Cách Hà Nội 80km, một làng nghề đan đó 200 tuổi ở Hưng Yên nay chỉ còn thưa thớt người làm

Thứ tư, ngày 15/11/2023 10:15 AM (GMT+7)
Hơn 2 thế kỷ trước, nghề đan đó là nghề “xương sống”, đem lại thu nhập chính cho người dân tại Thủ Sỹ (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). Đến nay, chỉ còn ít người bám trụ với nghề đan , tuy vậy người dân nơi đây vẫn giữ được nghề như một nét đẹp cổ kính của người nông dân Bắc Bộ.

Xã Thủ Sỹ (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) từ lâu đã trở thành làng nghề truyền thống về đan đó.

Hơn 2 thế kỷ trước, nghề đan đó là nghề “xương sống”, đem lại thu nhập chính cho người dân trong làng. Đến nay, chỉ còn ít người bám trụ với nghề, tuy vậy người dân nơi đây vẫn giữ được “tiếng nghề” như một nét đẹp cổ kính của người nông dân Bắc Bộ.

Thủ Sỹ hiện có khoảng 500 người dân làm nghề đan đó, rọ tập trung chủ yếu ở hai thôn Tất Viên và Nội Lăng. Nghề làm đó có từ thời tiền sử khi cuộc sống gắn liền mật thiết với việc mưu sinh của người dân. Trải qua bao nhiêu năm thăng trầm, nghề đan đó ngự trị một thời nay đã dần mai một. 

Cận cảnh làng nghề đan đó 200 tuổi nằm sát vách Hà Nội - Ảnh 1.

Về thôn Tất Viên, xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, (tỉnh Hưng Yên) tìm đến nhà cụ Lương Sơn Bạc, dù đã hơn tuổi “bát tuần”, cụ vẫn lưu giữ lại nét đẹp riêng của nghề đan đó. Ngôi nhà cấp bốn xưa được cụ phơi những chiếc đó đã được hun khói, những chiếc rọ, đó, nơm, giỏ được xếp gọn gàng dưới sân.

Cận cảnh làng nghề đan đó 200 tuổi nằm sát vách Hà Nội - Ảnh 2.

Đó có hình bầu dục, phía đuôi nhọn, miệng nhỏ tròn là dụng cụ để đánh bắt cá, tôm. Ngoài đan đó, người dân làng Thủ sỹ còn đan các vật dụng như rọ, lờ, giỏ.

Cận cảnh làng nghề đan đó 200 tuổi nằm sát vách Hà Nội - Ảnh 3.

Giữa những chùm đó treo lơ lửng trên dây phơi và những chùm lờ, giỏ xếp ngay ngắn giữa sân, hai cụ bà nhà hàng xóm cũng ôm theo bó nan cùng chiếc đó còn dang dở sang ngồi cùng. Cụ Lập và cụ Bạc vừa trò chuyện, tay vừa tỉ mỉ đan từng chiếc đó.

Cận cảnh làng nghề đan đó 200 tuổi nằm sát vách Hà Nội - Ảnh 4.

Khi được hỏi về nguyên liệu làm đó, cụ Lương Sơn Bạc cho biết, để tạo ra một chiếc đó bền đẹp, ngoài việc chuẩn bị nguyên liệu còn cần phải có kỹ thuật đan kỳ công, khéo léo, phối hợp nhiều công đoạn. Nguyên liệu làm đó, rọ chủ yếu từ tre, nứa già được đặt về. Đầu tiên người đan phải khéo léo chẻ nhiều loại nan khác nhau phục vụ cho việc đan đó và rọ. Chẻ nan xong, vấn thành một vòng tròn rồi bắt đầu đan từ dưới lên. Trong quá trình đan, dễ nhất là đan phía hom miệng đó, khó nhất là đan phía cạp, vành miệng và phía đuôi.

Cận cảnh làng nghề đan đó 200 tuổi nằm sát vách Hà Nội - Ảnh 5.

Để đó trở nên đẹp và bền, người dân thường treo lên gác bếp để tránh mối mọt, khi có khói ám vào, thời gian sau, đó, rọ sẽ lên màu đậm hơn.

Cận cảnh làng nghề đan đó 200 tuổi nằm sát vách Hà Nội - Ảnh 6.

Những chiếc lọ được thắt lại xếp ngay ngắn dưới sân.

Cận cảnh làng nghề đan đó 200 tuổi nằm sát vách Hà Nội - Ảnh 7.

Nhiều công đoạn tỉ mỉ nên việc hoàn thành một chiếc đó người thợ sẽ phải ngồi làm liên tục trong 1 giờ. Một chiếc đó được hun khói thành màu nâu được bán khoảng 30.000 - 40.000/ chiếc. Với đó trắng chưa hun khói sẽ có giá khoảng 20.000 - 25.000 đồng/ chiếc. “Nhưng hiện nay, để bán được một chiếc đó, rọ cho dân bắt cá rất khó, hầu hết người mua chủ yếu đặt mua từ trước để trang trí quán, cửa hàng”, cụ Bạc nói.

Cận cảnh làng nghề đan đó 200 tuổi nằm sát vách Hà Nội - Ảnh 8.

Đan đó giờ đây là niềm vui của các cụ ông, cụ bà trong làng Tất Viên, xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) mỗi khi rảnh rỗi. Tiên Lữ là một huyện cách Hà Nội 80km.

Cận cảnh làng nghề đan đó 200 tuổi nằm sát vách Hà Nội - Ảnh 9.

Cụ Phạm Thị Lập (91 tuổi), cụ được học làm đó từ khi còn nhỏ, dù tuổi cao nhưng hàng ngày cụ vẫn tay đan, tay xỏ tạo nên những chiếc đó, chiếc rọ đẹp.

Cận cảnh làng nghề đan đó 200 tuổi nằm sát vách Hà Nội - Ảnh 10.

Cụ Bạc từng đạp xe đi khắp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đến Thái Bình, Nam Định để bán đó, cụ nuôi 9 người con ăn học, giờ đây con cụ đều có công việc ổn định. Chiếc xe đạp cụ sử dụng thời còn trẻ giờ được cụ gắn những chùm đó giữ lại như kỷ niệm một thời mưu sinh.

Cận cảnh làng nghề đan đó 200 tuổi nằm sát vách Hà Nội - Ảnh 11.

Nghề đan đó Thủ Sỹ tuy không còn là nghề thu nhập chính nhưng người dân đã biến nơi đây thành điểm du lịch làng nghề đầy thú vị. Người đến đây không chỉ có các nhiếp ảnh gia sáng tác ảnh mà còn là những người trẻ thích trải nghiệm với công việc truyền thống này.

Cận cảnh làng nghề đan đó 200 tuổi nằm sát vách Hà Nội - Ảnh 12.

Chỉ còn ít người bám trụ với nghề, tuy vậy người dân nơi đây vẫn giữ được “tiếng nghề” như một nét đẹp cổ kính của người nông dân Bắc Bộ.

 

Lương Hiền
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem