Đại biểu hỏi thẳng Giám đốc Sở thực chất ô nhiễm không khí của Hà Nội đang thế nào?
Đại biểu hỏi thẳng Giám đốc Sở, thực chất ô nhiễm không khí của Hà Nội đang thế nào?
Nguyễn Hoà
Thứ tư, ngày 11/12/2024 16:04 PM (GMT+7)
Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan vấn đề ô nhiễm không khí của Hà Nội, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nói thời gian qua đã cơ bản xoá bỏ được bếp than tổ ong, giảm lượng đốt rơm rạ, chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công…
Chiều 11/12, tiếp tục buổi chất vấn tại Kỳ họp thứ 20 HĐND TP.Hà Nội, đại biểu Đàm Văn Huân – Tổ đại biểu quận Thanh Xuân nêu vấn đề, ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.Hà Nội hiện đang được cử tri và nhân dân rất quan tâm.
Ông Huân dẫn dắt, qua thông tin, 18h chiều ngày 10/12, 10/14 trạm quan trắc do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội thực hiện quan trắc có chỉ số kém, đặc biệt có 2/3 trạm do Bộ Tài nguyên và Môi trường quan trắc có chỉ số rất cao (Nguyễn Văn Cừ 202, Giải Phóng 223).
Đại biểu Huân chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội: "Vấn đề ô nhiễm không khí của Hà Hội thực chất bây giờ trên diện rộng cả thành phố là như thế nào?". Ông Huân cũng đặt vấn đề công tác quản lý nhà nước, công tác quan trắc đã phản ánh đúng thực trạng ô nhiễm không khí Hà Nội hay chưa.
Vị đại biểu HĐND TP.Hà Nội cũng đề nghị đơn vị có liên quan cho biết giải pháp trước mắt và lâu dài của Hà Nội để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong tình trạng hiện nay để đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Đại biểu Đàm Văn Huân hỏi Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về hiện trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh: TP.HN
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Đàm Văn Huân, ông Lê Thanh Nam – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội cho biết, các nguồn ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong năm qua gồm rất nhiều nguồn.
Cụ thể, nguồn tại chỗ chủ yếu từ các phương tiện giao thông đường bộ như xe máy, xe tải và các phương tiện giao thông khác tạo ra nguồn bụi đường; nguồn công nghiệp; nguồn đốt rơm rạ thì cơ bản đến thời điểm này khắc phục tối đa việc này.
Nguồn thải từ ngoài thành phố lan truyền vào từ các tỉnh lân cận, như những ngày gần đây huyện Gia Lâm, quận Long Biên bị ảnh hưởng từ một số làng nghề của tỉnh bạn. Sở Tài nguyên đã có phối hợp với tỉnh bạn để giảm thiểu các ảnh hưởng.
Nguồn thứ ba, ông Nam cho biết, chất lượng không khí chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện khí tượng dẫn đến quy luật diễn biến không khí chất lượng theo mùa trong năm, đặc biệt đô thị là vùng nhiệt độ sẽ tăng, tạo tụ không khí.
"Đúng như đại biểu nêu, qua theo dõi thì hiện trạng bụi mịn như PM10, PM2.5, đặc biệt trong tháng 10, tháng 12 trong những ngày vừa qua tăng nhiều do giao mùa" – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nói và thừa nhận hiện trạng chỉ số chất lượng không khí Hà Nội đều ở mức trung bình kém, có những thời điểm chạm ngưỡng xấu.
Trả lời về các giải pháp để cải thiện tình hình, ông Nam cho biết, TP.Hà Nội đã tập trung triển khai, đặc biệt thực hiện rà soát kế hoạch quản lý chất lượng môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và báo cáo UBND TP.Hà Nội ban hành, đề xuất 14 nhiệm vụ giải pháp tổng quan, thực hiện theo Luật Thủ đô vừa được ban hành.
Ông Lê Thanh Nam thừa nhận việc chất lượng không khí ở Hà Nội kém, cho biết Hà Nội cơ bản đã xoá bỏ bếp than tổ ong, giảm đốt rơm rạ... và hiện đang tiếp tục triển khai các biện pháp đồng bộ khác để cải thiện ô nhiễm môi trường không khí. Ảnh: TP.HN
Theo đó, sẽ xây dựng vùng phát thải thấp với khu vực hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm nhằm cải thiện chất lượng không khí. Bên cạnh đó ngành quy hoạch xác định, điều chỉnh lại phân vùng môi trường trong quy hoạch thủ đô.
Song song với đó thành phố giao Sở Giao thông Vận tải tham mưu, xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư các phương tiện, đầu tư các cơ sở, các hạ tầng công cộng như xe buýt, phương tiện sử dụng năng lượng xanh.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội cũng cho biết, một số giải pháp trong thời gian qua TP.Hà Nội đã đạt được là: Cơ bản xoá bỏ bếp than tổ ong, giảm lượng đốt rơm rạ, chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công…
Hiện đang triển khai đo khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành để làm cơ sở đề xuất giải pháp cải thiện không khí; tăng cường kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm, các công trình thi công, tăng cường tưới nước để giảm thiểu bụi và đặc biệt ở các phố nội đô kiểm soát kỹ việc sửa chữa nhà dân khi tập kết vật liệu cát, xi măng ở các vỉa hè cũng là nguyên nhân.
Về nguồn giao thông vận tải, tiếp tục tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường, thiết kế các hạ tầng cho xe đạp, điều tiết phân luồng, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Đồng bộ với các nội dung liên quan đến công nghiệp, nông nghiệp, các nguồn từ xây dựng, tăng cường công tác kiểm tra và đặc biệt tiếp tục chương trình trồng 1 triệu cây xanh cho Thủ đô.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của các cấp, các ngành, đặc biệt của người dân trong bảo vệ môi trường; tăng mức xử phạt khi có ý thức tương đối.
Ông Nam cũng cho biết, ngày 10/12/2024, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng đã ký ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua sáng, xanh, sạch, đẹp thành phố, với mục đích tạo ra sự thay đổi toàn diện, sâu sắc, lâu dài của môi trường Thủ đô trên nguyên tắc phải sạch trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.