Cô giáo vùng sâu giúp trò nghèo thoát hủ tục tảo hôn - Ảnh 1.

Một buổi trưa trong tháng 11 - tháng Hiến chương các nhà giáo, chúng tôi ghé thăm Trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk (Đắk Lắk). Ngôi trường có truyền thống 20 năm trở thành nơi "gieo mầm tri thức" cho bao thế hệ học trò là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại địa phương. 

img
img
img

Cô giáo Hoàng Thị Bảy - giáo viên Trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk là giáo viên duy nhất của tỉnh Đắk Lắk được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ GDĐT, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức - Ảnh: NG


Lúc này, cô giáo Hoàng Thị Bảy - giáo viên Ngữ văn cũng vừa hoàn thành tiết dạy của mình. Cô Bảy tâm sự, buổi chiều lớp 9 (do cô chủ nhiệm và dạy môn Ngữ văn) có bài kiểm tra nên tranh thủ dặn dò các em ôn tập kỹ để hoàn thành tốt bài thi.

Chia sẻ cơ duyên gắn bó với vùng đất này, cô Bảy tâm tình, tất cả là chữ "Duyên". Quê cô Bảy ở miền biển Thái Thụy (Thái Bình). Thời chiến tranh, bố cô Bảy tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, còn mẹ là thanh niên xung phong hoạt động ở quê nhà. Khi hòa bình lập lại, bố cô nhận công tác tại huyện Lắk. Mẹ cô Bảy vẫn ở quê chăm lo cho 8 người con. Đến năm 1986, mẹ cô đưa các con vào huyện Lắk đoàn tụ với gia đình.

Cô Bảy nhớ lại thời mới đặt chân lên quê hương mới thiếu thốn đủ đường. Gia đình cô phải chạy ăn từng bữa. Người mẹ cùng anh trai cũng đi làm thuê để lo cái ăn cho gia đình. Vì hoàn cảnh quá cơ cực nên mấy chị em của cô giáo Bảy đều đến trường muộn hơn 1-2 năm so với bạn cùng trang lứa.

img
img

Cô giáo Hoàng Thị Bảy luôn dành thời gian quan tâm các em học sinh để cô trò gần nhau, hiểu nhau nhiều hơn. Ảnh: NG

Tận trong vất vả, khó khăn, cô giáo Bảy tự nhủ phải nỗ lực học tập, mong con chữ sẽ thay đổi cuộc đời. Những năm cấp 1, cô Bảy đã là học sinh giỏi, đi thi cấp tỉnh. Lên cấp 2, cô say mê viết lách. Cô tập tành làm làm thơ, viết tản văn và gửi tác phẩm đăng trên Hoa học trò, Báo Thiếu niên Tiền Phong… Ngoài đam mê môn Văn, cô Bảy còn yêu thích môn tiếng Anh. Tốt nghiệp THPT, cô Bảy chọn nghề "bụi phấn bám đầy tay".

Cô giáo vùng sâu giúp trò nghèo thoát hủ tục tảo hôn - Ảnh 4.

Ước mơ của cô đã trở thành hiện thực khi thi đậu vào Trường Đại học Quy Nhơn, chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn. Sau bốn năm miệt mài trên giảng đường, cô Bảy về quê, chính thức bước vào nghề "trồng người". Năm đầu chưa xin được việc chính thức, cô Bảy đi làm gia sư, dạy hợp đồng cho một số trường ở TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Rồi cơ hội đến, cô Bảy được về công tác tại Trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk (nơi cô lớn lên, trưởng thành). Thời gian đầu nhận nhiệm vụ, cô Bảy không khỏi lo lắng bởi đây là ngôi trường chuyên biệt với nhiệm vụ giáo dục là nuôi, dạy học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện. "Gần 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Mỗi em có hoàn cảnh riêng, phong tục đặc trưng, tiếng nói cũng khác nhau… Đó là điều tôi lo lắng nhất. Để hiểu các em hơn, tôi đăng ký học các lớp tiếng Ê đê, M'nông", cô Bảy chia sẻ và tâm sự thêm, mỗi lần đến trường nhìn những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của các em học sinh, cô được tiếp thêm nguồn động lực, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình.

Cô giáo vùng sâu giúp trò nghèo thoát hủ tục tảo hôn - Ảnh 3.

Cô giáo Hoàng Thị Bảy luôn coi học trò như những người con của mình. Ảnh: NG

Cô giáo vùng sâu giúp trò nghèo thoát hủ tục tảo hôn - Ảnh 6.

Dành thanh xuân cho mái Trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk, cô Bảy hóa thành "người lái đò" đưa nhiều thế hệ học sinh "cập bến" tri thức. Với cô, mỗi hàng cây ghế đá, từng căn phòng kí túc xá của học sinh đều in dấu những kỉ niệm trong suốt 16 năm gắn bó, giảng dạy cùng đồng nghiệp nơi đây.

"Có thời điểm tôi được cử đi học nên không đứng lớp giảng dạy. Tôi nhớ các em lắm. Có thời gian, tôi lại chạy về trường lên lớp, vào ký túc xá thăm các em, hỏi tình hình học tập, sinh hoạt, ăn uống và dành thời gian lắng nghe tâm tư của học trò", cô Bảy kể thêm.

Theo cô Bảy, các em học sinh đang là trẻ vị thành niên. Giai đoạn này các em cần một điểm tựa để đồng hành trong quá trình phát triển tâm sinh lý. Tuy nhiên do nhà xa, cả tháng các em mới về nhà thăm gia đình. Thấu hiểu điều này, cô Bảy và đồng nghiệp trong trường luôn dành thời gian quan tâm. Ngoài giờ lên lớp, cô trò lại cùng nhau trồng rau tăng gia sản xuất. Đây cũng là những khoảnh khắc để cô trò gần nhau, hiểu nhau nhiều hơn. "Tôi thường nói các em rằng, trên lớp là cô giáo-học trò. Nhưng sau giờ học, các em hãy xem tôi như người chị, người mẹ. Có khó khăn, tâm tư gì, các em cứ thổ lộ, tôi sẵn sàng lắng nghe, đồng hành, cùng nhau giải quyết", cô Bảy cho hay.

Khi tình thương đủ lớn, cô Bảy trở thành nơi bao thế hệ học trò trút bầu tâm sự, chia sẻ những điều thầm kín. Cô Bảy cho hay, có em kể về tình yêu mới lớn, chuyện gia đình… Ngay như trong lớp cô Bảy đang chủ nhiệm, có một nữ sinh tâm sự chuyện đang thích một bạn trai cùng lớp. Bằng kinh nghiệm của mình, cô Bảy khéo léo giúp nữ sinh hiểu về tình yêu tuổi học trò. Cách để các em nuôi dưỡng tình yêu đẹp bằng cách trở thành đôi bạn cùng tiến, cùng hiện thực hóa hoài bão tương lai của mình.

img
img

Có thời gian, cô giáo Hoàng Thị Bảy lại vào ký túc xá thăm học trò để thăm hỏi tình hình học tập, sinh hoạt, ăn uống và dành thời gian lắng nghe tâm tư của học trò. Ảnh: NG

Ngược về 5 năm trước, cô giáo Bảy đã giúp một nữ sinh lớp 8 thoát khỏi hủ tục tảo hôn. Đó là một nữ sinh lớp 8, người M'nông thuộc xã Đắk Phơi. "Em ấy là học sinh Khá của lớp nhưng bị bố mẹ bắt về để lấy nam thanh niên trong làng do gia đình chọn. Thậm chí, gia đình nữ sinh này đã cho thanh niên kia dọn về nhà mình ở. Tuy nhiên, nữ sinh này không muốn lấy chồng sớm. Biết được sự việc, tôi chạy xe máy xuống gia đình nữ sinh để thuyết phục. Tôi phải đi vào chiều tối thì mới gặp được bố mẹ em này. Tuyên truyền lần 1 chưa được, tôi lại tiếp tục lần 2, vừa giải thích cho họ hiểu cái khổ của điệp khúc luẩn quẩn nghèo đói bắt nguồn từ việc lập gia đình khi tuổi còn vị thành niên. 

Cô giáo vùng sâu giúp trò nghèo thoát hủ tục tảo hôn - Ảnh 8.

Điều này không chỉ dập tắt tương lai thay đổi cuộc đời của con trẻ mà còn vi phạm pháp luật. Kiên trì được thời gian, gia đình này mới thôi chuyện bắt con về lấy chồng. Nữ sinh này sau đó đã tốt nghiệp cấp 3. Bây giờ đang đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản và vẫn chưa lập gia đình. Hai cô trò còn giữ liên lạc, tôi hay động viên em cố gắng vì cuộc sống tốt hơn", cô Bảy kể lại.

Chưa hết, cách đây 4 năm cô Bảy cũng từng giúp em Y Nê Ka (nhà ở xã Nam Ka) thoát khỏi cảnh bị bố mẹ bắt nghỉ học để về nhà làm rẫy. Khi biết được chuyện này, cô Bảy cũng tìm mọi cách giải thích, tuyên truyền cho gia đình hiểu tầm quan trọng của việc cho con đi học. Theo cô Bảy, nhiều gia đình vùng sâu vì không có người làm rẫy nên bắt con phải nghỉ học để phụ gia đình. Họ nghĩ rằng "cái chữ không thể làm cho cái bụng họ no lúc này, nên họ mới bắt con lên rẫy". Hiểu được điều này, cô Bảy ân cần tuyên truyền, giúp họ nhận ra cái chữ rất quan trọng. Người có cái chữ sẽ biết cách làm ra nhiều lúa, bắp hơn bởi họ biết áp dụng khoa học vào sản xuất chứ không theo mãi lối mòn "con trâu đi trước, cái cày đi sau". Nhờ kiên trì vận động, gia đình đã đồng ý để Y Nê Ka học xong lớp 12.

img
img
img

Cô Hoàng Thị Bảy tâm sự, được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GDĐT, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức là động lực để cô tiếp tục sự nghiệp "trồng người". Ảnh: NG

Cô Bảy quan niệm, làm giáo viên ngoài trách nhiệm cần có tình yêu thương học trò. Đó là kim chỉ nam giúp cô luôn tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong suốt 16 năm làm "người lái đò". Cô Bảy tâm tư: "Dạy học là một nghề khó và đôi khi đem lại cho ta sự mệt mỏi, chán nản. Bởi không phải học sinh nào cũng ngoan, khiến lòng ta thêm nặng trĩu, đôi khi đến tức giận, bực mình".

Cô giáo vùng sâu giúp trò nghèo thoát hủ tục tảo hôn - Ảnh 10.

Những lúc như vậy, cô Bảy tự dằn lòng mình hãy yêu thương học trò như chính con ruột của mình, hãy làm bằng tình yêu thương thay vì bằng trách nhiệm. Ở trường, cô giáo Bảy vào nhiều vai trong một ngày, vừa là cô giáo, đôi khi vào vai người mẹ, có lúc tâm tình cùng học sinh như những người bạn, có khi hóa thành thầy thuốc chăm học sinh ốm, có lúc như chuyên gia tâm lý, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em. Tìm hiểu các em đang nghĩ gì, đang vui gì, và đang mơ ước những gì… và dạy bảo các em những điều chưa có trong sách vở hay giáo án.

Chia sẻ với PV Dân Việt, cô Nguyễn Thị Thuỳ Diễm - Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk cho biết, cô giáo Hoàng Thị Bảy luôn hoàn thành tốt công việc được giao, là người nhiệt huyết trong công việc và tận tâm với học trò. Không những thế, nhiều năm liền cô Bảy là giáo viên giỏi cấp huyện, nhiều năm liền được các cấp, ngành tặng bằng khen, giấy khen và các phần thưởng cao quý khác…

Là giáo viên duy nhất của tỉnh Đắk Lắk được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GDĐT, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức, cô Hoàng Thị Bảy tâm sự: "Tôi rất vui, xúc động, tự hào và cảm thấy mình may mắn hơn các đồng nghiệp khác. Đây là động lực để tôi tiếp tục sự nghiệp giảng dạy, là người chắp cánh giúp các em học sinh hiện thực hóa giấc mơ của mình".

“Chia sẻ cùng thầy cô” là chương trình thường niên do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhằm tuyên dương các thầy cô giáo có thành tích cao, có nghị lực vượt khó để mang tri thức đến với các thế hệ tương lai đất nước.

Năm nay là năm thứ 9 chương trình được tổ chức với nhiều điểm mới cả trên online lẫn offline và đang lan tỏa mạnh mẽ. Sau khi phát động chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023, Ban Tổ chức nhận được 105 hồ sơ hợp lệ. Hội đồng xét chọn gương giáo viên chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô năm" 2023 đã chọn ra gương 58 giáo viên tiêu biểu từ 47 tỉnh, thành phố để vinh danh vào dịp 20/11.

Lễ tuyên dương sẽ diễn ra vào ngày 17/11/2023 tại Thủ đô Hà Nội. Phần lớn các giáo viên được tuyên dương đều có thâm niên công tác trên 10 năm, có 11 cá nhân công tác từ 20 - 30 năm, có 2 giáo viên đã công tác trên 30 năm ở vùng dân tộc thiểu số. Người có số năm công tác nhiều nhất là cô giáo Nguyễn Thị Ngà (53 tuổi, quê Bình Định) có thâm niên công tác 32 năm 9 tháng. Người trẻ nhất là thầy Trần Lê Minh Chiến (Quảng Ngãi) và thầy Nguyễn Thanh Dương (Bình Dương) đều 27 tuổi.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem