Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm ấn tượng với mô hình sản xuất của hội viên ở Hải Dương
Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đến thăm 2 mô hình kinh tế tiêu biểu của hội viên nông dân ở huyện Tứ Kỳ. Đó là mô hình HTX nuôi thuỷ sản của hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Doan, 54 tuổi ở xã Tân Kỳ và mô hình khai thác rươi, cáy và nuôi cà ra của anh Nguyễn Văn Tuân ở xã An Thanh.
Ông Nguyễn Hữu Doan chia sẻ với đoàn công tác về quá trình phát triển chăn nuôi thủy sản của gia đình. Theo đó, ông Doan bắt đầu nuôi cá từ năm 2002. Sau 22 năm nuôi cá, với nhiều lần mở rộng diện tích ao nuôi, đến nay tổng diện tích nuôi của gia đình đã đạt hơn 11 ha. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Doan còn đầu tư hệ thống máy sục khí tạo ô xy và chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh cho cá.
Hiện, ông Doan nuôi tập trung cá rô phi, cá trắm. Do áp dụng phương pháp nuôi gối nên trong thời gian nuôi 2 năm sẽ cho thu hoạch 3 lứa. Hàng năm, sản lượng cá thu được từ 300 - 350 tấn cá rô, cá trắm các loại, trừ chi phí hàng năm ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho 5 lao động.
Tại mô hình khai thác rươi cáy và nuôi cà ra ở xã An Thanh, anh Nguyễn Văn Tuân, chủ mô hình thông tin với đoàn công tác về việc khai thác rươi, cáy và nuôi cà ra của gia đình. Theo đó, gia đình anh Tuân nhiều năm khai thác rươi, cáy và cà ra từ tự nhiên. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, anh Tuân hiện mới thử nghiệm mô hình nuôi cà ra trên diện tích hơn 1.000m2 ao.
Cũng theo anh Tuân, tuy đang thử nghiệm nhưng tín hiệu rất khả quan. Cùng với đó, anh dự tính sẽ phát triển thêm mô hình du lịch sinh thái, xây dựng homestay để thu hút khách du lịch về trải nghiệm đồng quê.
Theo lãnh đạo xã An Thanh, hiện nay, xã đã phát triển được hơn 350ha khai thác rươi, cáy và trồng lúa hữu cơ ở cả 3 thôn của xã gồm: Thanh Kỳ, An Lao và An Định. Trong đó, xã có 137 ha diện tích ngoài bãi sông Thái Bình đã được chứng nhận vùng sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam và 214 ha diện tích đất sản xuất trong đồng để thực hiện mô hình cấy lúa kết hợp khai thác con rươi, con cáy.
Với mô hình cấy lúa hữu cơ kết hợp khai thác con rươi, con cáy mang lại giá trị kinh tế cao, ước đạt từ 300 - 500 triệu đồng/ha.
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành TW Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho hay: "Về thăm một số làng quê ở Tứ Kỳ, tôi cảm nhận đây là những làng quê đáng sống; bà con nông dân chúng ta cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo".
Đồng thời, Phó Chủ tịch TW Hội cũng đánh giá cao 2 mô hình phát triển kinh tế mà đoàn đã đến thăm. Đây là những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn như mô hình khai thác rươi, cáy ở An Thanh trừ chi phí bà con còn lãi 600 triệu đồng/ha. Nếu cứ cấy lúa thì làm sao có được thu nhập như thế.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm cũng khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, những nơi nào vùng đất trũng cho thu nhập thấp, không trồng được lúa có thể chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thuỷ sản để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nâng cao cuộc sống gia đình và góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.