Video điều tra: Cây cổ thụ "tài sản quốc gia" bị rao bán thản nhiên như cây vườn nhà

Cả một phong trào, họ đi "đào tận gốc, trốc tận rễ" các loại cây khổng lồ, vận chuyển chúng từ ngoài rừng, ngoài tự nhiên tươi đẹp; họ chặt ngọn, cưa thân, băm rễ cây, lấy độc một khúc thân trụi thùi lụi, gom về các vườn ươm. 

Rồi sự "tiếp tay" của không ít kẻ tha hóa, gỗ rừng được hợp thức hóa, "rửa nguồn gốc" nhằm buôn bán bất hợp pháp khắp các tỉnh thành với số lượng cực lớn...

Gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên còn sót lại trên nương rẫy, vườn nhà: Xử lý ra sao?

Đã có chuyện, một số lãnh đạo xã gửi thông tin cho chúng tôi, kêu cứu cho số phận thê lương của các cây cổ thụ tạo bóng mát, tạo cảnh tuyệt vời của quê mình. 

Và, chỉ vì không ăn hối lộ, không "ký giấy tờ" cho việc đào gốc, cắt trụi, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp tài sản công dưới dạng các "lão mộc tinh", mà cán bộ địa phương còn bị các đối tượng dọa giết.

Kẽ hở phổ biến nhất, nằm ở sự phù phép tinh vi cũng như ở việc "biết mà giả vờ như không biết" của không ít lực lượng chức năng. Ví dụ, ông A ở làng B, bán cây C cho chủ buôn đào và cẩu về ươm ở vườn nhà ông ta để chờ xuất đi khắp cả nước với giá hàng trăm triệu đồng/cây.

Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ (Bài cuối): “Chảy máu” cổ thụ - cần một bàn tay thép, trước khi quá muộn! - Ảnh 2.

Phổ biến thứ 2 là một tình trạng rất mập mờ và gây nhiều tranh cãi. Cụ thể, nếu là đất thổ cư, là làng quê định cư từ lâu năm, dù mới được cấp sổ đỏ, song đất và tài sản trên đất, bà con, các thế hệ đã quản lý và sử dụng rồi. 

Cụ thể, cái cây cổ thụ trong vườn nhà họ là cây được tổ tiên họ trồng và giờ họ quản lý. 

Còn đất nương rẫy lại khác. Vùng đó vốn là đất hoang, cây mọc tự nhiên, nhiều cây cổ thụ. 

Gần đây, bà con mới được cấp quyền sử dụng đất đó, chứ không công nhận toàn quyền với tài sản trên đất (những cây cổ thụ). 

Ví dụ, ông A được cấp quyền sử dụng đất trên nương rẫy kia 10 năm qua, nhưng cái cây có từ 100 năm trước. Cây và cánh rừng trên đó là tài sản của quốc gia, công sản, của thiên nhiên, đất nước ông bà. Ngành kiểm lâm gọi đó là: "Gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên còn sót lại trên nương rẫy, vườn nhà".

Trong trường hợp này, ông không được tự ý, toàn quyền bứng cái cây đó đi, không được tự ý bán hay đào nó lên. Khi cần "sử dụng" cái cây đó (chặt, đào đem bán) cần xin ý kiến của có quan chức năng. 

Đó là lý do mà gần đây, kiểm lâm nhiều tỉnh đã bắt giữ và xử phạt các vụ buôn bán, vận chuyển, đào bới cây cổ thụ.

Trong quá trình điều tra, nhóm PV Dân Việt có được Văn bản số 281/TCLN-PTSXLN ngày 8/3/2019 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT về việc khai thác tận dụng gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên còn sót lại trên nương rẫy, vườn nhà.

Văn bản do Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp thừa ủy quyền Tổng cục Lâm nghiệp ký gửi Công ty TNHH Sơn Lâm tỉnh Kon Tum (Công ty Sơn Lâm) trả lời Văn bản của Công ty Sơn Lâm đề nghị hướng dẫn khai thác tận dụng cây có nguồn gốc từ rừng tự nhiên còn sót lại trên nương rẫy, vườn nhà.

Tại đây, Tổng cục Lâm nghiệp đã viện dẫn Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NNPTNT, quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản. Theo đó, Thông tư trên chỉ điều chỉnh trình tự thủ tục khai thác thực vật rừng thông thường, động vật rừng thông thường.

Đối với gỗ rừng tự nhiên còn sót lại trên diện tích nương rẫy, vườn nhà ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp thực hiện theo Luật quản lý và sử dụng tài sản công.

Vì vậy, nếu khi cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân "không ghi hoặc không xác nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, thì các cây gỗ rừng tự nhiên trên thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và được thống kê, lập hồ sơ trình UBND tỉnh quyết định cho phép khai thác, tận thu để thu hồi tài sản theo Luật quản lý và sử dụng tài sản công" (trích văn bản trên).

Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ (Bài cuối): “Chảy máu” cổ thụ - cần một bàn tay thép, trước khi quá muộn! - Ảnh 3.

Nhận thấy đây là một vấn đề mang tính mấu chốt, nhóm PV Dân Việt đã vào tỉnh Kon Tum, đến trụ sở Công ty Lâm nghiệp Sơn Lâm để tìm hiểu. 

Theo ông Hà Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Sơn Lâm, vụ việc liên quan đến hai hộ dân bán cây cổ thụ và bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, UBND tỉnh Kon Tum đã ra Quyết định xử phạt 100 triệu đồng.

Ông Hùng cũng chỉ ra những bất cập tại Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT: "Chúng ta đã không ban hành quy trình, hướng dẫn cụ thể cho việc khai thác cây cổ thụ nằm trên đất nông nghiệp và cây cổ thụ trên đất nương rẫy một cách rõ ràng". 

Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ (Bài cuối): “Chảy máu” cổ thụ - cần một bàn tay thép, trước khi quá muộn! - Ảnh 4.

Cụ thể, Công ty ông gửi văn bản lên Tổng Cục Lâm nghiệp để "hỏi" là vì, có 2 hộ dân khai thác cây cổ thụ đem đi bán và bị UBND tỉnh Kon Tum ra Quyết định xử phạt 100 triệu đồng. 

Cần làm rõ: hai cây đó trong đất nông nghiệp, đất thổ cư, trong vườn nhà họ từ lâu đời, ví dụ cây có tuổi đời đã 30-40 năm kể từ ngày họ trồng rồi, giờ họ muốn bán, xã xác nhận kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, đơn xin bán cây là xong. Vì đó là quyền của họ. Không thể nói cây đó là cây "kế thừa" từ rừng tự nhiên được. 

Tuy nhiên, với những cây cổ thụ còn lại trên đất nương rẫy lại khác. Bà con mới được cấp quyền sử dụng đất, mà không được công nhận tài sản trên đất, thì rõ ràng cây cổ thụ đã sống hàng trăm năm trên đó là "tài sản công" (như văn bản của Tổng Cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTN ở trên).

Vụ việc xử phạt 100 triệu đồng kể trên, theo ông Hùng, UBND tỉnh Kon Tum đã dừng lại. Tuy nhiên, bản chất câu chuyện nằm ở chỗ cần phân định rõ ràng: Cây nào từ nương rẫy (nguồn gốc rừng tự nhiên), cây nào từ vườn nhà. 

Quan trọng hơn, nếu kẽ hở của chúng ta quá lớn, cách phù phép quay vòng giấy tờ, hồ sơ quá tinh vi trên diện rộng như loạt bài này phân tích, bất kỳ cây có nguồn gốc từ tự nhiên nào cũng có thể bị/được phù phép trở thành cây vườn nhà trên đất thổ cư bà con sinh sống từ nhiều thế hệ. 

Phương pháp mà "lâm tặc con buôn" làm rất trắng trợn: Bứng cây rừng về nhà ươm trồng, rồi xin xác nhận "cây vườn nhà" đem đi bán. 

Hoặc chẳng cần mang về vườn nhà, cứ đào cây, cẩu cây từ rừng, từ tự nhiên về, có sẵn cả đống hồ sơ nguồn gốc cây cổ thụ vườn nhà dân trong tủ, ghép hồ sơ vào cây và đi bán.

Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ (Bài cuối): “Chảy máu” cổ thụ - cần một bàn tay thép, trước khi quá muộn! - Ảnh 5.

Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ (Bài cuối): “Chảy máu” cổ thụ - cần một bàn tay thép, trước khi quá muộn! - Ảnh 6.

Trên đường về Hà Nội, để "thí nghiệm" cho việc phù phép giấy tờ, bứng hết cây rừng tự nhiên về làm đại cảnh cho đại gia - nhất là đại gia ít hiểu biết, ích kỷ với cộng đồng, thuật ngữ cho giới người này họ vẫn gọi là trọc phú - chúng tôi đã đứng lại ngắm cây dọc bờ sông.

Đó là khu vực dọc đường Hồ Chí Minh, qua các huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, điểm Cầu KM 1364+310". Cầu nhìn xuống vực sâu, dọc sông Đắc Mil (thượng nguồn của sông Vu Gia). Chúng tôi đứng ngắm và chụp ảnh các tán hoa vàng tuyệt đẹp tít dưới bờ sông cạn.

Từ quốc lộ xuống đến bờ sông cả mấy chục mét sâu. Cây hoa vàng cổ thụ có vòng gốc ước chừng hơn gần 2 người ôm chưa kín. Lập tức, có các gã phi xe máy rèo rèo, ghé lại hỏi có mua cây không.

Anh ta còn chưa biết cây đó là cây gì, chỉ đột ngột hỏi chúng tôi có mua cây không. Chúng tôi giả đò gật đầu và anh ta tuyên bố bán luôn. Rồi anh tự nhận cái rẫy hoang vu từ ta-luy âm của quốc lộ xuống bờ sông lổn nhổm đá kia là của nhà anh ta.

Chúng tôi ngạc nhiên, thế đây là xã gì, anh ta cứng họng không trả lời được. Hỏi đây là cây gì, anh ta cũng không biết. 

Sau, anh thổ lộ: Anh ta nhận bừa thế để bán. Giống như có kẻ nhìn con chim bay trên trời hay con cá mập bơi giữa đại dương và đòi tiền của người đứng bên cạnh là ta bán cho mi đó. 

Tuy nhiên, anh ta thừa nhận: Sẽ lo được giấy tờ cho cây hoa vàng đó, thông qua một doanh nghiệp. Chính quyền ký vào, "chủ đất" kí vào là xong.

Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ (Bài cuối): “Chảy máu” cổ thụ - cần một bàn tay thép, trước khi quá muộn! - Ảnh 7.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, cây hoa vàng mà người qua đường rao bán là cây lim xẹt (phượng vàng) là cây rừng tự nhiên thuộc xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quang Nam. 

Cây được trồng rộng rãi làm cây cảnh (do cây có tán tròn đều, kỳ hoa nở rộ rất đẹp) và che bóng trên đường phố, công viên, công sở, trường học.

Hiện nay, một số thành phố lớn ở Việt Nam như Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... , lim xẹt là một trong các loài cây chủ lực chiếm cơ cấu cao trong hệ thống cây xanh đô thị. TP Đà Nẵng đã đưa cây lim xẹt vào trong 5 loài cây chủ lực của thành phố.

Chúng tôi liên lạc tiếp, anh ta ra giá 125 triệu đồng, có người đứng ra lo giấy tờ! Bất ngờ hơn, chủ doanh nghiệp mà nhận lời làm hồ sơ cho cây ven sông đem về Đà Nẵng (chúng tôi giả là đại gia ở Đà thành) liên tục gửi vào zalo của chúng tôi các bức ảnh cây cổ thụ khổng lồ rao bán. 

Hóa ra là một đường dây với thủ đoạn y như những gì đã phân tích ở trên Tây Nguyên.

Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ (Bài cuối): “Chảy máu” cổ thụ - cần một bàn tay thép, trước khi quá muộn! - Ảnh 9.

Như loạt bài này ở trên đã chứng minh, trong quy định của hiện hành của chúng ta đã có những "lỗ hổng" quá lớn, để rồi quá nhiều bi kịch đắng lòng với thiên nhiên cứ thản nhiên "voi chui qua lỗ kim". 

Khi phóng sự điều tra "hô biến các cánh rừng cổ thụ" còn chưa đăng hết, PV Dân Việt đã gửi dần loạt bài cho ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT). 

Trả lời PV Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Thiện khẳng định: "Lệnh đóng cửa rừng tự nhiên đã được ban hành. Tất cả những hoạt động khai thác liên quan đến rừng tự nhiên là không được phép. 

Nhưng rừng lác đác ở bên ngoài "rừng tự nhiên", bà con cứ thấy người ta gạ, có "lợi ích" là đem bán. Theo thông lệ, trong làng, trong xã, toàn an hem họ hàng với nhau, bà con muốn bán, ông cán bộ (Chủ tịch) xã cũng rơi vào tình huống rất là khó xử".

Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ (Bài cuối): “Chảy máu” cổ thụ - cần một bàn tay thép, trước khi quá muộn! - Ảnh 9.

Nhiều ý kiến cho rằng một số điểm trong "Thông tư số 27" (đã dẫn ở trên) cần sửa đổi cho phù hợp và chặt chẽ, ông Nguyễn Hữu Thiện cũng đồng ý với điều này. 

Ông Cục trưởng cho biết: "Chúng tôi đang giao cho các bộ phận chuyên môn liên quan đề xuất phương án sửa đổi cho phù hợp. Dựa trên thực tế anh em nắm bắt và các phản ánh như loạt bài Phóng sự Điều tra trên Báo Dân Việt.

Hiện tại, tôi đang giao cho 2 bộ phận, một là bộ phận xử lý vi phạm pháp luật và đội Kiểm lâm Đặc nhiệm. Tập trung đưa phương án đề xuất sửa đổi "Thông tư 27", làm sao cho quyền lợi của người dân được đảm bảo, mà cơ quan thực thi pháp luật khi bảo vệ cây rừng tự nhiên vẫn có thể thượng tôn luật pháp".

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục kiểm lâm nhấn mạnh những chi tiết đời thường mà xúc động: việc mua bán cây cổ thụ chỉ có lợi ích trước mắt (thu nhập) cho một số người; nhưng nó ảnh hưởng lâu dài đến cả một khu vực. Nó làm tổn hại đến cây rừng, các tán rừng mà bao năm qua bà con mình đã gìn giữ. 

Không chỉ là bảo vệ môi trường, cây cổ thụ còn là cảnh quan, bóng mát, là kí ức của chúng ta, có vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách của nhiều thế hệ. 

"Ai là người tiêu thụ (mua) cây cổ thụ về trưng bày? Về đạo đức, cây đang ở ngoài tự nhiên, ai cũng muốn bảo vệ, anh bứng về, chặt ngọn, chặt cành, lấy mỗi khúc thân để trưng bày. Không chỉ tiếp tay cho vi phạm (khi hồ sơ bị làm giả, bị quay vòng), mà người mua còn vi phạm về ý thức, đạo đức trong tinh thần vì cộng đồng" - ông Thiện nói.

Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ (Bài cuối): “Chảy máu” cổ thụ - cần một bàn tay thép, trước khi quá muộn! - Ảnh 10.

Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ (Bài cuối): “Chảy máu” cổ thụ - cần một bàn tay thép, trước khi quá muộn! - Ảnh 11.

Ngày 22/4/2021, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), trả lời phỏng vấn trực tiếp Nhóm Phóng viên Dân Việt. 

Sau khi đọc hết loạt bài, ông đã trăn trở: "Đáng lẽ chúng ta phải biết tri ân cây cổ thụ đó, bảo vệ chúng cho thế hệ mai sau. Sao chúng ta lại phá chúng đi? Đó là sự báo động về ý thức cộng đồng. 

Việc "phù phép" đào, chặt, "chảy máu" cây cổ thụ đã làm mất nguồn gen, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân và cả hệ sinh thái.

Cây bằng lăng rất đẹp, hay mọc ven suối, ven sông nên có giá trị rất lớn về chống xói mòn. Phong trào tràn lan đi đào gốc, cẩu đem bán thì người bán và người mua "được hưởng" cái lợi nhỏ trước mắt. Nhưng khi xảy ra lũ lụt, sạt lở thì cả cộng đồng phải gánh chịu, rất đau thương.

Việc đưa cây bằng lăng ở rừng về trồng làm đại cảnh ở thành phố, theo tôi, như thế là không nên. Hành động "tiêu thụ" (mua) các cái cây đó là trực tiếp, gián tiếp kích cầu, "xúi giục" cho người ta đi phá rừng. Tạo phong trào với sự "lan tỏa" không tốt. Tôi phản đối. Việc làm này nên chấm dứt.

Việc bao che của cơ quan chức năng như loạt bài viết phản ánh, theo tôi cần điều tra, vạch trần".

Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ (Bài cuối): “Chảy máu” cổ thụ - cần một bàn tay thép, trước khi quá muộn! - Ảnh 12.

Trước tình trạng khai thác gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên để làm cây cảnh diễn ra ngày càng nhiều gần đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản số 3011/UBND-NNTN ngày 6/7/2020 nhằm tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng đào bới, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái phép các loài cây có nguồn gốc từ tự nhiên.

Tương tự, tại tỉnh Phú Yên, từ lâu, cơ quan chức năng đã không cấp phép cho các hộ gia đình, cá nhân khai thác tận dụng cây rừng trên đất nương rẫy để làm cảnh, ngăn chặn tình trạng đào bứng cây rừng về làm cảnh.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem