Đã hơn 1 tháng qua, cả tỉnh Bắc Ninh phải hứng chịu liên tiếp các đợt "tấn công" của dịch Covid-19, toàn tỉnh Bắc Ninh đã tập trung cao độ để vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất. Nếu cứ "ngồi" ở Hà Nội mà nghĩ, mà lo khi ai cũng bảo đi về Bắc Ninh là đi về "vùng dịch", thì có lẽ khi mục sở thị các chiến lược, chiến dịch dập dịch vừa mềm, vừa cứng của Bắc Ninh, chắc hẳn mọi người đã nghĩ khác.

Dọc con đường từ QL 1A mới cho đến QL 18 là dày đặc các khu công nghiệp (KCN) tập trung trải đều trên các địa bàn của thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, thành phố Bắc Ninh, huyện Quế Võ. Thời điểm này, những ống khói từ các nhà máy sản xuất vẫn nhả khói, những dòng xe conteiner vẫn nườm nượp vào ra. Ngược lại, trong các khu phố của thành phố Bắc Ninh, Quế Võ người dân đều phải thực hiện "cửa đóng then cài". Để vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất nhằm không để đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Bắc Ninh đã có một phương án chống dịch chưa có tiền lệ: Mời công nhân vào ăn ở, lưu trú và làm việc tại các nhà máy.

Chúng tôi bắt đầu câu chuyện với Bà Đào Hồng Lan- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh bằng những câu chuyện như thế.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan: "Nếu 'đóng băng' để chống dịch, mỗi ngày Bắc Ninh thiệt hại 3.600 tỉ đồng" - Ảnh 1.

Ủy viên T,Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh - Bà Đào Hồng Lan trả lời phỏng vấn với Nhà báo Lê Hân- Báo điện tử Dân Việt về công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Bắc Ninh.

Một tháng có 4 tuần, 1 tuần có 7 ngày, 1 ngày có 24 giờ đồng hồ, nhưng với bà Đào Hồng Lan, có lẽ đó là những ngày, những giờ, những tuần căng thẳng nhất kể từ khi bà đảm nhiệm chức vụ là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh. Buổi phỏng vấn của chúng tôi thực chất như một cuộc nói chuyện, sẻ chia về những sự kiện từ hơn 1 tháng qua lần lượt được bà hệ thống lại một cách bài bản.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan trả lời phỏng vấn với Nhà báo Lê Hân- Báo điện tử Dân Việt về công tác phòng cống dịch Covid-19 của tỉnh Bắc Ninh. Clip: Nguyễn Chương.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan: "Nếu 'đóng băng' để chống dịch, mỗi ngày Bắc Ninh thiệt hại 3.600 tỉ đồng" - Ảnh 2.


Cho đến bây giờ, dịch Covid-19 đã kéo dài được hơn 1 tháng ở Bắc Ninh (từ ngày 5/5), để đánh giá tổng quan lại về đợt dịch này, xin bà cho biết xuất phát từ những nguyên nhân gì và ngay lập tức tỉnh đã chuẩn bị các phương án như thế nào để phòng, chống dịch?

- Trước tiên, tôi xin chia sẻ, trong đợt bùng phát dịch thứ 4 lần này, dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hết sức đặc biệt và khác với những địa phương khác cùng thời điểm, đó là Bắc Ninh có 2 "đợt sóng" lây nhiễm liên tiếp xảy ra trên địa bàn, nhưng vì hai đợt lây nhiễm này gần nhau quá, nên mọi người cứ nghĩ chỉ là một đợt.

"Đợt sóng" thứ nhất, đó là ngày 5/5, khi tỉnh phát hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên tại thị xã Từ Sơn và huyện Lương Tài liên quan đến Bệnh viện nhiệt đới TW cơ sở 2. Ngay lập tức, tỉnh đã kích hoạt truy vết thần tốc các F1, F2 và thông báo rộng rãi trên địa bàn tỉnh những người từng đến khám, điều trị, thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.


Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan: "Nếu 'đóng băng' để chống dịch, mỗi ngày Bắc Ninh thiệt hại 3.600 tỉ đồng" - Ảnh 3.

Từ đó, đã phát hiện thêm một loạt ca mắc mới tại Tiên Du và Thuận Thành. Trong đó, ổ dịch xã Mão Điền (huyện Thuận Thành) đặc biệt phức tạp do dịch lây lan nhanh trong cộng đồng từ yếu tố người đi thăm bệnh nhân từ cuối tháng 4 và đã tham gia nhiều sự kiện đông người như đám cưới, đám giỗ, liên hoan trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5. Có thời điểm, chúng tôi phải tìm người đến 4 đám cưới liền, mà mỗi đám cưới cả 100 mâm cỗ, nên số lượng F1, F2 rất lớn. Thế rồi, lại đúng vào dịp nghỉ lễ, trên địa bàn xã có nhiều cuộc gặp mặt, liên hoan… Đây là yếu tố tại sao ổ dịch Thuận Thành phát ra lại lớn như vậy

Cùng lúc trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện các ổ dịch mới có yếu tố nguồn lây từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, là nơi có lượng bệnh nhân và người nhà ở các địa phương trong tỉnh đông. Có thể thấy, công tác truy vết, sàng lọc các trường hợp F0, F1, F2 gặp rất nhiều khó khăn vì các ca dương tính hình thành cùng một thời điểm ở nhiều địa bàn khác nhau, đa nguồn lây, nhiều ổ dịch phát sinh mới… Đặc biệt, đợt dịch này, các ca mắc do chủng virus nguồn gốc từ Ấn Độ được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh, không có biểu hiện triệu chứng, thời gian ủ bệnh ngắn, lây truyền qua không khí, chỉ sau thời gian ngắn tiếp xúc với nguồn bệnh, người bệnh có khả năng nhiễm và lây truyền sang cho người khác.


img
img

Công tác tổ chức lấy mẫu, truy vết được tỉnh Bắc Ninh thực hiện rốt ráo, nhanh chóng, tích cực.


Khi chúng tôi còn đang tập trung dập dịch ở huyện Thuận Thành, tỉnh cùng lúc phải tập trung kiểm tra rà soát phương án phòng chống dịch tại các KCN của tỉnh, đặc biệt khi xuất hiện "đợt sóng" thứ hai, khi bên tỉnh Bắc Giang lại xảy ra ổ dịch ở trong KCN Quang Châu. Ngay khi đó, tỉnh cũng tập trung rà soát các đối tượng liên quan đến Bắc Giang. Bởi đặc thù hai quê hương rất gắn bó với nhau, nhiều công nhân lao động, chuyên gia làm việc ở Bắc Giang nhưng lại về Bắc Ninh sinh sống, thuê trọ, vì về Bắc Ninh gần hơn về thành phố Bắc Giang, bên cạnh đó lượng người từ Bắc Giang sang làm việc tại tỉnh Bắc Ninh cũng rất đông. Lúc đó, chúng tôi rà soát khoảng hơn 30.000 công nhân Bắc Giang làm việc, đi lại hàng ngày về Bắc Ninh.

Đây là những yếu tố khi dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, những người công nhân của chúng ta lại làm đan xen trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và không ở trong một phạm vi nào cả, rất rộng, ảnh hưởng đến nhiều địa bàn, đặc biệt là thành phố Bắc Ninh, huyện Quế Võ, Yên Phong, là 3 nơi tiếp giáp trực tiếp với tỉnh Bắc Giang. Có thể nói, số lượng ca nhiễm khi đó rất phức tạp, cùng một lúc xuất hiện nhiều ổ dịch khác nhau, không tập trung.

Đây là những yếu tố làm cho đợt dịch này ở Bắc Ninh khác so với các địa phương khác, nói thế để chúng ta hiểu, tại sao cảm thấy đợt dịch này lại dài như vậy. Chúng tôi muốn nhấn mạnh như vậy để thấy Bắc Ninh đợt này bị "sóng kép", chứ không phải là "sóng đơn".


Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan: "Nếu 'đóng băng' để chống dịch, mỗi ngày Bắc Ninh thiệt hại 3.600 tỉ đồng" - Ảnh 5.

Như bà nói, lúc đầu dịch xảy ra rất phức tạp, khi cùng một lúc Bắc Ninh chịu tác động bởi hai "đợt sóng" lây nhiễm, nhiều ổ dịch khác nhau trên nhiều địa bàn khác nhau, đan xen phức tạp. Lúc đó, vì sao Bắc Ninh không chọn giải pháp "đóng băng" toàn tỉnh để dập dịch, mà chọn giải pháp vừa chống dịch, vừa mở cửa sản xuất và cho đến nay được cả Thủ tướng, các Phó Thủ tướng khen ngợi là cách làm có nhiều sáng tạo, đảm bảo "mục tiêu kép"?

- Đối với công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Bắc Ninh, có thể nói ngay từ ca đầu tiên xuất hiện trên địa bàn, cả bộ máy chúng tôi đã vào cuộc rất nhanh chóng, từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triệu tập các phiên họp bất thường, rồi họp BCH Đảng bộ tỉnh, họp HĐND tỉnh bất thường để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách, công tác phòng, chống dịch.


Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan: "Nếu 'đóng băng' để chống dịch, mỗi ngày Bắc Ninh thiệt hại 3.600 tỉ đồng" - Ảnh 6.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành lấy hơn 900.000 mẫu để xét nghiệm sàng lọc, từ Tổ hợp Samsung Electronic Việt Nam đến từng thôn, xã.


Một trong những yêu cầu đối với một tỉnh công nghiệp đặc thù như tỉnh Bắc Ninh, đó là khi dịch xảy ra đã có yếu tố len lỏi giữa cộng đồng và các doanh nghiệp, nên vấn đề xử lý triệt để khó hơn rất nhiều. Bắc Ninh lại là tỉnh có mật độ dân số rất đông, gấp 5 lần bình quân chung cả nước.

Nếu Bắc Ninh chọn phương án đơn giản, thuận lợi cho chính quyền, đó là cứ đóng băng tất cả nền kinh tế lại để tập trung cho công tác phòng chống dịch, sau đó rồi mới làm các giải pháp khác, về mặt chống dịch dễ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu làm điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy rất nghiêm trọng cho kinh tế không chỉ của Bắc Ninh, mà cả nước, thậm chí ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Toàn tỉnh hiện có tới 36 khu, cụm công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp lớn của miền Bắc với tổng 450.000 lao động đến từ 21 tỉnh, thành cả nước, nếu chúng tôi đóng cửa tất cả, thì gần nửa triệu công nhân, người lao động sẽ thế nào. Họ đều sẽ đều phải nghỉ việc, ở lại các khu nhà trọ với mật độ đông, khi đó có khi còn rủi ro hơn về phòng chống dịch.


img
img

Trong quá trình phòng chống dịch Covid-19, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; đã về thăm, động viên và có những chỉ đạo kịp thời giúp tỉnh chống dịch. Ảnh: K.Lực- BNP

Với đặc điểm một tỉnh công nghiệp, đặc biệt là chuỗi cung ứng sản xuất mang tính chất toàn cầu, chỉ cần một lệnh đóng cửa toàn bộ các KCN ở Bắc Ninh sẽ tác động đến cả nền kinh tế đất nước và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn, chỉ tính riêng cho tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi ước tính, một ngày dừng sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh sẽ giảm ít nhất 3.600 tỉ đồng từ giá trị sản xuất công nghiệp, chưa kể còn thương mại, dịch vụ và nhiều thứ khác, thì con số thiệt hại còn lớn hơn.

Còn nếu tính so với % của GRDP, mỗi ngày như vậy chúng ta sẽ giảm độ khoảng 0,2% GRDP, thì chỉ cần 1 tháng thôi đã mất 6% GRDP rồi. Và cũng chưa ai khẳng định chắc chắn, đóng cửa như thế thì sau 14 ngày hoặc 21 ngày, có hết được dịch không. 

Điều đó là bài toán hết sức là cân não và đặc biệt chưa ai khẳng định, 21 ngày có hết dịch đi chăng nữa, chúng ta mở cửa lại nền kinh tế, liệu các doanh nghiệp còn đủ sức chịu đựng không, bao nhiêu đơn hàng, chuỗi sản xuất của họ bị gián đoạn như vậy. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cũng như là phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh mà còn ảnh hưởng tới quy mô sản xuất công nghiệp của cả nước.

Vì sao chỉ cần đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế 1 ngày, Bắc Ninh lại mất tới 3.600 tỉ đồng, thưa bà?

- Bởi vì Bắc Ninh là một trong những tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu cả nước với sản lượng ước đạt 1,1- 1,4 triệu tỷ đồng mỗi năm; kim ngạch xuất -nhập khẩu cũng đứng trong tốp đầu của cả nước, ước 70 tỷ USD/năm, thì có thể nói đây là một tác động vô cùng lớn.

Chính vì vậy, cũng có ý kiến lúc đó cũng đặt ra, đặc biệt người lao động, người dân chưa hiểu, bảo tại sao không đóng luôn đi, tại sao cứ cho công nhân đi làm như thế này. Đứng trước những thực tế như vậy, chúng tôi rất áp lực, phải rất cân não với nhiều cuộc họp đến nửa đêm và cuối cùng thống nhất phương án: Vừa tập trung chống dịch, vừa mở cửa sản xuất nhưng phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng chống dịch.


img
img

Ảnh bìa trái: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao tặng phần quà giúp Bắc Ninh chống dịch. Ảnh bìa phải: Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan báo cáo với Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân về công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Bắc Ninh.



Sau khi báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid- 19, tính toán các phương án để thực hiện "mục tiêu kép", tức vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Bắc Ninh đã đề xuất phương án từ ngày 2/6, doanh nghiệp nếu đủ điều kiện sẽ tiếp tục làm việc theo cách "đặc biệt", "phân tán, chia sẻ rủi ro" lây lan dịch khi người lao động hàng ngày đi lại giữa cộng đồng và doanh nghiệp; doanh nghiệp sẽ giãn bớt người lao động, bố trí người lao động ăn, ở và làm việc ngay tại nhà máy để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và vẫn duy trì sản xuất.

Đến nay, mặc dù vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, nhưng về cơ bản dịch đã được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động trên cơ sở đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19 của trung ương và các quy định của tỉnh, đảm bảo chuỗi sản xuất, duy trì việc làm cho hàng trăm nghìn công nhân, người lao động trong các KCN, đồng thời giảm bớt nguy cơ lây lan dịch từ cộng đồng vào khu công nghiệp, giúp nhanh chóng truy vết, bao vây phong tỏa, dập dịch, ổn định tình hình khôi phục sản xuất.


Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan: "Nếu 'đóng băng' để chống dịch, mỗi ngày Bắc Ninh thiệt hại 3.600 tỉ đồng" - Ảnh 9.

Trước sự bùng phát dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra những giải pháp cứng rắn, chưa có tiền lệ, đó là đưa công nhân vào lưu trú (vừa làm việc, vừa ăn ở tập trung tại nhà máy), với công nhân không đi làm thì ở lại nhà trọ "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Với cách làm này, tỉnh Bắc Ninh đã bước đầu khoanh vùng, dập dịch có hiệu quả đối với khu vực doanh nghiệp trong và ngoài các KCN?

- Tại sao lại có sáng kiến này? Chúng tôi nghĩ ngày xưa, trong thời chiến tranh, ông cha của chúng ta vẫn phải một tay cày, một tay súng. Lúc nào ngơi tay súng lại cầm tay cày, cho nên luôn luôn phải thực hiện hai công việc đấy, chứ không phải là dừng một cái này để làm cái kia. Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ tại sao chúng ta không học hỏi ông cha để có giải pháp vừa đảm bảo được mục tiêu phòng chống dịch, lại vừa đảm bảo sản xuất.


img
img

Để triển khai "mục tiêu kép", tỉnh Bắc Ninh đã có sáng kiến chưa có tiền lệ, đó là đưa các công nhân vào lưu trú tại nhà máy. Trong ảnh: Xét nghiệm Covid-19 cho công nhân của Công ty Samsung (ảnh trái); Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan kiểm tra khu lưu trú tại Công ty Goertek, KCN Quế Võ (ảnh phải). Ảnh: Khương Lực- BNP.

Trước khi triển khai phương án như vậy, chúng tôi đã gặp mặt một số doanh nghiệp lớn để lắng nghe ý kiến và xem tính khả thi của phương án này đến đâu, cũng có ý kiến của doanh nghiệp nói khó thực hiện do không đảm bảo cơ sở vật chất. Nhưng trong thời điểm này, chúng tôi xác định đó là phương án duy nhất, không còn phương án nào khác cả, không còn đường lùi, doanh nghiệp phải chọn một là đóng cửa, hai là vẫn sản xuất và đi làm.

Bởi nếu cứ để đi làm như bình thường thì có thể nói nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên địa bàn vô cùng lớn, thậm chí còn lớn hơn Bắc Giang rất nhiều, bởi vì số lượng công nhân của Bắc Ninh rất đông, tới cả gần nửa triệu người, mật độ lại lớn. Sau đó, phương án của tỉnh đưa ra rất được cộng đồng doanh nghiệp rất ủng hộ và chung tay để tìm các giải pháp, từ việc tổ chức xét nghiệm, đến việc tổ chức ăn, ở cho công nhân, rồi đến các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các điều kiện đảm bảo, rồi việc giãn số lượng công nhân lao động ra. Những việc này cũng đã được tiến hành trong thời gian vừa qua và bắt đầu từ 2/6, tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện việc này.


Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan: "Nếu 'đóng băng' để chống dịch, mỗi ngày Bắc Ninh thiệt hại 3.600 tỉ đồng" - Ảnh 11.


Cũng chính vì áp dụng biện pháp đó, mà vừa qua khi phát hiện 7 công nhân dương tính sau khi đã được xét nghiệm sàng lọc âm tính trước đó ở Công ty AAC (KCN Quế Võ), chúng tôi đã ngay lập tức khoanh gọn được ổ dịch, đó là ở phân xưởng A của công ty này, còn phân xưởng B, C vẫn tiếp tục sản xuất. Giả sử, 7 công nhân kia vẫn còn ở ngoài cộng đồng, không tập trung lưu trú ở nhà máy, thì chưa thể biết mức độ lây lan dịch bệnh bây giờ như thế nào, có thể sẽ lây lan ra cộng đồng, rồi từ công ty này sang công ty khác.

Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng tổ chức 40 đoàn công tác để xuống hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm việc trong các khu, cụm công nghiệp về việc triển khai thực hiện giải pháp này với quan điểm kiên quyết chỉ để cho những doanh nghiệp nào đủ điều kiện, mới cho sản xuất để làm sao phải đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp.

Đây cũng là phương án tối ưu nhất trong bối cảnh hiện nay để thực hiện mục tiêu kép – vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất với điều kiện chúng ta phải làm tốt phần chống dịch trong doanh nghiệp và làm tốt phần chống dịch trong cộng đồng. Chúng tôi chia ra để tập trung những hướng xử lý.

img
img
img

Quy mô sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh thuộc tốp dẫn đầu cả nước hiện nay.


Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan: "Nếu 'đóng băng' để chống dịch, mỗi ngày Bắc Ninh thiệt hại 3.600 tỉ đồng" - Ảnh 12.

Vậy đến nay, công tác chăm lo hậu cần cho hàng trăm nghìn công nhân đang còn lưu trú ở tỉnh đang được giải quyết thế nào. Cũng như Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh chọn giải pháp giữ công nhân lại để bảo vệ và giữ dịch không lây lan ra các địa phương khác. Khi chọn giải pháp đó, Bắc Ninh muốn nhắn nhủ gì đến dư luận và nhân dân cả nước?

- Việc phòng tránh nhiễm dịch cho các "thành trì" trọng yếu có nguy cơ trở thành ổ dịch, đặc biệt là các khu công nghiệp có nhiều công nhân là điều đầu tiên mà chúng tôi nghĩ đến và đặc biệt quan tâm. Có thể nói, khi tỉnh quyết định giữ toàn bộ công nhân lại để bảo vệ và giữ dịch không lây lan ra các địa phương khác chính là giải pháp mạnh nhằm góp phần khống chế dịch hiệu quả nhất và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của tỉnh Bắc Ninh đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng như người lao động, trách nhiệm trong phòng chống dịch đối với cả nước nói chung và trên thực tế, hầu như Bắc Ninh không để phát sinh nguồn lây từ tỉnh ra các địa phương khác thành các cụm, ổ dịch lớn.

img
img

Tất cả các công nhân trong vùng phong tỏa đều được Tổ Covid cộng đồng đưa hàng hóa đến tận nhà trọ thay vì phải đi mua hàng hóa.

Để thực hiện phương án chăm lo cho công nhân, Lãnh đạo Tỉnh đã có thư gửi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid 19 trong tỉnh nhằm động viên, biểu dương tinh thần trách nhiệm của các cấp các ngành, các lực lượng; đồng thời kêu gọi, phát động toàn dân tham gia chung sức phòng chống dịch với tinh thần đoàn kết, thống nhất, tương thân, tương ái quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.

Có thể nói, đối với việc vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân nói chung, trong đó có công nhân lao động và trong công nhân lao động lại có công nhân lao động ngoại tỉnh cũng là một trong những nhiệm vụ trong thời gian vừa qua tỉnh rất quan tâm. Đến thời điểm này, chúng tôi đã hỗ trợ được hơn 1.000 tấn gạo và các nhu yếu phẩm cho các địa phương để chống dịch. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện đã có những hỗ trợ thiết thực cho nhân dân và người lao động tại các khu vực phong tỏa, cách ly.

Tại tỉnh Bắc Giang, có tổ chức các "siêu thị 0 đồng" để hỗ trợ công nhân tại các vùng phong tỏa hoặc phải nghỉ sản xuất. Vì sao Bắc Ninh không có "siêu thị 0 đồng", thưa bà?

- Tỉnh Bắc Ninh có một điểm khác với tỉnh Bắc Giang, đó là chúng ta không tổ chức siêu thị 0 đồng. Lý do tại sao, chúng tôi không tổ chức siêu thị 0 đồng?, bởi với nguy cơ cao của đợt dịch lần này, nếu lập các siêu thị 0 đồng, thì công nhân lại di chuyển, tập trung, thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao hơn.

Vì thế, một mặt để đảm bảo an toàn cho công nhân, lao động ở các khu nhà trọ, chúng tôi yêu cầu các công nhân phải ở tại phòng, mặt khác tất cả các việc từ mua bán, đến nhận hỗ trợ, sẽ thông qua tổ Covid cộng đồng và các lực lượng chuyên ngành của địa phương hỗ trợ cho công nhân lao động, theo đó công nhân cần gì mua sắm gì cứ ghi chép lại để chủ nhà tổng hợp và tổ Covid cộng đồng sẽ mang đến từng khu nhà trọ để giao hàng.

Có thể nói trong thời gian vừa qua, với sự tham gia chung của hệ thống chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và đặc biệt có sự tham gia, ủng hộ rất nhiệt tình, chu đáo của các tổ chức, các cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn tỉnh Bắc Ninh quan tâm rất nhiều. Chính vì vậy, đời sống của công nhân lao động trong thời gian bị cách ly, phong tỏa mặc dù không được như thời gian đang đi làm, nhưng có thể nói cơ bản đã ổn định.


Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan: "Nếu 'đóng băng' để chống dịch, mỗi ngày Bắc Ninh thiệt hại 3.600 tỉ đồng" - Ảnh 14.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan: "Nếu 'đóng băng' để chống dịch, mỗi ngày Bắc Ninh thiệt hại 3.600 tỉ đồng" - Ảnh 15.

Ngày 8/6, đã có 3 thôn đầu tiên của xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành được gỡ bỏ phong tỏa, đánh dấu mốc thành công bước đầu trong chiến dịch dập dịch Covid-19 trên địa bàn huyện nóng nhất về dịch lần này. Bắc Ninh đã có hướng sẽ gỡ bỏ phong tỏa 58 thôn tại Thuận Thành, vậy việc gỡ bỏ phong tỏa này đang rất được bà con mong chờ để cuộc sống dần trở lại bình thường. Tới đây, lộ trình sẽ được thực hiện ra sao, thưa bà?

- Trong công tác phòng chống dịch lần này, chúng tôi có kế hoạch riêng cho từng địa bàn, huyện này khác với huyện kia, xã này khác với xã kia, thôn này khác với thôn kia, rất chi tiết, cụ thể. Thuận Thành có phương án của Thuận Thành, thành phố thì có kế hoạch của thành phố, Quế Võ có kế hoạch của Quế Võ.


Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan: "Nếu 'đóng băng' để chống dịch, mỗi ngày Bắc Ninh thiệt hại 3.600 tỉ đồng" - Ảnh 16.

Người dân tại một số thôn của xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành vui mừng khi được dỡ bỏ phong tỏa vào 0 giờ ngày 9/6 vừa qua.

Trong đó, có một nguyên tắc riêng, đó là chia đối tượng để làm sao tập trung rà soát, xét nghiệm, ví dụ Thuận Thành trước thời điểm chúng ta xét nghiệm tập trung, có những nơi xét nghiệm lần thứ 4, thứ 5, sang cả lần thứ 6. Nhưng vì không thể rà soát được tổng thể, nên vẫn lọt những trường hợp bị nhiễm là những người chưa được xét nghiệm. Chỉ tính riêng trong đợt bùng phát dịch lần này, Bắc Ninh đã tiến hành lấy hơn 900.000 mẫu để xét nghiệm, một con số kỷ lục từ trước đến nay, có những địa bàn như ở Thuận Thành thậm chí còn được lấy mẫu xét nghiệm đến tận lần thứ 6.


img
img

Bà Đào Hồng Lan cho biết: "Ngay khi chưa có ca lây nhiễm Covid-19 nào trong các khu công nghiệp, tôi đã xuống KCN VSIP để kiểm tra và giao nhiệm vụ phải phòng chống dịch tại đây và coi đó như các "pháo đài" về phòng chống dịch".

Do đó, đợt này chúng tôi sẽ thay đổi chiến thuật, đó là triển khai một đợt "tổng tấn công" để làm sao tổng rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ cao. Cụ thể, chia ra theo các mức độ, đối với các vùng trong 7 ngày qua vẫn có ca F0, sẽ tiến hành xét nghiệm sàng lọc 3 lần cho toàn bộ người dân khu vực đó vào ngày 1, ngày 4 và ngày 7; đối với khu vực từ 8-14 ngày trở lên vẫn có ca F0, tiến hành xét nghiệm sàng lọc 2 lần vào ngày 1 và 4, còn đối với khu vực 21 ngày trở lên không có ca nhiễm, sẽ xét nghiệm 1 lần duy nhất. Trên cơ sở đánh giá rất kỹ lưỡng tình hình từng thôn, từng xã để có giải pháp phù hợp với từng địa bàn.

Từ đó, sẽ đưa ra phương án gỡ bỏ phù hợp, làm sao vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo cuộc sống của người dân và những giải pháp đưa ra phải đảm bảo tính bền vững. Chính vì vậy, ngày 8/6, có 3 thôn của Xuân Lâm được gỡ bỏ và tới đây, sau khi thống nhất với Bộ Y tế, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát và dựa trên kết quả xét nghiệm của từng đơn vị, nếu không có ca nhiễm mới nào, được đánh giá an toàn, thì địa bàn đó sẽ lập tức được tháo dỡ phong tỏa.

Cụ thể, đến 0 giờ ngày 11/6, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành một loạt quyết định về nới lỏng giãn cách xã hội đối với một số địa bàn sau khi xét nghiệm diện rộng và không phát hiện thêm các ca bệnh mới. Như toàn bộ địa bàn huyện Yên Phong, tỉnh đã thay đổi biện pháp giãn cách từ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ xuống Chỉ thị 15; hạ giãn cách xã hội từ Chỉ thị 15 xuống Chỉ thị 19 đối với toàn bộ huyện Lương Tài; 14 thôn ở huyện Thuận Thành đã được dỡ bỏ phong tỏa; một số xã của huyện Thuận Thành, Tiên Du cũng được nới nỏng giãn cách xã hội từ Chỉ thị 15 xuống Chỉ thị 19. 

Nói thật, bà con trong vùng phong tỏa sốt ruột, nhưng bản thân tôi cũng còn sốt ruột hơn, ngày nào cũng đợi kết quả chạy mẫu, mỗi khi bên CDC báo kết quả về lại rất hồi hộp, chờ từng giây, từng phút một, bởi những kết quả đó sẽ quyết định mang tính chất sống còn cho từng địa bàn một.

Ngoài Thuận Thành, tại thành phố Bắc Ninh chúng tôi cũng áp dụng biện pháp, kiểm soát đến đâu, tháo dỡ đến đó, tiến hành các bước tiếp theo, chúng tôi sẽ tập trung cùng đồng thời vào làm ở địa bàn huyện Quế Võ, Yên Phong và những địa phương khác.

img
img
img

Được biết, với diễn biến như hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang đặt mục tiêu từ 10-15 ngày tới sẽ cơ bản khống chế, dập được dịch. Bà có kỳ vọng gì về mốc này?

- Đối với địa bàn huyện Thuận Thành, chúng tôi hy vọng còn sớm hơn. Ngày 7/6, Thuận Thành đã ghi nhận không có ca nào nhiễm Covid-19 lần đầu tiên sau 1 tháng. Cơ bản những chỗ nào còn nguy cơ cao thì chúng ta phong tỏa diện hẹp xuống, còn lại tháo dỡ dần để cho bà con có cuộc sống bình thường, đảm bảo sản xuất.


Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan: "Nếu 'đóng băng' để chống dịch, mỗi ngày Bắc Ninh thiệt hại 3.600 tỉ đồng" - Ảnh 18.

Bắc Ninh là địa phương thu hút đầu tư rất lớn, nếu không có dịch, dự kiến tháng 5/2021, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Qua đợt dịch Covid-19, Bắc Ninh đã thể hiện luôn đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Vậy sau dịch, tỉnh sẽ có những cơ chế, chính sách gì để khôi phục sản xuất và tạo một môi trường đầu tư thuận lợi, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước?

- Ngay từ bây giờ, chúng tôi đã tính tới các phương án khôi phục lại sản xuất. Việc đầu tiên là, cùng ngành y tế đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch từ cộng đồng tới doanh nghiệp, để không chỉ có đợt dịch này, mà nếu xảy ra các đợt dịch khác sẽ có những kinh nghiệm đối phó. Phải nói khi trải qua một lần như thế này (dù không mong muốn), cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp đã thu rất nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch và đến nay, chúng tôi đã yên tâm hơn về việc phòng chống dịch của mình.

Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh vẫn đang tập trung toàn lực cho công tác phòng chống dịch, đảm bảo khôi phục và phát triển kinh tế, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp. Ngay khi tình hình dịch bệnh ở tỉnh được kiểm soát tốt, không phát sinh ổ dịch mới và các ca nhiễm ngoài cộng đồng, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiến hành đánh giá, báo cáo tác động của dịch bệnh với nền kinh tế, từ đó đề ra "kịch bản" các giải pháp phù hợp và hiệu quả khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể như sau:

- Duy trì, thực hiện tốt các kế hoạch, biện pháp phòng, chống dịch, triển khai tiêm Vaccine cộng đồng (trong đó ưu tiên tiêm trước cho đối tượng công nhân tại KCN) để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh là giải pháp quan trọng, quyết định.

- Tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân và cộng đồng thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, không chủ quan, lơ là mất cảnh giác.

- Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, ổn định lao động vì sau dịch sẽ có hiện tượng thiếu lao động.

- Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân theo gói hỗ trợ của Chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng dịch bệnh. Trong đó, thành lập các tổ công tác quan tâm giải quyết những đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp đảm bảo kế hoạch sản xuất, hợp đồng đã ký kết,…; các Sở, ban, ngành cắt giảm thủ tục, thời gian tiếp nhận giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp và người dân.


Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan: Nếu đóng băng nền kinh tế để chống dịch dễ cho chúng tôi, nhưng mỗi ngày - Ảnh 13.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan tiếp đại sứ Hàn Quốc và thông báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 của địa phương. Đến nay, các nhà đầu tư của Hàn Quốc đánh giá rất cao và phối hợp triển khai các chủ trương, kế hoạch phòng chống dịch của tỉnh Bắc Ninh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh địa phương nhằm tạo môi trường đầu tư thu hút cho các doanh nghiệp. Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2021, gặp gỡ lắng nghe ý kiến, kiến nghị của donah nghiệp; tích cực giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp mới được thiết lập; thu hút đầu tư dự án.

Mặt khác, tỉnh sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp để làm sao hỗ trợ việc kết nối cung- cầu lao động, đảm bảo lao động cho các doanh nghiệp. Bởi vì do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng lao động của các doanh nghiệp cũng có những biến động.

Tỉnh sẽ tập trung các phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, thành lập các tổ để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong doanh nghiệp. Khi Chính phủ ban hành các gói hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp cũng như người lao động, chúng tôi sẽ nhanh chóng triển khai.

Chúng tôi nghĩ rằng, qua dịch Covid-19, cũng thấy sự cam kết, đồng hành cùng với doanh nghiệp, người lao động của tỉnh Bắc Ninh có thể nói không chỉ ở trên giấy mà có thể nói rất mạnh mẽ, ngay cả trong bối cảnh khó khăn như thời gian vừa qua, Bắc Ninh luôn tìm ra giải pháp, phương án tối ưu nhất để cùng doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động. Tôi nghĩ đây là hàng loạt việc chúng ta phải tiến hành trong thời gian tới.

Đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thời gian qua đến Bắc Ninh để chia sẻ, hỗ trợ cùng tỉnh phòng chống và vượt qua đại dịch, thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Qua những nghĩa cử như thế, đã giúp Bắc Ninh thế nào trong công tác phòng chống dịch, thưa bà?

- Có thể khẳng định đến nay tỉnh Bắc Ninh đã đạt được thành công bước đầu trong công tác chống dịch Covid-19, các ổ dịch cơ bản được khống chế, nhiều địa phương qua 14 ngày không phát sinh ca nhiễm mới, Lương Tài đã qua 23 ngày, khu vực cách ly y tế dần thu hẹp;… thành công bước đầu đó có được là nhờ vào sự vào cuộc, sự chung tay của toàn xã hội và sự đồng lòng, quyết tâm của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đặc biệt, công cuộc phòng chống dịch không thể thành công nếu như không có sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cúa Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid- 19, của các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương, sự vào cuộc tích cực của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên khắp cả nước đã kịp thời chia sẻ, hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần cho tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua. 

Đây không chỉ là sự tiếp nối truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, mà còn góp phần tiếp thêm động lực, sức mạnh cùng Đảng bộ, chính quyền, MTTQ tỉnh Bắc Ninh có thêm nguồn lực để cùng chung sức, đồng lòng sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, cũng như toàn thể nhân dân tỉnh Bắc Ninh, tôi xin được trân trọng cám ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, các Bộ, Ban, ngành Trung ước, các, địa phương; trân trọng cảm ơn tấm lòng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã dành cho tỉnh Bắc Ninh. 

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết một lòng của cộng đồng lúc này chính là sức mạnh để chúng ta ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Khi đối diện với những khó khăn vất vả, những thử thách do dịch bệnh gây ra, sự chia sẻ của cộng đồng vẫn luôn là điều đáng trân trọng nhất.

Xin trân trọng cảm ơn Bà về cuộc trao đổi này!.

Nội dung: Lê Hân - Khương Lực

Media: Nguyễn Chương


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem