Mặc dù vẫn biết rằng học thêm là do nhu cầu của từng học sinh nhưng ở Hà Nội hầu hết học sinh đều phải đi học thêm, thậm chí có em còn học kín tuần, kể cả chia ca học online đến nửa đêm.
Chị Nguyễn Lan Hương, một phụ huynh có con học lớp 3 và lớp 8 ở Hà Nội chia sẻ với PV báo Dân Việt: "Con càng lớn, tôi càng hiểu vì sao không ai dám đẻ nhiều con vì thực sự quá tốn kém. Ngay bản thân tôi có 2 con đang tuổi đi học nhưng số tiền chi cho việc học của con cũng hơn 10 triệu mỗi tháng, mặc dù con học trường công lập".
Chị Hương cho biết thêm, mặc dù nhu cầu học thêm là tự nguyện nhưng không đứa trẻ nào lại không đi học thêm. "Tôi không ham thành tích cao thấp, không cần con phải giỏi hơn bạn, tôi chỉ mong con đỗ vào trường cấp 3 gần nhà. Dù con mới học lớp 8 nhưng tôi đã rất căng thẳng, lo lắng. Nhà tôi không khá giả gì nên chỉ có mục tiêu cho con vào trường công lập để đỡ gánh nặng. Nhưng nếu muốn đỗ thì phải học ngày học đêm, học hết môn nọ đến môn kia.
Nhiều khi tôi nói với con hay là nghỉ bớt môn vì thấy cực quá vì hết ca này lại đến ca khác, cả 2 mẹ con đều vất vả, nhưng con không chịu. Cũng may con vẫn tham gia học thêm môn bóng rổ để cân bằng lại cuộc sống. Trẻ con ngày nay khổ thực sự".
Còn chị Lê Thu Hằng, có con đang học lớp 6 cũng cho biết con học kín tuần. Việc của bố mẹ là thay nhau đi đưa đón.
Theo chị Hằng, hiện tại con gái chị đang học thêm 2 lớp Toán, 1 lớp Văn và 1 lớp Tiếng Anh. "Tôi biết tự học sẽ tốt hơn cho con nhưng con tôi không tự học được ở nhà nên tối phải cho con đi học thêm. Chỉ cần không đi học thôi là kết quả thấp hẳn so với các bạn. Nhà nhà đi học thêm mà mình không cho con đi thì chắc chắn con sẽ thiệt thòi. Dù mỗi tháng tốn rất nhiều tiền nhưng tôi phải chấp nhận vì tương lai của con".
Có con đang học lớp 4, anh Trần Thanh Tùng chia sẻ: "Con tôi học thêm từ khi chưa vào lớp 1 nên cứ đều đặn ngoài giờ học trên lớp là con học thêm vào buổi tối hoặc cuối tuần. Nếu không học thêm, con tôi sẽ không theo kịp các bạn. Chung quy bố mẹ đi làm kiếm tiền cũng chỉ vì tương lai của con".
Lý giải nguyên nhân phụ huynh bắt con đi học thêm?
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" cho biết: "Việc học thêm không phải bây giờ mới xuất hiện. Ngày trước học sinh có học lực kém được các thầy cô phụ đạo, những học sinh giỏi được bồi dưỡng nâng cao. Sau này do yêu cầu của phụ huynhh, các thầy cô đã mở lớp học thêm nhận một nhóm nhỏ quen biết.
Tuy nhiên hiện nay việc học và dạy thêm phát triển quá nóng, học sinh học thêm ở cả ba cấp học, giáo viên coi đó là nguồn thu nhập chính. Nhu cầu học thêm là hoàn toàn chính đáng, có cung ắt có cầu. Người đứng lớp dạy thêm giờ không còn bó gọn là giáo viên, nhiều người chưa hề có bằng sư phạm vẫn mở lớp nên việc dạy và học thêm trăm hoa đua nở".
Nói thêm về nhu cầu cho con đi học thêm, Nhà giáo Vũ Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho rằng, ở bậc tiểu học, học sinh đã được thiết kế học 2 buổi/ngày, đảm bảo kiến thức, kỹ năng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên vẫn có một bộ phận cha mẹ học sinh mong muốn con được bồi dưỡng thêm kiến thức để đáp ứng đầu vào của các trường THCS chất lượng cao. Hoặc có phụ huynh bận rộn không có thời gian kiểm tra, hướng dẫn việc ôn tập, xem lại các nội dung kiến thức đã học trên lớp nên có nguyện vọng nhờ các thầy cô hỗ trợ. Đó là thực tế của cuộc sống, do đó phát sinh nhu cầu học thêm.
Nếu có nhu cầu, phụ huynh sẽ tìm cách nhờ giáo viên tổ chức dạy thêm để đáp ứng nên cấm sẽ không hiệu quả, gây khó khăn cho công tác quản lý. Do đó, cô Tuyết cho rằng, cần có quy định cụ thể về các trường hợp, điều kiện dạy thêm, học thêm để quản lý một cách chặt chẽ.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết: Mục tiêu của chương trình GDPT 2018, đó chính là phát triển năng lực toàn diện của học sinh. Thế nhưng giáo viên, cha mẹ học sinh vẫn tìm cách dạy, học thêm để nhồi nhét kiến thức. Nguyên nhân sâu xa việc học thêm của học sinh các cấp hiện nay là vì thi cử và tâm lý ganh đua, không muốn thua kém bạn bè của một số phụ huynh.
Ông Lâm cho rằng, ở bậc tiểu học, học sinh nhỏ tuổi và đã học 2 buổi/ngày nên không cần thiết phải học thêm các môn văn hoá dưới mọi hình thức. Với những học sinh yếu kém, nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm cử giáo viên bồi dưỡng miễn phí.
Đối với bậc THCS - THPT, học sinh có nhu cầu học thêm để phục vụ các kỳ thi vượt cấp, trường học thiết kế chương trình học đảm bảo nội dung, kiến thức để các em thi cử, tránh tình trạng giáo viên mẹo mực, giấu bài lôi kéo học sinh ra ngoài học thêm. Riêng kỳ thi vào THPT chuyên, các địa phương nên chăng tính toán phương án tuyển sinh mà không qua thi cử cũng sẽ giảm được tình trạng học thêm, luyện thi.
Theo TS Lâm, mục tiêu giáo dục phát triển năng lực toàn diện cho học sinh là giáo viên hướng dẫn cách học, học sinh tự học là chính. Bên cạnh đó, cần giảm lý thuyết, tăng cường hoạt động, tăng thực hành để hình thành kỹ năng. Phụ huynh cần phải tự nhận thức được điều đó để không tìm lớp học thêm cho con bằng mọi giá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.