Vùng đất cổ này ở Thái Bình là quê một trạng nguyên thời Hậu Lê, vinh quy bái tổ mới biết mình là con nuôi

Thứ ba, ngày 11/06/2024 05:21 AM (GMT+7)
Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ sinh năm 1457 tại làng Hải Triều (tục gọi là làng Hới), thuộc tổng Thanh Triều, phủ Long Hưng, huyện Ngự Thiên, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) trong một gia đình nghèo khó, bố làm nghề chài lưới, mẹ bán quán nước cho khách qua đò.
Bình luận 0
Trong dân gian, nhất là ở vùng đất cổ Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) thường lưu truyền câu: “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”. Chiếu Hới được nhắc đến ở đây gắn liền với tên tuổi của Trạng nguyên Tam nguyên Phạm Đôn Lễ.

Phạm Đôn Lễ sinh năm 1457 tại làng Hải Triều (tục gọi là làng Hới), thuộc tổng Thanh Triều, phủ Long Hưng, huyện Ngự Thiên, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) trong một gia đình nghèo khó, bố làm nghề chài lưới, mẹ bán quán nước cho khách qua đò. 

Khi ông còn rất nhỏ thì người bố qua đời, hai mẹ con đơn côi sống dựa vào hàng quán. Một lần Phạm Đôn Lễ bị lạc ở bờ sông Luộc, người mẹ đi tìm khắp nơi mà không được. 

Trong lúc lang thang vì lạc mẹ thì Phạm Đôn Lễ được một gia đình giàu có quê ở Thanh Hóa đưa lên thuyền về nhà nuôi dưỡng.

Đến tuổi đi học, bố nuôi cho Phạm Đôn Lễ cùng con trai của mình theo thầy học. Vốn thông minh, Phạm Đôn Lễ học một biết mười, vượt trội hơn hết thảy chúng bạn. Thấy Phạm Đôn Lễ thông minh như vậy, tin rằng đứa bé này rồi nhất định sẽ làm nên nghiệp lớn nên thầy dạy rất quý mến, dốc lòng truyền thụ kiến thức.

Dưới thời vua Lê Thánh Tông, hiền sĩ rất được xem trọng, các khoa thi đều tìm được nhân tài làm rường cột cho giang sơn xã tắc. 

Năm 1481, Phạm Đôn Lễ tham dự khoa thi, các kỳ thi Hương, thi Hội ông đều đỗ đầu. Vào kinh dự thi Đình, ông đỗ luôn Trạng nguyên và trở thành Trạng nguyên Tam nguyên hiếm có trong lịch sử khoa bảng.

Vùng đất cổ này ở Thái Bình là quê một trạng nguyên thời Hậu Lê, vinh quy bái tổ mới biết mình là con nuôi- Ảnh 2.

Làng quê xã Tân Lễ (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)-vùng đất cổ là quê hương của trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, tam nguyên trạng nguyên dưới thời nhà Hậu Lê.

Khi ông vinh quy bái tổ, người cha nuôi mới kể lại chuyện xưa, rằng ông được gia đình nhận nuôi khi thấy lạc ở bờ sông Luộc chứ không phải là con đẻ. 

Biết được chuyện, dù vừa đậu Trạng nguyên nhưng Phạm Đôn Lễ không màng đến công danh, bổng lộc triều đình mà quyết đi tìm lại gia đình xưa của mình.

Phạm Đôn Lễ tìm về làng Hải Triều bên bờ sông Luộc, vào quán nước nghỉ chân rồi lân la hỏi chuyện. Khi hỏi đến con cái thì bà cụ bán quán bật khóc kể về đứa con thất lạc khi mới lên 3 tuổi của mình. 

Bà vẫn hàng ngày bán nước nơi đây với hy vọng con trai mình còn sống sẽ tìm về với mẹ. 

Khi bà cụ nói trong làn nước mắt: “Ở giữa gan bàn chân trái của con trai tôi có nốt ruồi đỏ như son” thì Trạng nguyên đoán đây chính là mẹ mình. Qua vài kiểm chứng khác, hai mẹ con nhận nhau trong niềm xúc động tột cùng. Sau vài năm sống hạnh phúc cùng con, người mẹ bình an qua đời.

Trong thời gian chịu tang mẹ, Phạm Đôn Lễ thấy dân làng Hải Triều có nghề dệt chiếu nhưng chiếu làm ra không đẹp, khung dệt lại cao, lá chiếu không phẳng, ông luôn suy nghĩ tìm tòi để giúp dân làng. Trở về triều, Phạm Đôn Lễ làm quan đến chức Tả thị lang rồi lên đến Thượng thư. 

Ông được cử đi sứ sang nhà Minh. Đi đến vùng Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), nhận thấy phong cảnh hữu tình, đoàn sứ liền hơi chậm lại để thưởng lãm cảnh đẹp. Tình cờ Phạm Đôn Lễ nhận thấy người dân nơi đây cũng có nghề dệt chiếu nhưng chiếu làm không chỉ nhanh hơn mà còn đẹp và bền hơn quê ông. 

Qua quan sát, Phạm Đôn Lễ thấy họ dùng kỹ thuật khác với kỹ thuật làm chiếu ở quê nhà, đặc biệt là nhờ có ngựa đỡ đay. Sau khi hoàn thành việc đi sứ, lúc trở về qua Quế Lâm, Phạm Đôn Lễ mua bàn dệt chiếu mang về làng Hới, ông gọi người phường dệt đến tháo ra nghiên cứu để làm bàn dệt nhưng mọi người đều than khó quá và bỏ cuộc. 

Phạm Đôn Lễ đành tự nghiên cứu và nhờ tư chất thông minh, không những ông nắm bắt được kỹ thuật mà còn cải tiến đưa khung dệt chiếu thấp xuống, lại làm thêm ngựa đỡ đay ở trên khung, giúp cho sợi dây thêm căng đồng thời dùng nêm tre để nêm chèn ở phần cuối khung chiếu giúp cho sợi đay trên khung không bị chùng xuống. 

Cải tiến xong khung dệt, Phạm Đôn Lễ truyền dạy cho dân chúng, từ đó chiếu làng Hới vừa đẹp vừa phẳng lại bền.

Không chỉ vậy, Phạm Đôn Lễ còn dạy người dân cách dệt chiếu đậu từ cỏ cói. 

Chiếu đậu vừa bền vừa đẹp, không bị mốc, lại tinh xảo, thời đó người dân thường dùng đến 5 - 7 năm mới phải thay. Dân làng yêu quý, kính trọng nên suy tôn ông là Trạng chiếu.

Dưới thời vua Lê Uy Mục, triều đình suy thoái, nịnh thần hoành hành, Phạm Đôn Lễ lúc này giữ chức Thượng thư thường can gián nhà vua không nghe lời những kẻ nịnh thần khiến những kẻ này rất căm ghét ông mà bịa đặt, gièm pha đủ điều. Cuối cùng vua Lê Uy Mục nghe gian thần buộc ông phải từ quan.

Phạm Đôn Lễ cùng vợ con về Hải Triều, sau đó lại rời về quê phụ thân ở làng Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. 

Ông truyền nghề làm chiếu cho người dân nơi đây đồng thời mở trường dạy học cho đến cuối đời. Khi ông mất được dân làng Hải Triều suy tôn là Phúc Thần, lập đền thờ, thường gọi là Đền quan Trạng. Đền có năm gian ngoài, ba gian trong. 

Hàng năm, vào ngày 6 tháng Giêng, nhân dân các làng được ông truyền nghề như Hải Triều, Mỹ Xá, Bùi Xá... lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Trạng chiếu.

Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều thăng trầm nhưng chiếu Hới vẫn được ưa chuộng, có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc. 

Bằng đôi bàn tay tài hoa, khéo léo cùng quyết tâm gắn bó, duy trì và phát triển nghề truyền thống, nhân dân xã Tân Lễ (Hưng Hà) tiếp tục phát huy để trở thành địa chỉ của những sản phẩm độc đáo, xây dựng quê hương ngày thêm khởi sắc, giàu đẹp.

Phan Lợi (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem