Rải rác ở vùng quê Bình Định là 14 tháp Champa cổ, 4 tòa thành cổ, có nơi dân ra đồng đào được đồ cổ

Thứ tư, ngày 15/11/2023 13:33 PM (GMT+7)
Hiện nay ở tỉnh Bình Định có 14 công trình kiến trúc cổ là tháp Champa tập trung tại 8 cụm, địa danh như: Bánh Ít, Dương Long, Hưng Thạnh, Cánh Tiên, Phú Lốc, Phú Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông. Ngoài ra còn có 4 tòa thành Champa cổ gồm tòa thành Thị Nại, tòa thành Đồ Bàn, tòa thành An Thành, toàn thành Uất Trì.
Bình luận 0

Trong tất cả các cổ vật phát hiện được, đáng chú ý là tượng tu sĩ ở chùa Linh Sơn, thuộc thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. 

Những cư dân ở đây trong lúc làm đất canh tác đã phát hiện bức tượng cổ chôn sâu dưới lòng đất và đã đào lên đem hiến cho chùa. Dân địa phương gọi là chùa “Phật lồi”. 

Rải rác ở vùng quê Bình Định là 14 tháp Champa cổ, 4 tòa thành cổ, có nơi dân ra đồng đào được đồ cổ - Ảnh 1.

Tháp Dương Long, một tháp cổ phong cách kiến trúc Champa tọa lạc xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, cách TP Quy Nhơn khoảng 50km.

Ở Quy Nhơn hiện vẫn còn dấu vết các lăng mộ cổ của người Chăm tại xã đảo Nhơn Châu. Ở khu vực duyên hải miền Trung hiện có trên 19 khu tháp với hơn 40 ngôi tháp cổ lớn nhỏ thuộc văn hóa Champa.

Ch. Lemire đã mô tả các tháp cổ Chăm phân bố ở tỉnh Bình Định trong tác phẩm “Les Tours Kiames de la Province de Binh Dinh” như sau: “Trong các tháp có các tượng, rất có thể chúng bằng vàng hoặc bằng bạc, có mắt bằng ngọc và răng bằng kim cương và những tượng bằng đá nhưng đã bị thất lạc. 

Người ta đã đào các bức tượng cổ để bóc gỡ các tranh thánh được gắn vào đó. Các tháp Bạc (người Việt  Nam  quen gọi là tháp Bánh Ít) phô bày hàng loạt công trình đáng lưu ý, phần lớn các tượng đều bằng vàng hoặc bằng đá thếp vàng.

Tượng cổ cuối cùng che vòm đã được mang sang Pháp năm 1886. Gần 80 tấn đá chạm được dành cho Bảo tàng Lyon đã được tàu  Mekong  chuyển về Pháp dưới sự quản lý của Tiến sĩ Maurice. Tàu Mekong bị đắm ở Hồng Hải và những người Somali tưởng rằng đã tìm thấy kho báu nên đã đem vào bờ một số lớn những hòm nặng này, nhưng họ chỉ tìm thấy đá và đá...”.

Rải rác ở vùng quê Bình Định là 14 tháp Champa cổ, 4 tòa thành cổ, có nơi dân ra đồng đào được đồ cổ - Ảnh 2.

Tháp Dương Long nhìn từ trên cao. Cụm tháp Chàm có tên Dương Long tọa lạc tại xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bình Định.

Ở TP Quy Nhơn có 2 ngọn tháp đứng kề nhau, dân gian gọi là Tháp Đôi. Các tư liệu xưa còn ghi chép Tháp Đôi là tháp Hưng Thạnh được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XII. 

Ngày 10/7/1980, Tháp Đôi được Nhà nước xếp hạng vào danh mục những di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Tháp Đôi được tiến hành trùng tu đầu tiên ở tỉnh Bình Định và được các nhà nghiên cứu xếp vào loại di sản độc đáo của nghệ thuật kiến trúc Champa. 

So với các ngọn tháp khác trong tỉnh, trong vùng Tháp Đôi không hề giống bất kỳ một ngôi tháp cổ nào hiện có. Thế nhưng các nhà khoa học đến nay vẫn chưa tìm ra lý do khác thường.

Theo một truyền thuyết thì trên chóp đỉnh của Tháp Đôi, cụm tháp gồm 2 chiếc nằm ở thành phố Quy Nhơn có 2 quả cầu lớn làm bằng vàng ròng. Cả hai khối vàng này đã bị các thủy thủ người da trắng của một chiếc tàu châu Âu đến cướp đoạt và mang xuống tàu sau một cuộc tấn công chớp nhoáng. 

Việc thừa hưởng 14 quần thể tháp Chàm cổ còn lại đến nay, có thể khẳng định rằng, tỉnh Bình Định đang sở hữu một phần kho báu của nhân loại.

Cùng với di tích Tháp Đôi, tại vùng “Tây Sơn hạ đạo”, có cụm tháp Dương Long. Ngày xưa người Pháp gọi đây là “Tháp Ngà”, dân địa phương thì gọi là tháp An Chánh. 

Tháp Dương Long có 3 tòa tháp cổ với chiều cao từ 29 đến 36 mét. Nhiều nhà nghiên cứu hiện nay đã xác định niên đại của tháp vào khoảng nửa sau thế kỷ XII. Đây là cụm di tích thứ 2 được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cùng với Tháp Đôi Quy Nhơn.

Sau hai cụm Tháp Đôi và tháp Dương Long, là tháp Cánh Tiên và tháp Bánh Ít. Tháp Cánh Tiên nằm ở địa phận xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay. 

Rải rác ở vùng quê Bình Định là 14 tháp Champa cổ, 4 tòa thành cổ, có nơi dân ra đồng đào được đồ cổ - Ảnh 3.

Cụm tháp Dương Long-một trong những cụm tháp cổ Champa nổi bật trên địa bàn tỉnh Bình Định. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bình Định.

Theo tài liệu của người Pháp thì tháp Cánh Tiên còn được gọi là Tháp Đồng, nhưng vì sao có tên gọi này thì vẫn chưa xác định được nguồn gốc. Tháp cao khoảng 20 mét, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên trong chuyện cổ tích đang bay lên trời xanh. 

Khác với các tháp Chàm khác, tháp Cánh Tiên được xây dựng một phần bằng chất liệu đá sa thạch, xung quanh có nhiều phù điêu chạm khắc nên một dáng vẻ độc đáo.

Không giống tháp Cánh Tiên, cụm tháp Bánh Ít có đến 4 tòa tháp lớn nhỏ khác nhau. Gọi là tháp Bánh Ít bởi vì khi đứng xa trông cụm tháp giống như những chiếc bánh ít lá gai - một sản vật thường thấy trong các dịp cúng lễ, giỗ chạp ở miền Trung. 

Người Pháp gọi đây là Tháp Bạc. Tất cả đều nằm trên một đỉnh đồi thuộc địa phận xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km. 4 ngôi cổ tháp đều có các tượng thờ, hình vũ nữ đang múa, hình voi, hình các vị thần linh. Kiểu trang trí làm cho ta có cảm giác như đang lạc vào thế giới thần bí của người Chăm cổ xưa.--PageBreak--

Cũng tại Bình Định còn có tháp Bình Lâm nằm ở xã Phước Hòa (Tuy Phước). Người dân ở đây kể lại rằng, thôn Bình Lâm là nơi có những cư dân người Việt lần đầu tiên đến đây khai phá mở mang vùng đất phì nhiêu này. Trong hệ thống tháp Chàm Bình Định, thì tháp Bình Lâm là nhóm tháp cổ có niên đại sớm nhất.

Một cụm di tích khác có tên là tháp Thủ Thiện, còn gọi là Tháp Đồng ở xã Bình Nghi (Tây Sơn) nằm bên quốc lộ 19. Năm 1995, ngọn tháp nói trên được xếp hạng di tích cấp Nhà nước. Tuy vậy, cũng giống như các cụm di tích tháp Chàm khác ở Bình Định, ngọn tháp Thủ Thiện hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Di tích cuối cùng được xếp hạng cùng lúc với tháp Thủ Thiện là tháp Phú Lốc. Người Pháp đặt tên là Tháp Vàng. Phú Lốc nằm giáp giới giữa TX An Nhơn và huyện Tuy Phước. 

Tháp nằm trên đỉnh một quả đồi cao 76 mét so với mực nước biển. Ngọn tháp đã bị hư hỏng khá nhiều, tuy vậy nhìn một cách tổng quát vẫn thấy được dáng vẻ bề thế, uy nghi của một công trình kiến trúc cổ.

Ngoài 7 cụm tháp ở Bình Định đã được Nhà nước xếp hạng, hiện nay vẫn còn một số di tích tháp cổ khác chỉ còn chân đế, hoặc đã bị sụp đổ do thời gian và do có người đào bới tìm vàng, trong đó có tháp Hòn Chuông ở huyện Phù Cát. Ngôi tháp này cùng nhiều tháp Chàm khác đang chờ Nhà nước trùng tu...

Nguyễn Tấn Tuấn (Địa chí Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem