img
img

 
img

Ký ức về Tết thường đến với anh những lúc như thế nào?

- Đó là những lúc tôi buồn, cảm thấy cô đơn. Khi ấy tôi thường không thích tiếp xúc với ai, như bị tự kỷ vậy. Tôi đi lang thang một mình, ngồi quán cóc vỉa hè, uống cốc trà, ăn chiếc kẹo mè xửng và nghĩ về tuổi thơ, trong tuổi thơ ấy có Tết.

Tết của tuổi thơ anh chắc hẳn phải đặc biệt lắm mới ám ảnh anh đến vậy?

- Quả thật Tết với tôi rất đặc biệt, vì gia đình tôi là một gia đình đặc biệt. Nhưng tôi không nói về điều đó mà tôi nói về Tết Hà Nội. Bây giờ mọi thứ đã không còn như cũ nữa. Tôi cảm thấy mọi người rất vô cảm khi bỏ đi những nét xưa có trong ngày Tết, mọi người cứ hối hả, còn tôi thì lại cứ buồn lãng đãng và nghĩ về những thứ đã mất đi và ước mong ai cũng có được ý thức giữ lại cái Tết truyền thống của Hà Nội nói riêng và các vùng miền nói chung.

Một cái Tết của nhà anh bắt đầu như thế nào?

- Rằm tháng chạp là nhà tôi đã có Tết rồi. Nhà tôi chơi 3,4 đời đào, đến 28 thì mua một cành cắm bàn thờ. Tất cả những gì trước kia mẹ tôi vẽ cho tôi thì bây giờ tôi vẽ lại cho con mình. Ngày cuối năm là tắm nước rau mùi bằng chậu và múc bằng gáo. Việc có thể tưởng chừng rất vô vị đó là niềm vui của gia đình tôi. Con tôi chỉ chờ đến ngày 30 để được tắm lá mùi, và tôi vui vì thấy con như thế. Đó là một phong tục trong nhiều phong tục mà ta cần giữ lại để truyền cho con cháu mình.

Còn các phong tục khác như kiêng nói to, ồn ào mắng chửi nhau trong ngày Tết, phải mặc trang phục có màu đỏ để được may mắn, trong người phải mang theo bao diêm hay bật lửa để ấm áp quanh năm. Tại sao những cái đó chúng ta lại không gìn giữ? Đừng trách trẻ con vì sao Tết dần phai nhạt, đó là do người lớn. Chỉ có người lớn mới truyền lại được cho con trẻ bởi vì người lớn mới thấm đẫm được nét Tết. Tại sao Tết mọi người cứ hối hả ra đường đi biếu xén, rồi làm những hành động mà chẳng bao giờ tôi làm. Nếu tôi là một ông tiên, tôi mong cho tất cả mọi người được bình yên trong những ngày Tết.

 
img
 
img
 

Có thể vì cuộc sống còn khó khăn nên mọi người vẫn còn lo công việc đến sát Tết, rất nhiều nghệ sĩ còn chạy show kín Tết!

- Tôi không bao giờ chạy show Tết dù có trả tôi bao nhiêu tiền. Ai cũng làm việc cả năm rồi, chỉ còn lại mấy ngày Tết để ở bên gia đình. Tết là tôi thấy thương những thành viên nhỏ của tôi, thương người đã lấy tôi. Nếu đổi lại ông Đức Hùng là người ở nhà, còn vợ con tôi cả năm đi thiết kế rồi đi làm Táo quân thì tôi không chịu được đâu, tôi không thở nổi ấy. Chắc chắn là người phải ở nhà sẽ rất buồn. Nên tôi cũng thấy có lỗi lắm vì áp lực công việc, nhưng vợ con tôi phải chịu đấy vì họ hiểu công việc và thông cảm cho tôi. Nên tôi cũng cảm thấy mình may mắn và gặm nhấm sự may mắn đó được ngày nào hay ngày đấy.

img

Tôi chỉ mong mọi người hãy coi Tết như một nốt nhạc trầm trong một bản nhạc có nhiều nốt cao. Tết là lúc ta ngồi lại với nhau ôn lại những kỷ niệm, tự tạo cho mình và người bên cạnh mình những không gian cho thú vui sở thích của ông cha để lại. Hành trình văn hóa trải qua hàng nghìn năm mới có được phong tục, mới có truyền thống chứ không phải là vài năm. Tại sao Tết lại bị pha loãng đi, tại sao ta lại vứt cả cái truyền thống đấy đi như là không còn tồn tại trong gia đình?

Tôi nghĩ thật khủng khiếp nếu 10 – 20 năm nữa con cháu ta sẽ đón Tết như thế nào nếu chúng ta không truyền lại cho chúng. Con trẻ cực thích truyền thống, tôi tin chắc thế. Bây giờ xu hướng thế giới là đi ngược lại lịch sử để quay về với truyền thống cho nên các chương trình về ký ức, Tết bao cấp, Sài Gòn xưa, Huế xưa, hay những nhân vật Công tử Bạc Liêu lại được nhắc nhiều đến thế! Đó là mọi người đã ngộ ra rằng giá trị hiện tại của mọi người giờ đây hình như bị ảo và chỉ là công cụ để kiếm tiền sinh nhai thôi, còn giá trị tinh thần lại nằm ở quá khứ.

Những gì của Tết làm anh nhớ nhất?

- Để nhớ về Tết thì có vô vàn thứ hiện lên trong ký ức của tôi. Tiếng pháo nổ giòn, thời bao cấp với miếng bóng bì nhiều lông. Cái hay của cái Tết ngày xưa là sự thiếu thốn. Đó lại chính là một gia vị cực kỳ đắt. Thiếu thốn đến nỗi mở hộp mứt Tết ra nó trống bồng trống thiên chỉ có chim chim và mứt dừa, rồi có một nửa cái mứt quất với mấy mảnh mứt gừng bé xíu. Cái dư âm đó, hương vị đó vẫn còn đọng lại đến ngày hôm nay, vì nó sinh ra từ văn hóa, từ tấm lòng.

img
 
img
 
img
 

Nhà anh hiện có còn gói bánh chưng không? Việc này đã không còn nhiều gia đình giữ được?

- Năm nào nhà tôi cũng gói bánh chưng, dù chỉ là 2 chiếc hay 5 chiếc. Có năm thì tôi nấu bánh bằng nồi áp suất, có năm thì cũng có chiếc thùng phi đúng kiểu. Ở nhà tôi trước kia là mẹ tôi gói rất đẹp, bây giờ là bố vợ tôi, vợ tôi và con gái tôi đều biết gói. Gói bánh chưng cũng có nguyên tắc. Bánh chưng đúng chuẩn Hà Nội là miếng thịt phải có các phần bì, mỡ, nạc đều nhau. Khi gói phải là hai miếng bằng nhau chằn chặn được xếp thành hình tròn để khi cắt miếng bánh ra, phần thịt được chia đều cho 8 miếng. Tôi đã được nhìn thấy hai miếng thịt đối xứng khi quan sát mẹ tôi gói bánh từ khi tôi còn nhỏ. Phải kể cho mọi người để mọi người hiểu sự tinh tế ấy. Mọi người giờ đây làm ẩu đặt miếng thịt dọc cùng chiều, khi cắt bánh ra chỗ đầy bánh chỗ đầy thịt.

img

Tôi đã từng chứng kiến mẹ tôi thể hiện khả năng nội trợ trong một cái Tết như thế nào. Khi ấy gia đình có điều kiện ở Hà Nội sẽ mổ nguyên một con lợn, chân giò để nấu măng, đùi để nhồi nhụ mị, tai để làm giò xào, rồi những phần còn thừa làm ruốc ăn cho ra giêng. Tất cả các phần của con lợn sẽ biến thành món ăn trong cỗ Tết.

Con gà cúng giao thừa phải được vặt lông vào thời khắc qua 12 giờ và phải là đàn ông làm và luộc ngay lúc đó để khi dâng lên là nghi ngút khói chứ không phải nguội tanh nguội ngắt. Hình ảnh con gà đêm giao thừa vẫn còn nguyên mùi hương của gà với khói tỏa lên tạo ra một cảm xúc rất khác với con gà được luộc từ chiều. Những hình ảnh đó cứ ám ảnh trong đầu tôi. Trong những lúc buồn hay cô đơn tôi lại hay nghĩ về những điều như thế cùng với sự tiếc nuối về sự ta không thể nào đi ngược lại để quay về với nó.

Anh mong muốn điều gì trong những ngày Tết này?

- Tôi mong mỗi ngày Tết chúng ta nên vun vén cho những nét văn hóa truyền thống để được cùng giữ lại. Tôi cũng là người rất bận rộn, trong một năm không nhất thiết ngày nào cũng phải đưa truyền thống vào nhưng Tết tôi rất muốn và rất mong chúng ta hãy yêu văn hóa Tết, yêu truyền thống văn hóa Tết để con cái chúng ta được yêu cùng. Đó là tâm tư của người yêu Tết như tôi.

img


img
img
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem