Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Từ cửa sổ phòng làm việc trên tầng sáu tòa nhà tại đường Herzbergstrasse, Lichtenberg, của ông Nguyễn Văn Hiền, có thể dễ dàng nhìn ra Trung tâm thương mại Đồng Xuân. 16 năm trước, ông đã mua lại khu đất lớn của trung tâm VEB Elektrokohle với mong muốn xây dựng một khu buôn bán khổng lồ đầy ắp hàng hóa châu Á. Thời gian đầu, ông gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc xoay vòng vốn. Tuy nhiên, nhờ vào những mối quan hệ và kinh nghiệm làm ăn nhiều năm trên nước Đức, vị doanh nhân này cuối cùng cũng thực hiện được ước mơ của mình. Ông Hiền đã đầu tư hơn 35 triệu euro cho khu chợ này. Tổng diện tích của Đồng Xuân rơi vào khoảng 18 ha, trong đó chia làm 4 dãy nhà lớn với diện tích khoảng 40.000 m2.
Có khoảng 2000 chủ tiệm từ Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Trung Quốc đang làm việc tại đây. Nhiều người thường ưu ái được gọi nơi này là "đồng cỏ mùa xuân" theo nghĩa tiếng Việt. Họ kinh doanh quần áo, công nghệ giải trí và thực phẩm từ châu Á. Các đối tác kinh doanh từ khắp châu Âu mua bán với số lượng lớn và cũng có rất nhiều khách hàng tư nhân. Ngoài ra, các công ty bảo hiểm, luật sư, chuyên gia tư vấn thuế, cơ quan phiên dịch và trường dạy lái xe cũng có văn phòng tại đây, sử dụng cả tiếng Đức lẫn tiếng Việt. Ông Hiền quả thực đã xây dựng một thế giới thu nhỏ. Nơi này cũng là điểm thăm quan của nhiều du khách. Đối với người Việt khi tới Berlin, hướng dẫn viên thường giới thiệu rằng nơi này là một Hà Nội nằm trong lòng thủ đô của nước Đức. Tại thành phố này, khoảng 16.000 người Việt Nam sinh sống thì có tới 4.000 người sống ở khu Lichtenberg này.
Nói về Trung tâm thương mại Đồng Xuân có quy mô bằng 24 sân bóng, ông Nguyễn Văn Hiền cho biết: "Lichtenberg là thủ đô của người Việt ở Đức. Đó là lý do tại sao tôi muốn biến Đồng Xuân thành khu chợ châu Á lớn nhất của đất nước này. Thứ được bán trong này không chỉ là hàng hóa, vật phẩm, ước nguyện của tôi là biến nơi này sẽ là trung tâm chứa đựng những văn hóa của người Việt nói riêng và cả châu Á nói chung."
Không chỉ là ông chủ của Trung tâm thương mại lớn tại Berlin, ông Hiền còn được biết đến là một nhà đầu tư bất động sản có tiếng. Ông đang có nhiều dự án phát triển khách sạn, trung tâm hội nghị và nhà hàng tại một vài khu vực xung quanh thủ đô Berlin. Ngoài ra, vị doanh nhân quê Ninh Bình cũng ấp ủ kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất mì châu Á đầu tiên tại Đức. Ông Hiền cho biết mỗi tháng có khoảng 300 container mì châu Á được vận chuyển trên các con tàu đến đất nước này. Ông nói: "Nhu cầu ở Đức là rất lớn, tôi tự hỏi tại sao mình lại không tự tay sản xuất để cung cấp cho thị trường này?"
Ngoài khu vực mua sắm và nhà máy sản xuất, ông Hiền còn thực hiện xây dựng một Trung tâm văn hóa lớn có sức chứa 1000 người. Nơi này sẽ tổ chức các hội chợ thương mại, triển lãm, gặp gỡ, lễ kỷ niệm và hòa nhạc với các nghệ sĩ Đức cũng như Việt Nam. Ông cho biết việc xây dựng tiêu tốn hơn 10 triệu euro.
Các tòa nhà dân cư cũng được quy hoạch tại khu Landsberger Allee, trên đường Bernhard-Bästlein-Strasse, đối diện Trung tâm thương mại Đồng Xuân, ông Nguyễn Văn Hiền muốn xây dựng nơi đây thành một thành phố sôi động gồm nhiều căn hộ cho người châu Á sinh sống. Vị doanh nhân đã dành một thời gian dài để làm điều đó. Ông xây nên một khu định cư với 135 ngôi nhà ở Eiche và một khu biệt thự với bến du thuyền trên hồ Zeuthen. Có người cho rằng Nguyễn Văn Hiền là một trong những người Việt giàu nhất tại Đức. Vị doanh nhân này chia sẻ: "Của cải không chỉ là tiền bạc, với tôi đó còn là bạn bè, hạnh phúc và lòng biết ơn."
Dù là một doanh nhân vô cùng nổi tiếng và giàu có, ông Nguyễn Văn Hiền vẫn tỏ ra khiêm tốn và kiệm lời. Điện thoại di động của ông đã cũ, văn phòng được bài trí đơn giản. Ông chia sẻ: "Với những người Việt đang sinh sống xa quê hương, khu Trung tâm thương mại Đồng Xuân hay khu dân cư dành riêng cho người Việt giống như một món ăn tinh thần mà tôi dành cho những người đồng hương của mình. Đó là lý do tôi kiên quyết không muốn bán dù nhiều lần được các doanh nghiệp tại Đức ngỏ ý mua lại."
Vui lòng nhập nội dung bình luận.