trong không có gì cả. Tôi rất sợ mình sa vào những trường hợp như thế nên nhận lời đóng hài ít lắm.
Tôi lao tâm khổ tứ về nghề từng đấy năm, nó đã thành cái nghiệp rồi. Phải quên bản thân mình đi mà diễn. Năm nay tôi vừa làm với tư cách diễn viên khoảng 3 phim, còn làm với tư cách đạo diễn trong 3 phim. Có 6 chương trình để phục vụ khán giả trong năm, tôi nghĩ thế chắc cũng được.
Tôi cũng mong rằng nếu khán giả thấy Giang Còi còn diễn chưa hay ở đâu thì cứ chỉ bảo cho tôi, tôi sẽ sửa, làm theo. Câu tôi dị ứng nhất trong phim hài là “Ối giời ơi”. “Em nói cho chị biết nhé, ối giời ơi hôm nay đến nhà anh Giang Còi … ối giời ơi” nghe nó chẳng có nội dung gì. Câu đó tôi ra lệnh cấm tuyệt đối với các diễn viên đóng phim của tôi.
- Nhiều người đánh giá các đĩa hài Tết, tiểu phẩm hài Tết nhiều năm gần đây thường là theo kiểu hài “bẩn, bựa”, lấy cơ thể các hot girl ra để câu khách, anh nghĩ gì về nhận xét này?
Tôi cũng đồng ý với đánh giá này. Trong những vai tôi diễn, đạo diễn mời thì tôi đành chịu nhưng còn những chương trình tôi làm đạo diễn, tôi không bao giờ. Hot girl không có gì xấu cả. Phụ nữ là phải đẹp. Đàn ông còn thích đẹp, tất cả chúng ta đều hướng đến cái đẹp. Nhưng cần phải khoe đúng lúc đúng chỗ. Chẳng lẽ phim của tôi phải cần bộ ngực, cặp mông của 1 hot girl nào đó mới đứng được hay sao? Nếu có một cô gái đẹp nghiêng nước nghiêng thành diễn với tôi thì nhân vật của cô ấy phải phục vụ nội dung trong phim của tôi. Còn nếu chỉ xuất hiện cho có, để người ta chú ý thì xin lỗi, tôi không cần. Còn có các cụ già, các em bé xem phim của tôi nữa. Thậm chí từ những em bé còn đi học mẫu giáo đến những em nhỏ học cấp 2 đều xem. Vậy mình cần phải làm gì để công chúng cảm thấy được tôn trọng.
- Năm ngoái khi quay sitcom “Chí Phèo ngoại truyện”, nghe đồn anh gặp tai nạn bị bạn diễn cầm chai đánh vào mặt. Đó có phải là lần tai nạn lớn nhất trong sự nghiệp của anh?
Thực tế không phải như thế, làm gì đến mức bạn diễn cầm chai đánh vào mặt. Ban đầu khi đọc kịch bản Chí Phèo của cố đạo diễn Đông Hồng, tôi đã trả vai. Tôi tưởng Chí Phèo ngày xưa, như nguyên tác của nhà văn Nam Cao nhưng không phải. Chí Phèo ngoại truyện theo kiểu Chí Phèo vấp phải những sự kiện của ngày nay như lừa tình tỷ phú hay chuyện một cô hoa hậu ở đất nước nào đó, hay chuyện loa phường… Nhưng đạo diễn Đông Hồng có bảo tôi: “Cứ làm đi rồi anh em mình cùng “vày vò”.
Làm tới tập thứ 3, tôi mới cảm thấy bắt đầu vào vai nhưng rất tiếc, chúng tôi làm được có 20 tập. Đã là Chí Phèo thì phải ăn vạ. Phân đoạn mọi người hiểu lầm tôi bị bạn diễn đánh thực chất là khi nhân vật trong phim bán rượu lậu, người dân uống vào có chết hay sao cũng mặc kệ, lúc ấy Chí Phèo mới rạch mặt ăn vạ vì uống phải rượu lậu. Tôi trong vai Chí Phèo, cầm cổ chai đập vào đầu. Lúc đó tôi làm hơi quá nên mảnh xước vào da, bị chảy máu nhưng tôi vẫn diễn hết cảnh đó. Mọi người vào sơ cứu xong, tôi lại diễn tiếp. Tôi bảo: “Không có gì cả, chỉ là vết thương ngoài da”. Đó là khi say nghề, mình chăm chú vào rồi chẳng còn để tâm tới mấy chuyện xước xát.
- “Nghệ sĩ hài đi diễn tỉnh thường được fan nữ bám theo”, người ta hay bảo thế. Anh đi diễn nhiều năm trong nghề, anh cảm thấy câu nói đó như thế nào?
- Người ta bảo thế cũng đúng đấy. Rõ ràng nghệ sĩ hài người ta biết cách tung hứng ở trong nghề. Cảm xúc của người ta bắt liền cảm xúc của khán giả, có thể cù được người xem cười hoặc khiến khán giả xúc động khóc được. Trong cuộc sống này, ai cũng thích những người tài năng. Tại sao có những người cũng là diễn viên nhưng chỉ biết nằm ở khu tập thể của đoàn, không ai gọi đến. Người ta có gọi mời diễn vài lần nhưng không làm được gì nên hồn rồi cứ ngồi tiếc, kiểu diễn viên phải làm thế nọ thế kia, còn có những diễn viên nữ phải có cái gì đó đánh đổi với đạo diễn. Tôi nghĩ hoàn toàn không phải.
Tôi cũng là đạo diễn nên hiểu, trước mắt người ta cần bộ phim hay vở diễn phải thành công đã, chứ không thể đánh đổi sự nghiệp lấy dăm ba trò vớ vẩn ấy. Nói thật, nghệ sĩ hài đi diễn tỉnh được mến mộ thứ nhất là tài năng, thứ 2 là vì ngỡ ngàng. Họ không nghĩ đã nhìn thấy người này “làm mưa làm gió”, “làm ông hoàng bà chúa” trên TV nhà người ta, không thể ngờ hiện thực trước mắt. Các bạn nữ trẻ theo là đúng thôi. Vấn đề là người nghệ sĩ ứng xử thế nào cho đúng. Đấy là cách của tùy từng người. Có người lợi dụng, có người muốn uốn nắn để đi vào đúng phạm trù đạo đức xã hội. Bản thân tôi cũng thấy có người theo nhưng hình như nó nằm ngoài cuộc sống của tôi. Bởi tôi là người sống cho gia đình. Cuộc sống tôi cần một điều gì đó ổn định hơn.
Nói thật, cuộc sống của tôi là sự cô đơn. Đi đâu tôi cũng đến chỗ đông người, thậm chí đến những nơi có các sự kiện lớn thuê lực lượng an ninh bảo vệ hay những hội chợ, ngay từ lúc bước chân xuống xe đã có ít nhất 3 vệ sĩ gạt người hâm mộ ra để mình đi lên được sân khấu, còn không thì không vào nổi bởi họ xin chữ ký, chụp hình rất đông, khi vệ sĩ đưa mình ra lúc diễn xong cũng vậy. Trong số khán giả có cả nam giới, những người lớn tuổi, nữ giới cũng có, có những em học sinh cấp 2 hay cấp 3. Vậy nhưng đến chỗ đông người, tôi vẫn thấy cô đơn.
- Vì sao lại có cảm giác đó, anh có thể nói kỹ hơn?
Ngày hôm nay mình có tiếng hơn người khác một chút. Ngày mai lại một lớp diễn viên mới lên. Điều đó chẳng có gì bền lâu. Vậy nên tốt nhất khi có các fan nữ “theo đuổi” thì mình nên giữ thanh danh của người nghệ sĩ. Tôi cảm thấy tôi cô đơn giữa cuộc đời này. Cứ về đến nhà là luôn chân tay. Có hôm thuê được người đến dọn vườn nhưng có hôm phải tự dọn. Từ đường ống nước, đường điện, nhà càng rộng bao nhiêu mình càng thấy có nhiều lỗi phải sửa chữa hàng ngày. Xong việc cái là tôi về nhà, không la cà quán xá, làm như một ông nông dân.
Trong giới nghệ sĩ, tôi ít giao lưu. Vì đi với giới quần là áo lượt bóng nhoáng, đi giày hiệu mười mấy triệu, mặc những tấm áo mấy chục triệu, mình thấy điều đó phí hoài. Số tiền đó mình để dùng vào việc khác. Đi với giới nghệ sĩ ngang tầm thì lòi ra mình là thằng nông dân. Nhưng về làm nông dân, mình lại không được kết nạp vào hội nông dân, mình lại lòi ra là thằng nghệ sĩ. Đi tới đám cưới, họ bảo “Đấy, văn nghệ sĩ đấy!” trong khi mình còn khổ hơn cả nông dân. Thế là mình cứ bị đẩy ra đứng 1 mình 1 phía. Nhiều lúc cũng cảm thấy “ông chẳng bà chuộc” nhưng tôi thích thế, tôi muốn sống như vậy, kệ!
- Năm hết Tết đến, một người đàn ông cô đơn thường hay canh cánh nghĩ cuộc đời buồn, có lúc nào anh muốn đi thêm bước nữa cho đỡ cảnh cô quạnh?
Điều đó chẳng phải năm hết Tết đến mới cảm thấy mà là thường xuyên, nỗi cô đơn quanh năm, chỉ là Tết đến thì đậm hơn. Chẳng ai muốn cô đơn, ai cũng muốn sự êm ấm, ai cũng muốn gia đình có vợ, có chồng, con cái đầy đủ. Nhưng vì không đạt được, tôi nghĩ theo số phận mỗi con người. Số mệnh nó vậy đấy, đành chịu. Mình cũng chẳng đổ lỗi cho ai cả. Các con ở với tôi hết.
- Anh giờ sống cảnh “gà trống nuôi con”, các con động viên anh ra sao, các con có đồng ý để anh đi bước nữa không?
Các con tôi chúng nó cũng “hai mang” lắm chứ không phải đùa (Cười). Lúc nào mình vất vả các thứ thì bọn nó cũng hỏi han bảo “Ba lấy vợ đi để còn có người chăm cho ba”. Nhưng nếu có cô nào đến thì nó “soi” từ trên xuống dưới, cô nào cũng chê. Nhưng trước mặt vẫn lịch sự, rất quý mến. Tới lúc người ta về, bọn trẻ con mới họp như họp gia đình, đến là khổ.
- Điều gì khiến anh lo sợ nếu tái hôn lần nữa?
Đổ vỡ, chắc chắn là thế. Nếu như tình cảm gia đình là 100% thì điều ấy chiếm tới 75% trong tôi. Chỉ có 25% có ý muốn tái hôn nhưng vì lo sợ đổ vỡ thêm lần nữa nên tôi không dám tin vào hạnh phúc nữa.
- Trải qua những đổ vỡ trong hôn nhân, anh rút ra được điều gì cho bản thân, anh có e ngại sự đánh giá của khán giả về mình?
- Tôi nghĩ mình cần phải vững vàng để… sống một mình. Cho tới lúc nào mình có thể chịu được. Còn về việc đánh giá cả khán giả, tôi không e ngại. Vì những điều đó ập đến với mình là bất khả kháng. Tôi dồn tình yêu cho các con để các con cố gắng học hành cho tử tế. Khi bọn trẻ bị mất đi một nửa mái ấm gia đình, chúng rất thiệt thòi, cả về việc ăn uống chăm sóc đến việc học. Tôi lại là nghệ sĩ, bắt buộc phải đi diễn xa nhà, không thể diễn ở cái sân nhà tôi cho mọi người đến xem được, buộc mình phải đi. Thời gian tôi di chuyển trên đường quá lớn, làm việc cũng chiếm phần lớn thời gian nên quỹ thời gian dành cho con rất ít. Tôi muốn cô đúc lại những lời dạy bảo với con, không lan man quãng thời gian ít ỏi mình có.
- Vợ cũ của anh thể hiện trách nhiệm với con cái ra sao?
Cái này chắc phải hỏi cô ấy, tôi chịu. Tôi không cần thiết điều đó. Tôi tự nuôi con tôi thôi.
- Thú vui điền viên có phải là điều khiến anh gây dựng nên cơ ngơi với căn nhà miệt vườn rộng 10.000 m2? Số tiền anh gom góp để mua đất, dựng được cơ ngơi này đến nay đã tiêu tốn bao nhiêu?
Tôi thích vườn rộng, cái chỗ ngủ của tôi bé tẹo, miễn có nơi ngả lưng là được. Số tiền để gây dựng cơ ngơi này nhiều lắm không tính hết được. Những viên gạch trong vườn do tôi tự đóng hết. Tôi hàn khung sắt, tự trộn xi măng rồi đóng lên thành gạch, rải khắp vườn, dưới có hệ thống đường nước để tưới cây. Tôi thuê máy xúc về đào vượt ao lên. Cây cối trong vườn tôi mua từ Đại học Nông nghiệp 1, lúc mới về trồng chỉ bằng ngón tay cái. Mười mấy năm nay tôi đổ công sức tiền của vào cơ ngơi này nhiều lắm.
- Khi đã bước vào tuổi xế chiều, sức khỏe anh hiện nay ra sao? Có lần anh từng tâm sự anh bị “thần chết” vồ hụt mấy lần nhưng đều thoát, đó hẳn là những lần khiến anh không thể nào quên?
- Đúng là có vồ hụt mấy lần thật. Lúc bệnh tật mình lại không đi kiểm tra. Tới lúc kiểm tra thì hơi muộn. May có bạn bè làm việc ở trong viện nên rất nhiệt tình, từ trưởng khoa đến các y tá đều quan tâm cho chiếu chụp xem có sao không. Tôi mừng vì người ta cho tôi những lời khuyên bổ ích, cho tôi một phác đồ điều trị chuẩn. Vậy nên tôi vẫn đi làm được bình thường. Mưa rét mà tôi còn phải diễn cảnh nhảy xuống biển, không biết sẽ làm kiểu gì nhưng tôi vẫn chịu được. Năm ngoái, có cảnh diễn ở sông Hồng. Hôm đó trời chỉ 8 độ C nhưng tôi vẫn cởi áo, nhảy xuống sông. Tôi không lo việc bơi, chỉ lo chẳng may bị chuột rút. Đoạn sông đó nước chảy xiết. Tôi còn nói đùa bảo mọi người: “Nước chảy xiết thế thì ra cửa bể đón tôi”. Nhảy xuống nước lạnh khủng khiếp luôn nhưng vẫn chịu được. Cái nghề của mình đòi hỏi thế, phải có sức khỏe tốt.
-Có thời gian người ta còn đồn Giang Còi và Quang Tèo – cặp bài trùng 1 thời của làng hài đất Bắc cạch mặt nhau nên không diễn chung với nhau nữa. Thực hư việc này ra sao?
-Thực ra không phải vậy. Anh Quang Tèo công tác ở một đơn vị khác tôi. Anh ấy làm bên Tổng cục chính trị. Lịch làm việc của anh ấy khác. Anh ấy chuyển nhà, cách nhà tôi rất xa gần 55 cây. Hai anh em cũng ít gặp nhau. Bây giờ nhiều nơi họ làm chương trình cũng nhỏ nhỏ, chỉ khoảng 2-3 phút mà mời 2 nghệ sĩ đến, lại tiền nong eo hẹp nên có nhiều lúc không thể mời được cả 2. Còn một số chương trình lớn, chúng tôi vẫn diễn với nhau. Cặp bài trùng Quang Tèo- Giang Còi vẫn mang lại cho khán giả khá nhiều tiếng cười.
- Anh có thể bật mí cho khán giả biết kế hoạch năm 2019 của mình, có dự án nào hấp dẫn?
- Trước tôi học trong trường Sân khấu Điện ảnh 11 năm, trong đó 5 năm học diễn viên, sau đó 6 năm học thêm đạo diễn và chuyên tu. Tôi đã ra format về “Dạ Xoa kỳ án”. Việt Nam mình có những nhân tài kiệt xuất, hơn phim Trung Quốc rất nhiều. Đề án của tôi đã được duyệt và đang chuẩn bị đưa vào bấm máy. Tôi đã đổ rất nhiều công sức, kinh nghiệm trong việc chỉ đạo diễn xuất của diễn viên, có cả kinh nghiệm sống và sách báo mình đã đọc. Chắc chắn dự án này của tôi sẽ đem đến nhiều bất ngờ thú vị cho khán giả vào năm 2019.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.