Siết xét tuyển học bạ, chỉ tiêu xét tuyển sớm từ 2025: Có làm khó các trường?
Siết xét tuyển học bạ, chỉ tiêu xét tuyển sớm từ 2025: Có làm khó các trường?
Chủ nhật, ngày 24/11/2024 10:43 AM (GMT+7)
Theo dự thảo, dự kiến quy chế tuyển sinh năm 2025 Bộ GD&ĐT vừa công bố, sẽ có nhiều sửa đổi, bổ sung đáng chú ý, trong đó có nhiều thay đổi về việc tổ chức xét tuyển sớm của các cơ sở đào tạo.
Theo đó, chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo (trước đây thông tư số 08 chưa quy định việc này).
Mặt khác, dự thảo cũng đưa ra dự kiến nâng chuẩn đầu vào ngành Y và Sư phạm.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Sư phạm, Y khoa hay Răng Hàm Mặt phải có điểm học bạ lớp 10-12 đạt tốt trở lên, thay vì chỉ năm lớp 12 như hiện nay.
Cụ thể, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành này phải có kết quả học tập trong cả ba năm THPT từ mức tốt trở lên, hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên.
Một số ngành được áp dụng mức sàn thấp hơn là Giáo dục thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng và các ngành Điều Dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Thí sinh cần có kết quả học tập trong cả ba năm THPT từ khá hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 6,5 trở lên.
Hạn chế được một số nhược điểm năm 2024?
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, dự thảo đưa những nội dung đó là phù hợp.
Vì theo thầy Công, các thí sinh dự thi các ngành Sư phạm, Y dược mấy năm qua đều cần đảm bảo điểm thi cao, cao hơn nhiều mức sàn nên đương nhiên học bạ phải có điểm cao. Nếu học sinh có học bạ điểm mà thấp, trong khi đó điểm thi tốt nghiệp cao hơn nhiều là điều bất thường.
“Theo tôi, đánh giá quá trình thì toàn diện hơn”, thầy Công chia sẻ.
PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, dự kiến quy chế tuyển sinh năm 2025 mà bộ GD&ĐT vừa công bố có nhiều thay đổi về việc tổ chức xét tuyển sớm của các cơ sở đào tạo.
Theo thầy Lập, dự thảo có nhiều ưu điểm trong đó hạn chế được 1 phần nhược điểm so với quy chế tuyển sinh năm 2024 về tuyển sinh sớm, khống chế số % tuyển sinh sớm của mỗi trường, mỗi ngành.
Mặt khác, dự thảo đã thắt chặt hơn việc tuyển sinh trên cơ sở xét học bạ, như phải lấy kết quả học tập của thí sinh ở cả 3 năm học, tránh học kỳ cuối học sinh lơ là trong việc học hành.
Thêm nữa, các tổ hợp xét tuyển đặc biệt lưu ý đến 2 môn quan trọng đó là Toán và ngữ Văn, trọng số của môn này phải chiếm không dưới 1/3 trong tổ hợp 3 môn xét tuyển.
Ngoài ra, điểm trúng tuyển tất cả các hình thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển đều quy về một thang điểm thống nhất, dễ dàng cho việc so sánh giữa các phương thức xét tuyển.
Tuy nhiên, theo thầy Lập, dự thảo còn có những vấn đề còn phải bàn như quy định chỉ tiêu chỉ 20% cho xét tuyển sớm sẽ ảnh hưởng tuyển sinh đến các trường có thương hiệu.
Nếu quy định này được ban hành thì các trường phải thực hiện tuyển sinh sớm 20%, còn 80% họ sẽ tuyển tiếp theo như thế nào?
"Các trường sẽ tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng tôi cho rằng, các trường không muốn, vì đề thi tốt nghiệp độ phân hóa không cao, mà tuyển những 80% chỉ tiêu còn lại.
Ngoài ra, thầy Lập nói thêm, dự thảo vẫn để hình thức dùng kết quả điểm học bạ để xét tuyển, điều này sẽ mất công bằng. Vì ở thời điểm hiện tại, điểm học bạ không có chuẩn chung, mỗi nơi chấm một kiểu, do chất lượng có thể không phản ánh đúng chất lượng của người học.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.