Khám phá xứ sở chim thiên đường

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": "Thiên đường và địa ngục", đều đáng nhớ như nhau (Bài 1) - Ảnh 2.

Mọi việc bắt đầu bằng sự câu nhử của các hình ảnh trác tuyệt về chim thiên đường trên internet, trên tivi. Các kênh truyền hình lớn của cả loài người như Discovery, National Geographic thi thoảng có chiếu về chim thiên đường trống nhảy múa, khoe nhan sắc, khoe sự khéo léo, khoe giọng hót hay và cả sức mạnh "nam tính"; khi trên ngọn cây khô cao vút; lúc dưới mặt đất đỏ tinh khôi - nhằm dụ dỗ quyến mời các bạn chim mái. Bị hấp dẫn bởi sự đẹp và sự lạ đó, chúng tôi đã lên đường, sau nhiều năm "ban tổ chức" đi tiền trạm dăm bảy lần, sau các cuộc thương thảo cò kè ngã giá trước sự "láu lỉnh" và chiêu trò của không ít người dẫn đường xem chim từ các bộ lạc da màu…

Dù ngâm cứu kĩ, nhưng, đến lúc hạnh ngộ các bạn chim kia, ai nấy vẫn "đứng hình".

img
img

Nhóm các "tay máy" người Việt trong hành trình tìm chim thiên đường ở khu vực rừng mưa nhiệt đới rộng thứ 3 thế giới.

Trời ơi là đẹp, "điên cuồng" là lạ lẫm và bất ngờ. Vâng, nguời ta chỉ có thể thốt ra như vậy, dù là bạn nói bằng thứ ngôn ngữ nào đi nữa. Có chú chim màu xanh dương, có khi vàng pha đỏ tươi rói, có lúc mướt một màu xanh biêng biếc nhóng nhánh, khi lại tím tía kiểu gấm hoa cung đình.

Lại có chàng chim thiên đường "trống choai" phong tình khoác lên mình bộ trang phục lộng lẫy và bí hiểm… màu tím than, mắt đỏ đòng đọc, mỏ cong vút kiêu sa, đuôi dài "đáng kinh ngạc" (chữ dùng trong tài liệu nghiên cứu chim thiên đường), dễ chừng tới 2m, thõng thượt từ trụ cây khô giữa rừng xuống tận mặt đất. Dài đến mức, các ống kính máy ảnh tele chụp chim chúng tôi mang theo đều bị "thốn", tức là không tài nào lấy hết chiều dài của đuôi chim trong một khung hình. Lúc ấy, người nghèo như tôi, không có tiền mua ống fix (tức là ống chỉ có một tiêu cự, không thu ngắn hay kéo dài "tầm nhìn" được, ống này thường rất đắt và cho ảnh chất lượng cao, ví dụ một "fix 600mm" có thể lên tới hơn 390 triệu đồng); thì ống zoom (có thể kéo dài hoặc thu ngắn tiêu cự được) rẻ tiền lại đắc dụng.

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": "Thiên đường và địa ngục", đều đáng nhớ như nhau (Bài 1) - Ảnh 3.

Chúng tôi ngỡ ngàng gặp những chú thiên đường trống đuôi dài như vài lọn phất trần gộp lại, từng cọng lông vàng óng ả, trắng nõn nà, thõng từ cành cây phủ đầy rêu màu cốm, xuống các tán lá xanh um. Đám lông tốn chim mái ấy chụm lại với nhau bay như cờ phướn gửi lời mật chú ra giữa rừng xanh. Khu vực này có rừng mưa nhiệt đới lớn thứ 3 thế giới (sau rừng Amazon và rừng Congo ở Trung Phi).

Nhìn chú thiên đường trống. "Đẹp thế này thì tốn nước mắt của các bạn chim mái lắm đây", ai đó thì thào bên tai tôi rồi mỉm cười. Có chú đuôi tím than, dài đến mức người ta cứ thắc mắc: thế thì bay thế nào được, kiếm ăn và tự bảo vệ mình trước chim trống tình địch hoặc thiên địch khác ra sao?! Có chú chim trống khác (con Magnificent) , đuôi có hai cọng lông thanh mảnh như hai sợi dây điện đang phát ra ánh sáng lân tinh màu xanh ngọc. Lông ấy cong khum vào nhau thành gần như hình số 8, khiến ai nấy thắc mắc: các cọng lông hay hai cái "sừng" mọc cong "phát sáng" ở đuôi chú ta vậy? Trong các bức ảnh chụp tốc độ chậm của anh Huỳnh Thanh Danh (thuộc nhóm chúng tôi, ảnh kèm bài này), cái đuôi "ánh sáng" đó nhoè đi chút đỉnh, rồi cứ thế "múa" lên, thành thử mỗi cọng được như là nhân hai, thật kỳ ảo.

img
img
img
img

Vẻ đẹp của chim thiên đường và cảnh chim trống múa gọi bạn tình. Ảnh: Bảy Hoang Dã, Hạnh Dung, Đỗ Doãn Hoàng (chụp ở Indonesia, Úc và Papua New Guinea).

Dù đã nghe, đã xem về các loài chim này trong sách, trên tivi và internet, song, khi gặp, tất cả chúng tôi đều như bị thôi miên.

Có khi, chim thiên đường trống cất tiếng kêu quặc quặc từng tràng vang lừng như súng bắn tỉa, như súng trường phát một (có lẽ vì thế cái tên "súng trường" có lúc người ta dùng để gọi chú ta). Đó là lúc chàng đang "ca hát" gọi một nàng hoặc các nàng đến trong mùa ân ái. Rồi các cụm lông ở đầu chú ta xoè ra như những cái nan quạt lúc chập vào nhau, lúc "bung lụa", bung sắc màu như có vài cung nữ múa quạt cùng lúc. Lúc từ từ uốn lượn bành ra như rắn hổ mang đang phô trương thanh thế.

Có khi, ở một gã chim thiên đường khác, lông ở gần đầu với lông ở lưng, nách chú ta cùng dựng lên, đan vào nhau, giống hệt các cụ bà ở quê đang múa quạt dưỡng sinh, cùng khớp theo tiếng nhạc, cùng đan các hình kỳ ảo đầy sắc màu vào nhau ở đình làng. Sự sặc sỡ của các chú chim trống này thì đúng là thiên đường của sự nghe và sự chiêm ngưỡng. Nâu, ánh đen, xanh lá, vàng sáp ong, trắng nuột nà, rồi sự pha trộn tinh tế giữa các màu ấy một cách vi diệu, tạo ra một bữa tiệc âm thanh và hình ảnh mà bạn chỉ có thể thốt lên: Thượng đế mới làm ra được sự kì ảo thế.

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": "Thiên đường và địa ngục", đều đáng nhớ như nhau (Bài 1) - Ảnh 5.

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": "Thiên đường và địa ngục", đều đáng nhớ như nhau (Bài 1) - Ảnh 6.

Hành trình của tôi từ Hà Nội, trải qua 10 chuyến bay: Hà Nội – TP HCM – Jakarta (Thủ đô của Cộng hoà Indonesia) - Makassar - Sorong -  Manokwari (và ngược lại). Từ sân bay quốc tế hoành tráng như Jakarta đến những sân bay nhỏ đến mức tôi không thể hình dung nó lại nhỏ và giản dị đến thế. Cứ như đang đi lạc hay hạ cánh nhầm vào một thung lũng hoang vu có vài cái lều canh nương vậy.

Hơn hai chục năm trước, tôi hay đi Tây Bắc nước ta bằng cách bay Hà Nội tới sân bay Nà Sản, tỉnh Sơn La, sân bay phơi toàn ngô sắn trắng lốp, vàng rươm, người ta rào giậu để tránh trâu bò vào sân bay, rồi có ông canh trâu bò để tránh chúng làm loạn đường băng trước khi tàu bay hạ cánh. Khi sân bay trống - dĩ nhiên là trâu bò ngựa dê lại vào đó gặm cỏ, vì hai ngày mới có một chuyến. Máy bay ATR72 cũ và bé tẹo. Thậm chí xe ôm (toàn xe Min-khù-khờ leo núi) vào tận cửa máy bay gạ bắt khách bằng thứ tiếng Thái lơ lớ…

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": "Thiên đường và địa ngục", đều đáng nhớ như nhau (Bài 1) - Ảnh 7.

Cuộc hành trình đi tìm chim thiên đường của nhóm chụp ảnh thiên nhiên hoang dã người Việt Nam chúng tôi và thổ dân vùng Papua

Đấy, so với Nà Sản hồi đường băng còn cập kểnh, tận dụng từ thời thuộc Pháp kia kia, sân bay ở mấy cái đảo nhỏ chúng tôi đang "thuyền rồng ghé bến" cũng kẻ tám lạng người nửa cân vì sự khiêm tốn. Ở Thủ đô Indonesia, sân bay rất hiện đại, tàu điện trên cao chạy ầm ầm và văn minh lắm; có khách sạn ở trong sân bay, có cả các ca-bin để bạn ngủ qua đêm giá rẻ. Cabin hotel bằng sắt sơn trắng ngà, hiện đại, màu sắc rất "IT" - thiết kế y như khoang thương gia của một "toà lâu đài bay" Boeing 7777. Tất nhiên là diện tích chỉ kê đủ một cái giường đơn, nhưng đủ tivi, internet, ổ cắm điện; còn tủ để đồ và wc, khi tắm gội hiện đại dùng chung, đi đâu cũng có khoá hoặc quẹt thẻ từ chít chít…

Phải nói, lần mò trong rừng của các bộ tộc bản xứ Papua, là một chuyến đi tìm chim kỷ lục của tất cả các thành viên chúng tôi. Hào Quang, chưa đầy 40 tuổi, là một người tốt nghiệp đại học với tấm bằng chuyên sâu về sinh thái -; môi trường - thiên nhiên, dành thời gian học cao học về vấn đề bảo tồn chim hoang dã, người thành danh ở Việt Nam và nhiều vùng lãnh thổ với tư cách "nhà tổ chức tour" của Công ty WILDTOUR ở nước ta. Quang có kĩ năng đặc biệt đưa khách quốc tế về Việt Nam và các nước lân cận xem, chụp ảnh chim, xây dựng các khu vực để chim quần tụ khoe sắc cho người ta thưởng lãm. Quang từng đưa đồng nghiệp nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã của Quang đi các nước trên thế giới chụp ảnh chim. (Cái khác là người nhiều quốc gia châu Âu, Úc, họ đi ngắm chim, chỉ với cái ống nhòm, nhìn thấy chim, quan sát một tí là thoải mãn rồi, còn dân chụp ảnh, đặc biệt là châu Á, thì nhất định phải thấy chim và chụp được ảnh đẹp mới hài lòng).

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": "Thiên đường và địa ngục", đều đáng nhớ như nhau (Bài 1) - Ảnh 8.

Dụng cụ trèo dừa ở Việt Nam được các NSNA mang sang, leo lên cây cao, nguỵ trang kỹ, chụp chim thiên đường Ảnh: FB của NSNA Bảy Hoang Dã.

Trừ Quang (Fb là "Du Mục" nên hay gọi thân mến Du Mục) - người trẻ được biết đến rất nhiều gần đây, với chủ thuyết phản đối mạnh mẽ việc phóng sinh chim một cách phi bảo tồn. Còn hầu hết chúng tôi đều đã già hoặc quá ngưỡng trung niên. Có anh đam mê đến mức, đi khắp Nam cực, Bắc cực và nhiều quốc gia khét tiếng về chim thú ở châu Phi, châu Á để chụp ảnh thiên nhiên hoang dã; có anh là cán bộ dược phát tài; có anh làm việc cho công ty địa ốc của "Tây" công thành danh toại, nhiều năm sống và cống hiến ở cả các quốc gia ngoài Việt Nam; hoặc như tôi, đi vài chục quốc gia làm báo viết sách… - vậy mà chưa có ai trải qua mấy chục giờ bay "hành xác" như chuyến này.

Từ Việt Nam bay đi, máy bay của hãng lớn, chúng tôi có thẻ VIP, thấy rất thoải mái. Đến lúc máy bay của nước ngoài "bắt khách dọc đường", cứ là chạy như vịt, thủ tục nối chuyến khá vụng về của bạn, các sân bay nhỏ xíu từ đảo nọ sang đảo kia, hãng máy bay "tầm trung" hoặc giá rẻ vốn rất khắt khe về cân nặng hành lý ký gửi và hành lý xách tay. Hàng ký gửi thì mua thêm "trọng lượng" được, hàng xách tay thì nan giải: mỗi cỗ máy chụp chim, ống kính như quả tạ, thân máy như cái bánh chưng vuông lớn bằng sắt thép, nặng như đá đeo; mà rõ khổ, có phải mỗi ông một body (thân máy) với một lens (ống kính) đâu. Có anh vác 3 giàn máy, nhờ cả người dẫn đường vác và bấm giúp khi có chim quý.

Anh em bảo nhau: nếu bị quá cân, một là tranh luận, nếu cô em (chú em) nhân viên hàng không chấp nhận cho tôi vác máy ảnh lên tàu bay; mà bắt phải gửi chúng vào khoang hành lý - thì cô/chú phải đảm bảo nó không bị hỏng. Body máy này là 152 triệu đồng, ống kính này là 380 triệu đồng, cô lên google tìm hiểu giá trước, nếu có hàng rẻ hơn so với giá tôi đưa ra kia 10 triệu đồng một sản phẩm - tôi xin nhập "sỉ" (mua buôn) luôn. Phương pháp thứ hai là: dịu dàng, quà cáp chút đỉnh. Cách nữa là: anh mặc áo gile, quần ống hộp, đeo thêm các cái túi đựng đồ ở hông như thuỷ quân lục chiến. Ô hay, vác nặng là quyền và là ý thích của một người cơ bắp như anh, thân lừa phải nặng thì hắn mới vui, bé hầy! Thế là mỗi túi nhét một ống kính, thân máy bỏ vào áo gile túi hộp. Lúc cô nào đo thể tích và cân nặng hành lý lên máy bay, thì anh bỏ bớt đồ vào túi quần túi hộp, túi áo gile. Đo xong anh bỏ vào chỗ cũ, ba lô có bánh xe, vô tư, bái bai cô em.

img
img
img
img

Chim thiên đường trống diêm dúa đi tìm bến đỗ tình yêu. Ảnh: Hạnh Dung - Nguyễn Đức Minh - Đỗ Doãn Hoàng.

Có nhiều chặng, dù bạn thật nhiều tiền, trừ việc thuê nguyên chiếc chuyên cơ thì được, chứ còn lại không có cách nào "nối chuyến" đi luôn được. Có khi ngủ một đêm, chơi thêm nửa già ngày chỉ để chờ chuyến bay từ tỉnh lẻ gom khách về trung tâm thành phố lớn, rồi "transit" (đổi chuyến) đi tiếp.

Nói chung là "Tìm em như thể tìm chim/Chim bay bể Bắc anh tìm bể Đông".

Dõi cánh chim trời là mệt rồi, nhất là đi tìm "thượng đế", "thiên đường", "hoàng thượng", "công chúa" của các loài chim như Chim Thiên Đường.  Đến sây bay Manokwari, cũng lại là một sân bay nhỏ, các phòng quản lý chỉ là nhà cấp 4 độ hai gian, đảo hành lý chỉ bằng hai ba cái giường đôi, tốc độ "bế" hành lý xuống thì chậm bằng tốc độ của bà con thổ dân da màu nơi này vẫn làm việc bấy lâu nay. Chúng tôi được cảnh báo lừa đảo khắp nơi.

Đô thị này, có vẻ như người Trung Quốc đến sống và làm việc bắt đầu đông và tốc độ đô thị hoá dân cư, đô thị hoá đất đai, đô thị hoá cách ứng xử với lữ khách cũng theo đó mà láu tôm láu cá lên nhiều. Y như ở Việt Nam đã gặp phải, người nơi xa đến, đã bán súng săn, bán bẫy, bán lưới mờ cho bà con bản địa để họ săn thú bắt chim ăn thịt (rồi bán cả cho người cung cấp súng). Các bạn tôi trở lại nơi này nhận xét thế. Và các trưởng làng tiết lộ với chúng tôi điều đó một cách đau đớn, các bài báo bằng tiếng Anh gần đây cũng phản ánh sự thật này - chuyện sẽ nói ở phần sau.

img
img

Thiên đường đuôi phướn. Ảnh Huỳnh Thanh Danh

Xộc vào sát nơi chúng tôi đang mỏi mòn chờ lấy hành lý sau các chặng bay xuyên ngày đêm là phu khuân vác, lái xe đón khách theo hợp đồng và cả các tay môi giới (chuyện này là quá sốc, vì "đảo hành lý" bao giờ cũng nằm ở phía trong sân bay, có lực lượng bảo vệ và an ninh gác cẩn mật). Ba lô phía trước là của mình, cái đeo phía sau là của dân "hai ngón". Theo quan điểm đó, nhất tề, chúng tôi đổi tư thế, treo các cỗ máy đắt tiền và tư trang hành lý ra phía trước. Phía trước có mắt, có mũi, có hai bàn tay vâm váp sẵn sàng chống trả, chứ bỏ phía sau thì có mà…

Khí hậu ở đô thị Manokwari nóng khủng khiếp, nhưng trên dãy núi Arfak sừng sững, với các làng dân tộc thiểu số thuộc nhiều bộ tộc trên đó, thì lúc nào cũng sương mù, ẩm ướt, se lạnh hơn Sa Pa, Đà Lạt ở ta. Đón chúng tôi tại sân bay là 7 người đàn ông to béo, da nửa đen nửa đỏ: Mr Zeth Wonggor (tên anh ta từng được ghi trong nhiều cuốn sách, nhiều chương trình truyền hình danh tiếng liên quan đến chiêm ngưỡng và nghiên cứu chim trong vùng này).

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": "Thiên đường và địa ngục", đều đáng nhớ như nhau (Bài 1) - Ảnh 11.

Nhiều người đoán và mô tả thêm theo các tài liệu khoa học đã công bố. Rằng, tổ tiên loài người từ châu Phi đi tứ tán khắp địa cầu, các nhóm người đi từ đó về châu Á, họ có màu da giống người Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; nhưng rồi, làn sóng thiên di lại lưu lạc các bộ tộc vùng Papua (cả thuộc Indonesia và Papua New Ghine) xuống dần phía Nam, giáp với Úc châu. Cả vùng New Guinea, có tới hơn 2.000 bộlạc và 850 ngôn ngữkhác nhau; riêng Indonesia là nước Vạn đảo với hơn 14 nghìn hòn đảo trải khắp một xứ mênh mang (trở thành quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới, có nhiều đảo nhất thế giới). 

img
img
img
img
img

Những hình ảnh đáng yêu về thổ dân vùng Papua mà chúng tôi gặp trên đường đi tìm chim thiên đường. Ảnh: Đ.D.H

Sự tách biệt, cô lập của các hòn đảo giữa đại dương mênh mông, làm cho họ vốn không có sự giao lưu (hoặc cực ít) nên ngôn ngữ phát triển riêng theo từng bộ tộc. Còn việc "thiên di" xuống phía Nam, sống ở đúng vào vùng Xích Đạo, với khí hậu, rừng mưa, rừng rêu, thêm nhiều yếu tố thời tiết hệt bên châu Phi (giống nhất là với vùng vùng Xích Đạo bên đó), do thế, khiến cho các cộng đồng vốn đã "châu Á hoá" trên đường di chuyển suốt dọc dài lịch sử (người da vàng nói chung) nay lại được "trở lại màu da" của tổ tiên mình ở châu Phi. Dịch xa ra vùng Xích đạo hơn, như thổ dân châu Úc, thì màu da của họ bớt đậm màu hơn so với các vùng dân cư, rừng núi Papua mà chúng tôi đang có mặt.

"Chủ thuyết" trên chả biết đúng đến đâu. Nhưng, sự thật là người tóc xoăn, tết thành từng lọn, da gần như đen, với tục ăn trầu và văn hoá sống với rừng nhiệt đới mưa gió ẩm thấp mà chúng tôi gặp thì có gì đó rất Phi châu. Nhiều lần, tôi cứ giật mình nghĩ mình đang ở Nam Phi, Mô Dăm Bích hay Johanasburg, Petoria hay Capetown. Tất nhiên, rừng nơi này rậm, chất rừng mưa nhiệt đới rất rõ, chứ không phải rừng của hệ sinh thái sa-van như châu Phi, càng không thấy bóng dáng hươu, nai, sơn dương, sư tử, tê giác, voi hay hà mã kiểu Kruger - VQG có diện tích đứng top đầu thế giới.

Đón dọc Bài 2: Dõi cánh thiên đường và dấu ấn "birder Việt"

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem