Hàng sang đến Pò Chài sẽ được thương lái Trung Quốc đến xem, mặc cả, lựa chọn. Cách mua bán bấp bênh chứa nhiều yếu tố rủi ro như thế nên những lúc vào mùa trái cây chín rộ, lượng trái cây đưa lên dồn dập, năng lực thông quan tại cửa khẩu không đáp ứng nổi, gây nên hiện tượng ùn tắc.

Tương ứng với hình ảnh những trái thanh long vứt chỏng chơ ở biên giới Trung Quốc do bị ùn ứ quá lâu là hình ảnh những khuôn mặt khắc khổ, già nua của người nông dân khi mùa vụ vốn được mùa nhưng lại có nguy cơ thất bát vì giá quá rẻ mạt…


Bài 2: Xuất hàng nông sản như ở chợ huyện, rất bấp bênh và rủi ro - Ảnh 1.

Trang trại thanh long của ông Cao Hoàng Thiện nằm dưới chân núi Tà Kú (thuộc thị trấn Thuận Nam huyện Hàm Thuận Nam) rộng hơn 2ha đang gần tới độ thu hoạch cho thị trường tết, nhưng ông Thiện chẳng màng gì đến việc chăm sóc để thu hoạch.

"Gần hai năm qua, dịch bệnh làm chúng tôi lỗ nặng, nay thêm vụ bí đường ra kiểu này thì coi như hết tết luôn…", ông Thiện ngậm ngùi khi trao đổi với pv Dân Việt.

Theo ông Thiện, chi phí cho thanh long vụ tết tốn kém rất nhiều vì chong điện suốt đêm, công chăm sóc để thanh long ra trái. "Nếu giá bán thanh long tại vườn phải hơn 10.000 đồng/kg thì người trồng mới có ít lời. Nhưng với giá rớt thê thảm như hiện nay thì coi như lỗ nặng, người trồng ít lỗ ít, người trồng nhiều lỗ nhiều".

Gần đó vườn thanh long 7 sào của bà La Vũ cũng chung cảnh ngộ."Gần 20 năm trồng thanh long và cây này đã cho gia đình tôi được nhiều thứ nhưng chưa bao giờ rơi vào cảnh éo le như hôm nay. Nông dân chúng tôi suốt ngày chỉ biết. "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", để cố gắng làm ra trái thanh long ngon bán cho khách hàng… nhưng suốt mấy tuần qua, giá thanh long rớt thê thảm khiến gia đình tôi như ngồi trên đóng lửa. Tôi hy vọng, các ngành chức năng sớm tìm đầu ra giúp cho nông dân…", bà La Vũ nói. 


Bài 2: Xuất hàng nông sản như ở chợ huyện, rất bấp bênh và rủi ro - Ảnh 2.

ông Trần Đình Trung, Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc)

Trao đổi với PV Dân Việt ngày 9/1, ông Trần Xuân Hoặc, Giám đốc HTX Suối Đá, cho hay HTX có 15 ha thanh long VietGAP, với 10 hộ thành viên. Đầu tháng 12/2021, HTX vận chuyển 26 container thanh long ruột đỏ sang Trung Quốc tiêu thụ. Nhưng do ùn ứ tại cửa khẩu, HTX chỉ bán được 11 container. Số lượng container còn lại bị "giam" ở cửa khẩu 20 ngày. Trong tình thế đó, các tài xế đã buộc phải quay đầu xe "bán đổ bán tháo" tại các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hà Nam với giá ban đầu là 1 thùng 20 kg/200.000 đồng, sau đó hạ dần. Sau chặng đường dài vất vả, thua lỗ nặng, số container này mới về đến Bình Thuận trong ngày 4/1/2021. Hiện HTX chưa thể tính toán chính xác được con số thua lỗ…

Trước những mất mát của người trồng thanh long, PV Dân Việt không khỏi ngậm ngùi: Vì sao thanh long là 1 trong những sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mà lại chọn đường biên giới để giao hàng? Tại sao không đa dạng thị trường xuất khẩu thanh long để phân tán rủi ro?...

Về vấn đề này, ông Trần Đình Trung, Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc), cho biết, ông và nhiều doanh nghiệp khác đã tìm đường xuất khẩu thanh long sang châu Âu bằng đường hàng không, đường thủy. Nhưng giá vận chuyển 2 đường này quá cao nên chưa dám xúc tiến.

Ông Trung cho hay thanh long xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường bộ mất khoảng gần 1 tháng, còn nếu xuất bằng đường biển qua châu Âu hiện phải mất gần 2 tháng nên rất khó bảo quản. Mặc khác, chi phí xuất khẩu thanh long bằng đường biển thời gian gần đây tăng cao. Nếu trước đây giá vận chuyển 1 container (gần 20 tấn) tốn khoảng 60-70 triệu đồng thì nay lên tới gần 200 triệu đồng.

Bài 2: Xuất hàng nông sản như ở chợ huyện, rất bấp bênh và rủi ro - Ảnh 3.

Đem những câu hỏi xung quanh vấn đề bị ùn ứ ở cửa khẩu, xác rau quả, nông dân thua lỗ và những dòng xe vẫn không ngừng đổ về biên giới Trung Quốc đến cơ quan quản lý, PV Dân Việt được ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lý giải: quả thanh long hiện có 3 tỉnh trồng nhiều là Bình Thuận, Long An và Tiền Giang nhưng số lượng doanh nghiệp đứng ra bao tiêu và xuất khẩu theo đường chính ngạch còn khá ít. Đường đi của quả thanh long hiện nay là từ nhà vườn bán cho thương lái đổ lên biên giới giao cho Trung Quốc.

"Mặc dù thanh long là một trong số 9 loại nông sản đã được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc có chính sách giảm thuế VAT cho cửa khẩu phụ, lối mở. Do đó, các thương nhân Trung Quốc thường tập trung ở các cửa khẩu như Tân Thanh nhận hàng để được ưu đãi thuế nên tình trạng ùn ứ vẫn thường xảy ra mỗi dịp cuối năm", ông Hải phân tích.

Ông Hải cho biết thêm, các mối quan hệ hiện nay chỉ là các mắt xích nhỏ lẻ, người nông dân đã là quy mô rất nhỏ. Ngay đến các thương lái, chủ vựa cũng ở mức nhỏ. Ví dụ họ có thể thu mua vài trăm tấn cho nông dân ở một khu vực nhất định và không thể vươn được quá xa.

"Các thương lái này cũng không thể giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chính quy bài bản với số lượng lớn. Cách họ chọn dễ và nhanh nhất là đưa hàng trực tiếp bằng đường bộ lên biên giới. Nếu bây giờ họ chọn đường sắt, đặt tàu để giao hàng cho chuẩn tắc có thể phát sinh thủ tục, chi phí", ông Hải chia sẻ.

Lý giải việc ùn tắc hàng nông sản, chủ yếu là trái cây ở biên giới phía Bắc, ông Hải cho rằng "là do đặc điểm sản xuất của chúng ta".


img
img
img
img

Tài xế Nguyễn Cơ Thạch cho hay hơn 30 tấn thanh long chở từ Long An ra đã nằm ở trạm trung chuyển và thời gian đi đường tổng cộng hơn 17 ngày. Cứ 2, 3 ngày phải mở thùng xe để kiểm tra chất lượng thanh long. 

"Nhà báo đi thực tế cũng thấy rồi đấy, trái cây đem lên biên giới phía Bắc chủ yếu là dưa hấu, thanh long, xoài, mít, vú sữa, sầu riêng... đều là những thứ quả trồng ở các tỉnh từ Quảng Nam trở vào. Các loại trái cây này đều trồng ở các hộ gia đình, nhà vườn, sau đó thuê xe chở lên biên giới, hoặc là bán cho thương lái thu gom và chở lên biên giới.

Bài 2: Xuất hàng nông sản như ở chợ huyện, rất bấp bênh và rủi ro - Ảnh 5.

Gọi là xuất khẩu, nhưng hình thức bán hàng cũng giống như ở chợ huyện. Xuất khẩu mà chưa biết người mua hàng bên kia biên giới là ai. Một xe chở dưa hấu khi sang đến Pò Chài sẽ được thương lái Trung Quốc đến xem, mặc cả, lựa ra những quả còn tốt thì lấy, quả nào thối thì vứt lại... Cách mua bán bấp bênh như thế, nhiều yếu tố rủi ro như thế nên những lúc vào mùa trái cây chín rộ (đầu tháng 4 và cuối tháng 11) lượng trái cây đưa lên dồn dập, năng lực thông quan tại cửa khẩu không đáp ứng nổi, gây nên hiện tượng ùn tắc. Người dân Lạng Sơn lại ngậm ngùi chứng kiến những dòng xe xếp hàng dài trên đường vào cửa khẩu, đỗ tràn cả ra đến đường quốc lộ", ông Hải chia sẻ.

Nói thêm về việc vì sao lại thích đi đường bộ mà không phải đường khác để xuất khẩu, ông Hải cho hay vận chuyển bằng container vẫn được coi là phương thức vận tải linh hoạt, cơ động nhất. Hay nói cách khác, thanh long, xoài, mít từ vườn, từ vựa chất lên xe là có thể chạy thẳng một mạch ra đến biên giới sau 2-3 ngày, không phải chuyển tải, sang mạn. Nếu không gặp khó khăn về thông quan thì cũng chiếc xe đó sẽ đánh qua cửa khẩu, sang giao hàng xong cho đối tác rồi quay về.

Thứ nữa, xe tải cũng phù hợp với khối lượng nhỏ, mỗi xe vào khoảng 20 tấn, phù hợp với quy mô và nhu cầu của các chủ vựa, nhà vườn. Nếu không ùn tắc, một xe dưa hấu sau khi bán xong, trừ chi phí vận tải cũng vẫn có thể thu lại cả trăm triệu đồng. Chưa nói những loại trái cây giá trị cao hơn như thanh long, xoài, mít.

Tuy vậy, tình trạng ùn tắc này sẽ còn diễn ra trong thời gian tới do Trung Quốc có chính sách thu hẹp tiểu ngạch. Thời gian qua phía Trung Quốc đã đóng nhiều lối mở, thậm chí xây hàng rào dọc đường biên để hạn chế cư dân qua lại, buôn bán.

Từ thực tế đó, việc thay đổi là cấp thiết, nhưng thay đổi như thế nào, giải pháp với ùn ứ nông sản ở cửa khẩu tại biên giới Trung Quốc ra sao sẽ được Dân Việt đề cập trong bài tiếp theo.

Bài 2: Xuất hàng nông sản như ở chợ huyện, rất bấp bênh và rủi ro - Ảnh 6.

Bài 2: Xuất hàng nông sản như ở chợ huyện, rất bấp bênh và rủi ro - Ảnh 7.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem