PGS.TS Bùi Xuân Đính: Tết giảm nhu cầu về vật chất, tăng ước vọng cuộc sống tốt lành

Anh Thư Thứ tư, ngày 29/01/2025 07:30 AM (GMT+7)
Nhân dịp tết đến xuân về, Dân Việt Trò Chuyện đã gặp gỡ với PGS-TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) - một người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về dân tộc học, lịch sử làng, xã Việt Nam.
Bình luận 0
PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện HLKHXHVN: Tết giảm nhu cầu vật chất, tăng ước vọng cuộc sống tốt lành - Ảnh 1.

Với mỗi con người Việt Nam, Tết Nguyên đán luôn là một dịp đặc biệt, thiêng liêng. Mỗi khi Tết đến gợi nhắc mỗi người dù ở nơi đâu đều phải trở về, bên nếp nhà, nồi bánh chưng, mâm cơm cúng giao thừa. Người ta tin rằng mối dây yêu thương giữa một người và gia đình sẽ luôn mang lại sức mạnh và niềm tin giúp ta đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Vì thế tết nhắc nhở mỗi người nhớ về tổ tiên, cội nguồn, là dịp để báo hiếu, tri ân, gửi gắm nhiều ước vọng.

Tết cũng là thời điểm khép lại một năm cũ qua đi, để ta dừng lại, chiêm nghiệm và chuẩn bị cho một hành trình mới, hướng tới một sự khởi đầu mới, thậm chí là bước đường lịch sử của dân tộc.

Đất nước ta đang bước vào Kỷ nguyên vươn mình. Một kỷ nguyên với cơ hội mới, vận hội mới và thời cơ mới. Ở đó thể hiện khát vọng của người dân về sự thịnh vượng, nhân văn, một kỷ nguyên vinh quang, như nguyện ước của Bác Hồ là có thể "sánh vai với các cường quốc năm châu".

Nhân dịp tết đến xuân về, Dân Việt Trò Chuyện đã gặp gỡ với PGS-TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) - một người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về dân tộc học, lịch sử làng, xã Việt Nam. Ông là tác giả cuốn Bách khoa thư Làng Việt cổ truyền - cuốn sách tổng hợp sự trải nghiệm, khảo cứu đầy tâm huyết về các làng quê Việt Nam từ truyền thống tới hiện tại trên địa bàn vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Ngoài ra, ông còn là tác giả của hơn 30 đầu sách, tài liệu có giá trị nghiên cứu khác.


PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện HLKHXHVN: Tết giảm nhu cầu vật chất, tăng ước vọng cuộc sống tốt lành - Ảnh 2.

Thưa ông, Tết Nguyên đán luôn có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người Việt Nam, mang theo những giá trị, triết lý nhân văn cao đẹp được cha ông ta giữ gìn qua các thế hệ. Theo ông, những quan niệm về tết thay đổi như thế nào theo chiều dài của thời gian?

- Để thấy được những thay đổi của cái tết trong một thời gian khá dài chúng ta phải nhìn nhận lại những giá trị mang tính chất bền vững của Tết Cổ truyền hay gọi là Tết Nguyên đán. Theo tôi, có 6 giá trị mang tính chất bền vững, tôi gọi đó là những hằng số.

Thứ 1: Tết là sự lại mới trên cái nền cũ. Vì xã hội chúng ta là xã hội nông nghiệp, biến chuyển chậm và biến chuyển theo nhịp điệu, không thay đổi nhiều lắm, chỉ thay đổi một chút trên nền cũ. Mỗi năm tết đến là một sự lại mới trên tất cả các phương diện.

Thứ 2: Tết là đoàn viên, đoàn tụ. Đây là dịp bất kỳ ai dù bận công việc gì cũng phải gác lại để đoàn tụ với gia đình, trừ những trường hợp đặc biệt. Trường hợp này bao gồm những người lính làm nhiệm vụ ở tiền tuyến hoặc trên biên giới ngoài hải đảo hoặc là những vị quan nào đó có công việc đặc biệt. Đoàn tụ thể hiện ở không khí chuẩn bị tết, đi thăm, đi chúc tết. Nên nếu ai không được về nhà với gia đình đó là sự thiệt thòi, và gia đình nào đó mà có một người không về tết thì cảm thấy như một sự trống vắng rất lớn.

Thứ 3: Tết là sự tri ân. Đây cũng là dịp để những người mang ơn ai đó muốn được tri ân họ. Bắt đầu từ trong gia đình con cái tri ân ông bà, bố mẹ. Sự tri ân này thể hiện qua tục mừng tết, biếu tết... Tiếp đó là học trò tri ân thầy cô, người bệnh tri ân thầy thuốc và những người được ai đó giúp đỡ, cưu mang thì tri ân ân nhân của mình.

Thứ 4: Tết là một sự giữ gìn. Vì ngày tết là dịp mà người ta mong muốn mọi điều tốt lành mở đầu cho một năm mới. Người xưa quan niệm ngày tết nếu suôn sẻ, thanh thản thì năm đó hanh thông, thuận lợi. Ngược lại, nếu ngày tết gặp trục trặc thì cho rằng năm đó sẽ vất vả. Thế nên ngay từ chiều 30 Tết, đặc biệt là sáng mùng 1 đến mùng 3 Tết mọi người luôn giữ gìn từ lời ăn tiếng nói, tránh sự đổ vỡ, tránh những điều không tốt.

Thứ 5: Tết là sự khoan dung, hòa giải. Ngày thường trong cuộc sống không tránh khỏi những xích mích, mâu thuẫn nhưng đến tết người ta hòa giải với nhau. Hai gia đình xích mích thì ngày tết thì vẫn đến chúc tết nhau, coi như một thông điệp sẽ xóa bỏ những mâu thuẫn, bất đồng để hướng tới điều tốt lành phía trước.

Thứ 6: Tết là thể hiện khát vọng vươn lên sự đầy đủ. Ngày xưa điều kiện thiếu thốn thì khát vọng no đủ thể hiện rất rõ. Bây giờ cuộc sống khác rồi, khát vọng no đủ về vật chất giảm đi và được thay thế bằng ước vọng về cuộc sống tốt lành. Trong nhiều năm nay ăn tết chuyển sang thành vui tết. Ai cũng có ước vọng vào ngày tết hướng tới điều tốt đẹp nhất.

Đó là 6 giá trị được hình thành từ xa xưa và trường tồn cho đến nay. Ngày nay cho dù điều kiện kinh tế xã hội khác nhưng 6 giá trị mang tính chất hằng số đó vẫn được bảo lưu. Nếu có biến đổi thì sự biến đổi đó là những biến số, không phải biến đổi của hằng số. Điều đó làm cho phần đông, tuyệt đại đa số người Việt vẫn háo hức về tết, mong muốn đến tết, hướng đến một giá trị này hoặc giá trị kia tùy điều kiện từng người.

PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện HLKHXHVN: Tết giảm nhu cầu vật chất, tăng ước vọng cuộc sống tốt lành - Ảnh 3.

Sự biến đổi đó theo ông có rõ rệt hay không, bởi có một thời gian người ta cũng tranh luận về việc có nên bỏ Tết Cổ truyền?

- Theo tôi để đánh giá được mức độ cụ thể về những thay đổi cần có điều tra xã hội học tương đối rộng, tương đối lớn. Thế nhưng rất tiếc chưa có một công trình nào làm được điều đó. Ở đây chúng ta chỉ suy luận một cách định tính, có thể nói rằng là có sự thay đổi về những giá trị của Tết Cổ truyền nhưng mà ở mức độ khác nhau, tùy từng thành phần kinh tế xã hội, giai tầng xã hội. Mỗi giai tầng có những thay đổi khác nhau thì chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ.

Thế nhưng tôi vẫn cho rằng, dù có thay đổi tùy theo các giai tầng nhưng 6 giá trị nói trên vẫn tồn tại bền vững. Bằng chứng là cách đây hơn 10 năm, một vị giáo sư đã đề xuất nên bỏ Tết Âm lịch. Người ta cho rằng Tết Dương lịch gần với Tết Âm lịch nên sẽ phí tổn nhiều và mệt mỏi... Ý kiến đó vấp phải sự phản ứng rất quyết liệt của dư luận xã hội. Và qua nhiều năm nay, ý kiến đó bây giờ vẫn chưa thay đổi. Tết có thể đậm, nhạt ở vùng này, vùng kia, giai tầng này, giai tầng kia nhưng nó vẫn hiện hữu, vẫn như một nhu cầu, hướng đến để tìm về những giá trị truyền thống.

PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện HLKHXHVN: Tết giảm nhu cầu vật chất, tăng ước vọng cuộc sống tốt lành - Ảnh 4.

Như ông vừa nói, tết là sự trở về, tìm lại sự yên ấm dưới mái nhà sau những ngày tháng bôn ba, nhớ về cha mẹ, tổ tiên, cội nguồn. Tết cũng là thời gian để người ta dừng lại, chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, khát vọng vào sự thay đổi của đất nước... Nhìn lại một năm đã qua của đất nước, ông có suy nghĩ như thế nào?

- Quay trở lại điều tôi nói trước đây, tết có một sức mạnh rất lớn. Đó chính là sức mạnh của sự đoàn tụ, có sự cố kết. Từ sự cố kết của cộng đồng gia đình, cộng đồng họ tộc, tiến đến là cố kết làng xã và từ cố kết làng xã hướng tới cố kết quốc gia dân tộc.

Vì một năm là mở đầu từ cái tết. Tết được tổ chức chu đáo, hanh thông thì những truyền thống, sự cố kết của cộng đồng làng xóm, cộng đồng quốc gia dân tộc càng bền chặt. Và điều đó có tác dụng định hướng dư luận trong việc ứng xử đối với những sự kiện hoặc có thể là những biến cố xảy ra. Nó liên quan không chỉ tới gia đình, làng xã mà tới quốc gia, dân tộc. Lấy ví dụ năm vừa rồi, có rất nhiều sự kiện diễn ra nhưng có hai sự kiện đánh dấu, thể hiện được sự cố kết của quốc gia, dân tộc rất lớn. Sự kiện thứ nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Chúng ta đã chứng kiến một quốc tang khiến nhiều người quan tâm, có sự theo dõi sâu sắc của tất cả các giai tầng, tất cả mọi địa phương... Ở đó, người ta nhìn thấy rất rõ ý chí, tinh thần cố kết quốc gia, dân tộc là rất lớn.

Sự kiện thứ 2 là cơn bão số 3 Yagi. Đây là một cơn bão lịch sử, 60 năm mới xuất hiện một lần, gây những thiệt hại vô cùng to lớn. Nhưng chính trong cơn cuồng phong đó lại đánh thức tinh thần dân tộc cố kết, nghĩa đồng bào. Tất cả người dân đã thể hiện tinh thần đùm bọc, yêu thương lẫn nhau khi cùng sống chung dưới một đất nước. Hình ảnh từng đoàn cứu trợ nườm nượp lên vùng lũ lụt thật sự xúc động. Thậm chí một vị giáo sư đem cả sổ tiết kiệm trị giá 1 tỷ đồng mà ông đã tích lũy cả đời để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Rồi ở TP.HCM có một cô gái không biết chữ, nhà rất nghèo nhưng đã đem toàn bộ số tiền 50 triệu đồng để ủng hộ đồng bào lũ lụt. Những hình ảnh đó thể hiện điều gì? Đó là tình thương yêu đồng bào, nghĩa đồng bào, tất cả vì quốc gia dân tộc, vì sự ổn định của của quốc gia dân tộc là trên hết.

PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện HLKHXHVN: Tết giảm nhu cầu vật chất, tăng ước vọng cuộc sống tốt lành - Ảnh 5.

Là một người nhiều năm nghiên cứu về dân tộc học và lịch sử, ông thấy dân tộc ta đã trải qua sự phát triển vượt bậc nhất ở giai đoạn nào của lịch sử?

- Nếu bây giờ đánh giá thì hơi khó một chút vì mỗi thời đại có những yêu cầu phát triển khác nhau, có những điều kiện phát triển khác nhau.

Thế nhưng dưới góc độ của nhà nghiên cứu dân tộc, lịch sử, tôi thấy mấy đặc điểm, mấy thời kỳ thể hiện sự phát triển vượt bậc của đất nước ta, của dân tộc ta. Đó là vào năm 905, Khúc Thừa Dụ tuyên bố thoát ly khỏi nhà Đường nhân nhà Đường sụp đổ, tuyên bố thoát thoát ly khỏi ách đô hộ Trung Quốc và mặc dù cũng chỉ xưng là tiết độ sứ thôi nhưng thể hiện ý thức quốc gia dân tộc rất cao của ông. Khẳng định từ đây cư dân ở phía phương Nam đã không còn phụ thuộc vào người Trung Quốc. Và con ông là Khúc Hạo đã tiếp nối cha thực hiện cuộc cải cách hành chính đầu tiên trong lịch sử.

Sự kiện thứ 2 đó là thời nhà Lý. Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long thể hiện một tầm nhìn rất lớn của Lý Công Uẩn về sự phát triển của quốc gia Đại Việt.

Sự kiện thứ 3 chính là sự phát triển của nhà Trần về mọi mặt. Nhờ đó mà quân dân nước Đại Việt đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, đế quốc hung hãn nhất thời đại bấy giờ.

Sự kiện thứ 4 cũng có thể nói là sự tiến bộ, sự phát triển vượt bậc của dân tộc ta của đất nước ta, đó là sự kiện Bình Định Vương Lê Lợi phất cờ Lam Sơn tụ nghĩa. Không có Lê Lợi cùng với những hiền sĩ, những tướng tá phụ thì đất nước ta vĩnh viễn bị nhà Minh xóa sổ. Nhưng với cuộc Lam Sơn tụ nghĩa của Bình Định Vương Lê Lợi và các tướng tá, các nhân tài, chúng ta đã đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi và giành lại nước Đại Việt, mở ra cho nước Đại Việt một thời kỳ mới mà chỉ vài chục năm sau đó phát triển rực rỡ, hùng cường dưới triều vua Lê Thánh Tông.

Sự kiện thứ 5 chính là thời đại Hồ Chí Minh với sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1930 cho tới ngày nay. Và việc Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã mở ra một cơ hội phát triển toàn diện vượt bậc chưa bao giờ có. Và chúng ta mới có cơ đồ như ngày nay.


PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện HLKHXHVN: Tết giảm nhu cầu vật chất, tăng ước vọng cuộc sống tốt lành - Ảnh 6.

PGS.TS Bùi Xuân Đính trò chuyện cùng phóng viên báo điện tử Dân Việt.

Đất nước ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, mà như Tổng Bí thư Tô Lâm nói đó là một kỷ nguyên vươn mình, sẽ có những cơ hội mới, những vận hội mới và thời cơ mới. Nhưng bên cạnh đó có những khó khăn, thách thức nào, theo quan điểm của ông?

- Ngày nay chúng ta có rất nhiều thuận lợi. Chúng ta đã trải qua một chặng đường rất dài xây dựng nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ngày nay là nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể nói thế trận chính trị rất ổn định. Chính từ yếu tố này đã tạo thế đi lên vững chắc cho dân tộc ta, đất nước ta. Nó mở ra những thành tựu rực rỡ trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kinh tế ngày nay phát triển rất rực rỡ. Về mặt chính trị rất ổn định, được các quốc gia trên thế giới đánh giá cao. Thế và lực của chúng ta ngày nay đã rất khá để tiếp tục vươn lên, đấy là những thuận lợi căn bản.

Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thách thức. Thứ nhất, kinh tế phát triển chưa vững chắc và còn có sự mất cân đối giữa một số ngành, giữa các địa phương, các vùng miền. Thứ hai về mặt xã hội là ý thức sống và làm việc theo pháp luật. Đây là điều kiện cơ bản nhất để một đất nước ổn định, phát triển liên tục, mạnh mẽ. Có một bộ phận dân cư thiếu điều đó nên kỷ cương chưa được nghiêm chỉnh, hàng loạt cán bộ nhúng chàm, đã bị kỷ luật và thậm chí vào tù. Theo tôi, dưới góc độ của dân tộc học, pháp luật thì đó là thách thức lớn nhất.

Thêm nữa, giáo dục đang có những vấn đề mà dư luận xã hội phê phán. Và văn hóa kéo theo đạo đức có những biểu hiện suy cấp, thậm chí có những mặt suy cấp trầm trọng, những cái đó kết hợp với nhau, níu kéo nhịp phát triển của chúng ta lại.

Vậy cá nhân ông kỳ vọng một sự thay đổi, sự phát triển như thế nào của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình này?

- Cá nhân tôi thấy trong kỷ nguyên vươn mình, về mặt chính trị chúng ta phải tiếp tục ổn định. Ở đây tôi muốn nói là sự cố kết, sự gắn kết giữa Đảng, giữa dân và Đảng, Đảng và dân, giữa dân và chính quyền, giữa các tầng lớp nhân dân, các giai tầng xã hội phải được bền chặt hơn nữa và xóa bỏ được những khoảng cách, những hố sâu.

Về kinh tế, cần phát triển mạnh hơn nữa và quan trọng nhất là đồng đều hơn nữa, đồng đều giữa công nghiệp và nông nghiệp. Làm sao cho người làm nông nghiệp hiện nay không còn bị thiệt thòi. Những người trực tiếp lao động sản xuất phải có một cuộc sống tốt hơn, ổn định hơn và bền vững hơn. Hiện nay một bộ phận đông tuy không phải nghèo nhưng cuộc sống rất bấp bênh. Chúng ta thấy giá nhà tăng phi mã, với mức lương như hiện nay không biết một cán bộ làm ăn chân chính bao giờ mới có thể mua được căn nhà để an cư lạc nghiệp.

Về phương diện văn hóa, tôi mong rằng những mặt tích cực, những giá trị tốt đẹp cần phải được bảo tồn, cần phải được phát huy. Và nó phải trở thành sức mạnh cho sự phát triển. Và để làm được điều đó, giáo dục giữ một vai trò rất quan trọng.

PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện HLKHXHVN: Tết giảm nhu cầu vật chất, tăng ước vọng cuộc sống tốt lành - Ảnh 7.

Như ông vừa nói, văn hoá, giáo dục là nhân tố rất quan trọng trong sự hình thành phát triển con người và phát triển cả đất nước. Theo ông, những năm vừa qua nhà nước đã đầu tư xứng đáng vào giáo dục chưa? Và nền giáo dục của nước ta đang ở mức độ như thế nào?

- Theo tôi nhà nước đã chú trọng đầu tư hơn nhưng chưa thỏa đáng và còn mang tính dàn trải, đôi khi mang tính hình thức, không chú ý tới trọng tâm, trọng điểm, không đi vào thực chất vấn đề.

Nhìn thẳng vào sự thật, nhìn khách quan, tổng thể thì nền giáo dục của chúng ta hiện nay ở tầm thấp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Chúng ta mới chỉ chú ý tới một số khía cạnh nào đó về giáo dục mũi nhọn. Nhưng điều quan trọng nhất là phải giáo dục đại trà, chỉ có giáo dục đại trà tốt, một nền giáo dục đại trà đồng đều mới vực được, tạo ra lực đẩy cho sự nghiệp giáo dục. Mà sự nghiệp giáo dục có được đẩy lên, có được đánh giá đúng mức mới đảm nhận được vai trò đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế xã hội.

PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện HLKHXHVN: Tết giảm nhu cầu vật chất, tăng ước vọng cuộc sống tốt lành - Ảnh 8.

Chúng ta đều biết rằng giáo dục là vấn đề không phải một sớm một chiều mà có thể thay đổi ngay được. Theo ông, muốn phát triển giáo dục, các cơ quan chức năng phải có hành động như thế nào?

- Chúng ta phải xem xét lại một số khía cạnh của mục tiêu giáo dục. Mục tiêu giáo dục mà chúng ta nói bây giờ nó chung chung, một số điểm không còn phù hợp nữa và không đi vào thực chất. Có những yếu tố mà chúng ta lại quên nhắc đến, đó là phải giáo dục cho học sinh, những công dân tương lai có ý thức, một tinh thần phục vụ đất nước tốt hơn nữa.

Giáo dục phải tiếp tục đổi mới tránh những bất cập hiện nay, đó là bệnh thành tích, đó là gian dối, là hình thức. Nếu còn tồn tại những điều đó, chúng ta không bao giờ hoặc khó lòng mà đào tạo được một thế hệ có tài năng, một thế hệ biết xả thân vì sự nghiệp chung. Bởi vì giáo dục tạo ra con người, mà con người sẽ là nhân tố quyết định cho sự phát triển đất nước.

Để làm được điều đó phải giáo dục ý thức pháp luật cho học sinh ngay từ nhỏ thì chúng ta dường như không chú trọng đúng mức, nếu như không muốn nói là xao lãng. Bởi một đất nước có phát triển được hay không thì kỷ cương pháp luật phải vững, phải chắc. Một khi con người thiếu ý thức pháp luật thì từ thuở bé cho đến khi lớn đi làm các công việc khác nhau, nếu không tuân thủ pháp luật thì đất nước sẽ không có kỷ cương.

PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện HLKHXHVN: Tết giảm nhu cầu vật chất, tăng ước vọng cuộc sống tốt lành - Ảnh 9.

Những năm vừa qua chúng ta nói đến việc chấn hưng văn hóa. Nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, theo ông phải bắt đầu từ đâu? Những vấn đề nào của văn hoá cần phải thay đổi, chấn chỉnh?

- Tôi nghĩ chấn hưng văn hóa là một điều tất yếu phải làm. Thế nhưng bắt đầu đi từ đâu thì dường như chúng ta chưa xác định đúng. Mới đây nhất, tại hội thảo khoa học của thành ủy Hà Nội tôi đã nói, chúng ta phải nhìn vào từ cái nhỏ nhất, cái bình thường nhất của đời sống thường ngày chứ đừng chỉ nghĩ tới những vấn đề cao siêu chấn hưng văn hóa.

Văn hóa là gì? Văn hóa nói một cách ngắn gọn là sự ứng xử. Mà ứng xử do từng con người, ứng xử trong từng lĩnh vực, từng khía cạnh. Có ứng xử tốt hay không phải có một quá trình rèn giũa, được giáo dục, được tu dưỡng.

Bây giờ thử đi ra đường, chúng ta thấy nhan nhản những hiện tượng mà cần phải chấn hưng. Đó là không tuân thủ quy tắc giao thông công cộng, không giữ gìn vệ sinh công cộng, không tuân thủ bảo vệ tài sản công cộng... Những điều đó xã hội công nghiệp, xã hội văn minh, hiện đại rất coi trọng. Nhưng hình như chúng ta cứ cho rằng đấy là chuyện bình thường.

PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện HLKHXHVN: Tết giảm nhu cầu vật chất, tăng ước vọng cuộc sống tốt lành - Ảnh 10.

Ông có nghĩ hiện nay giá trị văn hóa phi truyền thống đang lấn át dần giá trị truyền thống không?

- Điều đó cũng có một phần đúng. Tức là một bộ phận đông thanh niên bây giờ không quan tâm, không hiểu những giá trị của văn hóa truyền thống. Thậm chí một bộ phận coi thường, phủ nhận những giá trị truyền thống, điều đó rất nguy hại. Họ lại đi tôn sùng những giá trị ngoại lai, mà trong đó có nhiều giá trị không còn phù hợp với đất nước mình, dân tộc mình.

Ở các nước trên thế giới, khởi đầu đi lên người ta vẫn phải lấy truyền thống làm một trong những điểm tựa quan trọng. Anh không có điểm tựa, anh sẽ không đứng vững được.


PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, Viện HLKHXHVN: Tết giảm nhu cầu vật chất, tăng ước vọng cuộc sống tốt lành - Ảnh 11.

Bác Hồ từng nói: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Và một kỷ nguyên vươn mình rất cần sự phát huy đóng góp của tuổi trẻ, ông muốn gửi gắm gì đến thế hệ trẻ ngày nay?

- Vai trò của thanh niên, của tuổi trẻ thì không phải bàn nữa. Thế nhưng nhìn vào thực tế hiện nay, là một người làm công tác giáo dục hơn 30 năm và nghiên cứu khoa học 45 năm rồi, tôi thấy có điều đáng buồn là lớp trẻ đang đánh mất dần những điều mà cha ông đã truyền dạy, đã trao truyền. Những thế hệ sinh viên gần đây, lớp sinh viên gần đây mà tôi đang dạy họ thiếu ý chí vươn lên, thiếu khát vọng vươn lên. Và có một bộ phận bi quan chán nản, không tìm thấy những hướng đi cho mình.

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin phát triển, một bộ phận thanh niên trở thành nô lệ của những công cụ đó mà chúng ta không có biện pháp chấn chỉnh sẽ rất nguy hại. Thực tế bây giờ tôi thấy cũng đã có chấn chỉnh, trước hết là ngành giao thông, ngành công an đã có quy định xử phạt rất nặng những người đi xe, điều khiển phương tiện giao thông mà nghe điện thoại, vượt đèn đỏ... Tôi cho rằng phạt nặng là điều cần thiết.

Và ở trong nhà trường, rất nhiều trường có quy định học sinh, sinh viên vào lớp không dùng điện thoại, cả giảng viên cũng không dùng điện thoại trên lớp. Điều đó giúp chúng ta thoát ly khỏi điện thoại, tập trung vào công việc.

Tôi rất mong mỏi và thường nói với các em sinh viên rằng đất nước ta, nhân dân ta trông chờ vào các em thì các em hãy thể hiện được khát vọng vươn lên của mình. Khát vọng để đáp ứng được lòng mong mỏi của đất nước, của nhân dân thì các em chỉ có con đường học tập, tu dưỡng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem