img

Anh là một trong số những nghệ sĩ thẳng tính trên mạng xã hội. Việc nghệ sĩ lên tiếng về những vấn đề nổi cộm thường được quan tâm nhiều hơn. Cũng vì lẽ đó mà có người nói anh “hay phát ngôn tranh cãi trên Facebook”, anh nghĩ sao về điều này?

Thật ra mạng xã hội là một mạng chia sẻ tổng hợp. Nói hơi quá một chút đó là mạng công cộng. Ở đó có những quan điểm của mỗi cá nhân, chưa chắc đã chuẩn xác và chưa chắc đã đúng nhất. Nhưng dù sao đi nữa mỗi quan điểm mà chúng ta chia sẻ trên mạng xã hội đều được chúng ta chắt lọc và đó là quan điểm của riêng mình về những chia sẻ đó.

Bản thân tôi từ xưa tới nay hay đưa ra những quan điểm. Không dám nói quan điểm mình đưa ra là chuẩn, đúng mực nhưng nhiều điều tôi đưa ra đều được số đông đồng thuận. Đương nhiên không phải có những điều mình đi tiên phong. Đơn giản đó chỉ là trách nhiệm của bản thân đối với cuộc sống bản thân mình và xã hội. Ví như khi nghệ sĩ Văn Hiệp mất, tôi là người đầu tiên viết lên Facebook việc “bố” Văn Hiệp chưa được xét tặng danh hiệu NSƯT. Khi tôi viết những dòng đó, rất ít người dám like, dám chia sẻ, dám nói.

Ông anh ruột tôi có gọi điện cho tôi nói: “Tại sao lại viết như thế?”. Bởi điều đó dễ ảnh hưởng tới bản thân cá nhân mình. Tôi chỉ đáp lại: “Em chia sẻ vì cái tâm của mình”. Điều này không ảnh hưởng tới vấn đề chính trị hay điều gì lớn lao của xã hội. Đây chỉ là cảm nhận, suy nghĩ về đóng góp của cố nghệ sĩ Văn Hiệp cho nghệ thuật, cộng đồng mà ông xứng đáng được nhận danh hiệu.

img

Sau đó, NSND Khải Hưng đã huy động nhiều anh chị em nghệ sĩ viết đơn kính gửi lên ban ngành. Khi ấy, cố nghệ sĩ Văn Hiệp mới được truy phong lên NSƯT. Tôi không dám nói đó là công của tôi. Tôi không đưa ra nhận định nào đó là công của mình. Chỉ đơn giản tôi nhìn nhận dưới góc độ thật khách quan, công tâm với chính bản thân mình.

Tôi viết, tôi nói thế nhưng nếu tôi sai, tôi sẵn sàng xin lỗi. Xin lỗi một cách chân thành, tử tế chứ không bao giờ biện luận cho cái sai của mình. Thành thử ra khi đưa ý kiến của mình lên mạng xã hội, tôi không mất quá nhiều suy nghĩ. Tôi chỉ khẳng định đó là suy nghĩ độc lập, khách quan, không ảnh hưởng do tác động nào, cũng không mang màu sắc tiêu cực hay phiến diện.

Khi nói về việc của người khác, bản thân là một nghệ sĩ, anh có e ngại chuyện bị mất lòng?

Về đạo đức, lối sống, sở thích, tôi có quan điểm “Không ai được phép phán xét ai”. Với cộng đồng, xã hội thì mình cần có trách nhiệm. Bất cứ ai khi hành xử ảnh hưởng đến cộng đồng thì cần phải nói, cho dù đó chỉ là một hành động nhỏ nhặt. Ví dụ như việc bạn xả rác ra đường thì đương nhiên điều đó gây ảnh hưởng tới cộng đồng. Khi ở giữa cộng đồng, người của công chúng – được xã hội yêu mến, quan tâm – thì lại càng cần phải chú ý.

Đơn cử như tôi và chuyện làm phim. Xu thế làm phim bây giờ người ta nói hơi quá trên mạng là nhố nhăng, sexy, không đầu không cuối. Bây giờ tìm trên mạng những phim như thế của Vượng râu không có, trừ bản phim “Tân Kim Bình Mai” mới đây.

Phim đó tôi có nói rõ là tôi mượn cái này để nói cái khác, không có chuyện bậy bạ. Nhưng tôi biết cái trend (xu hướng) đó rất hot, sẽ kiếm được tiền, kiếm view thì tại sao tôi không làm? Đó là vì ý thức cộng đồng của tôi. Làm điều đó có lợi về mặt cá nhân tôi, cả về tài chính lẫn một số vấn đề khác. Nhưng nếu tôi tiếp tục làm là tôi đang tác động xấu tới một bộ phận xã hội.

Năm vừa rồi tôi làm phim hài “Cưới đi kẻo ế”. Tôi đọc rất nhiều bình luận, không phải để thỏa mãn hay giận hờn. Tôi thấy có nhiều bình luận họ nói: “Đây là phim hài sạch nhất” và họ chỉ trông đợi phim hài của Vượng Râu sản xuất. Điều đó làm tôi hạnh phúc. Lúc đó tôi không nghĩ đến tiền nữa, không nghĩ tới danh phận của mình mà nghĩ đến đóng góp của mình.

img

Có thể khi mình đưa ra 1 sản phẩm rất hot, tạo ra được hiệu ứng nhưng có phần tiêu cực, tác động xấu thì nghĩa là mình phải chấp nhận sự phỉ báng của xã hội. Lường trước được điều đó nên tôi không làm. Tất cả mỗi chúng ta trong cuộc sống không ai trọn vẹn. Để nói chuyện thật lòng ra, cái chữ Tâm không hề đơn giản. Có những người nói ra rất khách quan. Có người nói ra lại có mục đích. Tôi là người nói ra ở góc độ khách quan. Thành thử ra tôi chẳng ngại chuyện va chạm, hay người khác nghĩ gì về mình. Người ta có thể nghĩ về tính cách của tôi được, chứ không thể nghĩ về đạo đức, cách sống của tôi được.

Có những đêm tôi nằm nghĩ về con người mình. Có những thứ tôi nghĩ mình sửa được nhưng tại sao tôi không sửa. Trong cuộc sống này, nói ra những điều thật liệu có phải là tốt không? Tôi định không nói nhưng sau đó, tôi nghĩ, nếu ai cũng sống theo kiểu “hoa hậu thân thiện”, dĩ hòa vi quý và không cất lên tiếng nói của mình thì có lẽ cuộc sống sẽ khó tốt đẹp.

Tôi rất ghét những việc trái khoáy, đi ngược lại văn minh. Đương nhiên việc đó không ảnh hưởng gì tới mình, nhưng nó ảnh hưởng tới xã hội. Nhưng tôi không thể ngồi im, lặng lẽ nhìn.

img

Bàn về cái đẹp, về nghệ thuật, mới đây anh cũng có bài viết khá dài về chuyện một người mẫu nội y đặt chân lên thảm đỏ LHP Cannes gây xôn xao dư luận. Vậy anh muốn nói điều gì thông qua bài viết đó?

Về bài viết đó, thực sự tôi viết bằng một tâm thế nhẹ nhàng, rất khách quan. Thứ nhất, tôi không dùng từ ngữ nặng nề, thứ hai tôi không chụp mũ, thứ ba tôi không nói rõ cụ thể là ai. Bởi vì làm việc gì cũng thế, chúng ta đều phải tranh luận và biện luận lại điều người khác đưa ra. Trước cô người mẫu đó, có rất nhiều người nổi tiếng tới LHP Cannes mà “mặc như không”.

Nhưng rõ ràng những hình ảnh đó đều bị báo chí tại nước ngoài và Việt Nam chê đó là hình ảnh cực xấu. Có nhiều cách để lựa chọn hình ảnh đẹp trước mắt công chúng. Trong trường hợp này, số đông không phải là tất cả nhưng số đông là nhận định chính xác.

Chúng ta thừa biết một cuộc liên hoan, một giải thưởng thì bao giờ ban tổ chức cũng muốn đón tiếp những nghệ sĩ với trang phục rất đẹp, sang trọng, tế nhị. Những năm gần đây, một số người đẹp “mặc như không” đến thảm đỏ đều bị báo chí nhận xét là phản cảm.

Có những người đi ngược lại quan điểm trong bài viết của tôi, cho rằng đó là tự do của mỗi người, không ảnh hưởng tới ai. Họ nói thế không sai. Nhưng người Việt mình có câu “Ăn từng nơi, chơi từng chốn”. Khi tôi đang ngồi ở một nơi công cộng, tôi có thể cởi trần nhưng rõ ràng đó là một hình ảnh không đẹp. Sẽ có những người bảo thủ nói đó là bình thường nhưng rõ ràng giữa cộng đồng thì đó không còn là bình thường nữa.

img

Cư dân mạng thì nói rằng, sao Việt giờ muốn đánh bóng tên tuổi chỉ việc mặc hở. Anh có nhận thấy như vậy?

Thực ra việc hở ra là hot không chỉ riêng sao Việt đâu. Trên thế giới Madonna, Britney Spears hay Jennifer Lopez họ quá sexy rồi. Nhưng tôi thấy rằng sau những lần mặc quá bạo, họ đều bị chỉ trích. Thậm chí, thế giới có bãi biển tắm nude nhưng hoàn toàn trong sáng. Thế giới cũng có những ngày nude để bảo vệ môi trường. Chúng ta phải phân biệt giữa ảnh khêu gợi và ảnh nude nghệ thuật. Nếu chúng ta mượn chuyện này để khoe thân thể nhằm đổi lấy sự nổi tiếng thì phải chấp nhận chỉ trích của cộng đồng. Rõ ràng đó là việc cố tình để mọi người chú ý nhiều hơn.

Trong trường hợp cô người mẫu Việt đến kỳ LHP Cannes vừa rồi, tôi nghĩ chưa ai chê số đo hình thể ba vòng của cô ấy là xấu. Ai cũng khen đẹp. Nếu cô ấy mặc một đầm cực đẹp hay một chiếc áo dài cao quý thì chắc hẳn hình ảnh cô ấy khác hoàn toàn. Khác ở chỗ cô ấy đã đẹp rồi còn đẹp hơn nữa.

Trong thời buổi này, việc cố tình khoe hình thể là một chiêu cũ rồi.

img

Thiên Trường vọng phủ được anh xây dựng từ năm 2012. Tới nay đã được 7 năm. Biệt phủ đã được xây hoàn thiện theo đúng tâm nguyện của anh hay chưa?

Nếu nói đúng thì cũng khó. Người ta hay nói “Con giàu một bó, con khó một nén”. Trong tâm niệm của mình, tôi thấy cũng ổn rồi. Nhưng cũng phải suy nghĩ lại rằng, biết thế nào cho đủ. Có những khi mình phải giảm thông tin lại, hoặc làm kín kẽ hơn để bớt bị… vỡ trận vì người ta tới đông quá. Mặc dù cái này không thu, không đóng góp nhưng cái tâm của mình vẫn nghĩ ngợi vì sợ thiếu trọn vẹn. Tính tôi cầu toàn, sợ làm chưa tốt.

Điều gì khiến anh trăn trở nhất khi xây dựng biệt phủ này?

Nhiều lúc tôi muốn làm to, làm rộng cho tuyệt vời hơn nhưng đúng là muốn thế thì chẳng biết bao giờ mới xong. Tới giờ phút này, làm móng từ năm 2010, đến khi xong là 2012, đến giờ tôi thấy thanh thản. Gần 10 năm rồi, vẫn giữ được ước vọng của mình.

Có tin đồn số tiền anh bỏ ra xây Thiên Trường vọng phủ lên tới vài chục tỷ đồng?

Thực ra tôi cũng chẳng giấu đâu. Đến giờ tôi cũng không biết hết bao nhiêu tiền. Tôi có tính kỳ lắm. Tôi xây nhà, mua nọ mua kia chẳng bao giờ ghi đâu. Không phải do tính tôi cẩu thả. Tôi nghĩ ghi chẳng để làm gì. Chỉ biết số tiền rất nhiều. Nếu nói đúng thì xi-nhê chênh nhau vài ba tỷ, tôi cũng không nói chuẩn xác được. Việc định giá là việc của mọi người. Tiền đâu quan trọng. Cái tâm, nhiệt huyết dồn vào đó mới nhiều. Có những ngày nắng nóng 40 độ, tôi đi xe máy từ Hà Nội xuống dưới Thạch Thất, trong hàng năm trời để kiểm tra giám sát công trình. Lúc đó không còn tiền, tôi phải bán ô tô để đi xe máy. Nhưng tôi chưa bao giờ kêu ca, hay viết những điều căng thẳng, mệt mỏi lên mạng xã hội. Cái lớn nhất tôi bỏ vào đó là khát khao, tâm huyết chứ không phải tiền bạc.

img

Thiên Trường vọng phủ đã phải là tài sản lớn nhất của anh hay chưa?

Nếu nói đúng ra, một cách chân thành, tài sản lớn nhất với tôi là gia đình: vợ tôi và 3 người con. Đến giờ tôi thấy mình thành công là tài sản lớn nhất đó. Nhiều sách vở nói rồi, thực sự chúng ta sống ở cõi tạm thôi. Vật chất có nhiều, có to tới mức nào thì khi ra đi cũng không mang theo được. Những cái nhìn thấy được, đo đếm được, tôi nghĩ đó không phải là tài sản. Đôi khi tài sản là tinh thần.

Khi tôi để lại cho xã hội những sản phẩm nghệ thuật, đó mới là tài sản. Còn nhà, xe, công trình kiến trúc thì đó không phải là tài sản lớn nhất của tôi. Nhưng nếu bạn hỏi đó có phải là điều tôi thích không, thì tôi xin thưa đó đúng là nơi chốn tôi đặt nhiều khát khao, yêu mến.

img

Người ta thường hay nói “đẹp khoe, xấu che”. Ấy vậy mà anh, khi có vợ đẹp con xinh lại ít khi “khoe” cho thiên hạ “lác mắt”.

Nếu nói là có vợ xinh thì tôi không dám nhận. Chỉ có điều dưới góc độ gia đình, bạn biết mạng xã hội bây giờ rất phức tạp, nhiều khi luồng thông tin không chuẩn xác nên tôi không muốn đặt vợ con vào mớ bòng bong đó. Tôi là một người không quá mạnh mẽ nhưng chịu đựng được tất cả búa rìu dư luận hay những làn sóng tiêu cực đổ vào tôi. Tất cả những điều đó tôi không muốn ảnh hưởng tới vợ con. Tôi may mắn có ít antifan. Tôi đã nói với con: “Những cái gì nói xấu về bố, con đừng xem. Kể cả nói tốt con cũng đừng xem. Con chỉ nên xem những tiểu phẩm hài bố diễn thôi”.

Điều anh thương nhất ở bà xã là điều gì?

Đấy là một sự hy sinh đối với chồng con. Giống như nhiều phụ nữ khác, cô ấy phải chịu nhiều thiệt thòi. Đối với gia đình nghệ sĩ, điều đó càng thiệt thòi hơn. Ví như với người bình thường, đi nhiều lần chợ đêm, phố đi bộ… nhưng đôi khi, tôi hạn chế điều đó. Chẳng lẽ đi với vợ lại đeo khẩu trang?! Đi tới chỗ đông người, nhiều khi người ta kéo đến chụp ảnh, người ta ôm, bấu víu. Đôi khi điều đó làm ảnh hưởng tới góc riêng tư của mình trong lúc mình muốn được tự do, thoải mái. Lúc ấy không muốn bị quan tâm nhiều quá. Hay như những gia đình bình thường, họ hay đi du lịch. Còn gia đình tôi có khi bận bịu, không phải theo một lịch cố định nên nhiều khi rất thiệt.

Có một chuyện thật thế này. Hôm bà xã sinh cháu thứ ba, tôi bấm máy quay phim, không về được. Lý do không về được vì nếu tôi nghỉ, máy móc đã thuê rồi, tất cả ê-kíp hàng trăm người sẽ phải nghỉ. Ngược lại vợ cũng sẽ giận vì biết ngày đấy vợ đẻ mà còn đi quay phim. Nhưng nói thật là biết làm sao được, có phải ngày cụ thể đâu. Bù lại, khi vợ chồng hiểu nhau thì mọi thứ đều ổn.

img
img

img

Ảnh: Hoàn Như

Bài viết: Thu Vũ

Thực hiện: Nãm Trung Nguyên

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem