Long An đặt mục tiêu sớm hoàn thành 6.000ha trồng thanh long công nghệ cao

Chủ nhật, ngày 29/09/2024 18:37 PM (GMT+7)
Giai đoạn 2016 - 2025, tỉnh Long An đặt mục tiêu đạt 6.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao. Đến tháng 7 năm 2024, toàn tỉnh đạt hơn 5.700 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao.

Năm 2024, tỉnh Long An triển khai kế hoạch đến các địa phương, tiếp tục thực hiện 7 mô hình trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao.

img

Người nông dân trồng thanh long tại Long An chủ yếu theo 2 kiểu: trồng giàn và trồng trụ. Ảnh: Q.D

Khi tham gia mô hình trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao, nông dân tỉnh Long An đã có bước chuyển biến tốt trong việc sản xuất.

100% hộ dân trồng thanh long không còn sử dụng phân gà tươi để bón cho thanh long, việc sử dụng phân hữu cơ được tăng cường, sử dụng phân bón và thuốc BVTV hợp lý hiệu quả đã giúp giảm lượng phân hóa học 10-15%, góp phần giảm chi phí đầu tư sản xuất và tăng lợi nhuận 15-20% so với trước khi tham gia vào đề án.

Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình được thường xuyên tập huấn và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, trang bị kiến thức và hướng dẫn cho hộ nông dân các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất thanh long theo quy trình VietGAP thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Qua đó, giúp giảm chi phí đầu tư từ 10-20% so với ngoài mô hình, từ đó giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 15-25% so với ngoài mô hình.

img

Nông dân chăm sóc cây thanh long tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ảnh: Q.S

Mô hình điểm sản xuất thanh long theo GAP được tổ chức thực hiện 6/6 mô hình điểm sản xuất, với quy mô 10ha/mô hình, gồm:

Mô hình thực hiện tại các HTX nông nghiệp Thanh Phú Long, HTX nông nghiệp Vĩnh Công, HTX nông nghiệp Hòa Phú, HTX nông nghiệp Phước Tân Hưng (huyện Châu Thành), HTX nông nghiệp Bình Tâm (TP.Tân An), HTX thanh long Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ).

Ngoài ra, tỉnh Long An còn duy trì các mô hình ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020.

img

Sớm hoàn thành 6.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao tại Long An

Theo đó, thực hiện 3/3 mô hình thuộc hoạt động duy trì các mô hình trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2016 - 2020, tại các xã: Vĩnh Công, Dương Xuân Hội và An Lục Long (huyện Châu Thành) với tổng diện tích là 79,5ha/122 nông hộ tham gia. Đối tượng tham gia là nông dân HTX đã từng tham gia vào các mô hình thanh long ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020.

img

Thanh long là 1 trong 4 cây trồng được tỉnh Long An ưu tiên phát triển theo hướng công nghệ cao. Ảnh: Q.D

Hiện nay, việc quản lý sử dụng và in ấn tem chỉ dẫn địa lý (CDĐL) thanh long Châu Thành Long An được triển khai hiệu quả. Đã triển khai in ấn và cấp 140.000 tem cho 4 tổ chức được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Châu Thành Long An gồm: Hiệp hội thanh long Long An, HTX nông nghiệp Thanh Phú Long, HTX Dương Xuân, HTX thanh long Tầm Vu.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá của các đơn vị được chọn thí điểm cấp quyền sử dụng CDĐL thanh long Châu Thành Long An; in ấn 5.000 tờ rơi tuyên truyền, tổ chức 14 lớp tập huấn giới thiệu hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến CDĐL thanh long Châu Thành Long An và các biểu mẫu hướng dẫn việc đăng ký quyền sử dụng CDĐL thanh long Châu Thành Long An.

Đồng thời, tổ chức tập huấn và xét, công nhận tổ chức chứng nhận độc lập tham gia vào việc thẩm định đánh giá điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Châu Thành Long An.

img

Nội dung: Quang Dương, Đồ họa: Hà Xa

Quang Dương - Hà Xa
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem