Đặc sản nức tiếng Đà Nẵng có tên kỳ lạ, nhưng được du khách mua nhiều nhất khi đi du lịch

Chủ nhật, ngày 02/05/2021 06:30 AM (GMT+7)
Bánh khô mè là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng, bánh thường được dâng lên bàn thờ ông bà ngày Tết hoặc mua làm quà. Nổi bật trong đó là chiếc bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, có tuổi đời hơn 200 năm và là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng.

Bánh "bảy lửa" gia truyền

Tìm đến đầu Cầu Cẩm Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), du khách sẽ thấy ngay một biển hiệu lớn của cơ sở sản xuất (CSSX) bánh khô mè Bà Liễu Mẹ. Tại đây, các công nhân tất bật làm việc từ sáng sớm để đảm bảo tiến độ sản xuất đúng quy trình.

Đà Nẵng: Đặc sản nức tiếng có tên kỳ lạ, được du khách mua nhiều nhất khi đi du lịch - Ảnh 1.

Cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ tại số 200/1 Ông Ích Đường, TP Đà Nẵng.

Anh Huỳnh Đức Sol (30 tuổi) – Quản lý CSSX bánh khô mè Bà Liễu Mẹ tự hào nói: "Gia đình tôi có truyền thống làm bánh khô mè khoảng 200 năm, nhưng bắt đầu sản xuất thường xuyên và xây dựng thương hiệu được hơn 30 năm nay, đến tôi là đời thứ 3 kế nghiệp. Chiếc bánh khô mè là món ăn dân dã của người xưa, nó không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền và theo chân du khách thập phương trở thành món quà quê ý nghĩa".

Đà Nẵng: Đặc sản nức tiếng có tên kỳ lạ, được du khách mua nhiều nhất khi đi du lịch - Ảnh 2.

Anh Sol đang nấu nước đường, khâu quan trọng nhất trong quá trình làm bánh.

Sở dĩ bánh khô mè được dân gian gọi là bánh "bảy lửa" hoặc "khô khổ", là do quá trình làm bánh trải qua nhiều công đoạn khá vất vả, với 7 lần sử dụng lửa từ bếp than hồng. Những nguyên liệu để làm bánh khô mè lại rất đơn giản, hầu như nhà nào ở quê cũng có như: gạo, nếp, mè, đường, gừng.

Đà Nẵng: Đặc sản nức tiếng có tên kỳ lạ, được du khách mua nhiều nhất khi đi du lịch - Ảnh 3.

Bánh khô mè được làm từ những nguyên liệu dân dã, hương vị thơm ngon, gần gũi.

Anh Sol chia sẻ, khâu chọn nguyên liệu được chú trọng nhằm đảm bảo chất lượng thơm ngon của sản phẩm. Gạo quê được vuốt sạch, để ráo, xay thành bột và cho vô khuôn để tạo hình vuông, đem hấp chín. Sau đó cho bánh gạo vừa chín tới xếp lên lò nướng, đến khi bánh khô ráo, giòn tan là được.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm bánh khô mè truyền thống, CSSX bánh khô mè Bà Liễu Mẹ đã áp dụng một số máy móc vào quy trình sản xuất. Nhờ đó, chiếc bánh khô mè vừa giữ được hương vị cổ truyền, thơm ngon, ngọt bùi, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có bao bì, nhãn mác bắt mắt, thu hút.

Đà Nẵng: Đặc sản nức tiếng có tên kỳ lạ, được du khách mua nhiều nhất khi đi du lịch - Ảnh 5.

Bánh được nhúng qua nước đường nóng ấm và lăn đều mè rang.

Vừa khuấy đều nồi nước đường, anh Sol vừa nói: "Nấu nước đường để nhúng bánh là công đoạn quan trọng nhất, là linh hồn của chiếc bánh khô mè, tạo nên độ ngọt, dẻo và màu vàng óng cho bánh. Vì thế chỉ người có kinh nghiệm lâu năm mới làm được và ba tôi là người đảm nhiệm công việc này. Khi đường thắng tới, kéo tơ là đạt chuẩn, cho thêm gừng giã nhuyễn để dậy mùi thơm".

Đặc sản đạt 4 sao OCOP

Công đoạn nhúng bánh qua nước đường nóng ấm và "tắm" mè rang được thực hiện nhanh tay nhưng vẫn đảm bảo "lớp áo" đường và mè bám đều bánh. Nếu làm bánh khô nổ thì lớp mè được thay bằng nếp rang. Đợi khi chiếc bánh thành phẩm thật nguội thì chuyển qua khâu đóng gói.

Đà Nẵng: Đặc sản nức tiếng có tên kỳ lạ, được du khách mua nhiều nhất khi đi du lịch - Ảnh 6.

Anh Huỳnh Đức Sol, người kế nghiệp đời thứ 3 của thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ.

Nhờ chất lượng thơm ngon riêng biệt, mà bánh khô mè Bà Liễu Mẹ luôn là món ăn yêu thích của người dân Đà Nẵng, được bạn bè bốn phương ưa chuộng mua làm quà. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 3.000 - 4.000 sản phẩm bánh khô mè các loại, giá dao động từ 20.000 - 50.000 đồng/gói (hộp). Tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động với mức lương dao động 5.000.000-6.000.000 đồng/người/tháng.

Bà Lê Thị Ngọc (64 tuổi) tâm sự: "Tôi làm công nhân ở đây đã hơn 30 năm, công việc nhẹ nhàng, vừa sức, giúp tôi có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Dù có những lúc phải làm việc tăng ca, nhưng chị em chúng tôi ai cũng vui vẻ và phấn khởi khi làm ra những chiếc bánh khô mè chất lượng nhất phục vụ người tiêu dùng".

Đà Nẵng: Đặc sản nức tiếng có tên kỳ lạ, được du khách mua nhiều nhất khi đi du lịch - Ảnh 7.

Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ được du khách chọn mua làm quà tặng nhiều nhất khi đến với Đà Nẵng.

Vào dịp cận Tết Nguyên đán, CSSX bánh khô mè Bà Liễu Mẹ phải tăng cường khoảng 30 lao động thời vụ để đảm bảo số lượng đơn hàng tăng gấp đôi so với ngày thường. Chiếc bánh khô mè Bà Liễu Mẹ không chỉ là món bánh cổ truyền được dâng lên bàn thờ ông bà ngày Tết, mà đã trở thành đặc sản nổi tiếng được bày bán ở nhiều siêu thị, cửa hàng đặc sản trên cả nước.

Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ từng đạt nhiều giấy khen, chứng nhận đáng quý, trong đó nổi bật nhất là lọt vào top 10 đặc sản bánh quà tặng nổi tiếng Việt Nam. Gần đây nhất vào cuối năm 2020, bánh khô mè Bà Liễu Mẹ được công nhận sản phẩm đạt 4 sao OCOP của TP Đà Nẵng.

"Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ quá quen thuộc với người dân xứ Quảng Đà nói chung, nhưng đối với khách du lịch thì đặc sản này vẫn còn khá lạ lẫm. Vì thế, trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm mới và đẩy mạnh quảng bá đặc sản của quê hương đến với đông đảo người tiêu dùng", anh Sol phấn khởi nói.

Trần Hậu - Tuyết Nhung
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem