Chúng tôi hẹn gặp Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến - một vị tướng dạn dày trận mạc tại nhà riêng vào một ngày tháng 7 ở phố Tôn Thất Thiệp, quận Ba Đình, Hà Nội. Ông đã cầm súng tham gia chiến đấu, chỉ huy hàng trăm trận đánh trường kỳ qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc tại biên giới…

Đúng 8 giờ sáng, ông khoác trên mình bộ quân phục, cài trang trọng tấm huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cùng huân chương kháng chiến ngồi chờ sẵn đúng với lịch hẹn với chúng tôi. Trong quân đội ông rèn luyện cho mình kỷ cương giờ giấc chuẩn chỉ. Ở tuổi 92, giọng nói của Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn đanh như thép, hào sảng và có trí nhớ nhanh nhạy. Đặc biệt, ông còn là thương binh hạng nhất. Mái tóc trắng như cước, ông rành mạch kể cho PV Dân Việt nghe về cuộc đời binh nghiệp của mình trải qua trường kỳ lịch sử.

Nơi đó, ông và đồng đội đã có những trận đánh cam go, căng thẳng. Ở nơi chiến trường năm ấy có cả những niềm vui sung sướng và xen lẫn những nỗi đau mất mát, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc để đến hôm nay mỗi khi ngẫm nghĩ lại ông càng trân trọng tình đồng đội đồng chí.

img
img
img
img


Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 1.

Thưa Trung tướng, ông có còn nhớ đã tham gia cách mạng trong hoàn cảnh như thế nào?

- Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông rất nghèo, bố mẹ tôi là nông dân ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc TP Hà Nội), khi đất nước đang còn chịu ách nô lệ của đế quốc thực dân Pháp nên cực kỳ gian khổ. Bố tôi đi kéo xe như tác phẩm nổi tiếng "người ngựa và ngựa người" của nhà văn Nguyễn Công Hoan từng viết.

Bố mẹ tôi sinh lần lượt 10 người con nhưng mất tới 5 người vì nhà nghèo, thiếu thuốc. Tôi còn nhớ ngày ấy, các em tôi chỉ bị đau bụng, ốm sốt nhưng không có thuốc rồi lần lượt qua đời. Tôi cũng đau xót khi 2 người chú ruột vĩnh viễn rời xa cuộc đời này vì nạn đói năm 1945.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 3.

Thời kỳ đó đói đến mức gia đình không còn gì mà ăn nữa. Khi ấy, cám ăn - thứ mà chỉ dùng cho lợn ăn bị mốc xanh nhưng mình có để nấu cháo ăn cũng đã quý lắm rồi. Mẹ tôi đi xin được 1 đấu cám về nấu khoai và bèo cho các con ăn. Người chú thứ 2 của tôi đói lả người nằm trên giường nói với mẹ "Chị cho em bát cháo", mẹ tôi múc cho chú nhưng khi vừa giơ tay ra thì qua đời. Chú thứ 3 chưa kịp húp miếng cháo cũng rời cõi tạm. Cả làng tôi khi ấy có hơn 2.000 suất đinh thì có đến 400 người chết vì đói.

Cả cánh đồng hôi hám, chết không còn ván mà chôn. Dọc đường 32 khi ấy ngày nào cũng có người chết vì đói. Thời kỳ Nhật sang đảo chính Pháp, bắt phá lúa trồng đay dân đói, cuộc sống cực khổ. Tôi căm thù địch vô cùng. Vào tháng 9/1945, mới 14 tuổi, tôi bắt đầu tham gia các hoạt động của Việt Minh, sau phụ trách đội thiếu niên ở quê nhà.

Tuy nhiên đến năm 19 tuổi, tôi bị thực dân Pháp bắt giữ, đánh tưởng mình không qua khỏi. Sau chúng áp giải tôi xuống huyện Thạch Thất tra tấn. Đến khi bị giam tại nhà tù Hoả Lò, tôi bắt liên lạc được với đồng đội đều là tù nhân chính trị cũng đang bị giam giữ tại đây. Tháng 5/1950, quân Pháp tiến công Hà Nam, giặc huy động tù binh đi phục vụ chiến đấu vận tải đạn cho binh lính Pháp. Lợi dụng sơ hở lúc quân Pháp ngủ, tôi cùng một số đồng chí bí mật trốn thoát được. Tôi trở về gia đình và nói rõ ý định muốn đi bộ đội vào quân chủ lực để trực tiếp đánh giặc.

Bố mẹ tôi khi vừa gặp đã vui mừng khôn xiết vì tưởng rằng con đã chết. Được sự ủng hộ của gia đình, tôi xin vào Vệ quốc đoàn. Ngày đi, bố đã sắm cho tôi cái bị có 10 kg gạo, may cho tôi bộ quần áo nâu. Ra báo cáo Đảng uỷ xã về việc cho mình đi bộ đội thì nhận được sự đồng ý.

Tháng 9 năm ấy, tôi xin nhập ngũ nhưng không được tuyển bởi cả cân nặng và chiều cao tôi không đủ tiêu chuẩn. Tôi ngồi buồn vì muốn tham gia chiến đấu cũng không được mà giờ về xã địch nó bắt thì mình cũng chết. Lúc này có đồng chí du kích bước vào khám nhưng chiều cao cân nặng cũng bằng tôi nên không được đồng ý.

Nghe vậy, người này rút quả lựu đạn trong người ra bảo "Nếu không được đi bộ đội tôi tự tử ngay ở đây. Bố mẹ tôi chết hết rồi! Tôi căm thù quân địch, đi du kích. Tôi muốn đi giết giặc sao không cho đi". Sau đó người này được nhận vào bộ đội. Thấy vậy, tôi thắc mắc và tôi được nhận vào quân ngũ. Tôi chính thức nhập ngũ vào vào Đại đội 354, Tiểu đoàn 884 (nay là Đại đội 9, Tiểu đoàn 3), Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 vào ngày 4/9/1950.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 4.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến và tác giả


Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 2.

Nhắc về trận đánh Đường 9 - Nam Lào thời điểm cuối năm 1970 khi để thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, đế quốc Mỹ và quân ngụy đã đẩy mạnh các hoạt động bình định, chuẩn bị tấn công trên toàn chiến trường, tập trung vào 3 mục tiêu "Hủy diệt, Giành dân và Bóp nghẹt". Vậy Trung tướng đã đưa ra kế hoạch cụ thể nào để phá từng nút thắt?

Vào đầu năm 1971, Mỹ ngụy mở cuộc hành quân lớn mang tên Lam Sơn 719 đánh vào khu vực Đường 9 - Nam Lào nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của quân đội ta, hòng phục vụ cho ý đồ Việt Nam hóa chiến tranh.

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công tiêu diệt quân địch ngay tại chiến trường này. Tư lệnh chiến dịch Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Tổng tham mưu phó; Chính ủy Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng là đại diện Thường vụ Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng bên cạnh Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Ngày 30/1/1971, một sư đoàn Mỹ mở màn cuộc hành quân bằng trận càn dọc đường 9, chiếm lại Khe Sanh, làm bàn đạp cho quân ngụy Sài Gòn mở cuộc tiến công sang Nam Lào.

Qua một ngày chiến đấu, Trung đoàn 64 của tôi đã diệt gọn Tiểu đoàn 6 dù ngụy. Lúc đó đường dây hữu tuyến bị đứt mất vài tiếng đồng hồ, thế rồi nhờ sự giúp đỡ của anh Thành Công, chủ nhiệm kho Q3 thuộc Bộ Tư lệnh 559, tôi đã liên lạc được với chỉ huy chiến dịch.

img
img

Ban chỉ huy Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, hạ quyết tâm tiêu diệt Lữ đoàn dù 3 ngụy Sài Gòn trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến, thứ nhất từ trái sang (tháng 2/1971); Kế hoạch nghi binh được vận dụng thành công trong Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3/1975. Ảnh tư liệu của gia đình + Quân khu 7

Anh Phạm Hồng Sơn, Tham mưu trưởng (sau này là Trung tướng, Phó giám đốc Học viện Quân sự cấp cao), biểu dương đơn vị tôi đã đánh thắng trận đầu và thông báo sẽ cấp thêm cho chúng tôi 2 cơ số đạn, 1 đại đội xe tăng và 4 khẩu pháo Đ74. Anh giao tiếp nhiệm vụ cho Trung đoàn 64, trực tiếp đánh chiếm điểm cao 543 của Lữ dù 3 do Đại tá Nguyễn Văn Thọ là Lữ trưởng, Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Cuối buổi điện đàm, anh Sơn còn căn dặn: "Cố tạo thế hợp đồng binh chủng để diệt điểm nhanh gọn".

Sau 3 ngày vây lấn quanh điểm cao 543, Tiểu đoàn 8 chủ công từ hướng Tây Bắc vẫn chưa tiến được, mà còn bị tổn thất lực lượng khá nhiều. Sáng ngày 24/2, tôi họp cán bộ chỉ huy các đơn vị cơ sở. Trong hội nghị, tôi đề xuất đổi lại hướng tấn công chính, từ Đông Đông Nam đánh lên. Anh Ân (Tham mưu phó Sư đoàn 304) lưu ý, hướng tiến công chủ yếu đã được Bộ Tư lệnh chọn, nếu thay đổi cần có ý kiến cấp trên; các chỉ huy xe tăng và pháo binh thì đều nhất trí với tôi về hướng tấn công mới, song e ngại địa hình hiểm trở xe tăng khó hành tiến.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 7.

Đến trưa ngày hôm sau, bộ phận trinh sát kiểm tra về báo cáo: hướng Đông Nam xe tăng đi được. Tôi liền cho 4 xe tăng xuất kích bám theo Tiểu đoàn 9, đến vị trí xuất phát tiến công thì bộ binh dừng lại, tăng vượt lên trước đột phá.

Trưa 25/2, Tiểu đoàn 8 đang quần nhau với địch trên đường lên điểm cao 543, thì xuất hiện xe tăng và bộ binh ta từ hướng Đông Nam. Địch gọi máy bay đến dội bom. Đúng 12 giờ 30 phút, tôi ra lệnh cho hướng chủ yếu đông nam nổ súng tiến công. Hai xe tăng cùng bộ binh ào ào lướt tới.

Ở một số công sự bọn địch lần đầu thấy xuất hiện xe tăng của quân ta thì hốt hoảng bỏ súng tháo chạy. Quân ta cứ nhằm đỉnh đồi xông lên. Xe tăng tạo thành thế gọng kìm khiến địch càng hoảng loạn. Sau chiến thắng Đường 9 - Nam Lào ta phá được âm mưu bóp nghẹt của địch.

Tiếp nối thắng lợi, năm 1972, Trung đoàn 64 của chúng tôi tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ trong chiến dịch Đắk Tô - Tân Cảnh. Chúng tôi gặp Lữ dù 3 lần thứ 2 ở Tây Nguyên. Địch gọi loa thách chúng tôi, bảo nghiền nát Sư đoàn 320. Anh em ở Trung đoàn 64 và Sư đoàn 320 cay lắm, bảo xem ai nghiền nát ai (Trung tướng Khuất Duy Tiến cười khi nhắc lại).

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 3.

Khi nhắc đến ông, không thể không nói đến nghệ thuật nghi binh trong chiến dịch Tây Nguyên. Nghệ thuật ấy đã tạo nên chiến thắng thần tốc 1 ngày bằng 20 năm. Kế hoạch này đã diễn ra như thế nào, thưa Trung tướng?

- Cuối năm 1974, cục diện chiến trường miền Nam trên đà chuyển biến, có lợi cho cách mạng Việt Nam. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch chiến lược chính trên chiến trường Tây Nguyên, đánh địch ở Nam Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột, đánh vào tỉnh lỵ Phú Bổn (Cheo Reo) và phát triển xuống đồng bằng Khu 5 trong năm 1975.

Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chính thức giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên mở Chiến dịch Nam Tây Nguyên. Phòng Tác chiến Mặt trận Tây Nguyên do tôi làm Trưởng phòng lập tức lập kế hoạch chuẩn bị chiến trường chiến dịch, xây dựng kế hoạch chiến dịch bao gồm: Kế hoạch triển khai đường cơ động trên các hướng, các mũi chiến dịch; kế hoạch cơ động lực lượng; kế hoạch nghi binh chiến dịch; kế hoạch tập kết bộ đội; kế hoạch đảm bảo hậu cần kỹ thuật...

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 9.

Đồng thời, lập kế hoạch tiếp nhận cơ sở vật chất, tiếp nhận các đơn vị mới đến tăng cường, các đơn vị binh chủng kỹ thuật của Bộ phải được tổ chức chu đáo, bí mật, an toàn. Công tác bảo quản, sửa chữa vũ khí, phương tiện xe - máy phải bảo đảm tối đa hệ số kỹ thuật các phương tiện hiện có. Công tác Đảng, công tác chính trị tư tưởng phải nhằm nâng cao ý chí quyết tâm chiến đấu, sức mạnh chiến đấu tổng hợp của mọi đơn vị, mọi binh chủng...

Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã xác định, để cô lập và đánh chiếm Buôn Ma Thuột nhanh nhất, cần phải lên kế hoạch nghi binh để lừa địch. Tư lệnh Vũ Lăng đã giao tôi phụ trách việc xây dựng kế hoạch nghi binh. Tôi đã dốc sức để xây dựng kế hoạch được thông qua, tiến hành thực hiện kế hoạch một cách cẩn thận, chu đáo.

Đây có thể xem là cú lừa ngoạn mục đối với quân địch, xin ông chia sẻ kỹ hơn về kế hoạch lịch sử này?

Kế hoạch nghi binh khi ấy đã đánh lừa địch, khiến chúng tưởng ta chuẩn bị đánh Kon Tum - Gia Lai nhưng trên thực tế, ta lại điều quân xuống phía Nam Tây Nguyên, chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột. Sau này khi chiến thắng, tôi vẫn còn ngẫm sao mình lại nghĩ ra như thế.

Để đánh được Đắk Lắk, ta phải đi mất khoảng 300km đường rừng, nhiều sông suối, nên việc hành quân và đưa phương tiện vào sẽ rất khó khăn. Chúng tôi tương kế tựu kế theo nhận định của địch, lên kế hoạch nghi binh, cho địch lầm tưởng ta đang chuẩn bị đánh Kon Tum, Gia Lai, nhưng thực tế, ta lại điều quân xuống phía Nam Tây Nguyên, chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột.

Mặt khác, ta lan truyền thông tin vào trong nhân dân và những huyện gần căn cứ địch ở Kon Tum và Pleiku, để các địa phương vờ thực hiện chuẩn bị lực lượng, làm đường, kéo pháo, tải lương... để vào đánh Kon Tum và Pleiku... Khi đó, máy bay do thám của địch trên không, quân thám báo của địch thăm dò thấy vậy nên tin là ta sẽ đánh Kon Tum.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 10.

Đối với lực lượng hành quân xuống phía Nam, Bộ Tư lệnh quy định toàn bộ cuộc hành quân phải bảo đảm nguyên tắc bí mật, ngụy trang kỹ lưỡng, ngày vào rừng, tối hành quân..., đi đến đâu ngụy trang xóa dấu vết đến đó. 

Cùng thời gian đó, ở Kon Tum và Gia Lai, ta hạ lệnh truyền tin, chuẩn bị đi dân công, tải thương, tải đạn, kéo xe tăng... áp vào đánh địch. Sư đoàn 968 nhận lệnh kéo pháo đánh ngay Đồn Thanh An, bắn pháo vào Pleiku. Từ ngày 1 đến 3/3, ta đánh mạnh ở Gia Lai, Kon Tum, khiến địch tin rằng ta chuẩn bị đánh Bắc Tây Nguyên thật. 

Kế hoạch nghi binh thắng lợi không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn giảm mức thương vong thấp nhất cho lực lượng của ta để nhanh chóng giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột, đẩy địch vào thế bị động, bất ngờ, tạo thế tiến công liên tiếp giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và một số tỉnh duyên hải miền Trung.

Chiến dịch này tạo nên bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh cách mạng, làm thay đổi cơ bản lực lượng giữa ta và địch, đưa cuộc tiến công chiến lược phát triển thành Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 4.

Tham gia chiến đấu trong mưa bom, bão đạn đầy thiện chiến như vậy, những vết thương nào ông nhớ nhất?

Tôi có tổng cộng 8 lần bị thương trên cơ thể như đầu, sườn, … khi tham gia hàng trăm trận chiến đấu cùng nhiều chiến dịch, không chết đã là quá may mắn rồi. Kỷ niệm đầu tiên của tôi đó là lần chống địch càn vào làng Hạ Băng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ngay trận này, tôi đã bị thương vào đùi, mất rất nhiều máu. Thời bấy giờ khổ lắm không có dụng cụ gì băng bó vết thương. Sau tôi được một phụ nữ đã đưa cho mảnh vải buộc lại vết thương rồi núp trong bụi cây mệt lả thiếp đi.

Tới chiều tối người dân trong làng phát hiện khiêng tôi về. Tôi được đưa về nhà ông cụ bảo "Con tỉnh chưa?" tôi bảo "con tỉnh rồi."

Ông cụ lấy bẹ chuối băng bó vết thương rồi nấu cho một bát cháo. Ngày hôm sau, đơn vị tìm thấy đã khiêng tôi về chữa vết thương này 7 tháng mới khỏi. Khi ấy lấy vỏ thân chuối phơi khô băng vết thương, cứ 2,3 ngày thay băng một lần. Đau là vậy nhưng tôi vẫn tham gia các hoạt động, quên đi cả đau đớn.

Vết thương thứ 2 đánh ở Thái Bình. Khi đó tôi là tiểu đội trưởng, ra thu súng của địch, không đề phòng đã bị địch bắn xuyên bàn tay, vết thương 4 tháng mới khỏi. Hiện tôi còn một mảnh đạn găm trong cánh tay…

img
img
img
img

Trung tướng Khuất Duy Tiến xúc động nhớ lại những năm tháng ác liệt của chiến tranh

Xâu chuỗi lại hàng trăm trận đánh ở các chiến dịch, Trung tướng đã trải qua những khó khăn, gian nan như thế nào?

Trong cuộc đời binh nghiệp ai cũng phải đối diện với hàng nghìn gian nan, khó khăn, nhưng khi vượt qua được thì nó lại trở nên tầm thường. Đặc biệt, chính những khó khăn đó đã tạo cho mình những thành công và mỗi lần vượt qua là mình trưởng thành lên.

Từ lúc tôi đang làm chỉ huy ở cấp nhỏ nhất là Tiểu đội, Trung đội rồi đến Đại đội khó khăn rất nhỏ, nhưng ở cấp Trung đoàn trở lên, tôi tự nhận thức được những khó khăn, trọng trách của mình với đất nước càng nhiều hơn. Khi đó, tôi rất trằn trọc, nhưng khi vượt qua được tôi lại trưởng thành lên, có thêm những bài học, bản lĩnh về nghệ thuật quân sự.

Tôi nhớ khó khăn nhất chính là lúc tôi làm Trung đoàn trưởng 64, đầu tiên nhận nhiệm vụ mà lại đưa quân tăng cường cho miền Đông Nam Bộ. Hành quân qua Đường 9 - Nam Lào tôi nhận được lệnh của Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, làm Tư lệnh chiến dịch Đường 9 - Nam Lào phải dừng hành quân đường dài chuyển sang đánh vì địch đã tới.

Bối cảnh đó rất khó khăn vì đang hành quân không có đạn dược, súng tiểu chỉ có 1 băng đạn, pháo cối có 3 viên, súng DKZ và súng chống xe tăng chỉ có 3 viên thôi. Khó khăn nữa là dây thông tin chỉ có 2,5km, máy móc thiếu thốn.

Đặc biệt, bản đồ không có nên địa hình không thông thuộc và không biết đường đi, nhưng khi nhận được lệnh, tôi yêu cầu cả Trung đoàn dừng lại để đánh địch. Lúc bấy giờ, tôi cũng được các binh trạng giúp đỡ. Tôi được 1 đồng chí trợ lý tác chiến là ông Phạm Thế Duyệt rất sắc xảo đã lần được tuyến đường đi tới nơi địch đang tập trung.

Tình thế thực sự khó khăn, tất cả súng ống của mình chỉ bắn xa được 1km mà lại thiếu đạn dược thì đánh bằng cái gì? Nhưng rất may, đoàn lại gặp được kho tổng hợp của trung tá Thành Công có đủ đạn dược, thức ăn cho đoàn. Lập tức, đoàn vừa đánh vừa đi khiêng lấy đạn vừa kéo dây bắt liên lạc với mặt trận, bởi trước đó không liên lạc được.

Ngày đầu là ngày 13, địch đáp xuống tiểu đoàn dù (tiểu đoàn 6) đổ xuống ngay ở trên đầu 1 tiểu đoàn của chúng tôi. Thời điểm đó, tôi phải độc lập tác chiến vì không liên lạc được với Mặt trận, dù địch có máy bay bay lượn trên đầu, nhưng tiểu đoàn của tôi vẫn tiêu diệt được tiểu đoàn dù của địch.

Khi đó, tôi cảm thấy sung sướng vì lính của mình rất thiện chiến, chiến đấu kiên cường, anh dũng. Bởi nếu lính mà không thiện chiến thì chúng tôi thua ngay. Sau đó, tôi bắt đường dây liên lạc và gọi cho mặt trận thì gặp Đại tá Hồng Sơn, Tham mưu trưởng Mặt trận và báo cáo: "Tôi diệt được tiểu đoàn 6 dù".

Trận tác chiến ấy, địch đáp quân xuống điểm cao nhất của khu vực đó, tôi dàn quân bao vây để đánh mấy ngày, lấn dần không được. Bắt đầu từ ngày 20, tôi cho quân đánh vây đến ngày 24 không tiêu diệt được, đến ngày 25 tôi đổi chiến thuật, chuyển hướng quân đi theo hướng Đông Đông Nam tấn công trực diện. Bản thân tôi còn không thể ngờ, lúc đó mình lại có quyết tâm hay như vậy.

Khi đó, tôi được các đồng chí lãnh đạo yêu cầu chuyển hướng phải được chỉ đạo từ Bộ Chính trị, nhưng tôi vẫn quyết tâm và nói: Chờ được chỉ đạo thì bao giờ mới đánh được địch. Rồi tôi quyết dùng 4 xe tăng cùng với lực lượng đánh lên và giành được chiến thắng lớn.

Đây chính là trận đánh khó khăn nhất của cuộc đời khi làm Trung đoàn trưởng của tôi nhưng lại thành công. Trận đó, chúng tôi đánh được một lữ đoàn gồm: Tiểu đoàn 3, tiểu đoàn 6, tiểu đoàn pháo... tiêu diệt trên 2.000 quân dịch, bắt được Đại tá Nguyễn Văn Thọ của địch và 270 lính địch.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 13.

Khó khăn thứ 2 là trận đánh ở Đắk Tô -Tân Cảnh (Tây Nguyên) vào năm 1972.

Chúng ta dùng chiến thuật tác chiến lừa địch. Địch đang hướng về phía Tây, chúng ta dùng lực lượng chủ lục đổ bộ từ phía Đông lên đánh thắng lớn diệt được địch, mở rộng hết khu vực bắc Tây Nguyên. Trung đoàn của tôi nhận nhiệm vụ đánh từ hướng Tây thu hút địch tới. Địch đưa 1 tiểu đoàn dù thuộc Sư đoàn 3, có duyên nợ với tôi ở trận đánh Đường 9 - Nam Lào, địch thả truyền đơn sẽ nghiền nát Sư đoàn 320 của tôi. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đánh địch ở điểm cao 1015 (còn gọi là đồi Charlie)do Tiểu đoàn 11, Lữ dù 3 QL VNCH chốt giữ. Điểm 1015 nằm tiếp giáp 3 huyện Sa Thầy - Ngọc Hồi - Đắk Tô (Kon Tum) từ 5 giờ 30 phút sáng ngày 12/4/1972 đến 1 giờ ngày 15/4/1972 mới tiêu diệt được địch.

Đối với tôi, trận đánh này rất ác liệt, cuộc đời chỉ huy tôi chưa bao giờ chiến đấu mà thương vong cao như vậy. Tôi diệt được 1 tiểu đoàn 500 quân, địch bỏ xác lại 230 lính, chúng tôi cũng bị thương vong 230 lính. Tôi đau đớn lắm khi bị mất 1 Tiểu đoàn trưởng - Chính trị viên của Trung đoàn. Đây là trận đánh then chốt quyết định hút địch, địa điểm nơi diễn ra trận đánh đến nay đã được công nhận là di tích quốc gia cấp đặc biệt.

Khó khăn nữa là khi chiến đấu ở chiến trường Tây Nam biên giới Campuchia đánh Khmer Đỏ rất ác liệt, chúng ta đánh nhau du kích với địch và bị địch đánh du kích ngược lại. Khi chúng tôi triển khai lực lượng, bị địch đưa những lực lượng nhỏ bu bám vào, đến lúc mình phải chặt ngả cây xanh ra để chặn đường của địch.

Tình thế lúc này của Sư đoàn 320 rất khó khăn. Địch huy động một lực lượng khá lớn, lợi dụng địa hình phức tạp tiến công liên tục bằng nhiều thủ đoạn, kể cả bộ binh, xe tăng, pháo binh nhằm đẩy ta vào khu vực rừng rậm ở Mỏ Vẹt để tác chiến theo lối nhỏ lẻ, bu bám, xen cài của chúng.

Trong nhiều ngày liền, quân Pôn Pốt mở hàng chục lần tiến công vào toàn bộ tuyến chốt của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 ở ngầm đá đi Tà Nốt. Có lần quân Pôn Pốt bò vào tận hầm chốt của ta ném lựu đạn. Bộ đội ta phải giành giật từng đoạn chiến hào, từng công sự…

Sau đó, tôi phải họp với anh em bàn tác chiến, có một đồng chí tên là Trịnh Xuân Lan, cán bộ Đại đội 6 đánh rất giỏi, khi đánh xong được đề bạt lên Tham mưu trưởng quân khu 2 nay đã về hưu. Khi đó, đồng chí Trịnh Xuân Lan đã bày kế địch bu bám thì mình cũng bu bám. Địch tổ chức các nhóm nhỏ du kích, đồng chí Lan cũng tổ chức các nhóm nhỏ ra phục sẵn.

Đồng chí Lan cho rằng, vừa qua chiến dịch bu bám kết hợp với luồn sâu hoạt động nhỏ lẻ của địch đã làm ta bị động. Vì thế để giành quyền chủ động trong thế chốt trên địa hình phức tạp này, ta nên hoạt động nhỏ lẻ "lấy độc trị độc".

Địch dùng các tổ nhỏ, ta cũng dùng cách thức này đánh lại chúng. Trong đánh Mỹ, chúng ta đã phát huy sở trường đánh phục kích, tập kích, đánh bên sườn, phía sau lưng địch.

Tại cuộc họp, đồng chí Lan đứng dậy báo cáo Sư đoàn trưởng, xin Đại đội 6 được làm thí điểm phương thức này và hứa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngày đầu tiên, đồng chí Lan đi cùng 5 đồng chí ra phục và tiêu diệt được địch, thu súng đem về. Ngày hôm sau, đồng chí Lan tiếp tục chiến thuật đó giành được thắng lợi.

Phương thức hoạt động nhỏ lẻ đạt hiệu quả cao của Đại đội 6 do đồng chí Trịnh Xuân Lan phụ trách được phổ biến cho các đơn vị trong sư đoàn học tập. Những ngày sau, tin vui thắng trận đều đặn được báo về Bộ chỉ huy Sư đoàn, địch buộc phải co về phòng thủ. Khi mình bắt đầu tấn công ập vào, Khmer đỏ buộc phải thu lại và mình đánh vào Sở chỉ huy của địch và giành chiến thắng.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 5.

Đến thời bình, khi nghĩ lại quãng thời gian chiến đấu,điều gì khiến ông trăn trở nhất?

Mình được sống như thế này phải nhớ lại rằng, tại sao mình sống được? Bởi có anh em đã hy sinh thì mình mới được sống đến ngày hôm nay. Ở Sư đoàn của tôi có 14.500 liệt sỹ. Tôi là người lính đầu tiên kể từ khi thành lập Sư đoàn và cũng là người lính cuối cùng còn sống.Thế thì mình sống bằng gì? Chính từ những hy sinh, máu của anh em và đồng đội đã ngã xuống để cho mình được sống.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 16.

Đến nay, tôi vẫn dạy con cháu rằng: xương thịt của tôi chỉ còn 15% phần của bố mẹ tôi sinh ra tôi, hơn 80% của chính là của các liệt sĩ. Như vậy, mình được phong anh hùng, nhưng đó là của tất cả các liệt sĩ chứ không phải của mình. Tôi luôn tâm niệm, dù là anh hùng hay là gì đó thì đó cũng chính là những gì của các đồng chí, đồng đội của tôi. Không có đồng đội không có những người anh em thì làm sao có mình ngày hôm nay.

Giai đoạn chiến đấu, tiêu chuẩn 2,5 lạng gạo/ngày, đồng đội của tôi mỗi người có 1 nắm cơm đem theo để chiến đấu. Khi bị thương, biết mình không thể sống được người đồng chí ấy nói "mày lấy nắm cơm của tao mà ăn" để ăn lấy sức chiến đấu tiếp, hạt cơm đó còn rướm máu, hay gửi lại đôi dép của mình cho đồng đội đi...Tình đồng đội như thế làm sao mình quên được. Cho đến bây giờ dù chiến tranh bom đạn đã lùi xa hơn 40 năm nhưng những ký ức về một thời vẫn hiện hữu trong tâm trí. Tôi nhớ đồng đội mình trước khi mất dặn nhau "nhà tao ở đó, ở nơi đó, nhớ về nói lại với bố mẹ tao..." Đến bây giờ, những hình ảnh, những lời dặn dò, hơi thở của anh em đã hy sinh vì Tổ quốc vẫn còn ghi nhớ sâu đậm ở trong này này.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 16.

Khi tôi mới làm tổ trưởng, tổ tôi có anh Nguyễn Văn Bản cùng quê Sơn Tây. Hai anh em tham gia chiến đấu, anh còn dạy tôi ném lựu đạn. Đến khi đánh vào đồn của địch, hai anh em phá hàng rào thì chúng bắn một viên đạn trúng người anh ấy, máu trào ra. Tôi ôm anh ấy vào lòng nói "Anh Bản ơi, đánh được đồn địch rồi, bắt được tù binh, đốt đồn rồi", anh ấy không hồi đáp, tôi khóc hô to lần nữa "Anh Bản ơi phá được đồn rồi, bắt được nhiều tù binh quá anh ơi". Anh ấy nghe vậy mở mắt rồi nắm chặt tay tôi trút hơi thở cuối cùng. Những hình ảnh đó quên làm sao được, đồng đội của mình mà, sâu sắc lắm.

Còn lính của tôi, 3 trinh sát rất trẻ, như con mình, khi đến điểm cao 533 đóng quân, địch đổ quân ngay bên sườn. Mỹ đổ 4 trực thăng gần đó. Tôi bảo "Trị ra xem sao?". Nghe xong, cậu ấy cùng đồng đội ra thì bị địch bỏ bom hy sinh. Những hình ảnh đó không bao giờ quên được tình đồng chí. Tất cả công lao, Huân chương, Huy chương, Anh hùng của mình là của các đồng đội mình cả. Bây giờ, làm được những gì cho đất nước, tôi sẵn sàng. Anh em hy sinh giao lại cho mình, mình phải hoàn thành nhiệm vụ .

Ông đã giành cả tuổi trẻ của cuộc đời mình dành tâm sức cống hiến cho binh nghiệp, vậy với gia đình thì sao?

- Tôi lấy vợ năm 28 tuổi lần lượt sinh được 6 người con thì mất 2 người. Tôi đi chiến đấu một mình vợ ở nhà nuôi con, chăm lo gia đình. Bà nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 17.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và con trai Khuất Việt Hùng. Ảnh tư liệu của gia đình

Nhà tôi khi ấy nghèo lắm. Tôi đi chiến đấu để lại chiếc xe đạp, bố tôi thương phụ chăm sóc các cháu. Ông thương cháu nên mua thức ăn cho cháu nợ một chút tiền. Bố tôi khi yếu lắm rồi chỉ sợ chết không trả được nợ. Vợ tôi thấy bố trằn trọc lo nghĩ nên ngỏ lời hỏi thì ông kể về chuyện này. Vợ tôi sau đã quyết định bán chiếc xe đạp gọi những người đã cho nợ đến trả hết để bố vui lòng. Các con học hành, trưởng thành nên người. Tôi vui sướng khi các con đều biết lo toan, nề nếp.

Tôi có tình cờ đọc trên trang cá nhân con trai ông - Khuất Việt Hùng có chia sẻ về cha mình và luôn dặn con "sống cho đàng hoàng". Đây có phải là truyền thống dạy con của gia đình Trung tướng?

Nhà tôi có truyền thống với 4 chữ "Trung - Hiếu - Nhân - Nghĩa" từ thời cụ tổ để lại được treo trang trọng trước ban thờ. Cụ tổ làm Tham tán từ thời vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) cùng đôi câu đối với hàm ý uống nước phải nhớ nguồn, phải luôn luôn nhớ tổ tiên. Họ nhà tôi bao đời nay truyền nhau ăn ở có nhân có nghĩa, có trước có sau, sống tử tế, giúp được ai cái gì đừng kể công… Các con tôi bảo ban nhau, sống hài hoà, đoàn kết bảo ban nhau.

img
img
img

Gia đình Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ảnh tư liệu của gia đình

Trong dịp 27/7 này, Trung tướng có dự định như thế nào? Ngẫm lại cuộc đời, có điều gì khiến ông tiếc nuối?

- Tôi cùng ban liên lạc truyền thống tổ chức cuộc tri ân tại Nghệ An và mời các gia đình ở 3 miền về tham dự tại địa điểm quân khu 4 tri ân anh em những người có công lao, tình cảm, đặc biệt các liệt sĩ, xây dựng tình đoàn kết quân dân. Qua đó, chúng tôi muốn gửi gắm những thế hệ kế tiếp biết rằng có được cuộc sống như hôm nay đã biết bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh.

Trong cuộc đời mình, tôi tiếc nuối nhất mình không được học nhiều, giờ muốn nghiên cứu nhiều lắm nhưng bị hạn chế. Tôi thích đọc, thích tìm hiểu. Mình có kiến thức rộng, mình phân tích được nhiều, làm được nhiều cho cuộc đời.

Tiếc thứ hai, muốn viết lại cuộc sống của mình, tôi mới viết được quyển hồi ký "Cuộc đời binh nghiệp" thôi. Từ lúc nghỉ hưu, còn bao chuyện mình phải nói chưa viết được. Còn cuộc sống của tôi giờ thoải mái, hài lòng với những gì đã có và dành thời gian cho gia đình, đồng đội...

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ chân thành của ông!

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: Nắm cơm rướm máu và nghệ thuật nghi binh chiến thắng thần tốc - Ảnh 19.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem