Công dân ưu tú Thủ đô, thầy giáo Nguyễn Đức Trường: Trong giáo dục kỷ luật mạnh nhất là tình yêu thương - Ảnh 1.

Trước tiên xin được gửi lời chúc mừng thầy – một trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô năm 2020, thầy đã đón nhận món quà này với cảm xúc như thế nào, thưa thầy?

- Khi được tin mình là một trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô, tôi thực sự xúc động và bất ngờ. Tôi chỉ là thầy giáo trường làng, lại là người khuyết tật, những đóng góp của tôi cũng quá nhỏ bé so với thành công của nhiều cán bộ ngành nghề khác, thế nên đây chắc chắn là sự quan tâm, ưu ái của Thành phố và chắc có chút may mắn nữa (cười).

Tuy nhiên, món quà này không chỉ dành riêng cho tôi, đó là món quà của cả tập thể; của Trường THCS Đa Tốn nơi tôi công tác nói riêng và của cả ngành giáo dục nói chung.

Thực ra trước khi biết tin 15 ngày, thông qua báo đài tôi cũng có biết mình nằm trong danh sách đề cử để bầu chọn 10 công dân ưu tú của Thủ đô năm 2020. Lúc đó tôi đã hồi hộp rồi, nhưng không nghĩ là mình sẽ may mắn như thế. Đến khi có Quyết định chính thức từ 1/10 do Chủ tịch UBND Thành phố ký, thì tôi mới tin đó là sự thật.

Tâm trạng của tôi lúc đó xen giữa bồi hồi, lo lắng, trước lúc đi nhận phần thưởng tôi còn hồi hộp đến mức mất ngủ 1-2 ngày.

Việc đi lại khó khăn có ảnh hưởng nhiều tới công tác giảng dạy của thầy không, nhất là khi phải đứng nhiều giờ trong ngày?

- Khó với mình nhưng bình thường với người khác thì cũng nên xem đó là điều bình thường (cười), nên tôi chưa bao giờ coi đấy là khó khăn của mình. Mà thực ra thì tôi đã sống chung với điều này từ nhỏ, thậm chí ngày mới phát hiện bệnh không ai nghĩ tôi có thể đi lại được.

Công dân ưu tú Thủ đô, thầy giáo Nguyễn Đức Trường: Trong giáo dục kỷ luật mạnh nhất là tình yêu thương - Ảnh 3.

Bố mẹ tôi sinh được hai anh em cách nhau 2 tuổi. Khi tôi được khoảng 1 tuổi thì anh trai tôi mất, lúc đó cũng chưa ai nghĩ đến việc cả 2 anh em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ bố. Chỉ đến khi tôi lên 3 tuổi mà vẫn không biết đi, gia đình cho đi khám thì mới biết tôi bị teo cơ bẩm sinh. Các bác sĩ kết luận có thể do tôi đã nhiễm chất độc da cam từ bố vì bố tôi có khoảng thời gian 4 năm là lính phòng không không quân, đóng quân tại Hà Tĩnh.

Bố mẹ tôi lúc đó rất buồn, nhà chỉ có 2 con mà một đứa đã mất, một đứa thì không đi lại được nên cất công tìm mọi cách để chữa trị cho tôi. Theo phác đồ điều trị của bác sĩ, tôi không dùng được thuốc tây mà chỉ sử dụng được vật lý trị liệu bấm huyệt và châm cứu. Đó là những ngày tháng rất dài với gia đình tôi…

Thật may là những tháng ngày đó kết thúc sớm hơn dự tính đúng không thầy?

- Lúc 5 tuổi thì tôi bắt đầu biết bám vào tường, mép bàn, thành giường đi men men, chứ chưa thể tự đi lại được. Bố mẹ tôi thương con nên năm 6 tuổi định cho tôi lùi đi học 1 năm để ổn định sức khỏe. Thật may, lúc đó các bác, cô chú rồi mọi người đều động viên là nên cho tôi đi học vì trí tuệ của tôi hoàn toàn bình thường. Thế là tôi vừa đi học, vừa chữa bệnh.

Trường học ngày đó còn tạm bợ, phải học nhờ ở đình làng, cách nhà tôi khoảng 300m. Bố mẹ đóng cho tôi đôi nạng gỗ để tự đến trường. Dần dần từ 2 cái nạng tôi bỏ đi 1 rồi không cái nào, nhưng đó cũng là khoảng thời gian 300m đến đường với tôi dài như 30km. Tôi ngã rất nhiều, đến mức bộ quần áo mới bộ mẹ vừa may cho, chỉ sau một buổi học là hai đầu gối nát tan tành hết. Tận đến khi lên cấp 2, sức khỏe của tôi mới tốt hơn.

Công dân ưu tú Thủ đô, thầy giáo Nguyễn Đức Trường: Trong giáo dục kỷ luật mạnh nhất là tình yêu thương - Ảnh 4.

Nghề giáo là nghề khá vất vả, tại sao thầy không chọn nghề khác phù hợp với sức khỏe của mình hơn?

Khi còn bé, mỗi nghĩ đến ngày 20/11 thấy bố được mọi người trân trọng, quý mến tôi đã mơ ước trở thành thầy giáo, tuy nhiên, tôi cũng ý thức được rất rõ sức khỏe của mình nên vẫn nghĩ đó mãi chỉ là mơ ước. Sau này, chính bố tôi đã động viên tôi thi vào sư phạm

Từ xưa đến nay mọi người vẫn nhìn tôi như một người khuyết tật, thế thì càng phải nỗ lực và cố gắng để được nhìn nhận là một THẦY GIÁO yêu nghề, giỏi chuyên môn. Có thể khuyết tật về ngoại hình nhưng không được khuyết về tâm hồn, nhân cách.

Công dân ưu tú Thủ đô, thầy giáo Nguyễn Đức Trường: Trong giáo dục kỷ luật mạnh nhất là tình yêu thương - Ảnh 5.

Sau khi tốt nghiệp khoa Toán của Đại học Sư phạm 1, tôi về giảng dạy tại Trường THCS Đa Tốn luôn và gắn bó với ngôi trường này từ đó đến giờ. Đó cũng chính là cơ duyên mà tôi luôn trân trọng, bởi đây là quê hương nơi tôi sinh ra lớn lên, bố tôi cũng là thầy giáo, chưa kể sức khỏe tôi yếu nên tôi chọn nơi làm việc phù hợp, gần gũi với mình. Cho đến giờ theo nghề giáo và làm việc gần nhà là quyết định rất chính xác của tôi.

Không chỉ dạy giỏi, dạy hay, thầy còn là tác giả của nhiều bài báo, nhiều cuốn sách về Toán học. Hình như càng bị hạn chế về sức khỏe, thầy càng cố gắng để làm việc nhiều hơn bình thường thì phải?

- Trong tất cả các môn học, tôi yêu thích nhất môn Toán. Tôi nghĩ là mình cảm nhận được vẻ đẹp của các con số, mọi sự việc, câu chuyện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày tôi đều thấy có liên quan đến toán học. Còn việc viết báo, biên soạn sách Toán thì lại là cơ duyên khác.

Khi giảng dạy tôi luôn tìm tài liệu để bổ sung và đa dạng các dạng bài tập nhằm bổ trợ, nâng cao kiến thức cho các em, cũng chính là nâng cao kiến thức chuyên môn cho chính mình. Tôi nghĩ rằng người thầy giống như ngọn nến, có cháy khỏe thì mới thắp được ngọn nến khác; muốn tiếp lửa cho học trò của mình thì phải có chuyên môn sâu. Do vậy, từ khi còn là sinh viên tôi đã thường xuyên tiếp cận với rất nhiều sách báo, tạp chí Toán chuyên ngành. Đến khi ra trường, đi làm, tôi vẫn duy trì thói quen này.

Chính khoảng thời gian đó tôi có viết các bài giải, các dạng đề và gửi cho các báo. Thật bất ngờ, một thời gian sau bài của tôi được đăng. Tôi nhớ như in lần ra sạp mua báo, về nhà đọc mới phát hiện có bài của mình, lập tức quay lại mua hết số báo đó rồi đem tặng cho học trò, đồng nghiệp, kể cả đồng nghiệp không dạy Toán tôi cũng tặng (cười).

Từ đó tôi say mê viết bài cho các báo, tạp chí chuyên ngành Toán và được các anh chị trong ban biên tập của nhiều đơn vị để ý tới. Họ mời tôi viết sách. Ban đầu tôi từ chối vì họ đặt hàng những kiến thức quá dễ, nhưng sau chính các chị trong hội đồng biên tập giải thích rằng: kiến thức không khó nhưng viết hay mới khó. Chính điều đó thôi thúc tôi bước vào thử thách viết sách, và thật bất ngờ quyển sách đầu tiên tôi viết là "Trọng tâm kiến thức và phương pháp giải bài tập Toán" được Nhà xuất bản đánh giá cao và năm nào cũng tái bản rất nhiều lần.

Niềm đam mê khoa học của tôi nhờ đó càng được nuôi dưỡng, hun đúc, nó cũng chính là động lực giúp tôi thêm say mê tìm tòi và sau này cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí cũng như sách chuyên ngành Toán. Và niềm vui to lớn hơn nữa, đó là khi viết sách tôi có dịp cộng tác và làm việc với nhiều giáo sư, tiến sĩ hàng đầu về Toán. Trong đó có cả những người thầy mà trước giờ tôi vô cùng ngưỡng mộ như GS. TS. NGND Tôn Thân, NGND Vũ Hữu Bình, NGƯT Bùi Văn Tuyên… Chính các thầy đã hun đúc tiếp niềm đam mê toán ….

Công dân ưu tú Thủ đô, thầy giáo Nguyễn Đức Trường: Trong giáo dục kỷ luật mạnh nhất là tình yêu thương - Ảnh 6.

Trong giờ giảng của mình, thầy đã nói một câu rất ấn tượng, đó là "đối với hình họa thì bản chất không thay đổi nhưng với con người thì bản chất hoàn toàn có thể thay đổi, từ xấu sang tốt hoặc ngược lại". Có lẽ chưa một người thầy dạy Toán nào lồng ghép những bài học đầy tính nhân văn đó vào những giờ Toán tưởng như khô khan. Đó có phải là bí quyết mà học sinh luôn khen học thầy Trường không hề nhàm chán?

- Từ chính những năm tháng đi học tôi nhận ra một điều: kiến thức có thể cũ mòn theo năm tháng nhưng những hình ảnh, câu nói của thầy thì mãi mãi theo học trò. Thế nên nếu thấy những câu chuyện, câu nói nào phù hợp với hoàn cảnh thì tôi sẽ lồng ghép vào bài giảng của mình với hy vọng góp phần nhỏ trong việc định hướng, hình thành nhân cách của học sinh.

Nghe nói thầy Trường còn làm thơ và mỗi mở đầu hoặc kết thúc các đề thi do thầy Trường làm sẽ luôn có câu thơ hoặc câu châm ngôn nào đó? Thực hư là như thế nào, thưa thầy?

- Nói thơ thì chỉ đúng một phần, đó chỉ là những câu danh ngôn mang tính triết lý thúc đẩy nghị lực trong học tập. Rất nhiều phụ huynh hay nói đùa "đây là đặc sản của thầy Trường" hoặc nhìn đề Toán là biết do thầy Trường làm… Có phụ huynh đã đến gặp tôi cảm ơn vì "thầy đã dành quá nhiều tâm huyết cho học trò", hỏi ra mới biết chính phụ huynh cũng xúc động trước những câu thơ hoặc châm ngôn, danh ngôn có tính chất động viên, khích lệ các em.

Bởi vì tôi không muốn học sinh của mình bỏ cuộc, cứ gặp khó khăn mà bỏ cuộc thì chắc chắn sẽ rất khó đến được thành công.

Công dân ưu tú Thủ đô, thầy giáo Nguyễn Đức Trường: Trong giáo dục kỷ luật mạnh nhất là tình yêu thương - Ảnh 7.

Trong 26 năm giảng dạy của mình, những câu chuyện, cảm xúc nào mà theo thầy đã trở nên gắn bó và ấn tượng nhất với thầy tới tận bây giờ?

-Tôi nghĩ bất cứ ai làm giáo viên thì ít nhiều đều trải qua những câu chuyện đầy cảm xúc nhưng có lẽ bất cứ ai cũng đều mong muốn mình góp phần làm nên thành công của học trò. Thật may mắn tôi đã được trải qua cảm xúc này.

Tôi còn nhớ cô bé học trò có tên rất đẹp Dương Tú Anh, cô bé này rất mê Toán nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, 2 mẹ con phải đi ở nhờ nhà ngoại và cô bé cũng không có điều kiện tham gia các lớp học nâng cao nào hết. Tôi bèn mang tất cả những tài liệu, tạp chí Toán học mà tôi đã từng đọc cho cô học trò nhỏ này tham khảo, và cũng động viên cô bé tham gia các cuộc thi giải Toán trên báo, trên mạng.

Thật bất ngờ là cô bé đã giành giải cao trong cuộc thi giải Toán bằng tiếng Anh do Sở GD&ĐT TP. Hà Nội tổ chức. Hôm con sang nhận giải ai cũng tò mò hỏi: chắc con học trường chuyên, lớp chọn nào đó. Con trả lời: "Con chỉ là học sinh trường làng ở Đa Tốn". Và ngay lập tức họ hỏi: con có phải học sinh thầy Trường không? Cô bé về cứ khoe suốt là bên Hà Nội ai cũng biết thầy (cười).

Công dân ưu tú Thủ đô, thầy giáo Nguyễn Đức Trường: Trong giáo dục kỷ luật mạnh nhất là tình yêu thương - Ảnh 8.

Đó là những nguồn năng lượng tích cực, thế còn những cảm xúc tiêu cực, thầy có gặp phải nhiều không, nhất là với người hiền lành như thầy?

- Buồn thì có nhưng cảm xúc hay suy nghĩ tiêu cực thì không. Thực tế tôi cũng đã từng dạy rất nhiều học sinh cá biệt nhưng chưa bao giờ tôi coi các bạn ấy là khác biệt cả.

Công dân ưu tú Thủ đô, thầy giáo Nguyễn Đức Trường: Trong giáo dục kỷ luật mạnh nhất là tình yêu thương - Ảnh 9.

Vài năm trước lớp tôi chủ nhiệm có một cậu học sinh thường xuyên bắt nạt các bạn khác. Các thầy cô đứng lớp rất đau đầu, thường xuyên phàn nàn với tôi, nhiều người còn nói thẳng là vì tôi quá hiền nên không thể nào bảo ban, dạy dỗ được bạn ấy. Tôi cùng nhiều lần trò chuyện, tỉ tê to nhỏ, khuyên răn, cậu học trò đó không bao giờ cãi thầy nhưng không nghe lời, vẫn cứ bắt nạt bạn như cơm bữa, phụ huynh trong lớp thường xuyên phản ánh đến tôi những thông tin không hay ho chút nào

Biết là không thể cảm hóa cậu bé cá tính này trong ngày một ngày hai, tôi chọn cách khác: phong cậu ta làm lớp trưởng. Quyết định của tôi nhận được sự phản đối kịch liệt từ các thầy cô, và đúng là khi làm lớp trưởng cậu ta cũng không hề gương mẫu hơn chút nào thật. Có lần bực quá tôi tuyên bố là "tối nay thầy sẽ đến nhà nói chuyện với bố mẹ em".

Hôm đó trời mưa, học trò của tôi đinh ninh là thầy không đến, nhưng khi thấy tôi khoác áo mưa bước vào cổng thì cậu bé sững lại. Tôi vào nhà hỏi han tình hình học hành, rồi trò chuyện với phụ huynh bình thường chứ không hề kể tội, mách tội gì hết. Từ sau hôm đó, cu cậu có vẻ thuần tính hơn, biết là cách của mình phát huy tác dụng, thi thoảng tôi lại đến nhà. Những lần ghé thăm học trò bất chợt ấy đã giúp tôi hiểu hơn hoàn cảnh của em: bố mẹ là công nhân lao động, bận rộn và vất vả nên không có nhiều thời gian gần gũi với con. Sau cu cậu là 2 đứa em nhỏ, ngày nào về nhà cũng phải trông em, cơm nước, giặt giũ…

Có lần thấy cậu bé tắm cho em mình, tôi mới nhẹ nhẹ bảo: "Con thử đối xử với các bạn ở lớp như cách con đối xử với các em mình xem sao. Thầy nghĩ các bạn sẽ rất vui đấy". Sau này, không những thoát khỏi mác "học sinh cá biệt", cậu học trò của tôi còn tiến bộ trong học tập và trở thành học sinh tiêu biểu của trường. Ai cũng bất ngờ, cứ nghĩ tôi phải có hình thức kỷ luật gì nghiêm khắc, cao tay lắm, nhưng tôi nghĩ trong giáo dục kỷ luật mạnh mẽ nhất chính là tình yêu thương. Mình yêu thương các con, quan tâm và chia sẻ thật lòng thì chắc chắn các con sẽ hiểu cho mình.

Công dân ưu tú Thủ đô, thầy giáo Nguyễn Đức Trường: Trong giáo dục kỷ luật mạnh nhất là tình yêu thương - Ảnh 10.

Những thông tin tiêu cực, những câu chuyện đau lòng trong ngành giáo dục thời gian qua như: hiệu trưởng lạm dụng tình dục học sinh, hay cô giáo mầm non bạo hành trẻ nhỏ… khiến dư luận mất niềm tin với giáo dục nước nhà, vai trò của người thầy ít nhiều cũng bị ảnh hưởng; thầy quan điểm về điều này như thế nào, thưa thầy?

Công dân ưu tú Thủ đô, thầy giáo Nguyễn Đức Trường: Trong giáo dục kỷ luật mạnh nhất là tình yêu thương - Ảnh 11.

- Làm gì có ai hả hê, vui sướng hoặc thờ ơ trước những sai lầm của đồng nghiệp. Tôi và rất nhiều giáo viên khác đã đau, đã buồn và tiếc cho những "điểm đen" đâu đó còn tồn tại trong ngành. Nhưng tôi tin, những thầy cô giáo chưa làm đúng chức trách, vai trò của mình chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số hàng triệu giáo viên đứng lớp, đang ngày đêm say mê và yêu công việc, yêu học trò của mình.

Là "thầy giáo quốc dân" trong mắt nhiều học sinh, với con cái mình chắc chắn thầy cũng là "ông bố quốc dân" đúng không thầy?

- Tôi coi học sinh như con mình và coi con mình như học sinh thân yêu, đều cần được yêu thương, dạy bảo và uốn nắn. Tôi chọn cách làm bạn với con chứ không áp đặt và cứng nhắc các nguyên tắc với con. Con trai lớn của tôi năm nay vào cấp 3, cháu theo học ở Trường chuyên của Đại học Khoa học tự nhiên, hàng ngày đi về bằng xe buýt. Cũng giống bao thanh niên lứa tuổi này, con cũng ham chơi lắm, nhất là nghiện game.

Tôi phát hiện ra con lén lút chơi trên máy tính, nhưng không mắng mỏ, quát tháo gì, chỉ nói chuyện bình thường, phân tích và cho con lựa chọn, tôi bảo: "Bố cũng thích chơi game, nhưng nếu bố chỉ chơi game mà không làm việc, không lao động thì sao nuôi được các con, hoàn thành được công việc ở trường. Con lớn rồi, bố cho con lựa chọn". Thật may là sau đó, cháu đã hiểu ra và quay lại học hành nghiêm chỉnh.

Từ chính câu chuyện của con mình, tôi càng cảm nhận sâu sắc vai trò của cha mẹ trong giáo dục con cái. Nhà trường là nơi các con hoàn thiện năng lực bản thân, hoàn thiện nhân cách; nhưng nơi nuôi dưỡng các con lại là bố mẹ, là gia đình. Vì vậy, muốn là giáo viên giỏi thì tôi nghĩ phải là phụ huynh tốt trước đã.

Trò chuyện với thầy Nguyễn Đức Trường, tôi có cảm giác rõ rệt như đang sống lại những tháng ngày học sinh, khi mà lời dạy của thầy cô còn như gió thoảng, nếu không muốn nói là giáo điều, khô khan, sách vở… ; nhưng càng trải nghiệm, càng trưởng thành, càng nhận ra đó là bài học quý giá được chắt lọc từ chính cuộc đời thầy cô, những người không mong muốn học sinh mình vấp ngã hay thất bại. Nhân dịp hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt độc giả báo Dân Việt, kính chúc thầy Trường và tất cả các thầy cô giáo luôn mạnh khỏe, nhiệt huyết và thành công với "nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý".

Công dân ưu tú Thủ đô, thầy giáo Nguyễn Đức Trường: Trong giáo dục kỷ luật mạnh nhất là tình yêu thương - Ảnh 12.

Từ phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm của Trường THCS Đa Tốn, thầy Nguyễn Đức Trường đã có 24 sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, 13 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố được xếp loại. Thầy cũng đóng góp nhiều bài báo chuyên ngành và tham gia biên soạn 31 đầu sách về giảng dạy môn Toán được xuất bản.Điển hình như bộ sách gồm 8 cuốn "Trọng tâm kiến thức và phương pháp giải bài tập" xuất bản năm 2012 viết riêng; bộ "Các chuyên đề chọn lọc trung học cơ sở" xuất bản năm 2015 viết chung với các tác giả khác.

Công dân ưu tú Thủ đô, thầy giáo Nguyễn Đức Trường: Trong giáo dục kỷ luật mạnh nhất là tình yêu thương - Ảnh 13.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem