Giá điện thế giới tăng chóng mặt, EVN cũng rậm rịch tăng giá?
Giá điện thế giới tăng chóng mặt, EVN cũng rậm rịch tăng giá?
An Linh
Chủ nhật, ngày 27/11/2022 07:57 AM (GMT+7)
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá điện Việt Nam bất động từ tháng 3/2019 đến nay trong khi giá điện thế giới đang tăng từng ngày, EVN muốn cơ quan điều hành cho tăng giá điện theo đúng quy định.
Giá điện thế giới tăng chóng mặt, giá điện Việt Nam bất động khi chi phí tăng cao
EVN vừa đưa ra báo cáo về giá bán điện trong quý IV/2022 của Việt Nam và so sánh tương quan với giá điện thế giới.
Theo đó, giá điện bán lẻ của Việt Nam hiện đang duy trì ở mức bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm VAT). EVN nhấn mạnh, mức giá này được giữ từ tháng 3/2019 đến nay.
EVN cho biết, điều này gây bất cập bởi giá thành sản xuất kinh doanh điện của nửa đầu năm 2022 liên tục tăng do áp lực tăng chi phí nguyên liệu đầu vào.
Tập đoàn này dẫn dữ liệu của Ember cho biết, giá điện bán buôn tại nhiều nước châu Âu hiện trung bình những tháng cuối năm 2022 giảm nhưng vẫn cao hơn đầu năm. Chưa có dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng đã lắng xuống.
Cụ thể, giá điện bán buôn trung bình vào tháng 10/2022 tại Ý là 211,2 Euro/MWh (tương đương 5.714 đồng/kWh); tại Pháp là 178,9 Euro/MWh (tương đương 4.847 đồng/kWh); tại Đức là 157,8 Euro/MWh (tương đương 4.278 đồng/kWh); tại Anh là 136,60 Euro/MWh (khoảng 3.710 đồng/kWh).
Tại Mỹ, EVN dẫn tin trực tuyến của Vaultelectricity cho biết, nhiều bang có giá điện đang ở mức giá tăng cao, trong đó có bang tăng hơn 27,47 USD/kWh (tương đương 6.810 đồng/kWh). Người tiêu dùng Mỹ đối mặt với hóa đơn tiền điện tăng là do giá khí đốt tự nhiên biến động, thời tiết khắc nghiệt.
Đối với một số nước ở châu Á cũng đang đối diện tình trạng giá điện tăng cao. Trong đó, tại Nhật Bản, cuối tháng 10, Chính phủ nước này công bố kế hoạch giảm gánh nặng hóa đơn tiền điện, khí đốt và chi phí xăng dầu tổng cộng khoảng 45.000 Yên cho mỗi hộ gia đình, áp dụng từ tháng 1 đến tháng 9 năm sau.
Giá điện tính theo bậc thang áp dụng tại nước này gồm: sử dụng mức dưới 120kWh có giá là 19,88 Yên (tương đương 3.530 đồng/kWh); dùng từ mức 121kWh đến 300kWh có giá 26,46 Yên (tương đương 4.700 đồng/kWh); và dùng trên 301kWh sẽ có giá 30,57 Yên (tương đương 5.425 đồng/kWh).
Giá điện tại Thái Lan đã tăng 4,72 baht (tương đương 3.273 đồng/kWh) từ tháng 9/2022. Lý do chính của sự gia tăng là do nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các thị trường giao ngay để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng từ vịnh Thái Lan...
Trong khi đó, tại Trung Quốc, theo trang tin Globalpetrolprices, giá điện cho hộ gia đình áp dụng từ tháng 3/2022 là 0,546 NDT (tương đương 1.909 đồng/kWh), cho kinh doanh là 0,634 NDT (tương đương 2.217 đồng/kWh).
Giá sử dụng điện cho ngành công nghiệp ở Bắc Kinh được báo cáo là 0,800 NDT (tương đương 2.780 đồng/kWh) vào tháng 10/2022. Con số này giảm so với con số trước đó là 0,810 NDT (tương đương 2.832 đồng)/kWh vào tháng 9/2022.
Đáng chú ý, tại châu Phi, Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Nam Phi (Nersa) và dữ liệu từ GlobalPetrolPrices cho biết ở Nam Phi, nơi người dân phải trả tiền điện nhiều hơn so với người dân ở hầu hết các quốc gia còn lại của lục địa đen này. Đơn giá trên mỗi kilowatt, Nam Phi nằm gần giữa phổ giá điện toàn cầu với giá trung bình R2,56 (3.672 đồng/kWh)...
Theo ông ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN, năm 2022 là năm thứ 3 liên tiếp giá bán điện bình quân chưa được tăng. Ông này nhấn mạnh: "Mặc dù, EVN đã nỗ lực cố gắng để tiết kiệm chi phí, huy động tối ưu các nguồn điện... để giảm lỗ, nhưng với các giải pháp trong nội tại EVN đã và đang thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao so với kế hoạch đầu năm".
Phía EVN đề nghị các cơ quan điều hành, trong đó có Bộ Công Thương cần cho điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo đúng quy định của Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây, như Dân Việt đưa tin, Bộ Công Thương có tờ trình về phê duyệt Đề án Quy hoạch điện 8 trình Chính phủ, trong đó có tờ trình về phê duyệt Đề án Quy hoạch điện VIII, có đề cập đến giá điện bình quân giá điện bình quân (quy về USD năm 2020).
Bộ Công Thương dự kiến, mức giá điện bình quân sẽ tăng dần từ mức 7,9 cent/kWh vào năm 2020 lên mức 8,1-9 cent/kWh vào năm 2030 và định hướng tới năm 2050, giá điện bình quân là 10,2-10,5 cent/kWh.
Với tỷ giá hiện tại là gần 25.000 đồng/ USD, theo đề án của Bộ Công Thương giá bán điện bình quân cho năm 2030 sẽ là từ 2.025 đồng đến 2.250 đồng/kWh điện. Đến năm 2050, giá điện bình quân có thể tăng lên từ 2.550 đồng đến 2.625 đồng/ kWh (theo tỷ giá hiện tại).
Đáng nói, trong báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất của EVN công bố, 6 tháng 2022, tổng tài sản của EVN là trên 673.100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của tập đoàn cũng giảm 17.231 tỷ đồng so với đầu năm. EVN lỗ sau thuế trong trong 6 tháng 2022 là 16.586 tỷ đồng.
Theo lý giải của tập đoàn này, giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí tăng đột biến từ đầu năm đến nay đẩy chi phí sản xuất điện của tập đoàn tăng rất cao.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, 8 tháng năm 2022 theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng than nhập của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm trước gần 5 triệu tấn, ước đạt 22,3 triệu tấn. Tuy nhiên, kim ngạch nhập than tăng tăng 98%, ước đạt 5,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Lượng giảm, nhưng giá than nhập tăng rất mạnh, bình quân 8 tháng qua, mỗi tấn than nhập giá là 5,6 triệu đồng/tấn (cùng kỳ là 2,3 triệu đồng/tấn), mức giá tăng gần như gấp đôi.
Lượng than nhập về Việt Nam chủ yếu từ Nga và Indonesia, trong đó than Indonesia đạt 7,3 triệu tấn, giảm 4,2 triệu tấn; than Nga là 1,6 triệu tấn, giảm gần 900.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Giá than Indonesia 8 tháng năm 2021 là 1,6 triệu đồng/tấn, nay đã tăng lên 3,7 triệu đồng/tấn (mức tăng trên 2,3 lần); than Nga từ chỗ chỉ 2,7 triệu đồng/tấn, nay đã tăng lên 6,6 triệu đồng/tấn.
Như vậy, có thể nói chi phí đầu vào của giá nhập than đã tăng rất mạnh, đây là một trong những nguyên nhân khiến EVN thua lỗ do phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu than cho một số nhà máy điện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.