Người Sài Gòn tấp nập đi “vay lộc” ở chùa trăm tuổi
Người Sài Gòn tấp nập đi “vay lộc” ở chùa trăm tuổi
Thứ bảy, ngày 24/02/2024 10:22 AM (GMT+7)
Dịp Tết Nguyên tiêu năm nay trùng với cuối tuần, đông đúc người dân đến Chùa Ông (quận 5 TP.HCM) để vay lộc, cầu việc kinh doanh "thuận buồm xuôi gió".
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, từ 7 giờ sáng ngày 24/2 (nhằm ngày 15 tháng Giêng), hàng nghìn người Hoa tại khu vực Chợ Lớn cũng như khách hành hương đã đổ về chùa Ông (hay Hội quán Nghĩa An) để cầu sức khỏe, bình an trong năm mới.
Đông đúc người ra vào nhất chính là khu vực “vay lộc”. Năm nay, hội quán chuẩn bị hàng nghìn phần lộc cho khách đến viếng chùa. Hơn 20 tình nguyện viên đã có mặt từ 5 giờ 30 phút sáng để hướng dẫn người dân thực hiện các nghi thức vay lộc, trả lộc.
Theo truyền thuyết, Quan Công là vị thần bảo trợ cho việc làm ăn, buôn bán của người dân. Chính vì thế, nếu vay được lộc hay tiền từ ông thì việc kinh doanh sẽ “thuận buồm xuôi gió”.
Ai cần thì đến vay lộc, ai đã vay vào năm trước thì năm sau đến trả lại gấp đôi, gấp ba. Đây là nguyên tắc bất thành văn đã tồn tại hàng trăm năm nay. Mỗi phần lộc bao gồm trái cây (thường là quýt), 2 phong bao lì xì và tờ giấy quý nhân lớn (loại giấy tiền cúng trong tín ngưỡng của người Hoa). “Người đến vay lộc thường là dân buôn bán, làm ăn. Phong bao lì xì được cất vào bóp hoặc két sắt để cầu may mắn, quýt thì có thể ăn để lấy lộc và giấy quý nhân thì được đốt sau 1 năm”, anh Thiện Trí (thành viên Hội sinh viên Hội quán) cho biết.
Theo các tình nguyện viên, từ 5-6 giờ chiều là khung giờ cao điểm. Gian thờ Quan thánh đế quân tại chính điện luôn tấp nập người ra vào. Hội quán quy định mỗi khách chỉ được thắp 2 cây nhang/lượt để tránh ngột ngạt, sau khi thắp xong có thể xin thêm.
Sau khi trả 1kg quýt lộc đã vay vào năm trước, chị Ngọc Mỹ (Quận 5) lại tiếp tục vay lộc để cầu mong việc làm ăn khởi sắc. Năm nào, chị Mỹ cũng ghé Hội quán Nghĩa An vay lộc vào dịp tết Nguyên Tiêu. Bao lì xì được chị cất vào ví tiền để chiêu tài, quýt thì chia cho các thành viên trong gia đình cùng ăn để chia lộc sau khi thỉnh 3 ngày.
Người dân đến chùa xếp hàng để được chui dưới bụng và lắc chuông trên cổ ngựa Xích Thố, chiến mã của Quan Công, với niềm tin rằng việc này sẽ giúp xua đuổi vận khí, mang đến phước lành.
Đoàn diễu hành với màn hóa trang Bát tiên, tiên nữ,... làm lễ tại Hội quán. Đoàn xuất phát từ Chợ Lớn (Quận 6) từ sáng sớm và lần lượt đi qua các miếu, chùa tại khu vực quận 6, quận 5 và quận 8.
Là người gốc Hoa nên lần đầu được đóng vai tiên nữ, Ngọc Hạnh (quận 5) không giấu được niềm vui: “Đây là một trong những ngày lễ lớn của người Hoa nên tôi rất vui và vinh hạnh vì được góp phần lưu giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.
Chùa Ông còn được gọi là miếu Quan Đế hay Nghĩa An Hội Quán, được xây dựng vào thế kỷ 19. Chùa thờ 3 vị thần chính là Quan Công (Quan Thánh đế quân), Thiên Hậu Nguyên Quân (Thiên Hậu Thánh Mẫu), Tài Bạch Tinh Quân (Thần Tài).
Từ ngày 14 đến 21 tháng Giêng, tại hội trường của chùa Ông sẽ tổ chức biểu diễn hát kịch tiếng Triều Châu.
Minh Tâm - Kỳ Duyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.