Vì sao bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang sau khi xây xong?
Vì sao hai Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức nghìn tỷ xây xong lại bỏ hoang?
Gia Khiêm
Thứ bảy, ngày 17/09/2022 10:44 AM (GMT+7)
Trước vấn đề Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 (tại tỉnh Hà Nam) sau khi khánh thành rơi vào cảnh bỏ hoang, đại diện ban quản lý dự án đã lý giải nguyên nhân.
Bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang: Nhiều hạng mục xây dựng Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai thay đổi
Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 được xây dựng tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam do Ban quản lý dự án y tế trọng điểm (Bộ Y tế) làm chủ đầu tư. Hai bệnh viện khánh thành khu khám bệnh vào tháng 10/2018 nhưng đến nay đều đóng cửa và không biết đến khi nào mới đi vào hoạt động khiến nhiều người dân nơi đây không khỏi xót xa. Dù chưa đi vào hoạt động nhưng nhiều hạng mục của bệnh viện có dấu hiệu xuống cấp, bong tróc, cỏ mọc um tùm.
Liên quan đến vấn đề này, theo nguồn tin từ PV Dân Việt, đại diện ban quản lý dự án cho biết cho biết, nguyên nhân khiến 2 bệnh viện do Bộ Y tế là chủ đầu tư lần đầu thực hiện dự án "kinh nghiệm ít, chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai".
Theo đó, nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Hai bệnh viện được thiết kế theo nguyên mẫu của bệnh viện nước ngoài và dự án cũng thuê công ty thiết kế thi công nước ngoài.
"Tuy nhiên trong quá trình xây dựng có nhiều điều chỉnh, thay đổi nhiều hạng mục theo ý kiến của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức như: thay đổi hệ thống điều hòa, hệ thống nước nóng, thay đổi số lượng điều hòa, thang máy, khu vực nội trú cho y bác sĩ, …dẫn đến thời gian thực hiện bị vượt quá", vị đại diện ban quản lý nêu.
Người từng giao đất để xây Bệnh viện xong bỏ hoang nói gì. Clip: Gia Khiêm
Sau đó tính toán không thể hoàn thành đúng theo tiến độ, năm 2019 Bộ Y tế xin tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án đến tháng 12-2020. Tiến độ dự án đã được điều chỉnh thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2020 theo Quyết định số 5311/QĐ-BYT ngày 8/11/2019 đối với dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và 5312/QĐ-BYT ngày 8/11/2019 đối với dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 (theo Nghị quyết 69/NQ-CP ngày 13/9/2019).
Đến năm 2020, hai dự án đã hoàn thành hơn 90%, về cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên do đã hết thời gian dự án không thể thực hiện các thủ tục bàn giao. Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ để "xin" gia hạn thời gian thực hiện dự án, hoàn thiện các hạng mục còn lại. Sau đó sẽ tiến hành bàn giao cho các bệnh viện để đưa vào hoạt động.
Vì sao bệnh viện nghìn tỷ bỏ hoang sau khi khánh thành phòng khám hai bệnh viện lại "cửa đóng then cài"?
Về việc khai trương phòng khám của hai bệnh viện nhưng lại "cửa đóng then cài" ngay sau đó, đại diện Ban Quản lý dự án (Bộ Y tế) cho biết, việc khai trương phòng khám với mục tiêu là hoàn thành hạng mục nào sẽ bàn giao hạng mục đó để đưa vào sử dụng.
Đối với Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, đã khai trương phòng khám và đưa vào hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên đến tháng 3/2020 dừng hoạt động vì dịch Covid-19. Sau đó, Bộ Y tế tạm thời trưng dụng để thành lập trung tâm thu dung, điều trị Covid-19, trung tâm hồi sức tích cực Quốc gia.
Bệnh viện thời gian qua do dịch bệnh diễn biến phức tạp đã dồn toàn lực để chống dịch. Đến nay, dịch ổn định, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn Lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt để phòng khám hoạt động trở lại sớm nhất có thể.
"Đối với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2, mục đích lúc đầu chỉ đưa vào hoạt động phòng khám, tuy nhiên do đặc thù phòng khám gắn liền khu vực phòng mổ, khu điều trị nên phải làm đồng thời mới triển khai được.
Vì vậy sau khi khai trương phòng khám của Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện chưa thể đưa vào hoạt động hạng mục này. Tình hình dịch đã lắng xuống, chúng tôi cũng đã họp chỉ đạo tiếp tục đưa phòng khám hoạt động trở lại. Hiện các nội dung, văn bản đã được Ban cán sự Bộ Y tế thông qua và trình Chính phủ để tháo gỡ", đại diện Ban Quản lý dự án nói thêm.
Ngày 7/9 vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về tự chủ bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Cụ thể, Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá việc thực hiện thí điểm tự chủ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K theo các nội dung tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ "Về thí điểm tự chủ của 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế". Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2022 để có thể báo cáo Chính phủ trong tháng 9/2022.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án xây dựng Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam.
Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam với tổng mức đầu tư 4.500 tỉ/bệnh viện, đồng khởi công xây dựng cuối năm 2014.
Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi.
2 dự án được kỳ vọng sẽ giúp người dân được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại khu vực Hà Nam và các tỉnh lân cận, giảm tải cho cơ sở chính của hai bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai ở Hà Nội. Cả 2 dự án này đã chậm tiến độ 7 năm và chưa biết khi nào mới có thể hoạt động tiếp đón bệnh nhân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.