Phó giáo sư trẻ nhất ngành Y 2024 đang là Phó khoa Trường ĐH Y Hà Nội: "Tôi xúc động, hạnh phúc"
Phó giáo sư trẻ nhất ngành Y 2024 đang là Phó khoa Trường ĐH Y Hà Nội: "Tôi xúc động, hạnh phúc"
Tào Nga
Thứ bảy, ngày 23/11/2024 06:55 AM (GMT+7)
Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024. Theo đó, TS Nguyễn Thị Ngọc Lan được công nhận Phó Giáo sư ngành Y học, đồng thời là một trong 13 nữ Phó giáo sư trẻ nhất năm.
Phó Giáo sư trẻ nhất ngành Y năm 2024: "Tôi vừa xúc động vừa hạnh phúc"
Chia sẻ với báo Dân Việt về cảm xúc sau khi nhận quyết định trở thành Phó Giáo sư trẻ nhất ngành Y năm 2024, PGS Nguyễn Thị Ngọc Lan kể lại: "Khi nhận được quyết định của Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn chức danh PGS trong lĩnh vực Y học năm 2024 là lúc tôi đang học tập và công tác tại Trường Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ. Cảm xúc của tôi khi đó thực sự là xúc động và hạnh phúc vì mình đã đạt được một mốc quan trọng trên con đường giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tôi thầm biết ơn vô cùng các thầy cô đã dìu dắt, giúp đỡ tôi và cảm ơn sự đồng hành của tất cả các thành viên trong nhóm nghiên cứu trong suốt thời gian qua".
PGS Nguyễn Ngọc Lan sinh năm 1985, quê ở thị trấn Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Bà được cấp bằng đại học loại Giỏi ngành Y học, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa năm 2009 tại Trường Đại học Y Hà Nội. Năm 2013, bà được cấp bằng thạc sĩ ngành Y học, chuyên ngành Hóa sinh Y học tại Trường Đại học Y Hà Nội. Bà nhận bằng Tiến sĩ năm 2020, cũng ngành Y học, chuyên ngành Hóa sinh Y học tại Trường Đại học Y Hà Nội.
Từ tháng 9/2023 đến nay, bà là giảng viên chính Bộ môn Hoá sinh, Trường Đại học Y Hà Nội, Phó trưởng Khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. 2 hướng nghiên cứu chính của PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan là Hóa sinh sinh học phân tử: Nghiên cứu các biến đổi gen tiềm năng ứng dụng trong chẩn đoán, dự phòng bệnh; Hóa sinh lâm sàng: Các dấu ấn sinh học, các chỉ số xét nghiệm hóa sinh trong chẩn đoán và điều trị bệnh và các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng xét nghiệm.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan đã nhận các bằng khen, danh hiệu như: Bằng khen của Bộ trưởng dành cho cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ, công tác năm học 2020-2021; Khen thưởng của Hiệu trưởng dành cho tác giả có bài báo IF cao nhất trong lĩnh vực Y học cơ sở năm 2021; Khen thưởng của Hiệu trưởng dành cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình đào tạo Sau đại học năm 2023...
PGS Nguyễn Ngọc Lan cho biết: "Làm khoa học đã khó vì đòi hỏi nhiều điều kiện chủ quan lẫn khách quan song một cán bộ nữ làm khoa học thì lại càng khó khăn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, với lòng đam mê, vượt khó, làm việc có khoa học và kế hoạch cụ thể trong một nhóm nghiên cứu mạnh thì tôi nghĩ rằng việc nghiên cứu khoa học không còn là quá khó nữa. Mỗi người trong nhóm nghiên cứu đều phát huy tối đa tính năng động, chia sẻ ý tưởng, tăng cường trao đổi, học hỏi lẫn nhau với các đồng nghiệp trong và ngoài nước là những bí quyết để dẫn đến thành công. Và điều đó thì không phân biệt người làm nghiên cứu là nam hay nữ".
Hành trình trở thành phó giáo sư trẻ nhất ngành Y năm 2024
Để có được thành tích ngày hôm nay là cả quá trình phấn đấu liên tục trong công tác giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học để đạt được các tiêu chuẩn PGS của Hội đồng Giáo sư Nhà nước của PGS Nguyễn Ngọc Lan.
PGS Lan chia sẻ, hoạt động nghiên cứu của bà được bắt đầu khi còn là sinh viên với đề tài khóa luận tốt nghiệp bác sĩ. Ngay sau khi được tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội, bà bắt tay ngay làm Thạc sĩ trong lĩnh vực gen di truyền.
"Tốt nghiệp thạc sĩ, tôi được GS.TS. Tạ Thành Văn - khi đó là Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Phó trưởng Bộ môn Hóa sinh giới thiệu đi học tại Viện công nghệ Kyoto (Nhật Bản) trong 3 tháng. Dù thời gian ngắn ngủi song kết quả nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp Nhật Bản đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành uy tín và tôi là đồng tác giả. Đây cũng là bài báo quốc tế đầu tiên trong sự nghiệp khoa học của tôi. Ngay sau khi về nước, tôi tham gia khóa đào tạo nghiên cứu sinh, chuyên ngành Hóa sinh và tham gia đề tài của quỹ Nafosted. Đây cũng chính là đề tài tôi thực hiện để bảo vệ học vị Nghiên cứu sinh.
Năm 2020, tôi được công nhận học vị Tiến sĩ, tại thời điểm đó tôi đã có kinh nghiệm làm nghiên cứu, triển khai nghiên cứu, tổ chức làm việc nhóm, hợp tác với các nhóm nghiên cứu trong và ngoài trường. Học vị Tiến sĩ đối với tôi như một nền tảng ban đầu đưa tôi vào một chặng đường mới của cuộc đời khoa học của mình.
Tôi có một vài kỷ niệm mà khi nhớ lại sẽ giúp tôi thêm động lực để vượt qua những khó khăn trước mắt. Tôi nhớ khi làm đề tài thạc sĩ thì con thứ nhất của tôi bắt đầu học mầm non, bạn ấy rất hay ốm, mỗi khi con ốm tôi lại phải xin nghỉ chăm sóc cháu, vì vậy thời gian nào cháu không ốm tôi thường tranh thủ các thí nghiệm cả buổi trưa để hoàn thành kế hoạch nghiên cứu đã đặt ra.
Rồi thời điểm bắt đầu chắp bút viết đề cương để xin đề tài Nafosted là lúc con thứ 2 của tôi khá nhỏ, cháu hay quấy về đêm, tôi thường viết ban đêm, vừa viết vừa chạy vào dỗ con. Khi làm đề tài Nghiên cứu sinh, lúc này tôi bắt đầu kiêm nhiệm tại Khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Công việc tại bệnh viện thì vất vả và áp lực liên tục, công việc buổi sáng chỉ kết thúc vào 12h trưa và 13h30 phải quay lại ca làm việc buổi chiều.
Để hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu, tôi và nhóm nghiên cứu thường xuyên phải thực hiện các thí nghiệm xuyên trưa và quay trở lại lab để đọc kết quả vào cuối giờ chiều. Sau này, khi có dịp ra nước ngoài học tập thì tôi thấy các nhà khoa học cũng thường làm việc cả buổi trưa với các hoạt động như working lunch (vừa họp, trao đổi vừa ăn trưa…). Điều này cũng được tôi áp dụng cho nhóm nghiên cứu của mình và tôi thấy khá hiệu quả", PGS Lan kể lại.
Theo tiết lộ của PGS Lan, sau khi được công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư ngành Y học cũng đồng nghĩa với việc bà xác định và xây dựng các hoạt động nghiên cứu khoa học tương lai chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Hiện nhóm nghiên cứu của bà đang hợp tác với PGS.TS. Phạm Thị Vân Anh - Giám đốc Trung tâm dược lý lâm sàng trong lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng các thiết bị y tế chẩn đoán IVD.
Bên cạnh đó, các hợp tác với nhóm Dinh dưỡng và nhóm Nội tiêu hoá để thực hiện các nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ trong lĩnh vực gen di truyền cho trẻ béo phì và bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan cũng đang có kế hoạch triển khai trong năm 2025. Nhóm nghiên cứu của bà đang tập trung nghiên cứu về chiết xuất và đánh giá tác dụng của exosome - các túi tiết của tế bào trong các ứng dụng y học.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.