Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
hững ngày này, muốn gặp được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến quả là khó khăn khi công tác chống dịch tả lợn châu Phi ở các địa phương căng như dây đàn, trong khi hệ thống thú y cơ sở đang bộc lộ nhiều bất cập. Nhưng khi chúng tôi nhắc đến sự vất vả này, ông chỉ cười: “Đó là hạnh phúc của những người làm nông nghiệp, đặc biệt cho chúng tôi nhiều bài học quý hơn rất nhiều các lý luận sách vở trong công tác quản lý. Có lăn lộn với thực tế, tiếp xúc với người nông dân mới hiểu hết những khó khăn, vất vả của họ, nhìn thấy những điểm nghẽn, hạn chế sự phát triển của ngành, từ đó tham mưu cho lãnh đạo đưa ra quyết sách, định hướng đúng đắn, kịp thời”.
Xin được bắt đầu từ chuyến Thứ trưởng “âm thầm” đi thị sát tình hình chống dịch ở Bắc Giang, phát hiện rất nhiều xác lợn trôi sông, gây ô nhiễm nghiêm trọng, trong khi chính quyền địa phương vẫn còn lơ là. Hẳn lúc đó ông đã rất sốc?
Chuyến đi đó, tôi đã không báo trước cho chính quyền cũng như ngành chức năng địa phương mà thị sát ngay một địa điểm ở xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), nơi giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, tôi thực sự sốc khi mỗi ngày có đến 4 – 5 tấn lợn chết do dịch tả lợn châu Phi trôi về đây, gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt sẽ theo nguồn nước gieo rắc dịch đi muôn nơi. Sau đó khoảng 1 giờ, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang mới có mặt, chỉ đạo xử lý chôn lấp.
Có một điểm chung trong vấn đề chống dịch ở các địa phương là ở đâu, đơn vị nào cũng kêu lực lượng thú y mỏng, lại đang trong quá trình sát nhập thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp nhưng nếu cứ vin cớ thiếu người để biện minh cho những tồn tại này thì làm sao giải quyết triệt để được dịch.
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng đã nói “chống dịch như chống giặc”, bởi rõ ràng, một dịch bệnh cả trăm năm không có thuốc đặc trị, không có vaccine thì không ai có quyền được xem nhẹ, nhất là khi nó tác động trực tiếp đến sinh kế, đến nồi cơm của hàng triệu hộ gia đình. Vậy mà ở nhiều nơi, bằng cách nào đó, lợn bị dịch vẫn được tuồn đi tiêu thụ, xác lợn chết vẫn trôi trên các dòng sông, thậm chí xuất hiện cả hiện tượng khai khống lợn chết để trục lợi chính sách của nhà nước. Nếu tình trạng chống dịch vẫn “trên nóng dưới lạnh”, Trung ương quyết liệt, địa phương lơ là thì đến bao giờ chúng ta mới chiến thắng được dịch bệnh nguy hiểm này.
Qua việc này, tôi thấy, ngoài thông tin tuyên truyền, phải có xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự thì mới có tính chất răn đe, thực thi quy định hiệu quả. Được biết, Công an tỉnh Đồng Nai đã có quyết định khởi tố vụ án để điều tra việc giết mổ, tàng trữ thịt heo nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn huyện Trảng Bom. Việc này là vô cùng cần thiết để công tác chống dịch hiệu quả.
Những tín hiệu gần đây trong việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, nghiên cứu vaccine cho thấy, chúng ta có quyền trông đợi vào một ánh sáng cuối đường hầm, thưa Thứ trưởng?
Cho đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 62/63 tỉnh, thành phố, khiến hơn 3 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy, rõ ràng đây là một tổn thất vô cùng to lớn của ngành chăn nuôi, tác động rõ rệt đến tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Chưa có dịch bệnh nào mà từ Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đều ra hàng loạt những văn bản, chỉ thị để chỉ đạo tăng cường công tác chống dịch. Hiện, tốc độ lây lan của dịch có dấu hiệu chậm lại.
Từ thực tiễn chống dịch ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tôi thấy, không có con đường nào khác để bảo vệ đàn lợn của mình là đảm bảo các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo tuyệt đối vấn đề cách ly đàn lợn với môi trường bên ngoài.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi cũng đang có tiến triển tốt khi kết quả khảo nghiệm diện hẹp trên đàn lợn cho kết quả khả quan. Tất nhiên, việc cho ra sản phẩm vaccine không thể trong ngày một ngày hai nhưng những kết quả bước đầu cho thấy chúng ta có thể hoàn toàn trông đợi vào một ánh sáng ở cuối đường hầm.
Qua cơn “bão dịch” tả lợn châu Phi, thực tế cho thấy mô hình chăn nuôi nông hộ đã quá lạc hậu, cần phải thay đổi. Vậy chúng ta sẽ phải có giải pháp tái cơ cấu như thế nào để nông hộ không bị “đè bẹp”?
Thực tế, trong chăn nuôi hiện nay vẫn còn khoảng 2,4 triệu hộ nhỏ lẻ. Nhiều ý kiến cho rằng cần cấm chăn nuôi nông hộ, nhưng làm sao làm được điều này khi đó là sinh kế, là cơm áo gạo tiền của hàng triệu hộ nông dân. Sắp tới, Bộ NNPTNT sẽ tổng kết chương trình chăn nuôi, từ đó xây dựng lại định hướng phát triển ngành để phù hợp với thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh chúng ta đã ký kết một loạt FTA. Tham gia các FTA, đừng nghĩ gỡ bỏ được hàng rào thuế quan đã là chiến thắng, nếu chúng ta không vượt qua được hàng rào kỹ thuật về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thì có thể thua ngay trên “sân nhà”.
Bộ cũng đã chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi và các địa phương phối hợp các doanh nghiệp xây dựng được hơn 740 chuỗi liên kết từ sản xuất tới bàn ăn như Green Feed, Dabaco, CP, hay Dehaus,… Đầu năm 2020, khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, khi đó, các quy định về điều kiện chăn nuôi sẽ được thực hiện. Trước đó, từng có ý kiến băn khoăn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì áp dụng thế nào nhưng khó vẫn phải làm. Muốn có một cuộc cách mạng cho ngành thì phải chấp nhận thay đổi, chấp nhận hi sinh, không thể nào giữ mãi thói quen cũ.
Tất nhiên, chúng ta sẽ có các giải pháp chuyển dịch dần một phần lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực khác như dịch vụ, du lịch, công nghiệp để đảm bảo ổn định đời sống người nông dân.
Trong lúc tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều người lo ngại các mục tiêu của ngành trong năm 2019 sẽ không thể đạt được. Vậy Thứ trưởng có thể cho biết ngành nông nghiệp có những giải pháp nào để không bị âm tăng trưởng?
Phải thừa nhận 2019 là một trong những năm khó khăn nhất của ngành nông nghiệp. Khi tôi đang làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN và môi trường của Quốc hội thì ngày 2/11/2018 có quyết định về nhận nhiệm vụ tại Bộ NNPTNT. Ngay tại cuộc họp giao ban cuối năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nhìn nhận và bày tỏ sự lo lắng trước những khó khăn của ngành trong năm 2019 khi thị trường xuất khẩu khó khăn, diễn biến thời tiết phức tạp, dịch bệnh diễn biến vô cùng khó lường, thuỷ sản chưa gỡ được “thẻ vàng” của EC. Có thể nói, đó là một khó khăn bao trùm.
Do đó, ngay từ cuối năm 2018 Bộ đã xác định và đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, chủ động sản xuất. Ví dụ như với chăn nuôi gia cầm, đại gia súc chúng ta tập trung vào khai thác tiềm năng, đẩy mạnh xuất khẩu, nhờ đó đà tăng trưởng 6 tháng đầu năm vẫn đạt 2,9%, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, đạt hơn 19 tỉ USD; lĩnh vực nông thôn mới về đích chỉ tiêu trước 1 năm.
Tuy nhiên, đối với ngành chăn nuôi, khó khăn sẽ chưa thể hết. Đặc biệt với chăn nuôi lợn, ước tính tăng trưởng sẽ giảm khoảng 5,5%. Bộ đã tính đến việc bù đắp bằng chăn nuôi gia cầm, đại gia súc. Sắp tới đây, Bộ sẽ chỉ đạo Cục Chăn nuôi tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm tại ĐBSCL; xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc như ở Hà Nội, Hà Nam, Bình Định, Thái Bình…
Trước khi làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN và môi trường của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, ông Phùng Đức Tiến từng có nhiều năm công tác ở Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương, Viện Chăn nuôi Quốc gia. Nhớ về những ngày tháng đó, vị Thứ trưởng mộc mạc, chân tình vẫn không quên được cảm giác hạnh phúc khi giống gà do mình nghiên cứu đã giúp hàng triệu hộ nông dân có thu nhập ổn định.
Với Thứ trưởng, chắc những ngày làm công tác nghiên cứu các giống gia cầm quý đã mang lại nhiều trải nghiệm thú vị, là kinh nghiệm cho công tác quản lý hôm nay?
Khi còn làm nghiên cứu về công tác nhân giống các loại gia súc gia cầm quý, tôi luôn có khát vọng mang được những giống vật nuôi có chất lượng thịt tốt, giá trị dinh dưỡng cao để phục vụ người chăn nuôi. Đà điều, gà lông trắng, gà Lương Phượng,… đều là những giống gia cầm tôi và các đồng nghiệp phải lao tâm khổ tứ trong một thời gian dài mới có thể thuần hóa phù hợp với điều kiện chăn nuôi của Việt Nam.
Điều tôi cảm thấy hạnh phúc là nhiều giống gia cầm do tôi nghiên cứu đã mang lại cuộc sống và thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân. Giống gà Lương Phượng cho đến giờ vẫn được coi là một trong những giống gia cầm chủ lực, được các nông hộ nuôi rất nhiều. Đối với những người làm công tác nghiên cứu, còn gì vui hơn khi thấy thành quả của mình được áp dụng vào thực tiễn.
Nhưng chắc hẳn cũng có lúc nó làm ông đau đầu chứ?
Tất nhiên, phải xác định nghiên cứu khoa học là một công việc hết sức khó khăn, giống như người leo núi, vừa qua đỉnh này lại có đỉnh khác cao hơn cần chinh phục. Trước đây, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về giống đà điểu. Quá trình nhân giống, lai tạo phải quan sát thật kỹ để tìm hiểu sự khác biệt, từ đó chọn được những con giống có nhiều ưu điểm nhất.
Hay như đề tài nghiên cứu về giống gà công nghiệp (gà lông trắng), nói thật để tạo ra được nguồn giống là vô cùng khó khăn do năng suất trứng rất thấp, trong khi đó, lớp mỡ hai bên thân gà và dưới bụng rất dày, buồng trứng còn không có. Tôi quyết định thực hiện giảm chế độ ăn, từ đó gà đẻ năng suất hơn hẳn, đạt hơn 184 trứng, tỉ lệ ấp nở thành công lên đến 134 gà con. Đề tài nghiên cứu này tôi đạt loại xuất sắc và được trao tặng bằng lao động sáng tạo nhưng vui hơn là, giống gà này đã tạo sinh kế cho nhiều người, nhiều trang trại nuôi gà lông trắng quy mô đã mọc lên.
Nhưng có vẻ như bây giờ việc nghiên cứu giống mới lại ngày càng èo uột. Thứ trưởng nghĩ sao về nhận định này?
Muốn nghiên cứu tốt, phải có thực tế, chiều sâu, phải chăm chỉ quan sát. Đúng là đang có một thực tế chúng ta đầu tư nhiều đề tài nhưng không gắn với thực tế sản xuất, nên nghiên cứu xong thì… cất tủ. Hàng năm chúng ta duyệt khá nhiều đề tài, thử hỏi có bao nhiêu đề tài đi vào cuộc sống? Đã đến lúc phải coi khoa học cũng là thị trường.
Ví dụ, ngay khi có dịch tả lợn châu Phi, lập tức một nhóm nhà khoa học bắt tay với nhau nghiên cứu vaccine mà chưa có được một đồng kinh phí của nhà nước. Làm khoa học phải tâm huyết và máu lửa, còn cứ đợi đề tài, nghiên cứu cho có rồi… cất tủ thì vô nghĩa lắm.
Trong thời gian làm nghiên cứu, đã lúc nào ông phải đối mặt với những khó khăn như trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi chưa?
Đó là khi dịch cúm gia cầm lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam, thậm chí thông tin dịch có thể lây sang người càng khiến mọi người hoang mang. Thời điểm đó, sáng ra chỉ ăn tạm gói xôi, còn lại là lăn lộn với dịch. Đối mặt với một dịch bệnh nguy hiểm, lại chưa có tiền lệ, ai cũng lúng túng. Ngay lúc đó tôi chỉ đạo anh em tìm hiểu các tài liệu của nước ngoài, xem người ta làm thế nào để mình học theo, từ khâu xử lý chất độn chuồng, thức ăn, điều trị bệnh cho vật nuôi…
Tôi đã từng thăm 1 cơ cở chăn nuôi của nước ngoài, họ đầu tư rất hiện đại và quy củ. Ví dụ, trong một dãy chuồng tất cả đầu lợn quay về một bên, mỗi con một vòi nước uống riêng biệt; mỗi ô nuôi đều được bảo vệ để các con lợn không tiếp xúc được với nhau, nếu không may xảy ra bệnh dịch, họ chỉ cần tiêu huỷ con trước và con sau theo hướng gió chứ không cần tiêu huỷ toàn bộ.
Hay như tại khu vực chăn nuôi của Greenfeed, họ thiết kế những khu vực riêng biệt, ví dụ tại khu vực nhập thức ăn, xe ô tô chở thức ăn sẽ được đưa vào kho, sau đó tiến hành rửa và sấy; cám vào tới miệng con lợn phải qua 3 lần chuyển và phun tiêu độc khử trùng; trang trại không hề có bóng dáng chuột bọ, hay chim trời. Để chống chuột xâm nhập vào chuồng, họ rải sỏi nhỏ bên các kẽ hở, lối đi, sỏi trơn trượt nên chuột không thể chạy được vào chuồng.
Tôi thấy, Thứ trưởng cũng là người rất quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, có thể chỉnh cán bộ ngay tại cuộc họp?
Từ kinh nghiệm trong nhiều năm nghiên cứu về con giống và dịch bệnh, tôi thấy, nếu trong phòng chống dịch bệnh mà không quyết liệt thì hậu quả sẽ vô cùng khó lường. Ví dụ, đi chống dịch thì phải mặc quần áo, đi ủng, đeo găng tay, khẩu trang đúng quy định nhưng ở một số nơi cán bộ chỉ đeo mỗi khẩu trang, vô tư đi giày chưa qua khử trùng vào trại chăn nuôi, dịch lây lan từ đó chứ đâu.
Hay như công tác nghiên cứu vaccine, đích thân tôi và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo rất quyết liệt, thậm chí có lần tôi phải thức trắng đêm hoàn thiện các văn bản liên quan. Nếu không quyết liệt sao có thể có kết quả nghiên cứu ngay chỉ trong vài tháng?
Giản dị, chất phác, mộc mạc là những gì có thể nhận thấy ở Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cho đến giờ, ông vẫn chung thủy với chiếc điện thoại Nokia màn hình đen trắng kiểu “cùi bắp” nhưng luôn sẵn sàng trả lời phỏng vấn báo chí ngay cả khi đang trên đường đi cơ sở. Hạnh phúc hơn, ông bảo, là mình vẫn được làm thầy.
So với những năm tháng làm công tác nghiên cứu và bây giờ làm quản lý một lĩnh vực rộng lớn của Bộ, ông thấy công việc nào vất vả hơn?
Tôi nhớ, khi chuyển công tác từ Uỷ ban KHCN và Môi trường của Quốc hội về Bộ NNPTNT, riêng tài liệu trong phòng làm việc của tôi đã lên tới 2-3 tấn, phải thuê xe tải chở về. Vợ tôi thấy thế cười bảo: “Thảo nào mà ngày nào cũng 2-3 giờ sáng mới đi ngủ”. Nhưng đó không đơn giản chỉ là đống giấy tờ, mà đó là cả quá trình tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để dù làm việc gì thì cũng phải quyết liệt, tận tâm.
Vì vậy, sẽ chẳng có công việc nào là nhàn hạ hay vất vả hơn, chỉ có sự nghiêm túc, trái tim mình dành cho nó đến đâu để gặt hái được những thành quả như mong muốn.
Trong suốt nhiều năm làm công tác nghiên cứu, quản lý, tôi nhận được nhiều phần thưởng cao quy của Đảng, Nhà nước trao tặng, nhưng món quà quý giá nhất vẫn là nhìn thấy những giống vật nuôi từng là tâm huyết của mình vẫn được bà con kỳ vọng để tạo ra nguồn sinh kế.
Tôi rất muốn truyền đạt lại những kinh nghiệm mình có cho những người đi sau. Đây là lý do, mặc dù làm công việc quản lý, công việc ngập đầu, thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi nhưng tôi vẫn đang hướng dẫn nghiên cứu sinh chỉ vì niềm say mê nghiên cứu khoa học. Nói cách khác, tôi vẫn được làm thầy.
Làm việc nhiều như thế, Thứ trưởng lấy đâu thời gian cho gia đình?
Hiện tôi đang hướng dẫn 11 nghiên cứu sinh, 5 người đã trở thành tiến sĩ, chưa kể các bài báo nghiên cứu khoa học rất nhiều. Ngày chống dịch, đêm viết báo cáo, tờ trình, dự thảo…, nên thời gian dành cho gia đình thực sự không nhiều.
Nhưng bù lại, vợ và các con tôi đều hiểu, đó là đam mê, là nhiệt huyết của tôi. Các con tôi đều đã trưởng thành, theo học ngành kinh tế, điều tôi muốn ở các con mình, hãy giữ vững trái tim chân thành và nhiệt huyết, làm đúng trách nhiệm thì mọi việc dù khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.