Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bà Sherman - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ - một trong những vị trí cao nhất của Bộ Ngoại giao - là người dẫn dắt các cuộc đàm phán Mỹ-Nga ở châu Âu.
Wendy Sherman đã gặp các quan chức Nga trong tuần này để thảo luận về vấn đề Ukraine - một cuộc đàm phán được đánh giá là "cân não", vô cùng khó khăn.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman dẫn dắt phái đoàn Mỹ đàm phán về vấn đề Ukraine với các nhà ngoại giao Nga, do Thứ trưởng Sergei Ryabkov dẫn đầu. Ảnh AP/Reuters.
Tổng thống Vladimir Putin đã triển khai khoảng 100.000 quân Nga sát biên giới với Ukraine, khiến Mỹ, NATO lo ngại về một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga vào nước láng giềng - điều mà Moscow đã nhiều lần phủ nhận. Tuy nhiên, Phương Tây vẫn nhiều lần cảnh cáo Nga, đẩy căng thẳng giữa 2 bên leo thang đỉnh điểm.
Các quan chức Mỹ hy vọng có thể xoa dịu tình hình căng thẳng thông qua các cuộc đàm phán với người Nga - và Thứ trưởng Sherman là nhân tố then chốt, được kỳ vọng có thể dùng sự khôn khéo vốn có của bà để "khống chế" ông Putin.
Nổi tiếng ở Washington với phong thái ngoại giao khôn khéo và nhanh nhẹn, bà Sherman đã nhiều lần đối mặt với những đối tác được đánh giá là "khó nhằn", trong các cuộc đàm phán vô cùng căng thẳng, khó khăn.
Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, bà đã cố tham gia vào các cuộc đàm phán với Triều Tiên và cố gắng ký được thỏa thuận nhằm ngăn chặn nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Năm 2011, bà dẫn đầu cuộc đàm phán hạt nhân của Mỹ với Iran, khi Tổng thống Barack Obama còn đương nhiệm.
Cuối cùng, bà đã thành công để lập được thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và P5 + 1 - Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức - vào năm 2015.
Vào thời điểm đó, bà Sherman nói rằng việc là phụ nữ không phải là rào cản trong phòng đàm phán đối với bà mặc dù Cộng hòa Hồi giáo Iran có những quy định nghiêm ngặt về việc tương tác giữa nam và nữ.
"Khi tôi ngồi đối diện với những người Iran, tôi đại diện cho Mỹ và có lẽ với tư cách là phụ nữ, tôi có thể nói một số điều dễ nghe. Nhưng khi tôi cứng rắn, điều đó gây ấn tượng mạnh vì không ai nghĩ tôi như vậy", bà Sherman chia sẻ.
Bà Sherman, 72 tuổi, có nước da trắng, mái tóc bạc phơ. Bất chấp tính chất mệt mỏi của các cuộc đàm phán, bà vẫn luôn trông tươi tỉnh, lạnh lùng, gọn gàng và chỉn chu, một nhà ngoại giao người Anh từng làm việc với bà trong các cuộc đàm phán quốc tế nhận xét.
Tuy nhiên, ít ai biết, biệt danh của bà Sherman lại khởi nguồn từ người Iran - những người ban đầu gọi nhà đàm phán Mỹ là "Con cáo" vì cách tiếp cận khôn khéo của bà trong các cuộc đàm phán với họ.
Biệt danh "Cáo bạc" của là do bộ tóc bạc phơ và phong cách đàm phán vô cùng khôn khéo của nữ Thứ trưởng Sherman. Ảnh Reuters/AP
Các đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao của bà Sherman sau đó chấp nhận biệt danh này, và trong các cuộc đàm phán, họ đã mặc áo phông có chữ "Silver Fox" - nghĩa là "Cáo bạc".
Cấp dưới ở Bộ Ngoại giao Mỹ của bà Sherman thì cho biết, họ vừa có sự ngưỡng mộ nhưng cũng vừa có chút sợ hãi khi cùng bà tham gia vào các cuộc đàm phán quốc tế.
James Jeffrey, cựu đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, người đã quan sát bà Sherman trong thời gian bà làm việc với tư cách là một nhà ngoại giao cho biết: “Bà ấy rất nhanh nhẹn. Và bà ấy cũng rất quyết liệt".
Theo BBC, bà Sherman đã phát triển kỹ năng ngoại giao theo một cách rất khác biệt so với đa số các nhà ngoại giao khác. Sau khi học tại Trường Công tác Xã hội của Đại học Maryland, bà đã làm công tác giúp đỡ những trẻ em bị tổn thương ở Baltimore, những người đang cần được chăm sóc nuôi dưỡng.
Trong những năm 1980, bà cảm thấy thất vọng với nỗ lực cứu trẻ em bị lạm dụng, vì vậy bà đã trở thành một nhà quản trị cộng đồng để thay đổi hệ thống. Sau đó, bà được thuê làm giám đốc văn phòng phúc lợi trẻ em của chính phủ và tham gia chính trị từ đó.
Vài năm sau, bà gia nhập chính quyền Clinton, trở thành nữ thứ trưởng đầu tiên về các vấn đề chính trị.
Các nhà phân tích nói rằng các cuộc đàm phán với người Nga đặc biệt mệt mỏi và bà sẽ cần tất cả các kỹ năng ngoại giao đã tích lũy được để đạt được mục tiêu của mình phục vụ cho mục đích cuối cùng là tránh một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu.
Bà đã đàm phán với phái đoàn Nga, một nhóm bao gồm Sergei Ryabkov, Thứ trưởng Ngoại giao, tại Geneva hôm thứ Hai 10/1. Bà tiếp tục đàm phán với người Nga một lần nữa vào thứ Tư 12/1 tại cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels và ở Vienna hôm nay thứ Năm 13/1.
Người Nga đưa ra một danh sách các yêu cầu ngặt nghèo: Các quan chức Mỹ phải đồng ý rằng họ sẽ không mở rộng lực lượng NATO về phía đông. Người Nga cũng muốn các quan chức Mỹ loại trừ khả năng một ngày nào đó Ukraine có thể gia nhập NATO.
Cho đến nay, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và các quan chức Nga vẫn bế tắc. Các cuộc thảo luận ở châu Âu đã là thách thức đối với cả 2 bên, các quan chức Mỹ và Nga. Phía Nga đã mô tả các cuộc đàm phán là ổn và hữu ích.
"Các cuộc nói chuyện rất khó khăn, mất thời gian nhưng rất chuyên nghiệp, sâu sắc, cụ thể, không có nỗ lực tô bóng một số góc cạnh sắc nét", ông Sergei Ryabkov, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhận xét.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.