Mắc sởi do cha mẹ không đồng ý tiêm phòng, tử vong vì chó cắn chữa thuốc nam

Diệu Linh Thứ năm, ngày 28/11/2024 15:05 PM (GMT+7)
Số ca mắc và tử vong của nhiều dịch bệnh tăng cao bất thường trong vài tháng qua, bộc lộ nhiều lỗ hổng về nhận thức.
Bình luận 0

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm diễn ra sáng 28/11, TS.BS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua đã có nhiều dịch bệnh đáng lưu ý. 

Số ca nghi mắc sởi tăng gần 53 lần so với cùng kỳ năm 2023

Cụ thể như dịch sởi đang gia tăng ở nhiều nơi. Theo TS Tâm, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 trường hợp sởi và nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi (TPHCM 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca tử vong). 

So với cùng kỳ năm 2023, số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần. Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. 

Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao: TP. Hồ Chí Minh (5.434 sốt phát ban nghi sởi/1.552 sởi dương tính), Đồng Nai (2.429/536), Nghệ An (677/372), Đắk Lắk (707/342), Bình Dương (1.558/204), Hà Nội (222/197), Khánh Hòa (409/162), Thanh Hóa (569/152), Kiên Giang (386/131), Cần Thơ (349/123), Đồng Tháp (590/113). 

Nhiều cha mẹ không cho con tiêm chủng, chó cắn chữa thuốc nam - Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, so với cùng kỳ năm 2023 số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần. Ảnh BYT

Độ tuổi trẻ mắc sởi dưới 6 tháng (chiếm 6,61%), 6 - dưới 9 tháng (13,56%), 9 -18 tháng (22,94%), 19 tháng - dưới 5 tuổi (25,37%), 5 - 9 tuổi (16,51%), 10-14 tuổi (6,63%), trên14 tuổi (8,38%). Như vậy, có đến hơn 20% ca mắc sởi là trẻ dưới 9 tháng tuổi, là độ tuổi chưa nằm trong đối tượng tiêm vaccine phòng sởi. 

Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho biết, số ca mắc sởi trong năm nay của địa phương này tăng đột biến với 657 ca sởi và phát ban nghi sởi, gấp 13 lần so với cùng kỳ năm 2023. 

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ ngày 1/9-19/11/2024 đã ghi nhận 195 ca sởi dương tính. Trong đó, tháng 9 có 41 ca, tháng 10 có 90 ca, đặc biệt trong 11 ngày tháng 11 có đến 64 ca. Trong đó, tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi) chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.

Ngoài ra, 1 số dịch bệnh khác cũng có diễn biến phức tạp. Bệnh cúm mùa có 264.830 trường hợp mắc, 8 ca tử vong tại Bình Định (4), Hà Nội (2), Khánh Hòa (1) và Phú Yên (1). So với cùng kỳ năm 2023 (292.719 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong) số mắc giảm 9,5%, tử vong tăng 7 trường hợp. Đáng nói ở Bình Định có 9 ca mắc cúm thì có đến 4 ca tử vong. 

Bệnh ho gà có 1.053 trường hợp, 1 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 (44/1), số mắc cao hơn 23 lần, số tử vong tương đương. 

Bệnh dại có đến 79 trường hợp tử vong tại 32 tỉnh, thành phố. Một số tỉnh có số tử vong cao: Bình Thuận (9), Đắk Lắk (7), Nghệ An (6), Gia Lai (6). So với cùng kỳ năm 2023 (76 ca tử vong) giảm 3 trường hợp... 

Số ca sốt xuất huyết và tay chân miệng giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng hiện cũng đang gia tăng ở nhiều địa phương....

Nhiều cha mẹ không cho con đi tiêm vaccine

Đại diện CDC tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, bệnh sởi tại địa phương nghiêm trọng. Số ca mắc bắt đầu từ tháng 9 và từ từ tăng lên, đỉnh điểm vào giữa tháng 7. Qua thống kê của ngành Y tế, có đến 91,5% số ca mắc bệnh chưa được tiêm vaccine, cho thấy vẫn còn sót nhiều đối tượng trong cộng đồng chưa được thống kê danh sách và tiêm vaccine sởi trong chiến dịch. 

TS Nguyễn Vũ Thượng - Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, theo số vừa cập nhật, Đồng Nai có đến hơn 3.700 ca sởi, cao nhất so với các tỉnh phía Nam. Trừ TP.HCM, tỷ lệ tiêm sởi đạt gần 86% tất cả các lứa tuổi (từ 1-9 tuổi). TP.HCM đạt tỷ lệ cao hơn, có nơi đến 100%. 

Tuy nhiên, qua điều tra sơ bộ, tình hình mắc sởi cho thấy, mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi rất cao nhưng số ca mắc sởi ở trong độ tuổi tiêm chủng lại không giảm. 

Nhiều cha mẹ không cho con tiêm chủng, chó cắn chữa thuốc nam - Ảnh 2.

Bộ Y tế cho biết đến nay, đã có hơn 961.793 trẻ được tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 tại 31 tỉnh, thành phố. (Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ tại CDC Đồng Nai. Ảnh CDC Đồng Nai)

"Vấn đề đặt ra ở đây, phải chăng số đối tượng tiêm chủng vaccine sởi chưa được quản lý hết, dẫn đến việc nhiều trẻ không nằm trong thống kê, không được tiêm chủng. Các em thường có cha mẹ là lao động di cư, không được quản lý và có nguy cơ cao mắc sởi. 

Qua khảo sát nhanh hơn 50 trẻ mắc bệnh sởi (từ 1-10 tuổi), có đến gần 27% người thân không đồng ý cho trẻ tiêm vaccine dù đã được vận động đi tiêm, 23% trẻ chưa được tiêm chủng do không có tên trong danh sách Tiêm chủng mở rộng. Do đó, nếu chúng ta chỉ tiêm chủng dựa trên danh sách quản lý của Hệ thống tiêm chủng cho thấy chúng ta bỏ sót khá nhiều trẻ", ông Thượng nhận định. 

Ông Thượng kiến nghị, Bộ Y tế chỉ đạo chính quyền địa phương phải vào cuộc và rà soát các đối tượng cần đi tiêm chủng, nhất là đối tượng có cha mẹ là lao động di cư. 

Về điều này, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế gay gắt cho biết, cần điều tra, làm rõ lý do tại sao cha mẹ không cho con đi tiêm chủng, phải tăng cường công tác truyền thông để chấm dứt tình trạng này. 

Đồng thời, phải có biện pháp rà soát tốt hơn các đối tượng tiêm chủng để bảo vệ quyền lợi của trẻ và đề phòng dịch bệnh bùng phát. 

Bộ Y tế cho biết đến nay, đã có hơn 961.793 trẻ được tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 tại 31 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế vẫn còn một số tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch chưa đảm bảo tiến độ. Hiện vaccine phòng sởi dành cho trẻ 6-9 tháng tuổi cũng sẽ được tiêm cho trẻ em ở các điểm nóng về dịch. 

Vấn đề nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống bệnh dại cũng được nhấn mạnh. Đại diện tỉnh Bình Thuận - địa phương có nhiều ca tử vong vì bệnh dại nhất (9 ca) cho biết, tất cả 9 ca bị chó cắn không đi tiêm phòng mà chữa bằng thuốc nam và khi phát bệnh dại thì không thể cứu được nữa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem