Tại sao cá ngừ béo bất thường ở Nhật Bản?
Tại sao cá ngừ béo bất thường ở Nhật Bản?
Chủ nhật, ngày 17/07/2022 12:35 PM (GMT+7)
Tình trạng cá ngừ vằn béo bất thường có thể đem lại lợi ích cho ngư dân trong ngắn hạn, nhưng lại là dấu hiệu của những tác động tiêu cực có thể xảy đến trong tương lai.
Ông Takeo Nakajo, một ngư dân 70 tuổi tại tỉnh Kochi, Nhật Bản, đã đánh bắt cá ngừ vằn nửa thập kỷ qua. Trong hai năm trở lại đây, ông cùng các ngư dân khác phát hiện một hiện tượng lạ: Các cá thể cá ngừ đánh bắt được có trọng lượng lớn bất thường.
Dù cá nặng hơn mang lại thu nhập cao hơn, ngư dân và các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu của biến đổi khí hậu, điều sẽ gây ra tác động tiêu cực tới quần thể cá ngừ vằn - loài cá vốn đã chịu thách thức do đánh bắt quá mức. Trong ảnh, ngư dân Nhật Bản đánh bắt cá ngừ trong vịnh Tosa, ngoài khơi tỉnh Kochi.
Cá ngừ vằn là nguyên liệu không thể thiếu trong ẩm thực Nhật Bản và có thể được dùng để ăn sống, sấy khô hay nấu nước dùng. Mỗi mùa xuân, loài cá này di cư từ vùng nhiệt đới tới Nhật Bản theo dòng biển ấm.
Ngư dân Nhật Bản chuẩn bị cá ngừ trước khi mang chúng đi đấu giá. “Việc cá ngừ vằn béo hơn chắc chắn có liên quan tới nhiệt độ nước”, ông Nakajo nói. Ông cho biết bản thân đã nghĩ đến ngày loài cá này không xuất hiện nữa.
Ông Noriaki Ito, bếp trưởng tại một nhà hàng ở thành phố Kochi, cũng cho biết bản thân chưa từng thấy cá ngừ vằn béo như vậy vào mùa này trong năm. Theo ông, đây là dấu hiệu đáng lo ngại vì một số loài cá đã biến mất do thay đổi về đại dương và khí hậu.
Theo dữ liệu của phòng thí nghiệm thủy sản địa phương, nhiệt độ nước tại khu vực vịnh Tosa đã tăng 2 độ C. Việc cá ngừ béo hơn có thể đến từ số lượng con mồi nhiều hơn.
Dù vậy, trong dài hạn, nhiệt độ nước biển nóng lên có thể ngăn lượng nước giàu khoáng chất di chuyển lên bề mặt, khiến lượng sinh vật phù du và cá nhỏ sụt giảm. Do đó, cá ngừ vằn sẽ không còn đến nhiều như trước nữa.
Ngoài biến đổi khí hậu, ngành thủy sản Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với thách thức từ dân số già. “Tôi đã hỏi cháu tôi liệu nó muốn thừa kế cơ nghiệp hay không, nhưng nó đang học để làm việc tại một cơ quan chính phủ”, ông Nakajo chia sẻ. Trong ảnh, ông Nakajo cùng đồng nghiệp ăn sáng trên tàu trước khi làm việc.
Bên cạnh đó, việc đánh bắt quá mức cũng khiến sản lượng cá suy giảm. Theo số liệu của chính phủ, sản lượng cá tại Kochi hiện nay chỉ bằng một phần tư so với những năm 1980.
Ngành công nghiệp sản xuất katsuobushi - một loại cá bào làm từ cá ngừ xông khói, muối khô - tại Kochi cũng chịu tác động tiêu cực. Từ hàng chục cơ sở trong quá khứ, hiện nay toàn tỉnh chỉ còn một vài doanh nghiệp sản xuất món ăn này.
“Ngày càng nhiều người lo ngại rằng sẽ không còn cơ hội ăn cá ngừ vằn trong tương lai, nếu mọi thứ vẫn diễn ra như hiện nay”, ông Hiroyuki Ukeda, Phó chủ tịch Đại học Kochi, nói.
PV (Theo Reuters, Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.