Ai phải bồi thường thiệt hại cho vụ cây phượng bật gốc ở trường tiểu học quận 12 đè ô tô hư hỏng nặng?

Chinh Hoàng Chủ nhật, ngày 24/11/2024 15:10 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ cây phượng cổ thụ trong Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM bật gốc sau cơn mưa lớn kéo dài, đè hư hỏng một ô tô 4 chỗ đang đậu ngoài đường vào sáng 27/10, ai phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này?
Bình luận 0

Liên quan đến vụ cây phượng cổ thụ trong Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM bật gốc sau cơn mưa lớn kéo dài, đè hư hỏng một ô tô 4 chỗ đang đậu ngoài đường, sáng 27/10, tài xế ô tô bị thiệt hại cho biết đã nộp đơn khiếu kiện lên TAND quận 12 về yêu cầu bồi thiệt hại ngoài hợp đồng đối với Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM.

Ai phải bồi thường thiệt hại cho vụ cây phượng bật gốc ở trường tiểu học quận 12 đè ô tô? - Ảnh 1.

Xe của tài xế Lê Thế Dũng bị cây phượng bên trong khuôn viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định bật gốc đè lên khiến xe hư hỏng nặng. Ảnh: Chinh Hoàng

Đồng thời cũng liên quan sự việc, luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) trao đổi, cây xanh ngã đổ gây thiệt hại về người và tài sản đã đặt ra một vấn đề pháp lý: Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là ai?

Về vấn đề này, theo luật sư Tuấn căn cứ theo quy định tại Điều 11 Nghị định 64/2010/ NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị, nêu rõ: Việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây trồng và bảo đảm an toàn. Cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.

Như vậy, theo quy định nêu trên, luật sư Tuấn cho biết, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải thực hiện các công tác chăm sóc định kỳ, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời. Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật và phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.

Bộ Luật Dân sự 2015, tại điều 604 cũng có nêu rõ, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp người bị thiệt hại cũng có thể được bồi thường. Theo quy định tại Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người được giao quản lý cây xanh sẽ không phải bồi thường thiệt hại nếu đó là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

Sự kiện bất khả kháng ở đây được hiểu là sự kiện được xảy ra một cách khách quan, không lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Hay nói các khác là để có thể xác định được trách nhiệm bồi thường trong trường hợp cây xanh ngã đổ gây chết, bị thương đến người đi đường hay tài sản thì cần phải xem xét đơn vị quản lý cây xanh, chủ sở hữu cây xanh trong trường hợp này đã thực hiện hết trách nhiệm của mình hay chưa và người bị hại có lỗi hay không.

Như vậy, đối với những vụ tai nạn do cây xanh gãy đổ khiến người đi đường bị thương tích (có trường hợp thiệt mạng), tài sản bị hư hỏng gần đây nếu đơn vị quản lý cây xanh, chủ sở hữu cây xanh đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa, mé nhánh… nhằm hạn chế tai nạn xảy ra nhưng vì giông gió, sét đánh, bão lũ hoặc các yếu tố khác khiến cây đổ gãy gây thiệt hại thì sẽ không phải bồi thường đối với trường hợp này.

Luật sư Tuấn cũng phân tích thêm, trường hợp xác định được cây ngã, gãy đổ là do sai sót trong công tác quản lý cây xanh thì người bị hại trong vụ tai nạn trên sẽ được bồi thường và chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý cây xanh phải có nghĩa vụ bồi thường theo pháp luật dân sự. Các thiệt hại được bồi thường bao gồm: Thiệt hại do tổn thất tài sản (kể cả thiệt hại do tài sản bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng); lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Thiệt hại về sức khỏe được bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

Thiệt hại về tính mạng được bồi thường các khoản chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; các thiệt hại khác do luật định. Đối với thiệt hại về tính mạng, ngoài các chi phí trên còn có khoản bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần với mức bồi thường do luật định hoặc do các bên thoả thuận.

"Trường hợp cây xanh ngã đổ trong điều kiện thời tiết bình thường, không thuộc trường hợp bất khả kháng và được xác định do lỗi tắc trách của cá nhân, đơn vị quản lý cây xanh làm bị thương nghiêm trọng hoặc gây chết người thì tùy tính chất mức độ của hành vi, cá nhân, đơn vị quản lý cây xanh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định tại Điều 360 BLHS 2015, được sửa đổi bởi Khoản 128 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017", luật sư Tuấn nhận định.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt liên quan đến sự cố này, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thị Định cho biết đã nắm bắt được sự việc đồng thời báo với chính quyền phường Tân Thới Nhất, cử đại diện nhà trường đến phường để xử lý vụ việc.

Nói về hướng xử lý vụ việc, cô hiệu trưởng cho hay: "Đây là sự cố mưa gió, nhà trường trong thời gian qua đã xử lý cắt tỉa cành gọn gàng cho cây phượng này. Còn khi cây phượng bật gốc do thời tiết mưa gió, nhà trường không biết được. Trách nhiệm nhà trường đã xử lý hết, còn mọi việc ở chính quyền phường để người ta giải quyết…".

Theo tài xế Dũng, vào buổi sáng nhận được tin ô tô của mình bị cây phượng trong sân trường bật gốc đè lên, anh đã lên Công an phường Tân Thới Nhất để viết tường trình. Anh Dũng nói: "Xe này ban đầu mua giá gần 600 triệu, thiệt hại hiện tại ước tính hơn 100 triệu đồng, khi bị cây phượng đè lên, xe bị bể hết kính, ghế trước và sau hư hỏng nặng…".

Trước đó, hơn 9h30 người dân sống gần Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM nghe tiếng động mạnh. Đến kiểm tra, họ phát hiện cây phượng cổ thụ bật gốc đè lên chiếc ô tô 4 chỗ biển số Quảng Bình đang đậu ở trên đường.

Tại hiện trường, các nhánh phần đầu cây phượng đâm vào phía sau ô tô 4 chỗ, kính bể nát, hư hỏng nặng. Theo người dân, gốc cây phượng này có dấu hiệu đã mục ruỗng từ lâu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem