Bất đồng trong việc chọn ngành, nghề giữa phụ huynh và thí sinh: Làm thế nào để hóa giải?

Mỹ Quỳnh Chủ nhật, ngày 16/04/2023 14:59 PM (GMT+7)
Cha mẹ và con cái là hai thế hệ khác nhau nên có những suy nghĩ, lựa chọn về ngành nghề khác nhau. Rất nhiều gia đình bất đồng quan điểm dẫn đến sự xung đột trong các mùa tuyển sinh
Bình luận 0

Ngày 16/4, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đặc biệt "Cùng con bước vào tương lai" dành cho phụ huynh được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) và Trường đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức

Bất đồng trong chọn ngành, chọn trường

Việc chọn ngành nghề, chọn trường để theo học là vấn đề quan trọng, có tính chất quyết định tương lai của mỗi con người. Do đó, phụ huynh nào cũng quan tâm và muốn định hướng cho con theo các ngành, nghề mà bản thân họ cho là tốt nhất.

Bất đồng trong chọn ngành, chọn nghề giữa phụ huynh và thí sinh: Làm thế nào để hóa giải? - Ảnh 1.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ về xung đột giữa cha mẹ và con cái khi chọn ngành, chọn nghề. Ảnh: Duyên Phan

Trên thực tế, không ít thí sinh bị áp lực, cảm thấy mệt mỏi vì phải theo học ngành nghề mà cha mẹ mong muốn chứ không phải ngành nghề mà mình yêu thích. Cũng không ít các trường hợp xung đột diễn ra vì bất đồng quan điểm khi lựa chọn ngành nghề.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, ở góc nhìn của các bạn trẻ sẽ có 3 điều quan trọng cần nhắc đến.  

Đầu tiên, phụ huynh sẽ không thể sống thay con cái mình, hành trình để các con thành công và hạnh phúc phải là phải tự bước đi, tự lựa chọn bằng quyết tâm, ý chí, nghị lực của mỗi người. Ông Sơn đánh giá, thế hệ trẻ ngày nay rất thông minh, có cái tôi sắc nhọn và thậm chí có bản lĩnh sớm so với thế hệ trước. Do đó, phụ huynh phải bình tĩnh để lắng nghe, hiểu con và đặt mình vào vị trí của các con để giảm thiểu sự xung đột, sự khác biệt trong suy nghĩ, lựa chọn, đặc biệt là trong định hướng về nghề nghiệp.

Thứ hai, sự phân bố lao động trong xã hội đang ngày càng thay đổi trong khi phụ huynh vẫn mang tư tưởng cũ, muốn định hướng cho con chọn các ngành nghề ổn định, ít thử thách, an toàn tương đối, phát triển bền vững... nhưng thế hệ trẻ lại không muốn vậy. Các em muốn trở thành công dân toàn cầu, có sự chuyển dịch trong tư duy, nghề nghiệp, lối sống và muốn có sự thách thức. Đây là điểm lớn nhất tạo ra sự mâu thuẫn trong tư duy của cha mẹ và con cái. 

Bất đồng trong chọn ngành, chọn nghề giữa phụ huynh và thí sinh: Làm thế nào để hóa giải? - Ảnh 3.

Học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đặc biệt "Cùng con bước vào tương lai". Ảnh: Duyên Phan

"Chính phụ huynh tạo cơ hội, điều kiện cho con có năng lực, kiến thức, ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ thông tin, nhưng cũng chính phụ huynh lại muốn con mình chọn ngành nghề an toàn, tránh sự mâu thuẫn, chuyển dịch là điều không công bằng với con cái", ông Sơn nói.

Điều thứ ba, học sinh được sinh ra trong thế hệ có nhiều cơ hội, các em sẽ sớm bộc lộ các yếu tố thuộc về năng khiếu, lựa chọn cá nhân nên các em sẽ có những lựa chọn khác. Đặc biệt, ở thời đại bùng nổ của công nghệ, thế hệ trẻ có thể làm việc nhiều hình thức khác nhau, làm việc xuyên quốc gia... 

Ông Sơn cho rằng, nếu không lắng nghe và đặt mình vào vị thế của con cái, phụ huynh nên bình tĩnh, tạo cơ hội để con trải nghiệm và minh chứng thuyết phục về lựa chọn của mình.

Bất đồng trong chọn ngành, chọn nghề giữa phụ huynh và thí sinh: Làm thế nào để hóa giải? - Ảnh 4.

Phụ huynh không nên quyết định thay con trong việc lựa chọn ngành nghề. Ảnh: MQ

"Cha mẹ nên đồng hành cùng với con để giúp các thí sinh hiểu rõ về nghề nghiệp, cơ hội thách thức. Khi có sự khác biệt, tốt nhất đừng cố gắng giải quyết ngay lập tức trong một lần trò chuyện. Nếu chưa có luận cứ đủ để thuyết phục con cái, phụ huynh nên bình tĩnh, tạo cơ hội cho con giải thích, phân tích với mình. Phụ huynh cũng nên nhờ bên thứ ba can thiệp để giảng hòa, tránh sự khác biệt dẫn đến xung đột. Điều quan trọng hơn cả là là phụ huynh cần tìm hiểu kiến thức, thông tin để nắm được bức tranh toàn cảnh của tuyển sinh để tư vấn, đồng hành cùng con", ông Sơn nói.

Hiểu con nhưng chưa chắc đủ để có thể quyết định thay con  

Tại buổi tư vấn này, ông Sơn cũng cho biết thêm, nhiều phụ huynh đã định sẵn cho con làm việc ở nơi nọ, nơi kia; đặt chỗ sẵn cho con hoặc muốn con thay thế mình quản lý cơ nghiệp... Tuy nhiên, giới trẻ, đặc biệt là thế hệ "gen Z" bị ảnh hưởng nhiều bởi các thông tin trên mạng xã hội và có những lựa chọn trái ngược với mong muốn của phụ huynh. Nếu phụ huynh phản ứng ngay thì các em sẽ bật ngược lại.

Ông Sơn cho rằng, phụ huynh nên lắng nghe, hoặc tỏ vẻ lắng nghe con; sau đó, có thể trao đổi với con bằng cách đặt câu hỏi: Nếu con chọn cái này thì con sẽ được, mất gì và ngược lại. Hoặc phụ huynh yêu cầu con tìm hiểu kỹ  hơn để cùng thảo luận, đi đến quyết định. Đây là cách để kéo dài thời gian, tránh xung đột để cùng đi đến sự lựa chọn mà cả hai bên đều thoải mái.

"Hành trình chúng ta tư vấn cho con để chọn nghề, chọn ngành hay khởi nghiệp... còn rất dài. Nếu đó là lựa chọn quan trọng, mang lại sự thành công, hạnh phúc trong tương lai của con cái thì phụ huynh hãy tôn trọng các con, thuyết phục các con bằng sự đồng cảm, sự tương tác về tâm lý chứ không phải bằng sự ép buộc và càng không bằng phải sự tính toán chủ quan của mình", ông Sơn nói.

Đặc biệt, ông Sơn nhấn mạnh, phụ huynh hiểu con của mình nhiều nhưng chưa chắc đã đủ để quyết định thay con vào đời, gặt hái thành công và hạnh phúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem