Những nữ thẩm phán Afghanistan sống trong sợ hãi với nỗi lo bị Taliban trả thù

Hiện tại ở Afghanistan, hơn 220 nữ thẩm phán đang phải lẩn trốn vì sợ bị trả thù dưới thời Taliban.

Trong suốt sự nghiệp thẩm phán của mình, Masooma đã kết án hàng trăm người đàn ông vì tội bạo hành phụ nữ, bao gồm cả cưỡng hiếp, giết người và tra tấn.

Nhưng chỉ vài ngày sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát thành phố, hàng ngàn tội phạm bị kết án được thả ra khỏi nhà tù, cô bắt đầu nhận được những lời đe dọa. Tin nhắn văn bản, ghi chú thoại từ những số không xác định liên tục gửi đến điện thoại của cô.

Masooma nói: "Nửa đêm hôm đó, chúng tôi nghe tin Taliban đã giải thoát tất cả các tù nhân khỏi nhà tù. Chúng tôi ngay lập tức bỏ trốn, để mọi thứ lại phía sau".

Những nữ thẩm phán Afghanistan sống trong sợ hãi với nỗi lo bị trả thù - Ảnh 1.

Một người phụ nữ khóc trước cuộc biểu tình phản đối chính phủ lâm thời toàn nam giới của Taliban. Ảnh: Getty

Trong 20 năm qua, 270 phụ nữ đã làm thẩm phán ở Afghanistan. Là một trong những vị trí quyền lực, những nữ thẩm phán này thường xuyên được công chúng biết đến.

"Di chuyển bằng ô tô ra khỏi thành phố, tôi phải mặc một chiếc burka để không ai nhận ra mình. May mắn thay, chúng tôi đã vượt qua tất cả các trạm kiểm soát của Taliban".

Ngay sau khi cả gia đình rời đi, những người hàng xóm nhắn tin nói rằng một số thành viên của Taliban đã đến ngôi nhà cũ của họ.

Vừa nhận được tin nhắn, Masooma biết ngay ai đang tìm kiếm mình.

Những nữ thẩm phán Afghanistan sống trong sợ hãi với nỗi lo bị trả thù - Ảnh 2.

Các chiến binh Taliban và những phụ nữ biểu tình ở Kabul. Ảnh: Getty

Vài tháng trước, trước khi Taliban tiếp quản, Masooma đang phán quyết vụ án điều tra một thành viên của lực lượng này vì tội giết vợ một cách dã man. Theo đó, Masooma đã kết án người đàn ông này 20 năm tù.

Masooma nói: "Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của người phụ nữ trẻ đó rõ mồn một trong tâm trí mình. Đó là một tội ác tàn bạo".

"Sau khi vụ án kết thúc, tên tội phạm đến gần tôi và nói: 'Khi tao ra khỏi tù, tao sẽ làm những việc y như vậy với mày!'"

"Vào thời điểm đó, tôi không nghĩ gì nhiều. Nhưng kể từ khi Taliban lên nắm quyền, hắn ta đã gọi cho tôi nhiều lần và nói rằng hắn có tất cả thông tin của tôi từ các văn phòng tòa án".

"Hắn nói với tôi: 'Tao sẽ trả thù!'"

Một cuộc điều tra của BBC đã phát hiện ra ít nhất 220 cựu nữ thẩm phán hiện đang lẩn trốn trên khắp Afghanistan. Nói chuyện với sáu cựu thẩm phán từ các tỉnh khác nhau, lời khai của họ trong năm tuần qua gần như giống hệt.

Tất cả đều nhận được những lời đe dọa đến tính mạng từ các thành viên Taliban từng vào tù. Tất cả đều đã thay đổi số điện thoại ít nhất một lần do nhận được những lời đe dọa này. Mọi người hiện đang sống ẩn náu, di chuyển địa điểm vài ngày một lần.

Tất cả họ cũng cho biết ngôi nhà trước đây đều bị các thành viên của Taliban ghé thăm, thậm chí cả hàng xóm và bạn bè của họ cũng bị thẩm vấn.

Đáp lại những cáo buộc, phát ngôn viên của Taliban, Bilal Karimi, nói với BBC: "Các nữ thẩm phán không nên sợ hãi. Không ai được đe dọa họ. Các đơn vị quân đội đặc biệt của chúng tôi có nghĩa vụ điều tra những khiếu nại đó và hành động nếu có vi phạm".

Ông cũng nhắc lại lời hứa của Taliban về một "lệnh ân xá chung" cho tất cả các cựu nhân viên chính phủ trên khắp Afghanistan: "Chúng tôi rất chân thành. Mặc dù vậy, nếu một số người muốn nộp đơn xin rời khỏi đất nước, thì rất tiếc là chúng tôi không thể đồng ý".

Trong đợt phóng thích hàng loạt tù nhân, nhiều tội phạm không liên quan đến Taliban cũng được trả tự do.

Về vấn đề an toàn của các nữ thẩm phán, Karimi cũng cho biết: "Nếu đó là những kẻ buôn ma túy, thành viên mafia, chúng tôi sẽ tiêu diệt chúng. Chúng tôi sẽ hành động vô cùng quyết liệt".

Những nữ thẩm phán Afghanistan sống trong sợ hãi với nỗi lo bị trả thù - Ảnh 3.

Các chiến binh Taliban canh gác bên ngoài sân bay Kabul. Ảnh: Getty

Có trình độ học vấn cao, những thẩm phán này trước đây là trụ cột chính trong gia đình, nhưng giờ đây, khi không còn lương và tài khoản ngân hàng bị đóng băng, tất cả họ đều phải sống nhờ vào sự trợ giúp của người thân.

Trong hơn ba thập kỷ, thẩm phán Sanaa đã xét xử các vụ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Cô cho biết phần lớn các trường hợp đều liên quan đến những thành viên của Taliban cũng như nhóm chiến binh ISIS.

"Tôi đã nhận được hơn 20 cuộc điện thoại đe dọa từ các tù nhân cũ, nay đã được trả tự do".

Thời điểm hiện tại, cô đang ẩn náu cùng hơn chục thành viên trong gia đình. Chỉ có một lần duy nhất một lần, một người bà con của cô trở về ngôi nhà cũ. Khi anh ta đang thu dọn quần áo, Taliban bỗng ập đến ngôi nhà trên một số chiếc xe chở đầy những người có vũ trang, do một chỉ huy dẫn đầu.

"Tôi ra mở cửa trong lo sợ. Họ hỏi rằng đây có phải là nhà của nữ thẩm phán không", anh nói. "Khi tôi nói rằng tôi không biết cô ấy ở đâu, họ ném tôi lên cầu thang. Một trong số họ đã đánh tôi liên tục bằng báng súng, mũi và miệng tôi đầy máu".

Sau khi những người có vũ trang rời đi, người đàn ông nhanh chóng vào bệnh viện.

"Khi về nhà, tôi bảo với mọi người rằng chúng ta phải ẩn náu ở chỗ khác thôi, Taliban sắp tìm ra rồi. Khổ nỗi là không còn lối thoát nào khác bây giờ. Chúng tôi không thể trốn sang bất kỳ quốc gia nào khác, ngay cả Pakistan".

Đấu tranh cho quyền phụ nữ

Trong nhiều thập kỷ, Afghanistan liên tục được xếp hạng là một trong những quốc gia khó khăn nhất trên thế giới. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ước tính khoảng 87% phụ nữ và trẻ em gái tại đây từng bị lạm dụng ít nhất một lần trong suốt cuộc đời.

Mặc dù vậy, cộng đồng nữ thẩm phán, bằng cách làm việc, đấu tranh để bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ, đã giúp ủng hộ, nêu cao quan điểm rằng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là một tội hình sự và có thể bị trừng phạt.

Điều này cũng có nghĩa các trường hợp cưỡng hiếp, tra tấn, cưỡng ép kết hôn, cũng như trong các trường hợp phụ nữ bị cấm sở hữu tài sản, đi làm hoặc đi học,... đều được tính là có tội.

Trên thực tế, các nữ thẩm phán cho biết đã phải đối mặt với sự quấy rối trong suốt sự nghiệp của mình, rất lâu trước khi Taliban nắm toàn quyền kiểm soát.

Asma nói: "Tôi muốn phục vụ đất nước của mình, đó là lý do tại sao tôi trở thành thẩm phán. Tại tòa án, hầu hết công việc của tôi là giải quyết các trường hợp liên quan đến những phụ nữ muốn ly hôn hoặc ly thân với các thành viên Taliban".

"Điều này thực sự là một mối đe dọa đối với chúng tôi. Có lần, Taliban thậm chí còn phóng tên lửa vào tòa án".

"Chúng tôi cũng từng mất đi một trong những người bạn thân nhất của mình. Cô ấy biến mất trên đường đi làm về. Sau đó, người ta phát hiện ra thi thể của cô".

Không ai bị buộc tội về vụ sát hại nữ thẩm phán này.

Những nữ thẩm phán Afghanistan sống trong sợ hãi với nỗi lo bị trả thù - Ảnh 5.

Nữ sinh Afghanistan trong lớp học trước khi Taliban nắm quyền. Ảnh: Getty

Hiện nay, vẫn chưa rõ hệ thống lãnh đạo mới của Afghanistan sẽ có thái độ như thế nào đối với quyền của phụ nữ, nhưng thực tế thì tình hình có vẻ không khả quan.

Một nội các toàn nam giới đã được công bố, trong khi tại các trường học, Bộ Giáo dục đã ra lệnh cho giáo viên và học sinh nam trở lại sinh hoạt, làm việc bình thường, không nhắc gì đến giáo viên hay học sinh nữ.

Thay mặt cho Taliban, ông Karimi cho biết vẫn chưa thể đưa ra bình luận về việc liệu sẽ có các vai trò cho nữ thẩm phán trong tương lai hay không: "Các điều kiện và cơ hội làm việc cho phụ nữ vẫn đang được thảo luận".

Cho đến nay, hơn 100.000 người đã phải sơ tán khỏi đất nước. Rất nhiều nữ thẩm phán nói rằng họ đang tìm một lối thoát, tuy nhiên không phải ai trong gia đình  cũng có hộ chiếu.

Cựu thẩm phán người Afghanistan Marzia Babakarkhail, hiện đang sống ở Anh, đã vận động cho việc sơ tán khẩn cấp tất cả các cựu nữ thẩm phán.

Cô nói rằng điều quan trọng là đừng quên những người sống ở các vùng nông thôn Afghanistan, cách xa thủ đô Kabul.

"Trái tim tôi tan nát khi nhận được cuộc gọi từ một trong những thẩm phán từ các ngôi làng ở vùng nông thôn nói rằng: 'Marzia, chúng tôi phải làm gì? Chúng tôi nên đi đâu? Chúng tôi sẽ sớm xuống mồ'".

"Tại thành phố, những thẩm phán vẫn có một số quyền truy cập vào các phương tiện truyền thông và internet, họ vẫn có một số tiếng nói, nhưng ở các vùng nông thôn, họ không có gì cả".

"Nhiều thẩm phán không có hộ chiếu hoặc giấy tờ cần thiết để nộp đơn xin rời khỏi đất nước. Thực tế là họ cũng đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng".

Những nữ thẩm phán Afghanistan sống trong sợ hãi với nỗi lo bị trả thù - Ảnh 6.

Một bức tường ở Kabul do các nghệ sĩ địa phương vẽ. Ảnh: BBC

Một số quốc gia, bao gồm New Zealand và Vương quốc Anh, cho biết họ sẽ cung cấp hỗ trợ. Tuy nhiên, thẩm phán Masooma nói rằng cô ấy lo sợ những lời hứa giúp đỡ như vậy sẽ không kịp thời.

"Đôi khi tôi nghĩ, tội của chúng tôi là gì? Được giáo dục? Cố gắng giúp đỡ phụ nữ và trừng phạt tội phạm?"

"Tôi yêu đất nước của mình. Nhưng bây giờ, tôi là một tù nhân. Chúng tôi không có tiền. Chúng tôi không thể ra khỏi nhà".

"Tôi nhìn đứa con trai nhỏ của mình và không biết giải thích thế nào với nó tại sao nó không thể nói chuyện với những đứa trẻ khác hoặc chơi trong hành lang. Nó đã bị sốc tâm lý nặng".

"Tôi chỉ có thể cầu nguyện rằng một ngày nào đó, chúng tôi sẽ được tự do trở lại".

Thực hiện: Lê Phương; Nguồn: BBC

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem