Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn: Tiêm vắc xin là cách duy nhất - Ảnh 2.


Ông Khổng Minh Tuấn chia sẻ về cách CDC Hà Nội đảm bảo quân số để chống dịch Covid-19. Clip: Thành An



Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn: Tiêm vắc xin là cách duy nhất - Ảnh 6.

Thưa ông, đến nay, trải qua 4 lần dịch Covid-19 "xâm nhập" vào Thủ đô, nhưng hệ thống Y tế dự phòng của Hà Nội vẫn đứng vững, chưa có bất kể cán bộ, công nhân viên của nào của CDC Hà Nội bị lây nhiễm Covid-19 dù hàng ngày luôn phải tiếp xúc với bệnh nhân và mẫu bệnh phẩm.Ông đánh giá thế nào về công tác phòng, chống dịch của Thủ đô trong thời gian qua?  

- Liên quan đến vấn đề này, trước hết phải nói rằng, trên thế giới có dịch bệnh gì, nếu xâm nhập vào Việt Nam, Hà Nội là nơi có thể xuất hiện nguy cơ đầu tiên, bởi Hà Nội là trung tâm của đất nước. Dịch Covid-19 là loại dịch lây lan xuyên biên giới, qua đường nhập cảnh, hàng không… nên nguy cơ đối với Hà Nội luôn luôn là số 1.

Bên cạnh đó, lượng người dân đổ về Hà Nội rất lớn, cho nên TP luôn phải sẵn sàng chống dịch trong 2 tình huống. Thứ nhất, trong nội tại TP với những loại dịch bệnh riêng, đặc thù như sốt xuất huyết (70-80% ở Hà Nội). Thứ hai, với dịch bệnh Covid-19, không mang tính đặc thù vì nó lây trực tiếp từ người sang người, nên có nhiều nguy cơ.

Cả 4 đợt dịch, cho đến nay khả năng chống dịch của Hà Nội rất tốt, rất hiệu quả, tuy nhiên, chúng ta vẫn chịu những tác động khách quan khiến cho Hà Nội rơi vào tình trạng không thể dự báo hết được nguy cơ dịch bệnh.

PHÓ GIÁM ĐỐC CDC HÀ NỘI KHỔNG MINH TUẤN: Tiêm vắc-xin là con đường tất yếu - Ảnh 1.

Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội đang trao đổi công việc qua chiếc điện thoại thứ 3 của mình từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên đến nay. (Ảnh: Thành An)

Ví dụ, mới đây liên quan đến ổ dịch tại TP.HCM lây lan qua Hội thánh truyền giáo phục hưng, trong vòng thời gian rất ngắn số lượng ca bệnh tăng lên rất nhanh. Lúc này Hà Nội phải đưa ra rất nhiều phương án và quyết sách để không ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội.

Ở nhiều địa phương, họ sẽ cách ly ngay những người đi từ TP.HCM về nhưng Hà Nội thì không thể như vậy được bởi sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động, hệ thống của nhiều lĩnh vực. TP phải tính toán rất nhiều, đây là yếu tố khách quan dẫn đến có những thời điểm phải hạn chế.

Yếu tố khách quan thứ 2, Hà Nội rất quyết liệt từ trên xuống dưới, từ Thành ủy xuống UBND TP; từ cấp TP xuống đến xã phường… nhưng vẫn chưa đạt được độ bao phủ một cách đồng đều. Chỗ nào có bệnh nhân thì vận hành rất trơn chu và tốt, nhưng những khu vực nào chưa có hoặc ít bệnh nhân thì xử lý chậm do chưa có kinh nghiệm.

Công tác phòng chống dịch phải có sự vào cuộc của tất cả các lực lượng, hiện có 3 lực lượng trực tiếp: Công an (truy vết cộng đồng), quân đội (cách ly tập trung, kiểm soát biên giới), y tế. Hiện nay, dù có sự phối hợp rất tốt, tuy nhiên vẫn có một số vấn đề chưa chặt chẽ dẫn đến một số tình huống lây chéo trong khu cách ly.

Trải qua 4 đợt bùng phát dịch, có một thực tế là CDC và hệ thống Y tế dự phòng TP không để trường hợp nào bị lây nhiễm. Có được điều này là do trước khi Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam (tháng 2/2020) thì từ tháng 12/2019, chúng tôi đã triển khai tập huấn, đào tạo từ cấp TP đến các quận huyện theo hướng TP đào tạo cho quận huyện, quận huyện đào tạo cho xã phường, xã phường đào tạo cho cấp dưới.

Nghĩa là mình đã có sự đào tạo hết sức bài bản, thường xuyên liên tục; đào tạo vừa lý thuyết vừa thực tiễn "cầm tay chỉ việc" một cách rất tổng thể. Trong thời gian vừa qua, trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì thì nhanh chóng khắc phục ngay, chính vì vậy an toàn ở mức độ rất cao.

Tuy nhiên, trong khu vực cách ly tập trung và bệnh viện có thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 vẫn còn để xảy ra lây nhiễm chéo. Việc này có hai vấn đề. Yếu tố khách quan là trong khu cách ly tập trung, bệnh viện mức độ người nhiễm cao hơn rất nhiều ngoài cộng đồng, cho nên cường độ virus phát tán ra ngoài rất cao, nếu chỉ sơ sẩy thì hậu quả rất cao.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn: Tiêm vắc xin là cách duy nhất - Ảnh 8.

Yếu tố chủ quan là việc chuẩn bị cho các nhân viên y tế cho việc điều trị bệnh nhân, dù chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng trong thời gian rất gấp, xây dựng lực lượng bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đón bệnh nhân, khi có bệnh nhân là đưa vào ngay. Anh em ở tuyến bệnh viện không phải ai cũng có chuyên môn về y tế dự phòng, cộng thêm cường độ virus cao nên nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.

Như ông nói, trong khu cách ly tập trung đã xuất hiện tình trạng lây nhiễm chéo. Hiện Hà Nội coi khu cách ly tập trung là một trong những nguy cơ lây lan dịch bệnh vì vấn đề này. Điều này dẫn đến nhiều người dân đang rất ngại đi cách ly tập trung, thưa ông?

- Thực ra, không một ai muốn đi cách ly tập trung, muốn vào bệnh viện cả, nhưng với tình huống dịch bệnh thì phải chấp nhận hi sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đi cách ly tập trung đầu tiên là bảo vệ sức khoẻ cho chính những người thân của mình – họ lúc này chưa phải là F1. Tuy nhiên, trong cách ly tập trung cũng nảy sinh một số bất cập, bởi hiện nay số lượng F1 rất lớn, khu cách ly tập trung có hạn nên điều kiện ăn ở ở một số nơi có những hạn chế nhất định.

Đặc biệt đi cách ly tập trung thì không được dùng điều hòa mà chỉ được dùng quạt dù nhiệt độ nắng nóng có thể lên đến 40 độ C. Đây là việc bất khả kháng. Thứ hai, người ở trong khu cách ly tập trung chỉ được cách ly trong phòng, không được ra ngoài kể cả tập thể dục. Đây chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của người dân phải đi cách ly, nhưng chúng ta phải chấp nhận, nếu ra ngoài thì lại có "cơ hội" gặp gỡ, giao lưu với nhau, lại có nguy cơ lây nhiễm.

Nếu sự chấp hành của mỗi cá nhân thực sự là nghiêm túc, trong khu vực cách ly F1 ít người, có thể luân phiên tốp khoảng 5 người đi xuống tập thể dục trong khoảng thời gian ngắn thì rất tốt cho sức khỏe người dân, giải phóng tâm lý tù túng. Nhưng không phải ai cũng như ai, nếu ai đó cũng tự mình xuống tập thể dục thì sẽ dẫn đến việc giao lưu, gặp gỡ thì sẽ tạo ra nguy cơ lớn hơn.

Chúng ta phải xác định thế này: Những người vào khu cách ly tập trung 7 ngày đầu là nguy cơ số 1, cao nhất; 7 ngày giữa thì nguy cơ số 2; 7 ngày cuối là nguy cơ số 3 và lúc này có thể được phép ra ngoài nhưng trong khuôn viên. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa thể đảm bảo an toàn được nên phải chấp nhận cách ly.

Trong quá trình cách ly tập trung không thể trộn lẫn tất cả các F1 với nhau được. Phải sắp xếp theo nhóm, ngày vào. Ví dụ người vào ngày đầu tiên ở với nhau, hoặc cùng lắm là ngày thứ 3 vào cùng phòng với người vào ngày đầu, chứ không được để người đã cách ly đến ngày thứ 18 - 20 ở cùng với người vào ngày đầu tiên được. Phân loại như vậy thì mình có thể quản lý và theo dõi dễ dàng hơn, tránh được nguy cơ lây nhiễm.

img
img
img
img

Khu vực các ly tập trung tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô luôn đảm bảo 3 lớp cách ly và có lực lượng quân đội phục vụ từng bữa ăn, giấc ngủ. (Ảnh: Thành An)

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn: Tiêm vắc xin là cách duy nhất - Ảnh 10.

Có thể nói, trong suốt quá trình dịch Covid-19 bùng phát, đến nay virus đã biến đổi rất nhiều. Vậy lực lượng y tế của TP nói chung và CDC Hà Nội nói riêng làm thế nào để phản ứng kịp với sự thay đổi đó, để đảm bảo an toàn trong quá trình xét nghiệm và phòng chống dịch bệnh, thưa ông?

- Việc virus biến đổi cũng là yếu tố khách quan, ảnh hưởng đến tốc độ lây nhiễm cũng như khả năng gây bệnh nặng hơn. Hiện nay chúng ta có 4 mức độ an toàn sinh học, trong từng mức độ đó sẽ áp dụng vào từng nơi khác nhau.

Ví dụ trong nơi tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 thì thường xuyên phải áp dụng cấp độ phòng hộ tối thiểu là cấp độ 3 và 4; đối với khu vực cộng đồng, xét nghiệm thì chỉ là cấp độ 1, 2.

Chúng ta sẽ vận dụng một cách linh hoạt và phải xác định đúng mức độ lây nhiễm để áp dụng cấp độ nào để đảm bảo an toàn. Nếu không áp dụng đúng mức độ thì sẽ lây nhiễm ngay.

Như ông nói, ngành Y tế cũng như CDC Hà Nội và 1 số tỉnh, thành khác luôn đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân viên trước dịch bệnh dù tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm hàng ngày, hàng giờ. Trong CDC, được biết có những phòng không bao giờ được bật quạt, cởi đồ bảo hộ… Vậy trong 2 năm qua CDC Hà Nội khắc phục tình trạng này như thế nào?

PHÓ GIÁM ĐỐC CDC HÀ NỘI KHỔNG MINH TUẤN: Tiêm vắc-xin là cách duy nhất - Ảnh 7.

- Khắc phục tình trạng làm việc trong điều kiện khắc nghiệt cũng như chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, nhân viên y tế phòng chống dịch được chúng tôi xác định luôn phải đặt ra hàng đầu.

Chúng tôi thực hiện giảm thời gian làm việc; chia nhỏ các ca; luân phiên thay ca, đổi ca… để có khoảng thời gian nghỉ ngơi cho anh em. Đồng thời, luôn động viên anh em phải chuẩn bị cho mình sức khỏe tốt nhất trước khi vào kip làm việc.

Trong phòng chống dịch, khi đã mặc bộ đồ bảo vệ thì suốt thời gian đó không được uống nước, không được đi vệ sinh, sinh hoạt cá nhân… Anh em phải chuẩn bị rất tốt nguồn năng lượng dự trữ. Chúng tôi luôn phải nhắc nhở anh em tránh để ra mồ hôi quá nhiều dẫn đến suy nhược cơ thể.

Bên cạnh đó, chúng tôi căn cứ vào khối lượng làm việc. Nhiệt độ cao như thế này thì cố gắng phải luân phiên thay ca cho nhau. Tuy nhiên ở thực địa nơi có ca lây nhiễm ra cộng đồng, anh em phải điều tra lượng F1 lớn, phải huy động bà con ra lấy mẫu cho kịp thời.

Ví dụ, dự tính 8-10h là xong nhưng có thể đến 12h mới huy động được hết bà con, thì anh em vẫn phải làm việc, và công việc này thực sự là khó khăn. Mình muốn đến 11h là được nghỉ nhưng đến 12h mới tìm được F1, rồi huy động người ta ra, lúc này họ đã diện F1, phải chuẩn bị để có thể bị đưa đi cách ly tập trung, thời gian chờ đợi nằm ngoài khả năng dự tính của mình.

Như vậy sẽ 3-4 tiếng mới xong, cho nên việc 1-2h chiều mới được ăn cơm trưa là chuyện bình thường. Việc này là bất khả kháng và mình không thể chủ động được, khó xử lý cho nên các kỹ sư, nhà thiết kế nên có nghiên cứu hỗ trợ ra những cabin di động lấy mẫu cho lực lượng y tế sử dụng.

Ông có thể mô tả kỹ hơn về những ca bin di động này như thế nào?

- Ca bin này là một hình thức ngăn cách giữa người lấy mẫu – nhân viên y tế với người được lấy mẫu. Nếu có cái này thì nhân viên y tế không cần phải mặc đồ bảo hộ kín như bây giờ, sức khỏe sẽ được đảm bảo.

Ca bin này nếu dành cho nhân viên y tế lấy mẫu thì họ có thể làm việc liên tục trong đó trong thời gian dài. Các nước trên thế giới họ đã làm nhưng ở Việt Nam chúng ta chưa được quan tâm về vấn đề này.

Như ông vừa nói, việc lấy mẫu các trường hợp phát sinh trong cộng đồng thường kéo dài. Lúc đó, các nhu cầu cá nhân phải hạn chế hết?

- Đúng vậy, những khó khăn này rất khó để khắc phục. Nếu như anh cởi bỏ đồ bảo hộ, tắm rửa… ăn uống sau đó lại mặc bộ đồ mới thì rất tốn kém, lãng phí. Trang phục bảo hộ sẽ phải đội lên gấp đôi và thời gian xét nghiệm sẽ càng kéo dài hơn. Mà thời gian càng kéo dài thì càng tăng nguy cơ lây nhiễm.

Chúng ta phải làm thế nào bắt được F0 một cách nhanh nhất để rút ngắn thời gian xét nghiệm, lấy mẫu và cách ly F1, F2 nhanh nhất. Nếu như ít chỉ vài chục người thì nhanh và đơn giản nhưng lên đến hàng trăm người thì phải làm việc liên tục.

Hiện nay đội ngũ làm công tác xét nghiệm chủ yếu là các cán bộ đang trong độ tuổi lao động. Những chị em đang có thai hoặc cho con bú thì phải điều chuyển làm những công việc khác, chứ không phải huy động hết tất cả cán bộ công nhân viên vào một khâu nhất định.

Người ở nhà tiếp nhận hoặc vào sổ sách thì đương nhiên sẽ nhẹ nhàng hơn những người đi ra cộng đồng lấy mẫu. Những người đã mặc "trang phục" thì là những người hết sức vất vả vì có thể kéo dài thời gian làm việc liên tục trong điều kiện nhiệt độ ngày càng cao như hiện nay.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn: Tiêm vắc xin là cách duy nhất - Ảnh 12.

Hiện nay dịch bệnh vẫn rất phức tạp vì nhiều tỉnh, thành khắc; nhiều nước trên thế giới đang có nhiều ca bệnh. Nguy cơ dịch bệnh với thủ đô Hà Nội rất cao. Biện pháp sống chung với dịch của chúng ta sẽ như thế nào, thưa ông?

- Đối với dịch bệnh chưa có thuốc đặc trị được như Covid-19, thì biện pháp duy nhất, mang tính bền vững là phải làm sao để có miễn dịch cộng đồng. Để đạt được miễn dịch cộng đồng có hai trường hợp.

Một là khi số lượng người mắc đủ lớn thì sẽ tạo được miễn dịch cộng đồng, nhưng để đạt được con số này thì sẽ dẫn đến quá tải hệ thống, tỉ lệ tử vong cũng rất cao. Sau khi lây nhiễm xong thì người nhiễm sẽ có kháng thể, tuy nhiên mình không mong muốn điều này xảy ra. Nếu như vậy chắc chắn chúng ta sẽ vỡ trận, ảnh hưởng đến con người và nền kinh tế và chúng ta không mong muốn điều này xảy ra.

Chúng ta mong muốn đạt miễn dịch cộng đồng thông qua hệ thống vắc xin, cho nên chúng ta phải có vắc xin để tiêm cho đại đa số cộng đồng dân số mới có thể tạo ra miễn dịch y tế một cách đầy đủ. Đây là cách duy nhất.

Với vắc xin, có 2 vấn đề đó là khả năng, năng lực sản xuất của các hãng. Hiện nay năng lực của thế giới đẩy lên rất mạnh nhưng không thể đủ để cung cấp cho toàn thế giới.

Thứ hai, trong nước chưa thể tự sản xuất được. Cho nên chúng ta đang vận dụng tối đa mọi quan hệ để đàm phán với các nhà sản xuất, nhà kinh doanh trên thế giới để mua được vắc xin về Việt Nam, cùng với đó vận động để chuyển giao công nghệ cho mình sản xuất vắc xin ngay trong nước. Hiện nay rất nhiều cơ sở của mình có thể sản xuất được.

Đây mới là bước đi bền vững – phải chủ động sản xuất được, cộng với việc vào cuối năm chúng ta sử dụng được vắc xin do chúng ta tự sản xuất, lúc đó chúng ta mới chủ động được. Theo tính toán, hiện nay ít nhất phải khoảng 50-60 triệu người Việt Nam được tiêm vắc xin (mỗi người hai liều) thì mới có thể đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đây là một bài toán cần phải  giải.

img
img
img
img
img

Một ngày làm việc vất vả của lực lượng y tế Hà Nội tại huyện Mê Linh.... (Ảnh: Thành An)

Thưa ông, có một vấn đề đang tồn tại trong dân đó người nhiều người lo ngại việc tiêm vắc xin?

- Đúng là hiện nay có tâm lý một bộ phận nhỏ người dân e ngại với việc tiêm vắc xin. Đối với thuốc hay vắc xin thì đều có những tỉ lệ rất nhỏ ảnh hưởng không tốt đối với người sử dụng, nhưng chúng ta phải đánh giá rằng lợi ích nhận được từ việc tiêm vắc xin là rất lớn, so với con số rất nhỏ về rủi ro.

Thực tế chúng ta phải chấp nhận tỷ lệ phản ứng là khó tránh khỏi. Việc tiêm vắc xin là có lợi rất nhiều lần, còn đối với những phần rủi ro nhỏ đó thì chúng ta phải chấp nhận, bởi bất kỳ thuốc nào, nếu dùng không đúng hoặc dùng đối với người dị ứng với loại thuốc đó thì vẫn có những rủi ro.

Và nếu chúng ta không dùng thì chắc chắn sẽ bị lây nhiễm, nên chúng ta phải lựa chọn con đường có lợi chứ không thể vì 1-2 trường hợp mà không tiêm.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn: Tiêm vắc xin là cách duy nhất - Ảnh 14.

Trở lại vấn đề trang thiết bị y tế, ông nhiều lần đề cập đến việc tránh lãng phí trong phòng chống dịch, vậy Hà Nội có đủ đồ bảo hộ phòng chống dịch hay không, thưa ông?

- Hà Nội đã có phương án, nếu có tăng thêm 1.000 bệnh nhân nữa thì trang thiết bị phòng chống dịch vẫn đủ. Tuy nhiên, trong y tế dự phòng không thể nói trước được.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu dịch xảy ra như Ấn Độ, mình không có dự trữ thì rất nguy. Chúng ta phải có cách dự trữ đúng và đủ. Ví dụ trong phòng hộ có hai cái quan trọng nhất là khẩu trang N95 và bộ quần áo cấp độ 4 rất khó mua, có thời điểm không có hàng, các nước họ đều giữ lại, trong khi 2 cái này Việt Nam chưa sản xuất được nên phải sử dụng dè xẻn.

Hai cái này, nếu dịch căng thẳng hơn là có thể có nguy cơ thiếu. Còn lại thì mình có thể đảm bảo được. Khẩu trang y tế hay các bộ quần áo cấp độ nhẹ hơn đều có thể chủ động được. Nhưng chúng ta cũng phải nói rằng, nếu dự trữ ít hoặc thừa đều đối mặt với các "ý kiến", nhưng đối với dự phòng thì phải có sự chấp nhận sự tổn thất nào đó, đặc biệt là y tế dự phòng thì không được phép thiếu, vì thiếu là hỏng hết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa có phát biểu trên diễn đàn Quốc hội rằng có tâm lý ngại mua, sợ mua trang thiết bị nói chung, trong đó có trang thiết bị phòng chống dịch bệnh?

PHÓ GIÁM ĐỐC CDC HÀ NỘI KHỔNG MINH TUẤN: Tiêm vắc-xin là cách duy nhất - Ảnh 9.

- Theo tôi được biết, không chỉ cấp cơ sở mà ngay cả cấp trên cơ sở cũng có "tâm lý" này. Nhưng có những cái bắt buộc phải mua. Ví dụ trang thiết bị vài trăm triệu mà cần dùng thì bắt buộc phải mua để dùng. Những trang thiết bị tiền tỷ, phải thực hiện, xem xét theo quy định.

Có nhiều loại máy chúng tôi rất muốn mua để chủ động sử dụng như hệ thống máy giải trình tự gen, nhưng chưa mua được. Cũng có loại máy, trang thiết bị rất nhiều tiền, nuôi nó được ví như "nuôi con nghiện". Với những loại máy này, tôi nghĩ cần có cơ quan cấp trên mua, sau đó bố trí đặt ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam mỗi nơi một chiếc, để các tỉnh, các địa phương có nhu cầu sử dụng có thể gửi mẫu về đó.

Trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh, đến nay, dường như người dân có phần bí bách, ngột ngạt nên có tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh. Nhân viên CDC Hà Nội, sau bao vất vả như vậy, có tâm tư gì không, thưa ông?

- Người dân mình hay lắm. Bây giờ cứ 10 người thì có 5 người xin tiêm vắc xin, một vài người còn lại do dự, lo ngại. Nếu như khu vực mình không có ca bệnh nào thì có tâm lý chủ quan, nhưng nếu chỉ có 1 ca đầu ngõ thôi thì ngay tức khắc chấp hành nghiêm chỉnh, và vắt chân lên cổ hỏi xem vấn đề này như thế nào, xử lý ra sao…

Người dân mình cứ phải đến sát sườn thì mới lo, cho nên chúng ta vẫn phải tuyên truyền, dù vừa rồi chúng ta đã làm rất tốt việc này. Tôi nghĩ, tuyên truyền rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thấm vào "đầu" người dân như thế nào. Bởi mỗi người có nhận thức khác nhau, vì thế, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực sự hiểu các quy định về phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng là điều cần thiết.

Còn về anh em ở CDC Hà Nội. Lúc đầu, chúng tôi cứ ngỡ sẽ nhiều người bỏ nghề, nhưng thực sự anh em đến giờ vẫn cố gắng bám trụ, chưa có ai xin nghỉ. Đây là điều rất đáng quý.

Chúng tôi cũng chẳng có nghỉ phép hay nghỉ lễ gì từ đầu năm đến nay. Hết chỗ này, chỗ kia bùng phát, anh em vẫn đang cố gắng từng ngày, từng giờ. Như đêm qua, các anh em cố gắng chạy 2.000 mẫu để sáng sớm nay báo cáo cuộc họp của Thành uỷ.

Hôm nay, hơn 5h sáng đã có lịch họp của lãnh đạo Sở Y tế. Anh em cũng không quản ngày đêm. Như tôi, điện thoại suốt. Nhiều khi đang họp, thấy rung, quơ nhầm, rơi vỡ luôn. Từ đầu đợt dịch đến giờ, tôi phải thay 3 cái điện thoại rồi. Đêm hôm anh em gọi, số lạ cũng phải nghe. Điện thoại nóng ran suốt. Nhiều khi thấy gọi nhỡ phải gọi lại. Chống dịch nên không chậm trễ được.

Trân trọng cảm ơn ông!

PHÓ GIÁM ĐỐC CDC HÀ NỘI KHỔNG MINH TUẤN: Tiêm vắc-xin là con đường tất yếu - Ảnh 3.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, trải qua 4 đợt bùng phát dịch, có một thực tế là CDC và hệ thống Y tế dự phòng TP không để trường hợp nào bị lây nhiễm. (Ảnh: Thành An).

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem