Hầu hết mọi người đều phải trải qua một đến nhiều lần đi phỏng vấn xin việc trong đời. Có những cuộc phỏng vấn thuận lợi, cả nhà tuyển dụng và ứng viên đều hài lòng về nhau nhưng cũng có những cuộc phỏng vấn éo le khiến cả đôi bên “dở khóc dở cười”. Chúng ta học được rất nhiều kinh nghiệm từ những lần phỏng vấn của mình và của người khác, đặc biệt là những cuộc phỏng vấn bi hài.

Cùng nghe các bạn trẻ kể về lần phỏng vấn xin việc để đời của mình.

img

img

img

img

img

img

img

img

Mình đi phỏng vấn làm giáo viên tiếng Anh nhưng đến đó họ lại bảo, hiện cần một nhân viên truyền thông hơn. Ok, thì truyền thông.

Mình và nhà tuyển dụng (một bạn nam 29 tuổi) nói chuyện say sưa, cả công ty về hết, hai đứa lôi nhau ra ghế đá nói chuyện, muỗi đốt sưng chân. Xong bạn nam xin số, kết bạn Zalo và hẹn hôm sau đến phỏng vấn tiếp để deal lương (thoả thuận lương).

img

Hôm sau đến, bạn ấy lại ngồi “tám chuyện”. Đi tuyển dụng nhưng công việc thì không nói, chỉ nói mấy chuyện vớ vẩn kiểu như dân mạng đang xôn xao cái gì, mấy group chửi chồng, chửi vợ thực hư ra sao, mấy app hẹn hò trai Tây thú vị thế nào… Mình dại dột “chém gió” vài câu nào ngờ càng khiến bạn ấy “vào cầu tám chuyện”. Luyên thuyên cả buổi, đến lúc nói về vấn đề lương thưởng thì bạn ấy chốt: “Anh không biết lương lậu, chế độ thế nào. Anh cũng chỉ làm thuê cho bố mẹ thôi”. Một lần và mãi mãi, mình và bạn ấy không bao giờ gặp lại nhau nữa.

img

img

img

Hồi mới ra trường, mình có ứng tuyển vào vị trí viết content của một công ty quảng cáo. Chị quản lý chuyên môn hỏi: “Em biết gì về công ty rồi?”. Mình tự tin trả lời: “Em có tìm hiểu qua website và Facebook của công ty thì được biết là…”. Tưởng vậy là đầy đủ, ai dè chị ấy bảo: “Em tìm hiểu sai rồi, đấy là cái trước đây công ty làm, bây giờ thì khác”.

Mình ngớ người: “Những thông tin này em tìm hiểu trên chính website và Facebook của công ty chị ạ. Hay công ty mình có website và Facebook khác?”. Chị ấy đáp rất nhẹ nhàng: “Khi mình còn trẻ, có người dạy cho thì nên lắng nghe để học hỏi”.

Mình trúng tuyển vào công ty đó nhưng mình cũng nhẹ nhàng từ chối.

img

img

Một lần đi phỏng vấn xin việc, có tới hai anh giám đốc ra phỏng vấn mình. Vừa nghe mình làm ở công ty X, ảnh liền đóng cuốn sổ ghi chép lại, đặt CV của mình sang một bên, gương mặt háo hức: “Công ty X hả em? Em biết chuyện anh A và chị B không? Kể anh nghe với? Nghe nói ông bà ấy có đợt bồ bịch gì đó ầm ĩ công ty lắm hả? Rồi giờ sao em?”.

Mình kiểu “ba chấm” không hiểu đang ngồi ở đây làm gì nữa. Sau đó mình khéo léo từ chối kể nhưng anh giám đốc vẫn cứ hỏi tới, hỏi không được thì chốt: “Em giấu anh chứ chuyện đó ai chả biết”.

Mình vượt qua vòng phỏng vấn đó ngon ơ và vẫn đi làm bình thường nhưng không bao giờ thấy anh giám đốc hỏi về anh A, chị B nữa.

img

img

Mình từng xin vào làm cho một công ty mới đi vào hoạt động. Phỏng vấn mình là anh sếp cùng quê nên hai anh em có nhiều chuyện để nói lắm. Luyên thuyên một hồi thì bàn vào vấn đề chính là kinh nghiệm làm việc. Mình ứng tuyển vị trí người lên kế hoạch truyền thông. Anh hỏi mình đủ thứ trên trời dưới đất, từ kinh tế vi mô đến kinh tế vĩ mô, từ kinh tế Việt Nam đến chính trị thế giới…

Anh vừa nghe mình chém gió vừa gật gù kiểu hài lòng lắm. Xong anh hỏi: “Ủa, em không học đại học hả?” thì mình mới nói thật lòng là: “Dạ không, em thi rớt đó anh”.

Thế là anh vốn đang dành rất nhiều thiện cảm cho mình bỗng quay ngoắt 180 độ, tặng mình những cái liếc khiến mình thiếu điều xách dép chạy đi. Sau đó, anh hạ mức lương yêu cầu của mình từ 12 triệu xuống còn 8 triệu đồng với lý do: “Anh cảm thấy chưa tin tưởng vào năng lực của em lắm” dù trước đó mình đã nói cho anh biết mình có 2 năm kinh nghiệm cho vị trí này rồi.

img

img

Mình từng đi phỏng vấn cho vị trí nhân viên kinh doanh của một công ty đồ chơi trẻ em. Cuộc phỏng vấn khá thuận lợi, từ công việc đến mức lương… cho đến khi chị tuyển dụng hỏi: “Em nghĩ sao nếu em được giao một công việc khác không liên quan đến chuyên môn?”. Mình đáp: “Dù không liên quan đến phận sự của em nhưng nếu là việc đột xuất mà sếp cần thì em sẽ cố gắng làm”.

Chị ấy hỏi lại: “Thế nào là không liên quan?” rồi bắt đầu giảng giải về tinh thần cầu thị, hết mình vì công ty, rồi thì đôi khi sếp sẽ đánh giá nhân viên bằng chính những phần việc ngoài chuyên môn đó…

Mình chốt nhẹ lại với chị: “Vậy trong trường hợp phòng kế toán thiếu nhân sự, chị có gọi chú bảo vệ vô chạy deadline không ạ?”. Mình ra về và thấy thật lãng phí thời gian.

img

img

Lần đầu tiên đi phỏng vấn xin việc, mình đối mặt với tổng giám đốc của công ty đó luôn. Ông ấy hỏi: “Em có câu hỏi nào về công ty không?”. Một số người sẽ hỏi về quyền lợi và chế độ nhưng mình nghĩ, nếu hỏi vậy thì sếp sẽ ác cảm và cho rằng, ứng viên này chỉ quan tâm đến lợi ích.

Vì vậy, mình đã hỏi về mô hình kinh doanh của công ty rồi đưa ra góc nhìn của bản thân. Góc nhìn đó có thể đúng hoặc sai nhưng cũng thể hiện rằng mình đã quan tâm đến công ty và tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng vì sự chuẩn bị của mình.

Sau đó, vị Tổng giám đốc có hỏi mình rằng: “Anh thấy em có định hướng khởi nghiệp? Em tính sao?”. Câu này khá khó trả lời vì nếu nói muốn tự kinh doanh họ sẽ nghĩ mình không gắn bó và công hiến cho công ty. Sau đó mình trả lời rằng: “Em nghĩ, khởi nghiệp là việc làm ra một cái gì đó mới và có ích. Vậy thì tự khởi nghiệp hay khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp đều có giá trị như nhau. Chưa kể, khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp còn được hỗ trợ nhiều bởi nguồn lực công ty nữa. Điều đó rất tuyệt vời”.

img

Có lẽ, mình đã gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nên trúng tuyển ngay sau đó với mức lương ổn. Khôn khéo thực sự là điều cần thiết khi đi phỏng vấn. Hơn nữa, trước khi phỏng vấn xin việc ở bất cứ đâu, ta cần nghiên cứu kỹ về công ty, văn hoá, vị trí ứng tuyển và đóng góp ý kiến đối với công ty nếu được tuyển dụng. Các công ty rất trân trọng những người khiêm tốn, chân thành, cầu thị và có khát khao được cống hiến.

img

img

Mình thuộc tuýp “Việc tìm người” chứ không phải “Người tìm việc”.

Mình học ngành Thương mại Quốc tế, đến năm 4 thì tham gia vào các group xin việc, nơi có các công ty đăng bài tuyển dụng.

Trong đó có một bài khảo sát xem sinh viên mới ra trường thích ngành nào, mong muốn mức lương ra sao, kèm theo đó là trình bày về bản thân. Mình mất 15 phút để soạn một đoạn bình luận rồi sếp hiện giờ của mình vào nhắn tin, bảo mình gửi CV cho công ty họ. Mình chuẩn bị hai bản CV tiếng Anh và tiếng Việt, rồi được gọi đến phỏng vấn và được nhận vào làm. Nghe rất đơn giản, nhẹ nhàng đúng không?

img

Thực sự, bài viết đó có tới gần 1.000 bình luận nhưng sếp lại chỉ nhắn tin cho một mình mình, bảo mình gửi CV xin việc. Sau này mình mới biết, sếp ấn tượng bởi sự cẩn thận trong từng câu chữ, dấu chấm, dấu phảy của mình, tư duy mạch lạc, nói ngắn nhưng đủ. Trong khi đó, những bạn khác nói dài dòng, đôi khi còn viết sai chính tả.

Từ câu chuyện xin việc của bản thân, mình rút ra một số kinh nghiệm khi đi xin việc. Thứ nhất, chọn công ty phù hợp với năng lực và mục tiêu của mình. Thứ hai, một bản CV hoàn hảo sẽ giúp ta vượt qua vòng 1 dễ dàng và tự tin cho vòng phỏng vấn tiếp theo. Thứ 3, nên trung thực, không khoa trương về bản thân cũng như những gì có thể làm. Thứ 4, khi đến phỏng vấn, nên để ý môi trường công ty, đồng nghiệp tương lai, phong cách của sếp… Nếu thấy Ok hãy gắn bó lâu dài. Thứ 5, đừng quên đặt những câu hỏi về lương, thưởng, chế độ làm việc, thời gian làm việc thật rõ ràng.

img

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem