Đề nghị giảm thuế VAT từ 3 – 4% để sớm hồi phục nền kinh tế
Đề nghị giảm thuế VAT từ 3 – 4% để sớm hồi phục nền kinh tế
Thái Nguyễn
Thứ tư, ngày 31/05/2023 14:18 PM (GMT+7)
Trong phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, nhiều ĐBQH cho ý kiến về các vấn đề quan trọng của nền kinh tế đang được dư luận quan tâm như: Giá điện, giảm thuế giá trị gia tăng,…
Về vốn vay của doanh nghiệp, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ từ đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã có ba đợt giảm lãi suất điều hành. Đây được xem là sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp cũng khó tiếp cận với vốn vay.
"Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải quy định trần room tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ bắt buộc mà mỗi ngân hàng phải đảm bảo chính là hệ số an toàn trong các lĩnh vực cùng với dự trữ bắt buộc đã giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lạm phát, nên chỉ cần Ngân hàng Nhà nước sử dụng nhiều công cụ dự trữ bắt buộc cùng với áp dụng quy định hệ số an toàn kèm theo, đã giúp các ngân hàng tự điều chỉnh mà không lệ thuộc quá nhiều vào trần room tín dụng", bà Vang kiến nghị.
Vì thế, theo đại biểu Tô Ái Vang, Ngân hàng Nhà nước cần có phương thức điều hành linh hoạt, đó là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột.
Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Bên cạnh đó đó, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét mức giảm thuế giá trị gia tăng xuống từ 3 đến 4% vì nếu chỉ giảm 2% chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế. Bởi vì trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm thuế, giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư thì chúng ta cũng nên xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua.
"Từ đó doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần vực dậy doanh nghiệp, góp phần cho sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội các địa phương trong cả nước. Đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội xem xét áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng kéo dài đến hết năm 2024 giúp cho chính sách này mang tính bền vững, lâu dài", đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị.
Làm rõ việc tăng giá điện và khoản lỗ 26.000 tỷ đồng của EVN
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) đánh giá, những kết quả đã đạt được năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, cùng những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô được báo cáo khách quan. Tuy vậy để đạt được các mục tiêu trong năm 2023, Chính phủ cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt bằng các giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ.
"Cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả và phải phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo lãnh hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát. Đồng thời cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn và mức tăng trưởng tín dụng", đại biểu Trí kiến nghị.
Đặc biệt, đại biểu đề nghị có giải pháp căn cơ khắc phục tồn tại vướng mắc ở thị trường điện, nhất là việc tăng giá điện. Trong đó, cần thiết phải làm rõ khoản lỗ 26.000 tỷ đồng của EVN một cách tường minh, cũng như có cơ chế quản lý minh bạch, tháo gỡ bất cập và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Cũng liên quan tới vấn đề về điện, đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, cần sớm huy động sản lượng lớn điện gió, mặt trời đã hoàn thành đấu nối lên lưới điện. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp điện tái tạo đang gặp khó khăn, điêu đứng, trong khi đó các dự án đầu tư xong nhưng không vận hành được thương mại là sự lãng phí quá lớn nguồn lực đất nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.