Tiết lộ những điều ít biết về di chỉ Vườn Chuối ở Thủ đô

Kiều Trang Thứ năm, ngày 15/02/2024 13:32 PM (GMT+7)
Hiện trạng tại khu di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã có nhiều thay đổi, một phần đất thuộc khu di chỉ đang được xây dựng khu đô thị mới khang trang…
Bình luận 0

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, thuộc địa bàn thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối sở hữu một kho tàng vô giá những thông tin, tư liệu thông qua các hiện vật, cổ vật… của ba nền văn hóa Đông Sơn, Gò Mun và Đồng Đậu.

Phát hiện nhiều hiện vật cổ ở Vườn Chuối

Theo ghi chép tại di chỉ Vườn Chuối, nơi này gồm một cụm di chỉ khảo cổ thời đại kim khí phân bố ở các gò Vườn Chuối, gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn, gò Chùa Gio, gò Đình Lỗ, gò Cây Muỗng, gò Chiền Vậy.

Ông Nhật (trưởng thôn Lai Xá) cho biết: Từ sau năm 2007, cảnh quan khu vực biến đổi rất nhiều, gò Cây Muỗng là khu dân cư, gò Chùa Gio và gò Đình Lỗ trở thành nghĩa trang, các gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn, gò Mỏ Phượng được quy hoạch nằm gọn trong mặt bằng dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch và đường vành đai 3,5 của thành phố Hà Nội.

Tiết lộ những điều ít biết về di chỉ Vườn Chuối ở Thủ đô- Ảnh 1.

Khu đất giờ chỉ còn lại vài bụi chuối nhỏ. Ảnh: Kiều Trang.

Sự thay đổi ấy cũng khiến công cuộc tìm hiểu của các nhà khảo cổ gặp nhiều khó khăn. Từ những năm 1968-1969, di chỉ Vườn Chuối đã được tiến hành khai quật, nghiên cứu.

Sau 7 lần tiến hành, đầu năm 2019 các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều hiện vật cổ có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đóng góp lớn cho giới nghiên cứu như: 15 mộ đều thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn; khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc thuộc nhiều giai đoạn khác nhau từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn; hơn 1.000 hiện vật đá với các loại công cụ lao động, đồ trang sức và các loại hiện vật khác.

PGS. TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho hay, Vườn Chuối là di chỉ thời Hùng Vương siêu quý hiếm do chứa đựng lớp di tích văn hóa kéo dài qua nhiều thời kỳ khác nhau. Đây cũng chính là di chỉ đánh dấu sự có mặt đầu tiên của cư dân Hà Nội cách đây ít nhất từ 3.500-2.000 năm.

Di chỉ Vườn Chuối dần mai một

Tại buổi công bố những phát hiện khảo cổ mới nhất năm 2019, các nhà khoa học đã đề xuất 3 phương án bảo tồn cụm di tích Vườn Chuối:

Phương án thứ nhất, bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di tích Vườn Chuối với tổng diện tích gần 12.000m2, trong khu vực di tích không xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào.

Phương án 2, dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để thực hiện việc dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện.

Phương án 3, bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, tiến hành khai quật nghiên cứu 6.000m2 nửa phía Tây của di chỉ. Đồng thời, với việc khai quật là xây dựng hồ sơ di tích để xếp hạng theo Luật di sản văn hóa.

Mặc dù phương án đề xuất đã được chuẩn bị kỹ càng, tuy nhiên, theo ghi nhận của Dân Việt, một phần của di chỉ đã bị san lấp, không còn lối vào chính thức.

Tiết lộ những điều ít biết về di chỉ Vườn Chuối ở Thủ đô- Ảnh 2.

Công trình xây dựng đường vành đai 3,5 và khu đô thị tại di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Kiều Trang.

Rất nhiều người dân đang sinh sống tại thôn Lai Xá nói riêng, huyện Hoài Đức nói chung đều không biết đến sự tồn tại của cụm di chỉ Vườn Chuối. Nơi này cũng không có bất cứ một bảng hiệu nào chỉ dẫn vào khu khu đất di chỉ Vườn Chuối.

Hiện tại địa điểm này chỉ còn sót lại một vài khóm chuối nhỏ nằm giữa công trình của dự án đường 3.5 và dự án xây khu đô thị mới. Phóng viên cũng không thể đi sâu vào bãi đất ấy bởi bao phủ xung quanh đều là những hố sâu được đào sẵn, là những xe cần cẩu đang hoạt động.

Anh Việt Dũng (người dân sống gần dự án làm đường) cho hay, khu di chỉ là di sản văn hóa lịch sử từ nhiều đời, nên việc giải tỏa khu đất gặp khó khăn, gần chục năm nay vẫn chưa giải quyết xong.

Tiết lộ những điều ít biết về di chỉ Vườn Chuối ở Thủ đô- Ảnh 3.

Di tích giờ đây chỉ còn lại những bãi đất trống. Ảnh: Kiều Trang.

Theo phương án đã được phê duyệt thì 1/2 diện tích di chỉ Vườn Chuối sẽ bị phá hủy hoàn toàn, phần còn lại là đất dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch.

Ông Nguyễn Văn Thắng, một trong những người dân làng Lai Xá vốn gắn bó lâu nay với khu di chỉ, mong muốn bên cạnh việc xây dựng hạ tầng, cơ sở, phát triển kinh tế thì những giá trị văn hóa lịch sử cũng cần được bảo tồn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem