Những cây chè cổ thụ trăm tuổi ví như báu vật giữa núi rừng Sìn Hồ của Lai Châu

Thứ sáu, ngày 03/02/2023 05:12 AM (GMT+7)
Nằm giữa đại ngàn Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) hàng trăm năm, những cây chè cổ với hương vị thơm ngon, đặc trưng hiếm có được ví như "báu vật"…

Chè cổ quý như "báu vật" trên đỉnh núi

Những ngày đầu xuân, khi mặt trời mới ngả chiều, nhưng ở đây sương núi sớm đã "vần vũ" kéo về, chỉ thoáng chốc là mặt đất bao phủ một tầng sương mỏng.

Trước mắt chúng tôi là bạt ngàn những gốc chè cổ rêu phong trăm năm tuổi, ẩn hiện trong sương núi được ví như "báu vật" của bà con xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) nằm trên độ cao trên 1700m, diện tích gần 15ha.

Chè cổ trăm tuổi "báu vật" giữa đại ngàn Sà Dề Phìn - Ảnh 1.

Nằm ở độ cao trên 1.700m so với mực nước biển, cây chè cổ với hương vị thơm ngon, đặc trưng hiếm có ở xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ, Lai Châu). Ảnh Tuấn Hùng

Nghe người già kể, vào những thập niên đầu của thế kỷ trước, người Pháp lên đây khảo sát tìm thấy thứ cây quý này. Cây sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên nên họ đã cho nhân giống và trồng thêm khá nhiều gốc chè.

Những nông dân thật thà, chất phác trên đỉnh núi Sà Dề Phìn hôm nay không ngờ có một ngày những lá chè bản to "xù xì" mọc trên thân cây cổ thụ bám đầy rêu mốc, do chính tay cha ông mình chăm sóc xưa kia, lại được các chuyên gia chè đánh giá là sản phẩm có chất lượng thượng hạng, đủ sức xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Tháng 10 năm 2022, Hiệp hội bình chọn sản phẩm Nông nghiệp Thế giới tại Pháp - AVPA Paris đã tổ chức Lễ trao giải trực tuyến cuộc thi Trà quốc tế lần thứ năm tại trụ sở APVA Paris.

Điều bất ngờ đối với huyện Sìn Hồ là trong tổng số 14 giải thưởng cho các dòng chè trên cả nước thì có 4 giải bao gồm (giải đồng và giải ấn tượng thế giới). Sản phẩm trà sử dụng nguyên liệu từ cây chè cổ thụ trên đỉnh núi Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ. Khu vực có khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt quanh năm ẩn mình trong sương núi.

Chè cổ trăm tuổi "báu vật" giữa đại ngàn Sà Dề Phìn - Ảnh 2.

Những gốc chè cổ rêu phong trăm năm tuổi, ẩn hiện trong sương núi được ví như "báu vật" của bà con xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ, Lai Châu). Ảnh Tuấn Hùng

Là một trong hàng chục nông hộ trồng, chăm sóc chè cổ thụ trên núi, mọi công đoạn hái, sao sấy... pha chế, thưởng thức chè đều theo cách thức tự nhiên nhất. Ông Giàng A Khua, bản Sà Dề Phìn (xã Sà Dề Phìn) pha ấm chè nóng hổi, hương chè bay lảng bảng, rót chén chè mời khách, ông bảo: "Chè ngon pha đúng cách sẽ có nhiều mùi vị hấp dẫn, chỉ ngửi lướt thôi cũng sẽ thấy có mùi thơm ngọt đặc trưng, nhấp một ngụm nhỏ có vị đắng nhẹ sau đó là vị thanh ngọt, hương vị ấy quện mãi trong khoang miệng".

Sà Dề Phìn nắng rồi lại xối xả mưa, luân phiên bất chợt theo giờ. Khí hậu trong lành của miền rừng núi có sản vật phong phú, là cái nôi bao bọc bà con dân bản qua nhiều thời kỳ.

Nằm ẩn mình như một vị thần giữa đại ngàn, trải qua bao thăng trầm của thời gian, đến nay trong thời kỳ mới, cây chè cổ trên đất Sà Dề Phìn lại chắp cánh cho ước mơ của người dân vươn cao.

Chè cổ trăm tuổi "báu vật" giữa đại ngàn Sà Dề Phìn - Ảnh 3.

Chè cổ hàng trăm tuổi nay trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân xã Sà Dề Phìn. Ảnh Tuấn Hùng

Trưởng bản Chang, anh Mùa Trù Sinh - người mà bà con đồn là sắp giàu nhất bản bởi anh sở hữu gần nghìn gốc chè cổ do ông cha để lại, nhiều người lặn lội từ thành phố vào tìm mua chè về uống.

Đã từ lâu, Mùa Trù Sinh sống như "ông vua" giữa rừng, khách mê hương chè cổ lặn lội đến tận nhà "đặt gạch", cứ độ ba tháng anh hái khoảng dăm tạ chè tươi bán gần 50 nghìn đồng/kg.

Cây chè mọc tự nhiên, không thuốc trừ sâu

Đây là đánh giá của, Hiệp hội bình chọn sản phẩm Nông nghiệp Thế giới tại Pháp - AVPA Paris, về cây chè cổ thụ Sà Dề Phìn. Chúng tôi tìm thăm vườn chè địa phương, thật thú vị khi các gốc chè cổ đều sinh trưởng tốt trong môi trường tự nhiên. Tại những điểm có độ cao 1.700 - 1.800m so với mực nước biển, được các chuyên gia đánh giá sản phẩm chè đạt chất lượng tốt nhất.

Đứng giữa rừng chè trăm tuổi, chúng tôi cảm nhận được khí hậu mát dịu, chất đất mềm xốp giàu dinh dưỡng... đây là yếu tố quý giá với người trồng chè.

Chè cổ trăm tuổi "báu vật" giữa đại ngàn Sà Dề Phìn - Ảnh 4.

Trên đỉnh núi Sà Dề Phìn độ ẩm luôn đạt ở ngưỡng 70-85 %, biên độ nhiệt 16-20 độ C vườn chè phát triển tốt lá dày và cứng hơn, sau khi thu hái, sao sấy đã cho ra sản phẩm chè đậm nước và lưu hương lâu hơn. Ảnh Tuấn Hùng

Ở độ cao phù hợp, vườn chè nằm ven rừng già nên yếu tố cân bằng sinh thái, vi sinh vật tại đây cao hơn hẳn các nơi khác. Bà con nơi này không lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, cây chè ở đây được phát triển thuần tự nhiên.

Thay vì làm sạch cỏ dưới từng gốc chè, bà con để cỏ tạp mọc lẫn dưới gốc cây chè tạo thêm độ ẩm, giúp đất thêm tơi xốp, tạo môi trường cho vi sinh vật trong đất phát triển.

Với độ ẩm luôn đạt ở ngưỡng 70-85 %, biên độ nhiệt 16-20 độ C trên đỉnh núi Sà Dề Phìn, vườn chè phát triển tốt lá dày và cứng hơn, sau khi thu hái, sao sấy đã cho ra sản phẩm chè đậm nước và lưu hương lâu hơn.

Chia sẻ với Dân Việt điện tử, ông Nguyễn Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho rằng: Đây là tín hiệu đáng mừng đối với người trồng chè nói chung và vùng chè cổ thụ Sà Dề Phìn nói riêng.

Hiện Sìn Hồ đã xây dựng và phát triển gần 300 ha chè chất lượng cao, được bao tiêu sản phẩm, chiếm khoảng 20% tổng diện tích canh tác nông nghiệp toàn huyện. Đồng thời, huyện đã hình thành được 2 vùng chuyên canh cây chè ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu với quy mô khoảng 100ha.

Chè cổ trăm tuổi "báu vật" giữa đại ngàn Sà Dề Phìn - Ảnh 5.

Cây chè cổ trải qua bao thăng trầm gắn bó với bà con Sà Dề Phìn. Ảnh Tuấn Hùng

Chia tay Sà Dề Phìn, vị chát ngọt, đậm đà, hương trà thơm nức cứ bám chặt lấy tâm tưởng mỗi chúng tôi. Hình ảnh những nếp nhà cổ trình tường với mái đá thâm u, nằm xen giữa những đồi chè cổ thụ được trùm phủ trong màn mây bàng bạc tạo khung cảnh mênh mông, huyền ảo cho vùng đất Sà Dề Phìn.

Tuấn Hùng
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem