Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đầu tư 36.000 tỷ đồng có quy mô thế nào?

Ngọc Thạch Thứ năm, ngày 09/01/2025 19:04 PM (GMT+7)
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dài 123 km, quy mô 4 làn xe, với tổng mức đầu tư khoảng 36.000 tỷ đồng đang được Bộ Giao thông Vận tải cùng các tỉnh liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Bình luận 0

Ngày 9/1, theo nguồn tin PV Báo Dân Việt, hai tỉnh Bình Định và Gia Lai đang tăng tốc chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku thuộc hành lang Đông - Tây, có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Đặc biệt, đây là tuyến kết nối trong khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia.

Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đầu tư 36.000 tỷ đồng có quy mô thế nào?- Ảnh 1.

Quốc lộ 19 là tuyến đường duy nhất nối hai tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có điểm đầu tại cảng Nhơn Hội, Bình Định, điểm cuối tại tại thành phố Pleiku, Gia Lai. Chiều dài dự kiến khoảng 180 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Định có đề xuất điều chỉnh phạm vi quy hoạch tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, qua rà soát, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku trong hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ, theo đó điểm đầu tuyến cao tốc tại thị xã An Nhơn, Bình Định, điểm cuối tại thành phố Pleiku, Gia Lai. 

Theo đó, tổng chiều dài rút ngắn từ 143,2 km xuống còn 123 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Tại buổi làm việc cùng Tổng Bí Thư Tô Lâm tại tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, Chính Phủ đã giao hai tỉnh Gia Lai và Bình Định làm chủ đầu tư dự án này. Để đẩy nhanh tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng được tách riêng thành dự án riêng, do địa phương đảm nhiệm.

Ông cũng yêu cầu hai tỉnh cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thúc đẩy kinh tế tư nhân và đảm bảo tiến độ dự án.

Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đầu tư 36.000 tỷ đồng có quy mô thế nào?- Ảnh 2.

Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đầu tư 36.000 tỷ đồng có quy mô thế nào?- Ảnh 3.

Quốc lộ 19 hư hỏng nặng, đang được nâng cấp sửa chữa.

Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế, chính sách bố trí đủ ngân sách nhà nước để ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, liên kết vùng, trong đó có tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Đồng thời, ông cũng đề nghị Chính phủ ủng hộ chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ PPP sang đầu tư công như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải. Bên cạnh đó, ông Hồ Văn Niên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện hồ sơ đầu tư, để dự án có thể khởi công trước tháng 8/2025.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, tỉnh Gia Lai và Tây Nguyên không thể phát triển một mình mà phải gắn với các trục tăng trưởng khu vực duyên hải. Do đó, cần sớm đầu tư các trục ngang kéo Tây Nguyên về với biển, trong đó có tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Về dự án này, ông Dũng cho hay Chính phủ thống nhất chuyển sang đầu tư công. Nếu có nguồn vượt thu trong năm 2025 sẽ bố trí làm ngay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem