Lâm Đồng: Hội Nông dân TP Đà Lạt hướng dẫn người dân làm phân bón từ phụ phẩm rau, hoa

Văn Long Thứ hai, ngày 29/07/2024 07:08 AM (GMT+7)
Hội Nông dân TP. Đà Lạt đã hướng dẫn các hội viên, nông dân làm phân bón từ phụ phẩm rau, hoa, vừa bảo vệ môi trường lại tiết kiệm được chi phí đầu vào khi sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Nông dân TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) triển khai xây dựng Mô hình "Thu gom, xử lý rác rau, hoa làm phân bón hữu cơ sinh học" trên các vùng nông nghiệp trọng điểm như phường 8, 9, 12. Từ các mô hình do Hội Nông dân thành phố tổ chức, hội viên, nông dân trên địa bàn đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, chương trình đã giúp người dân giảm chi phí đầu vào khi sản xuất nông nghiệp.

Lâm Đồng: Hội Nông dân TP Đà Lạt hướng dẫn người dân làm phân bón từ phụ phẩm rau, hoa- Ảnh 1.

Hội Nông dân TP. Đà Lạt đã triển khai thực hiện mô hình "Thu gom, xử lý rác rau, hoa làm phân bón hữu cơ sinh học", giúp người dân làm phân bón từ phụ phẩm rau, hoa.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Công - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Lạt cho biết, quy trình thu gom phụ phẩm nông nghiệp ủ thành phân hữu cơ trên địa bàn dựa theo tài liệu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai "Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải nhà kính của cộng đồng quốc tế".

Ông Công cũng cho hay, thực hiện mô hình trên, Hội nông dân thành phố đã hướng dẫn hội viên, nông dân thực hành 8 bước: Chuẩn bị địa điểm; thu gom phụ phẩm cây trồng; chuẩn bị dung dịch chế phẩm sinh học; chuẩn bị ống thông khí vào đống ủ; xếp lớp phụ phẩm cây trồng thành đống và tưới chế phẩm sinh học; che phủ đống ủ; kiểm tra độ ẩm ủ hàng tuần; thu hoạch phân ủ đã hoai mục.

Lâm Đồng: Hội Nông dân TP Đà Lạt hướng dẫn người dân làm phân bón từ phụ phẩm rau, hoa- Ảnh 2.

Phụ phẩm từ rau, hoa được thu gom, chất đống để ủ thành phân hữu cơ.

"Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân sử dụng tỷ lệ 250g chế phẩm sinh học dùng với 0,5 lít rỉ mật và 25 lít nước. Chất đống các phụ phẩm cây trồng thành từng lớp 25 - 30cm, mỗi lớp cao khoảng 40cm. Sau mỗi lớp sẽ được tưới dung dịch chế phẩm sinh học. Trong khi xếp lớp, chèn cọc tre đục lỗ đường kính khoảng 5cm, chiều dài 6 - 8m.

Sau đó, chất phụ phẩm thành đống rồi giàn ngang đều, bề mặt phẳng để nước dễ dàng thấm xuống khi tưới. Che phủ đống ủ đã chèn cọc tre bằng bạt hoặc nilon để tránh nước mưa. Bước này, không cần che phủ quá kín để đảm bảo không khí có thể lưu thông. Người dân cũng cần kiểm tra độ ẩm hàng tuần, nếu luống ủ quá khô sẽ phải tưới thêm nước. Sau khoảng 2,5 tháng, nếu phân ủ có màu nâu đen hoàn toàn tơi xốp thì có thể sử dụng", ông Công cho biết.

Lâm Đồng: Hội Nông dân TP Đà Lạt hướng dẫn người dân làm phân bón từ phụ phẩm rau, hoa- Ảnh 3.

Chế phẩm sinh học được pha để tưới lên các lớp phụ phẩm cây trồng.

Là một trong những người thực hành mô hình trên, ông Vũ Nhuần (phường 8, TP. Đà Lạt) cho biết, với diện tích 5.000m2 đất canh tác, hàng năm sau thu hoạch gia đình ông Nhuần đã xả ra môi trường hàng chục tấn rác thải từ phế, phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước, không khí... Tuy nhiên, sau khi được tham gia các lớp tập huấn của Hội Nông dân TP. Đà Lạt, ông đã thay đổi nhận thức và áp dụng thành công kỹ thuật ủ phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ.

Lâm Đồng: Hội Nông dân TP Đà Lạt hướng dẫn người dân làm phân bón từ phụ phẩm rau, hoa- Ảnh 4.

Ông Vũ Nhuần (găng tay cam) tham gia lớp tập huấn làm phân bón từ phụ phẩm rau, hoa do Hội Nông dân TP. Đà Lạt tổ chức.

Trước đó, từ đầu năm 2024, Hội Nông dân TP. Đà Lạt đã tổ chức 2 Hội nghị về "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải nhà kính của cộng đồng quốc tế" trên địa bàn thành phố. Theo đó, 2 hội nghị được tổ chức tại UBND phường 12, TP. Đà Lạt đã tập trung thảo luận chia sẻ kinh nghiệm các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ tại phường 8, 9, 12; đồng thời, giới thiệu các mô hình tiêu biểu thực hiện có hiệu quả tại địa phương của các đại biểu tham gia.

Ông Nhuần chia sẻ thêm: "Nhờ áp dụng kỹ thuật này đã giúp gia đình tôi tiết kiệm rất nhiều công lao động. Sau khi ủ thành phân hữu cơ, tôi lại bón cho vườn rau, hoa của mình, tính ra giảm được 45- 50% lượng phân hữu cơ mình phải đi mua bên ngoài, tiết kiệm trên hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Hơn nữa, tôi còn áp dụng được quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường với bà con xung quanh nơi tôi đang sản xuất. Hy vọng, mô hình trên sẽ được lan tỏa không những quanh khu dân cư nơi tôi đang sản xuất sinh sống mà còn được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Đó cũng chính là sự mong mỏi vì một tương lai xanh của con cháu chúng ta, vì một trường xanh, sạch, đẹp".

Lâm Đồng: Hội Nông dân TP Đà Lạt hướng dẫn người dân làm phân bón từ phụ phẩm rau, hoa- Ảnh 5.

Phụ phẩm từ cây hoa cúc được sử dụng để làm phân bón hữu cơ.

Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Lạt cho biết, đến nay, sau 3 tháng triển khai, Hội Nông dân từ cấp phường, xã đến cấp thành phố đã hướng dẫn 73/135 nông hộ,. Trong đó, mỗi nông hộ thu gom phụ phẩm cây trồng trên diện tích từ 1.000m2 đến 3.000m2 để ủ thành phân hữu cơ. Còn lại 62 nông hộ được chọn tiếp tục xây dựng mô hình hoàn thành từ nay đến cuối năm 2024 với mục tiêu xử lý tại chỗ khoảng 65 tấn rác thải nông nghiệp hữu cơ, tương ứng giảm hơn 30% lượng phân bón hóa học sử dụng hàng năm của 135 nông hộ thực hành mô hình.

Lâm Đồng: Hội Nông dân TP Đà Lạt hướng dẫn người dân làm phân bón từ phụ phẩm rau, hoa- Ảnh 6.

Một buổi tập huấn, hướng dẫn người dân TP. Đà Lạt làm phân bón hữu cơ từ phụ phẩm rau, hoa.

Được biết, Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" do Trung ương Hội NDVN phối hợp với tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng và triển khai thực hiện trong 4 năm (từ 2021 - 2024) tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Gia Lai, Khánh Hòa, Bến Tre, Tiền Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem