Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II – Danang MRCC thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam. Với nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, xử lý và ứng cứu kịp thời các tình huống bị nạn xảy ra trong vùng biển trong phạm vi từ ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Hà Tĩnh đến ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Bình Định, Danang MRCC đã thành công cứu nạn hàng trăm người dân cùng tàu thuyền gặp nạn trên biển trong nhiều năm qua.
Vượt sóng, đối gió
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2023, khác với không khí nhộn nhịp ngày cuối năm, bên trong Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II – Danang MRCC (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) mọi thứ vẫn diễn ra như thường ngày.
Trong cuộc trò chuyện nhiều lần bị ngắt quảng bởi tiếng chuông điện thoại reo, Trưởng phòng phòng phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hồ Xuân Phong (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) điểm lại những cuộc cứu nạn đáng nhớ trong suốt quá trình làm nghề.
Hơn 20 năm gắn bó với đơn vị, anh Phong đã cùng đồng đội vượt ngàn vạn hải lý, cứu hàng nghìn người, lập nhiều chiến công.
Trên con tàu lắc lư bởi những cơn sóng biển, anh Phong kể, thời điểm cách đây hơn 2 năm, anh cùng những anh em đồng nghiệp khác vượt sóng dữ, cứu người đang bị mắc kẹt trên tàu Vietship 01. Sau nhiều giờ vật bất chấp hiểm nguy, thậm chí có thể hy sinh tính mạng, lao ra vùng sóng dữ nơi Cửa Việt (Quảng Trị) tiếp cận tàu bị nạn Vietship 01 mắc cạn ngày 8/10/2020, anh cùng đồng đội đã cứu sống 4 người.
Hay như gần đây, hồi tháng 9/2022, khi đang chuẩn bị dùng bữa trưa tại đơn vị, anh nhận được thông tin tàu treo cờ Hồng Kông (Trung Quốc) chở theo 5 thuyền viên người Việt Nam và 9 thuyền viên người Trung Quốc gặp nạn trên biển. Trên đường di chuyển, tàu cứu nạn đi trúng vào vùng tập trận của tỉnh Thừa Thiên Huế, trong điều kiện thời tiết xấu (bão số 4 sắp đổ bộ), tàu phải đi đường vòng, cố gắng tiếp cận tàu bị nạn nhanh nhất có thể.
"Rất may mắn là cứu thành công hết 14 thuyền viên này. Sau vụ này, đơn vị cũng nhận được bằng khen của tỉnh Thừa Thiên Huế", anh Phong kể.
Kỉ niệm với nghề nghiệp gắn liền với anh Phong là những cuộc hành quân thần tốc trên biển, tranh thủ từng giây phút để giành giật mạng sống cho ngư dân. Theo anh, trong quá trình cứu nạn, nếu thiếu may mắn, không quyết đoán thì sẽ thành họa.
Vào năm 2017, tại vùng biển Quảng Trị, sau khi thông báo gặp nạn, tàu Quảng Bình chở theo 6 thuyền viên bị chìm trên biển. Lúc tàu cứu nạn đến nơi đã không còn thấy gì. Phán đoán tình hình, thuyền trưởng quyết định cho tàu chạy chếch hướng tầm 30 phút thì phát hiện 6 thuyền viên đang ngồi trong một chiếc thúng thả trôi.
"Lúc tiếp cận đưa người đàn ông lên tàu, người này khóc như mưa vì được cứu", anh Phong cười nói.
Nhiều kỉ niệm được nhắc nhớ trong trong ngày cuối năm, đối với thuyền trưởng Trần Quang Thanh, tàu SAR 412 là "người bạn" đồng hành cùng ông trong suốt những năm tháng vượt sóng, đón gió trên biển. Và trong hành trình ấy, cuộ chạm trán giữa SAR 412 với 2 tàu Trung Quốc được ông nhắc lại.
Thuyền trưởng Trần Quang Thanh kể, tàu nhận được tin báo trên tàu cá đang đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa có một ngư dân bệnh nặng, cần cấp cứu nên lập tức lên đường. Sau nửa ngày đường, SAR 412 bất ngờ bị một tàu Trung Quốc kẹp mạn, phát loa công suất lớn yêu cầu tàu cứu nạn rời đi. SAR 412 kiên quyết không thay đổi hải trình. Đến sáng 1/6/2015, SAR 412 tiếp cận được tàu cá và sơ cứu cho ngư dân. Trưa cùng ngày, tàu cứu nạn quay về bờ và lần nữa gặp phải sự truy cản manh động của tàu Trung Quốc, mặc dù đang trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Không nao núng, thủy thủ đoàn SAR 412 bình tĩnh đưa được ngư dân vào bờ cấp cứu an toàn.
"Chúng tôi luôn đề phòng nhằm tránh tình huống xấu xảy ra, mặt khác kiên quyết giữ vững hành trình để cứu bằng được ngư dân. Chẳng có gì phải sợ hãi", thuyền trưởng Trần Quang Thanh nói chắc.
Với nhiều ngư dân miền Trung, từ lâu SAR 412 trở thành ân nhân cứu mạng trên biển. Những lúc sóng lớn, tưởng chừng phải bỏ mạng giữa biển, nhiều người như vỡ òa cảm xúc khi thấy con tàu màu cam, trắng. Nhiều lần sau khi cứu nạn, ngư dân trở lại tìm thủy thủ đoàn SAR 412 để nói lời cảm ơn. Họ không quên mang theo sản vật ở quê mình là con gà, con cá… đến biếu tặng. Cũng không ít lần SAR 412 nhận được thư tay của ngư dân gửi đến để nói lời tri ân.
Tết trên tàu
20 năm có lẻ, anh Phong làm việc tại Danang MRCC cũng là chừng ấy năm anh đón anh đón Tết cùng anh em tại đơn vị.
Anh cho biết, công việc của mình không quản ngày đêm nên việc đón Tết tại đơn vị hay trên biển đã là điều rất quen thuộc.
"Các anh em trong đơn vị luôn đảm bảo túc trực 24/24, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, ngày lễ Tết cũng như thế. Tuy nói quen thuộc nhưng khi cảm giác anh em đồng nghiệp đón năm mới cùng nhau, chúc nhau ngày đầu năm làm mình có đôi chút bồi hồi. Cảm giác khó diễn tả thành lời, chỉ những ai có mặt tại đơn vị thời điểm ấy mới biết được", anh Phong cho hay.
Cứng cỏi vượt qua sóng to, gió lớn, đêm hôm hay mưa rét, đối mặt với hiểm nguy để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng khi được hỏi về gia đình, anh Phong lại có chút suy tư. Nhất là dịp Tết đến, Xuân về, nhà nhà quây quầy bên nhau, nhưng với người lính cứu nạn thì niềm vui giản dị ấy không hề đơn giản. Anh thổ lộ may mắn có hậu phương hiểu và thông cảm với công việc của chồng. Vợ con cũng dần quen với việc năm mới không có chồng, có cha ở bên cạnh. Tuy nhiên, có năm anh hết ca trực hay may mắn biển yên, sóng lặng, anh sẽ nhanh chóng chạy về nhà để sung vầy với gia đình trong ngày đầu năm mới.
"Tôi may mắn vì được làm công việc này, được có gia đình ở bên", anh Phong chia sẻ.
Cũng như anh Phong, anh Võ Văn Trường (quê Nghệ An) có 13 năm kinh nghiệm trong việc cứu nạn tên biển. Lập nghiệp, lấy vợ tại Đà Nẵng, số lần anh Trường về quê ăn Tết chỉ đếm trên đầu ngón tay.
"Trong năm đầu nhận nhiệm vụ, Tết không được về quê mình buồn lắm nhưng giờ thành quen rồi. Năm mới chỉ biết gọiđiện chúc Tết ba mẹ sức khỏe, ra năm rồi xin nghỉ phép về bù. Công việc khó khăn, rất nhiều ngư dân cần mình", anh Trường nói.
Tết không vì thế mà trở nên lạ lẫm, những người lính cứu nạn tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II vẫn mua bánh mứt, tổ chức đón giao thừa trên tàu.
"Tết tại đơn vị hay Tết trên biển mang đến rất nhiều dư vị. Có sự hồ hởi, háo hức, cũng có chút lạ lẫm. Dù không ở nhà nhưng những anh em đồng nghiệp cũng như người trong một nhà. Chúng tôi nói với nhau về những câu chuyện đã cũ, những điều mới mẻ trong năm mới và cả những mong ước làm nghề sắp đến…", anh Trường bồi hồi.
Theo ông Bùi Tân Nguyên - Giám đốc Danang MRCC, cứ dịp đầu năm mới, anh em thủy thủ đều tập trung trên tàu cùng nhau đón giao thừa. Các thuyền viên sau khi đón chờ khoảnh khắc năm mới, chúc tụng nhau vài câu rồi lại tập trung nhiệm vụ.
Giám đốc MRCC Danang cho rằng, đây không phải là nghi lễ, thể thức gì cả mà là tinh thần trách nhiệm. Bởi, tàu cứu nạn luôn luôn phải có người vận hành, kiểm tra máy móc, phòng chống cháy nổ… đảm bảo tàu luôn hoạt động tốt trong mọi thời điểm, sẵng sàng cho nhiệm vụ cứu nạn bất kể ngày đêm.