Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hà, Viện trưởng Viện Thi đua Khen thưởng Việt Nam:
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hà, Viện trưởng Viện Thi đua Khen thưởng Việt Nam cho rằng bản thân còn cảm thấy có "món nợ" với người dân và "máu nghề nghiệp" về thi đua khen thưởng, cộng với nhiệt huyết cống hiến nên ông mạnh dạn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Mở đầu cuộc trao đổi với PV báo Dân Việt, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hà, Viện trưởng Viện Thi đua Khen thưởng Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, trước đây vừa phải làm quản lý, vừa đi giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học…, ông chưa từng nghĩ sẽ tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Thưa Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hà, ông nói rằng thời gian của mình rất bận rộn với công việc, vậy động lực nào để ông tự ứng cử ĐBQH khóa XV?
- Tôi năm nay 61 tuổi, 43 năm công tác, trong đó có hơn 20 năm làm công tác quản lý thi đua khen thưởng, từ Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Tỉnh uỷ Thanh Hoá rồi ra T.Ư làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng các bộ ngành T.Ư rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng của Ban Thi đua Khen thưởng T.Ư… Do đặc thù công tác tôi cũng may mắn đi nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, học tập về công tác khen thưởng để áp dụng vào Việt Nam.
Luật Thi đua Khen thưởng cũng sửa đổi 2 lần và có hàng chục Nghị định, nhưng nếu nói là trách nhiệm thì chúng tôi – những người làm, công tác thi đua khen thưởng vẫn còn một "món nợ" với người dân. "Nợ" ở đây là trong suốt những năm công tác, mình muốn làm nhưng do điều kiện khách quan và chủ quan chưa làm hết được.
Clip: Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hà, Viện trưởng Viện Thi đua, Khen thưởng nói về những "món nợ" đau đáu trong công tác thi đua khen thưởng.
Cụ thể, "món nợ" ở đây đối tượng trực tiếp là doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân, nông dân, người lao động, người dân ở Việt Nam, cả những người kiều bào ở nước ngoài… Họ đều là những người có những đóng góp, thành tích đáng kể, thậm chí có đóng góp lớn, nhưng không có điều kiện, hoặc Luật không chế tài, khen thưởng cho những thành phần, đối tượng này.
Thi đua khen thưởng là công tác rất quan trọng trong quá trình hoạt động xã hội, tạo động lực, nhiệt huyết cho mọi tổ chức, cá nhân vươn lên, tạo nên sức mạnh, lan tỏa những tấm gương sáng, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, lấy sáng đẩy lùi tối… Do vậy, những tập thể, cá nhân có thành tích phải được ghi nhận, tôn vinh, phải được lan tỏa trở thành phong trào…
Nghị định 65 trước đây có quy định nếu người dân đóng góp 500 triệu đồng trở lên (đương nhiên đây là tiền sạch) thì được tặng bằng khen của Thủ tướng, 300 triệu đồng thì được bằng khen của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh. Nhưng sau đó văn bản dừng lại, không được áp dụng. Với góc độ người làm công tác thi đua khen thưởng, tôi lấy làm tiếc khi Nghị định này không được thực hiện nữa.
Đến bây giờ, những cá nhân, tập thể đóng góp như thế lại không được ghi nhận, hoặc chưa được ghi nhận. Nếu có ghi nhận, đề nghị khen thưởng thì thủ tục rất rườm rà.
Ở các nước phát triển, nếu doanh nghiệp giải quyết được nhiều việc làm, đóng góp ngân sách lớn, đảm bảo về môi trường, tuỳ từng mức độ sẽ được xem xét khen thưởng. Nhưng ở Việt Nam thì chưa làm được.
Hay như người dân, nhiều cá nhân đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội bằng vật chất, tinh thần, nhưng có nhiều người chưa được khen thưởng cấp nhà nước…
Được tham gia Quốc hội - diễn đàn rất lớn của quốc gia, là một vinh dự lớn nhưng cũng sẽ có điều kiện để chuyển tải tâm tư nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp đến lãnh đạo, đến Quốc hội từ đó góp phần sửa đổi Luật Thi đua Khen thưởng phù hợp với yêu cầu của hoạt động xã hội và xu thế phát triển của đất nước trong thời đại ngày nay.
Thông qua sửa Luật Thi đua Khen thưởng cũng góp phần chuyển tải những Nghị quyết, Quyết sách lớn của Quốc hội khóa XV vào trong đời sống xã hội đến tận người dân, từng tổ chức, từng doanh nghiệp.
"Mắc nợ" phải trả nợ. Trở thành ĐBQH là nguyện vọng của tôi và những người có nhiều năm làm công tác thi đua khen thưởng – những người đang "mắc nợ" để trả nợ cho người dân.
Như ông vừa nói, cần thay thế, sửa đổi Luật Thi đua Khen thưởng để tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp cống hiến, thi đua lao động sản xuất. Trong đó, ông đã nhấn mạnh đến tiêu chí bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Vậy ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay là vấn đề của cả thế giới, mang tính thời đại. Ngày nay chúng ta không thể vì phát triển kinh tế mà bất chấp vấn đề môi trường.
Kinh tế phát triển mà môi trường bị xâm hại là sự phát triển không bền vững, thậm chí là phát triển méo mó.
Ăn ngon, mặc đẹp, tiện nghi hiện đại nhưng lại phải hít thở không khí ô nhiễm, rác thải ngập đầy, nước thải độc hại vào tận nhà… thì giàu có cũng vô ích.
Tôi đang ấp ủ những kiến nghị, đề xuất sửa đổi Luật Thi đua Khen thưởng. Ví dụ, vấn đề bảo vệ môi trường phải là một trong những điều của Luật, bắt buộc tập thể cá nhân khi được khen thưởng phải đảm bảo vấn đề môi trường; phải được các cơ quan chức năng giám định, đánh giá, xác nhận…
Thưa ông, ngoài công tác xây dựng Luật để trình Quốc hội, Quốc hội cũng rất quan tâm đến các vấn đề dư luận xã hội bức xúc. Vậy qua quá trình công tác và nghiên cứu và tự ứng của ĐBQH, nếu sắp tới trúng cử ĐBQH ông quan tâm đến vấn đề nào ảnh hưởng đến dân sinh bức xúc hiện nay nhất?
- Câu hỏi của các bạn đặt ra vào thời điểm này rất đúng và rất trúng. Bác Hồ từng nói, đại ý là : Dân chủ là gì, thực ra dân chủ chính là làm thế nào để người dân nói ra nguyện vọng của chính họ. Định nghĩa về dân chủ của Bác Hồ rất biện chứng, sâu sắc và toàn diện.
"Để đáp ứng nhiệm vụ của một ĐBQH thì không thể thiếu gần dân, thương dân, yêu dân, sát dân, biết nắm bắt các tâm tư nguyện vọng của dân và tin dân thì tôi tin rằng chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân", TS Nguyễn Khắc Hà. (Ảnh: Thành An)
Hiện nay Quốc hội đã và đang ra quyết sách giải quyết nhiều vấn đề lớn, trong đó có giải tỏa ùn tắc giao thông, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, vấn đề bất bình đẳng liên quan đến an sinh xã hội… Vì vậy tôi thấy công tác tuyên truyền về dân chủ và tạo điều kiện cho người dân có nhiều diễn đàn, nhiều cơ hội để tiếp cận vấn đề này..., là rất quan trọng.
Dân trí ngày nay đã khác rồi. Người dân đánh giá một con người, sự việc, vấn đề rất khách quan. Người dân quan tâm từ việc kê khai tài sản, tác phong đạo đức sinh hoạt, phẩm chất đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu…
Thông qua thảo luận dân chủ, đặc biệt là biện pháp, giải pháp, phương pháp làm việc khoa học, Quốc hội ngày càng dân chủ, toàn diện hơn, gần gũi hơn với người dân. Tôi chắc chắn rằng người dân sẽ càng tin yêu Đảng, tin yêu Quốc hội của chúng ta, và sẽ nhận được rất nhiều thông tin từ người dân để hoạt động của Quốc hội có hiệu quả hơn vì cuộc sống của nhân dân.
Ông đang nói đến vấn đề dân sinh, nếu trúng cử ĐBQH thì ông sẽ tiếp cận như thế nào để nhận được thông tin từ người dân, phản ánh với Quốc hội?
- Tôi nghĩ rằng đó là phương pháp công tác của những cán bộ làm cách mạng trong từng giai đoạn. Công nghệ tin học phát triển, việc chuyển tải thông tin bằng nhiều loại hình khác nhau bản chất đó là những công cụ để tác nghiệp.
Vấn đề quan trọng là ý thức trách nhiệm của ĐBQH. ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân. Về vấn đề này, chúng ta cần phải học Bác Hồ một lần nữa là gần dân, yêu dân và tin dân.
Có như thế ĐBQH mới có thông tin từ dân, hiểu được nguyện vọng của dân và mới hoàn thành nhiệm vụ của người ĐBQH..
Thưa ông, có ý kiến cho rằng người tự ứng cử ĐBQH khác biệt với người được cơ quan tổ chức giới thiệu ứng cử. Ông nhìn nhận việc này thế nào?
- Ở góc độ pháp lý, quyền và lợi ích của hai đối tượng này luôn bình đẳng, không có gì khác biệt. Nhưng thực tế, tôi cũng băn khoăn.
Vấn đề ở đây là thông thường người tự ứng cử thấy hơi thiếu tự tin, cộng với ảnh hưởng của xã hội, gia đình thì cũng dẫn đến thiếu tự tin.
Tuy nhiên, hiện nay phương tiện truyền thông của chúng ta làm rất bài bản, đều tuyên truyền khá nhiều, đặc biệt là nhấn mạnh việc tiêu chuẩn, điều kiện của người tự ứng cử và người được cơ quan tổ chức giới thiệu ứng cử.
"Nhiều năm công tác, nghiên cứu trong lĩnh vực thi đua khen thưởng, tôi nhận thấy còn tâm huyết, còn trách nhiệm nên đã mạnh dạn tự ứng cử ĐBQH. Từ cảm nhận và tin tưởng cử tri sẽ ủng hộ nên tôi tự tin tham gia ứng cử lần này" TS Nguyễn Khắc Hà. (Ảnh: Thành An)
Việc này giúp mỗi công dân nhận thức rõ hơn quyền ứng cử, và căn cứ vào những điều kiện, tiêu chuẩn đó để lượng hoá, xem bản thân mình có đủ để tham gia hay không.
Khi tôi thực hiện quyền tự ứng cử không gặp bất cứ trở ngại nào. Cán bộ chức năng ở tất cả các khâu đều rất nhiệt tình hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo. Đây cũng là yếu tố để tôi tự tin hơn.
Mọi việc thực hiện thủ tục tự ứng của của tôi rất thuận lợi. Ngày 8/3, tôi đọc thông tin trên báo chí về bầu cử Quốc hội, sau đó tôi tìm hiểu về thủ tục tự ứng cử. Ngày 9/3 lên nhận hồ sơ, ngày 10/3 về viết 4 tài liệu hồ sơ như đơn, sơ yếu lý lịch, tóm tắt, kê khai tài sản.
Đối với trường hợp của tôi thì phải có xác nhận của cơ quan và chính quyền địa phương thì tôi dành một ngày để xin xác nhận của cơ quan cấp trên trực tiếp bổ nhiệm và quản lý và xác nhận của cấp uỷ, chi bộ phường nơi tôi đang sinh sống, cư trú… Tôi hoàn thiện hồ sơ từng bước, đến ngày 14/3 thì xong.
Thưa ông, đâu là nguồn cảm hứng tác động đến ông khi quyết định tự ứng cử ĐBQH khóa XV?
- Công tác thi đua khen thưởng liên quan và tác động đến tất cả hoạt động xã hội, đến toàn dân. Trong đó liên quan đến toàn bộ hệ thống chính trị của cả nước, kể cả hơn 100 cơ quan tổ chức của Việt Nam, đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, rồi các đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam…
Công việc thi đua khen thưởng luôn tạo cảm hứng cho tôi. Những phát biểu ở diễn đàn Quốc hội, đặc biệt là những phát biểu của những ĐBQH có "thương hiệu", cũng tạo cảm hứng cho bản thân tôi, giúp tôi mạnh dạn tự ứng cử.
"Dân là ai – là gia đình, là những người ở quanh chúng ta. Suy cho cùng, nguồn cảm hứng lớn nhất để tôi tự ứng cử chính là mong muốn làm được gì đó góp phần làm cho công tác thi đua khen thưởng gần với dân hơn, vì dân hơn, và để "trả nợ""
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hà
Cơ quan truyền thông của nhà nước ta tuyên truyền về cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV này rất sâu, rộng, rõ, dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu nên mỗi người dân hay đảng viên đều có thể tiếp cận được, đối chiếu với mình, xem có đáp ứng được hay không, nếu thấy đáp ứng được, đủ tiêu chuẩn, có nhiệt huyết, có tâm huyết thì đều có thể tự ứng cử.
Có thể nói, hiện nay ở nước ta không có một trường, khoa, phòng nào đào tạo chuyên ngành về thi đua khen thưởng. Ở đây chúng tôi có điều kiện xây dựng giáo trình, bài giảng,… Nhiều năm công tác, nghiên cứu trong lĩnh vực thi đua khen thưởng, tôi nhận thấy còn tâm huyết, còn trách nhiệm nên đã mạnh dạn tự ứng cử. Từ cảm nhận và tin tưởng cử tri sẽ ủng hộ nên tôi tự tin tham gia ứng cử lần này.
Dân là ai – là gia đình, là những người ở quanh chúng ta. Suy cho cùng, nguồn cảm hứng lớn nhất để tôi tự ứng cử chính là mong muốn làm được gì đó góp phần làm cho công tác thi đua khen thưởng gần với dân hơn, vì dân hơn, và để "trả nợ".
Xin cảm ơn ông!
Thành An (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.