Suốt ngày kêu rên về gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, hết xin tiền rồi làm mình làm mẩy, thế nên dù ngân sách đang khó khăn, nhưng người giữ hầu bao vẫn có vẻ hình như hơi “nhẹ dạ” và dễ dãi nên đã cấp 240 tỷ đồng cho một dự án in sách kho tàng văn hóa dân gian. Chủ dự án là ông Giáo sư Tiến sĩTô Ngọc Thanh, chánh văn phòng dự án (trông coi tiền nong, phân phối, phát huy hiệu quả) cũng là một ông Tiến sĩ tên là Đoàn Thanh Nô.
Hai ông này chắc cũng phải nhân danh văn hóa, nhân danh hội Văn Nghệ dân gian VN, và những gì nữa không biết, dày công lắm mới xin được 240 tỷ đồng rót cho dự án. Chắc chắn họ đã viện ra những lý do vĩ đại ví như “bảo tồn, phát huy”, không cho tiền ngay thì sẽ mất ngay “bản sắc văn hóa”. Tiền được rót nhanh và tiêu cũng nhanh.
Ngay lập tức 90 tỷ đồng tiền in sách đã được in ra với hàng trăm cuốn sách, mỗi cuốn 2.000 bản. Sách được nhà nước trả tiền nên không bán mà giao cho các thư viện lưu trữ để dân đọc miễn phí. Nghe qua ai cũng mừng. Mừng vì nhà nước tuy đang khó khăn công quỹ cũng đã hào phóng mở ví. Mừng vì hai ông tiến sĩ nói trên đã thành công rực rỡ trong việc xin tiền và chỉ đạo in sách. Mừng vì các công trình nghên cứu của học giả không bị xếp xó mà đã được in ra. Mừng nữa, là văn hóa dân gian thoát được nguy cơ mai một, thậm chí diệt chủng, đang bước vào giai đoạn thăng hoa!
Nhưng hỡi ôi! Than ôi! Báo Thanh Niên cho hay: “Nhiều cuốn sách trong giai đoạn 2 của dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian VN được nhà nước đầu tư tới 150 tỉ đồng, chỉ cấp cho các thư viện lại đang nằm ở các tiệm sách cũ với giá thu mua như giấy vụn. Những cuốn sách của dự án vừa mới “ra lò”, nhiều cuốn còn chưa được giở một lần nào, nhiều trang chưa rọc hết. Chúng nằm lay lắt ở các cửa hàng sách cũ trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội như đường Láng, phố Trần Quốc Hoàn, phố Mai Dịch, phố Bạch Mai, đường Nguyễn Trãi... Người bán sách cho biết số sách này được mua “cân thanh lý theo giá đồng nát” dù sách in đẹp rất đắt tiền.
Hàng chồng sách mới nguyên được bán với giá như giấy vụn. (ảnh: Thanh niên)
Sách nhà nước cấp tiền in ra cho thư viện nhà nước. “Hy vọng các xuất bản phẩm của dự án sẽ cung cấp cho bạn đọc trong và ngoài nước một bộ sách mang tính chất bách khoa thư về các sắc màu văn hóa của các tộc người VN” đó là khẳng định của TS Tô Ngọc Thanh, người xin tiền và đương nhiên được làm chủ dự án đắt đỏ này.
Tiền của ngân sách tức của người đóng thuế không phải giấy vụn. Đó là luật pháp. Tuy ông Chánh văn phòng dự án vừa đăng đàn thanh minh đã “ra công văn”, đã xác định “quy trình” phát hành thế này thế kia. Nhưng sách của nhà nước vẫn bị đưa ra bán sách vụn, giá bằng giấy vụn. Chúng không nằm trong thư viện mà trong bao tải của các bà đồng nát, ve chai. Đó là kết quả và sự thật thực tế của dự án trăm tỷ.
Chúng ta hẳn nhớ vở hài “Mười Khó” khi Hoài Linh bằng cái miệng giảo hoạt đã làm rối Trường Giang (vai Mười Khó) nhằm ép ông ta nuốt trôi việc gả con gái cho cháu mình. Xin đừng diễn hài để làm rối dư luận. Việc rất đơn giản: ông GSTS Tô Ngọc Thanh là chủ dự án xin tiền nhà nước in sách cấp cho thư viện. Nay đã tiêu xong hàng trăm tỷ, sách không đến thư viện mà bị bán với giá sách cũ, giấy vụn hầu như ngay tắp lự sau khi in ra. Người xin tiền, người chủ dự án trả lời sao đây với nhà nước, với công luận?
Văn hóa đã bị bán đứng, thật đau lòng. Xin đừng quanh co chuyện “đúng quy trình” và lý do lý trấu các loại. Chủ dự án chịu trách nhiệm sao đây trước luật pháp?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.