Nhìn lại một năm TP.HCM phục hồi sau đại dịch - Ảnh 1.

Những bệnh nhân Covid-19 cuối cùng rời khỏi Bệnh viện Hồi sức Covid-19, đánh dấu một trang mới trong công cuộc phục hồi của TP.HCM. Ảnh: BVCC

Dấu ấn sáng tạo, vượt khó

Năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, TP.HCM bị tăng trưởng âm 6,78%. Song, trong những ngày tháng khắc nghiệt nhất của đại dịch, điều vô cùng ý nghĩa là thành phố vẫn gìn giữ được những giá trị nền tảng, những điểm sáng quý báu.

Một số ngành, lĩnh vực duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước trong năm 2021 ước đạt 381.531 tỷ đồng, đạt 104,56% dự toán năm.

TP.HCM cũng có thêm nguồn lực từ sự chia sẻ của Trung ương khi thông qua tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP năm 2022 là 21% (tăng 3% so với tỷ lệ của 5 năm trước đó).

Khi dịch được kiểm soát, kinh tế TP phục hồi nhanh và ấn tượng ngay từ những tháng đầu năm 2022. GRDP quý I/2022 đã tăng 1,88% so cùng kỳ năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2022, từ mức tăng trưởng âm 6,78% vào năm 2021, TP.HCM đã đạt mức tăng trưởng dương 3,82% vào 6 tháng đầu năm 2022 (dự kiến 9 tháng sẽ đạt 9,71%). Quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch. Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 đạt trên 90%, tương đương 350.000 tỷ đồng. Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp tăng trưởng khá, thương mại - dịch vụ - du lịch phục hồi mạnh mẽ.

img
img
img
img
img

Người dân TP.HCM vui mừng khi được dỡ bỏ giãn cách xã hội. Nhịp sống hối hả đã bắt đầu quay trở lại từ ngày 1/10/2021. Ảnh: P.V

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhớ lại: "Lúc đó, trong lòng chúng ta rất lo lắng vì tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021, tất cả chỉ tiêu đều đạt thấp, tăng trưởng âm, chỉ có thu ngân sách đạt được 74% so với cùng kỳ. Cũng lúc đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ Thành ủy và tất cả chúng ta đều nghĩ rằng TP đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn nhưng tình thế, nhiệm vụ, trọng trách buộc chúng ta phải nghĩ xa hơn và quyết tâm thực hiện theo những suy nghĩ ấy".

Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, với tinh thần toàn hệ thống chính trị nhận thức sâu sắc trách nhiệm trước Đảng, nhân dân như một cam kết chính trị, phải đoàn kết hơn, quyết tâm, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn. Từ đó đã tạo niềm tin, sức mạnh góp phần làm nên kết quả hôm nay.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 hồi tháng 3/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã xúc động phát biểu: "TP.HCM trở lại nhanh hơn mong muốn, hơn kỳ vọng. Điều này rất đáng mừng, mừng đến phát khóc!".

Thành phố hồi sinh

Có thể thấy, từ đầu quý IV/2021, TP.HCM đã chủ động và quyết tâm chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh loạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19" theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ để dần mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội sau 4 tháng tạm dừng.

Nhìn lại một năm TP.HCM phục hồi sau đại dịch - Ảnh 3.

Thành phố hồi sinh. Ảnh: P.V

Ngay sau đó, TP.HCM xây dựng ngay Chương trình Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022-2025 với quan điểm rõ ràng và mục tiêu cụ thể cho 2 giai đoạn. Bên cạnh việc chủ động xây dựng chương trình phục hồi để bắt tay khôi phục lại nền kinh tế, TP luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương; sự đồng thuận và thống nhất cao của hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Năm 2022, TP xây dựng chủ đề năm 2022 là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp".

Với chủ đề này, TP xác định kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục phát huy kết quả thực hiện chủ đề năm 2021 thông qua việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của người dân và doanh nghiệp nhằm khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển TP.

Chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) nhộn nhịp khách đến tham quan, mua sắm, trong đó đa phần là khách du lịch quốc tế. Các tiểu thương rộn rã, tất bật chào mời, giới thiệu sản phẩm. Theo Ban quản lý chợ Bến Thành, hiện nay, trung bình mỗi ngày, chợ đón khoảng hơn 2.000 lượt khách. Những ngày cuối tuần, lượng khách đến tham quan mua sắm tăng gấp đôi so với ngày thường. Hiện nay, dù lượng khách chưa đạt như trước dịch nhưng đang tăng đều khoảng 20%-30% mỗi tháng. Lượng khách quốc tế ngày một nhiều hơn không chỉ là niềm vui của các tiểu thương kinh doanh tại chợ Bến Thành mà còn là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch của TP.HCM.

Tính đến tháng 9, TP.HCM đã đón hơn 17 triệu lượt khách du lịch nội địa, gần 1,4 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 74.500 tỷ đồng, tăng 90,6% so với cùng kỳ.

img
img
img
img
img

Cùng độ bao phủ tiêm vaccine Covid-19, kinh tế, xã hội, du lịch của TP.HCM đang phục hồi nhanh chóng. Ảnh: B.D

Một vài con số khác cũng minh chứng cho sự hồi sinh của kinh tế - xã hội TP.HCM: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,5%, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt hơn 746.000 tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,71 tỷ USD…

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025 đặt ra mục tiêu đến hết năm 2022 là giai đoạn phục hồi, khôi phục những đứt gãy trong chuỗi sản xuất, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh để từ năm 2023 tập trung mọi nguồn lực phát huy thế mạnh của TP.HCM.

Táo bạo để phát triển

Ngay từ ngày 11/1/2022, TP.HCM là địa phương sớm ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2025, trước cả khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trước đó, đầu tháng 10/2021, quyết định "mở cửa" của TP.HCM cũng được đánh giá là rất táo bạo.

Thời điểm bấy giờ, TPHCM vừa trải qua những ngày căng thẳng nhất của dịch bệnh. Mọi nguồn lực đều được huy động tối đa cho công tác phòng chống dịch với những biện pháp quyết liệt nhất. Ngay khi những dấu hiệu của dịch bệnh vừa giảm bớt, chính sách mở cửa từng bước của thành phố đã giúp cho đời sống của người dân bớt chật vật hơn, các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại bình thường.

Nhìn lại một năm TP.HCM phục hồi sau đại dịch - Ảnh 5.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang chuẩn bị đưa vào khai thác. Ảnh: B.D

Trở lại trên con đường phát triển, với sứ mệnh là đầu tàu, vì cả nước, cùng cả nước, TP.HCM bộn bề công việc. Cả hệ thống chính trị, từ thành phố tới từng địa phương, sở ngành tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh, học tập và lao động. Hàng loạt công trình, dự án được gấp rút triển khai trong những tháng cuối năm 2022 như dự án đường Vành đai 3, dự án Tham Lương – Bến Cát, chạy thử tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên…

Trên con đường phát triển, TP.HCM xác định những điểm nghẽn lớn trong tiến trình phục hồi đi lên, trong đó có sự chật hẹp của cơ chế chính sách đối với một "siêu đô thị" như TP.HCM. Hiện nay, TP.HCM đang tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đề xuất với Trung ương một cơ chế chính sách đặc thù mới.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định, TP.HCM cần có cơ chế đặc thù riêng cho đô thị đặc biệt theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho thành phố nhiều hơn. Đồng thời, tập trung tăng nguồn lực để TP.HCM đầu tư các công trình trọng điểm mang tính liên vùng, tạo thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM và cả vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

img
img
img
img
img
img

Hàng loạt dự án lớn đang được triển khai như Dự án đường Vành đai 3, kênh Tham Lương - Bến Cát, tuyến metro số 1... Ảnh: P.V

Cùng với đó, cần sớm có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội để tạo điều kiện cho TP.HCM khơi thông nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới. Cụ thể, theo hướng tích hợp tất cả các cơ chế, chính sách mà TP.HCM cần Trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu kinh tế - xã hội của cả nước.

Đó là cơ chế, chính sách đặc thù đối với đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Thủ Đức và việc phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM như quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và cán bộ công chức…

Cơ chế, chính sách đặc thù mới này sẽ là nền tảng vững vàng, để từ đây TP.HCM sẽ nỗ lực không ngừng, bằng truyền thống năng động sáng tạo, đạt được những bước phát triển cao hơn.

Bạch Dương thực hiện

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem