Một thiền sư người Việt nổi tiếng quê Quốc Oai với ba quyền lực tối cao, mở đầu môn phái Mật tông của đạo Phật

Chủ nhật, ngày 02/06/2024 11:35 AM (GMT+7)
Từ Đạo Hạnh là một đại thiền sư, một người thầy mà người người tôn kính. Ông là một thánh tăng của người Việt đã để lại 2 dấu ấn rõ nét: Đặt nền móng cho giáo lý Phật học mang tính dân gian bản địa; mở đầu cho môn phái Mật Tông của đạo Phật (kết hợp Phật giáo và Đạo giáo, tu phật rồi tu tiên).
Bình luận 0
Là con người có thật, nhưng ông được dân gian tôn vinh vào hàng Thánh. Ông là người duy nhất được tôn lên cả ba ngôi chí kính là thánh - phật - vua.

Từ Đạo Hạnh là một đại thiền sư, một người thầy mà người người tôn kính. Ông là một thánh tăng của người Việt đã để lại 2 dấu ấn rõ nét: Đặt nền móng cho giáo lý Phật học mang tính dân gian bản địa; mở đầu cho môn phái Mật Tông của đạo Phật (kết hợp Phật giáo và Đạo giáo, tu phật rồi tu tiên).

Một thiền sư người Việt nổi tiếng quê Quốc Oai với ba quyền lực tối cao, mở đầu môn phái Mật tông của đạo Phật- Ảnh 1.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh được dân gian tôn vinh vào hàng Thánh (Ảnh: daophatngaynay.com)

Ngoài ra, ông còn là vua vì hậu thân của ông là vua Lý Thần Tông. Vậy là trong ông hài hòa cả 3 quyền lực tối cao: Tiên (thánh) - phật - vua.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116) là một danh sư với nhiều huyền thoại, truyền thuyết ly kỳ, có công lớn đối với triều đình nhà Lý và dân tộc.

Công đức của ông đã được ghi lại trong một số sách, như: An Nam Chí Lược (năm 1333); Thiền Uyển Tập Anh (năm 1337), Việt Điện U Linh (năm 1329), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1479)… và những bia ký khác.

Ông là danh nhân văn hóa lịch sử vào loại bậc nhất của thời nhà Lý, có tiểu sử rõ ràng, hành trang minh bạch và bản quán cụ thể. Ông đã từng kết bạn với nhiều người nổi tiếng đương thời được ghi trong sử sách.

Thân thế của Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, mục “Từ miếu”, có thuyết cho rằng ông là người thôn Đồng Bụt, huyện Yên Sơn (nay là xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội). 

Cha ông là Từ Vinh, mẹ là Tăng Thị Loan. Hiện nay, tại Gò Nở thuộc Ngọc Liệp vẫn còn nền đất cũ của nhà ông.

Nhưng cũng sách này, khi chép sự tích về Từ Đạo Hạnh ở mục “Tự quân” thì lại viết: Thiền sư, họ Từ, tên Lộ, tự Đạo Hạnh, người làng An Lãng, huyện Vĩnh Thuận (nay thuộc Hà Nội); tu ở am Hương Giang trong khu vực chùa Thiên Phúc (chùa Thầy, huyện Quốc Oai).

Một thiền sư người Việt nổi tiếng quê Quốc Oai với ba quyền lực tối cao, mở đầu môn phái Mật tông của đạo Phật- Ảnh 2.

Bàn thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở kiếp Phật tại chùa Thượng. Ảnh: Internet

Khi vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) đã cao tuổi mà chưa có con nối dõi, em vua là Sùng Hiền Hầu cùng Từ Đạo Hạnh bàn chuyện cầu tự. 

Ông hẹn khi phu nhân sắp sinh thì báo cho biết. Nhận tin báo, ông tắm rửa sạch sẽ rồi vào trong động núi chùa Thầy. Phu nhân sinh con trai, sau là vua Lý Thần Tông.

Sau đó Từ Đạo Hạnh hóa, dân làng đem xác vào trong khám gỗ để thờ. Hằng năm, vào ngày 6/3 (âm lịch) thì làm lễ để chuẩn bị cho ngày 7/3 là ngày kỵ của ông. Vào ngày đó, dân khắp nơi kéo về chùa Thầy dự hội. Trong chùa Thiên Phúc (chùa Cả - chùa chính), bên trái thờ tượng thiền sư, bên phải thờ tượng vua Lý Thần Tông, ở giữa thờ Phật.

Đến giai đoạn thuộc nhà Minh phương Bắc, niên hiệu Vĩnh Lạc (1403 - 1427), xác của ông bị quân Minh đốt cháy, dân làng đã công đức đúc tượng ông để thờ.

Đến triều vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), cha của hoàng hậu Trường Lạc là Nguyễn Đức Trung đi cầu tự trong động chùa thì có một tảng đá bay đến bèn đem về tạc thành tượng Phật để thờ. Sau đó, hoàng hậu nằm mộng thấy rồng vàng bay vào sườn trái, thụ thai rồi sinh con trai, sau là vua Lê Hiến Tông (1498 - 1504).

Còn theo dân gian thì Từ Đạo Hạnh là người Nam Điền, làng Yên Lãng (nay là làng Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội). Ông đỗ đầu khoa Bạch Liên nhưng không ra làm quan mà xuất gia sang Ấn Độ học đạo.

Khi về núi Thầy, ông dạy học, giảng đạo, chữa bệnh, dạy dân các trò đá cầu, đánh vật, múa rối nước, hát chèo...

Về dấu tích ông để lại, sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (1782 - 1840) viết: Trên núi Sài Sơn (Cổ Sài), có hang sâu là nơi ông giải thi (hóa), để lại dấu đầu và dấu chân khổng lồ.

Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn cho biết: Trong chùa Thiên Phúc có chuông đồng do Từ Đạo Hạnh cho đúc, đến đời Lý Nhân Tông, đại sư Huệ Hưng là đệ tử của ông đã soạn bài ký rồi Lạng Nghiệp Thường khắc chữ lên chuông.

Sách “Lịch sử - văn hóa Quốc Oai” (NXB Lao Động, 2010), trang 207, cho biết: Nguyên thủy, chùa xây dựng năm 1057, có tên là “Thiên Phúc tự”; cuối thế kỷ XI thì Từ Đạo Hạnh về đây tu luyện; sau khi ông mất, năm 1117, thì chùa mang tên chùa Thầy để tôn kính ông; cả làng, tổng và núi cũng gắn với tên Thầy từ đó.

Cho đến nay, sự hiện diện của hai ngôi chùa ở thủ đô Hà Nội, đã trở thành danh thắng nổi tiếng. Đó là chùa Láng và chùa Thầy - nơi không chỉ có cảnh quan tươi đẹp mà còn lưu giữ hai pho tượng quý: Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông.

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) đều đã đến thăm cả hai di tích lịch sử văn hóa này, hai địa danh đậm màu sắc văn hóa tâm linh, với vẻ đẹp kỳ ảo, và đầy huyền bí này đã làm say đắm lòng người.

Hai danh thắng này, có liên quan trực tiếp đến cuộc đời và sự nghiệp của thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Người có công với đạo và đời

Thiền sư Từ Đạo Hạnh không chỉ là người luôn nuôi trí lớn, hiếu học mà còn ham thích văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các trò vui chơi dân giã.

Một thiền sư người Việt nổi tiếng quê Quốc Oai với ba quyền lực tối cao, mở đầu môn phái Mật tông của đạo Phật- Ảnh 3.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh là một người đa tài. (Ảnh minh họa)

Việc Từ Đạo Hạnh quan hệ với nho gia Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và nhà sư Giác Hải, Minh Không, nghệ sĩ phường chèo tên Vi Ất và tìm những nhà sư đương thời nổi tiếng để “tầm sư, học đạo” cho thấy, ông vốn là con người ham hiểu biết và có khả năng tiếp thu tinh hoa tri thức để tự bồi dưỡng làm giàu năng lực trí tuệ của mình và trở một người đa tài.

Ông giỏi về văn thơ và để lại những bài thơ nổi tiếng, điển hình là Giáo trò (bài thơ mà thiền sư Lê Mạnh Thát coi là tác phẩm văn học tiếng Việt đầu tiên hiện biết.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh luôn gắn đạo với đời, Phật giáo với dân tộc. Ông luôn lo cho vận nước khi có tà đạo lũng loạn làm mê hoặc lòng người, phá rối chính pháp.

Ông tổ nghề chèo Nghệ thuật chèo hình thành từ thời Đinh (thế kỷ X), qua các thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV) thì phát triển không ngừng và tương đối hoàn chỉnh vào thời Lê (thế kỷ XV).

Khi Từ Đạo Hạnh sinh ra, chèo đã có hơn 1 thế kỷ nhưng vẫn còn rất đơn giản. Thường ngày, Từ Đạo Hạnh cùng bạn bè xem diễn trò, tập thổi sáo, đánh trống, diễn lại các tích trò. Từ chỗ bắt chước và lệ thuộc, ông đã tự đặt ra các trò mới và cùng các bạn tập diễn, sau đó phổ biến lại cho các gánh trò. Ông chú trọng tìm cách phát triển nghệ thuật diễn xuất độc đáo của chèo.

Thời đó, những người làm trò diễn tích đều lấy ứng khẩu tức thời làm thủ pháp chính nên dần dần các tích trò bị mai một vì không có phương tiện lưu giữ. Từ Đạo Hạnh đã phát hiện ra hạn chế này và trong thực tế, ông là người đầu tiên soạn các tích trò trên văn bản viết.

Đến nay, bài giáo trò của ông vẫn được lưu truyền: “Trình (Chiềng) làng trình (chiềng) chạ/ Thượng hạ tây đông/ Tư cảnh hòa trung/ Nghe tôi giáo trống/ Trường không phong động/ Cũng bởi trống tôi/ Làng đã vào ngồi/ Tôi xin diễn tích”.

Hầu hết các tích trò ông soạn đều là những câu chuyện đạo lý như sự tích những người tu nhân tích đức rốt cuộc được hưởng phúc trời; những nhà sư khổ luyện được đắc đạo thành phật... Tư tưởng chủ đạo toát lên ở các tích trò là khuyến thiện, trừng trị kẻ ác...

Thiền sư Từ Đạo Hạnh được coi là một ông tổ nghề chèo, đã đưa nghệ thuật chèo tiến lên một bước phát triển mới, định hình phong cách của một loại hình nghệ thuật biểu diễn độc đáo.

Ông còn là một trong những người đào tạo ra những nghệ sĩ chuyên nghiệp đầu tiên, chuyên sống bằng nghề hát chèo, diễn tích.

Đóng góp của thiền sư Từ Đạo Hạnh cho nghệ thuật chèo vô cùng to lớn, qua đó góp phần bồi đắp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, múa rối nước cũng là nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc. Hầu hết các làng múa rối nước truyền thống đều tôn vinh Từ Đạo Hạnh là người sáng lập và là thần bảo hộ cho loại hình nghệ thuật này.

Việt Vũ (tổng hợp) (Báo Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem